Trong hành trình sáng tạo nội dung, những người mới bước chân vào nghề thường e ngại về khả năng của mình, trong khi những Content Creator đã có nhiều kinh nghiệm thì lại lo lắng về việc phát triển thương hiệu của bản thân. Điều này đã khiến việc “tự tin” trở thành một yếu tố quan trọng trong hành trình sáng tạo của bất cứ Content Creator nào. 


Dưới đây sẽ là 4 cách giúp các Content Creator gia tăng sự tự tin trên hành trình sáng tạo nội dung.


1. Thực hành sáng tạo nội dung 


Cả những newbie và những Creator đã có kinh nghiệm đều biết rằng, đằng sau sự tự tin trong kỹ năng là sự nỗ lực liên tục trong việc sáng tạo nội dung. Càng thành thục công việc, họ càng tự tin hơn về khả năng của mình. 


Tuy nhiên, có thể những bước tiến đầu tiên trong hành trình sáng tạo sẽ không hoàn hảo. Sản phẩm đầu tiên có thể không được như mong đợi nhưng điều quan trọng là nhân sự phải tiếp tục thực hiện và cải thiện từng ngày.


Một số “bài tập" mà các Content Creator có thể thực hành để nâng cao sự tự tin về kỹ năng của mình bao gồm:  

  • Đặt mục tiêu viết mỗi ngày giúp nhân sự cải thiện kỹ năng viết và tìm ra được phong cách riêng. 
  • Khám phá nhiều nền tảng sáng tạo như: podcast, livestream,... để mở rộng phạm vi kỹ năng. 
  • Luyện tập nói trước máy quay. 
  • Chỉnh sửa video trên các ứng dụng như CapCut, Premiere,... 
  • Thực hành quay video bằng cách mang theo máy ảnh trong mọi chuyến đi.



2. Hiểu rõ bản thân mình đang ở giai đoạn nào trong hành trình sự nghiệp của một Content Creator


Một người sáng tạo mới thường sẽ chú trọng vào việc bắt đầu và xây dựng nền tảng. Trong khi đó, người sáng tạo có nhiều kinh nghiệm hơn có thể sẽ quan tâm đến việc phát triển, mở rộng thương hiệu hoặc khám phá các cơ hội mới. 


“Giai đoạn sự nghiệp của một Content Creator" theo Forbes bao gồm:


  • Plant your seed (tạm dịch: Giai đoạn gieo hạt): Đây là giai đoạn một Content Creator mới bước chân vào nghề. Trọng tâm của các nhân sự này là khám phá lĩnh vực mà họ yêu thích và bắt đầu học cách sáng tạo nội dung. 
  • Develop into a sprout (tạm dịch: Giai đoạn nảy mầm): Giai đoạn mà nhà sáng tạo nội dung đã tạo kênh trên một nền tảng như TikTok, YouTube,... Họ đã xác định được mục đích, ngách nội dung mong muốn và tìm hiểu về các nguồn thu mà kênh có thể mang lại. 
  • Grow into a daisy (tạm dịch: Giai đoạn phát triển): Nhà sáng tạo nội dung đã sở hữu nhiều kênh truyền thông và tập trung vào việc kiếm thêm thu nhập trên các kênh của họ. Ngoài ra, họ có thể tìm hiểu nhiều hơn về thị trường Influencer. 
  • Flourish into sunflower (tạm dịch: Giai đoạn trưởng thành): Đây là giai đoạn một nhà sáng tạo nội dung đã có tầm ảnh hưởng nhất định, có sự hiểu biết sâu sắc về thương hiệu, doanh nghiệp và các kênh truyền thông xã hội mà họ đang sở hữu. Ngoài ra, các nhà sáng tạo nội dung đã có thể phần nào dự đoán được điều tiếp theo có thể xảy ra với hoạt động kinh doanh của họ. Từ đó, các Creator sẽ tập trung vào việc phát triển, mở rộng dịch vụ và sản phẩm của thương hiệu. 


Khi đã hiểu rõ “Giai đoạn sự nghiệp của một Content Creator", nhân sự sẽ xác định được đâu mới là nơi mà mình cần phải tập trung năng lượng và dốc toàn lực phấn đấu. Hiểu rõ hướng đi cần thiết để phát triển bản thân cũng là một phương pháp để giúp nhân sự tăng thêm sự tự tin.



3. Mở rộng mối quan hệ và đầu tư vào phát triển kỹ năng 


Bất kể nhân sự đang ở giai đoạn nào trong hành trình sáng tạo, việc mở rộng mối quan hệ và kết nối với các nhân sự ở cùng lĩnh vực đều mang lại những lợi ích đáng kể. Gặp gỡ và trò chuyện với các Content Creator khác có thể giúp nhân sự hiểu rõ hơn về thị trường Influencer và cách mà họ kinh doanh. 


Mỗi nhà sáng tạo nội dung đều có những kinh nghiệm đặc biệt mà nhân sự có thể học hỏi. Nhân sự cũng có thể tìm hiểu về các công cụ và phương tiện mà họ sử dụng để quản lý công việc, từ đó tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.



Hơn nữa, việc tạo ra mối quan hệ thân thiết giữa các Creator cũng có thể kích thích sự sáng tạo của nhân sự. Bằng cách kết nối và nuôi dưỡng các mối quan hệ này, nhân sự có thể mở ra cơ hội trao đổi ý tưởng và nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn khác lực nhau, phát triển mạnh mẽ hơn trong sự nghiệp sáng tạo của mình. 


Khi đã xác định được bản thân đang ở giai đoạn nào trong “Giai đoạn sự nghiệp của một Content Creator”, nhân sự sẽ biết được những điểm mạnh và cơ hội phát triển của bản thân trong lĩnh vực này. 


Ở giai đoạn gieo hạt và nảy mầm, nhân sự chỉ nên tập trung vào việc tìm hiểu cách sáng tạo nội dung. Và đây là một số gợi ý cho các nhà sáng tạo nội dung mới:

  • Tìm kiếm các Podcast có các chủ đề về Influencer hoặc Content Creator. 
  • Đọc các bài viết trực tuyến và xem các video hướng dẫn cách chỉnh sửa video, hình ảnh trên YouTube. Ngoài ra, nhân sự còn có thể tìm xem các video về nội dung mà mình yêu thích. 
  • Theo dõi những nhà sáng tạo nội dung uy tín trên mạng xã hội để học hỏi cách họ truyền tải thông tin.
  • Nếu có hứng thú về việc viết blog, nhân sự có thể đăng ký các khoá học để trau dồi kỹ năng viết và biên tập nội dung.






Nếu Content Creator đang ở giai đoạn phát triển và trưởng thành thì đây chính là một số cách mà nhân sự có thể đầu tư vào thương hiệu cá nhân: 

  • Tham gia các buổi thảo luận hoặc các nhóm tư vấn dành cho người sáng tạo để phát triển kênh thương hiệu.   
  • Nhân sự có thể đăng ký các khóa học trực tuyến để học hỏi các nguồn thu nhập mới mà thương hiệu có thể mang lại (ví dụ: phát triển khóa học của riêng mình).
  • Kết nối và thảo luận với các Content Creator khác để tìm hiểu họ đã thuê nhân sự nào từ bên ngoài để tối ưu hoá thời gian. 


4. Chấp nhận tư duy Growth Mindset (Tư duy phát triển)


Tiến sĩ Carol Dweck định nghĩa Growth Mindset rằng: “Kỹ năng, tài năng và trí thông minh là những điều có thể được cải thiện thông qua ý thức và nỗ lực.” 


Có thể các Content Creator không có khả năng bẩm sinh có thể tự tin nói trước máy quay, chỉnh sửa video ngắn hoặc dài, hoặc biết cách tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Tất cả những kỹ năng tạo nội dung này đều sẽ có thể phát triển theo thời gian và thông qua quá trình thực hành. Thực hành Growth Mindset giúp nhân sự linh hoạt hơn khi phải đối mặt với những thách thức trong sự nghiệp và cho phép nhân sự học hỏi từ những sai lầm. Từ đó, nhân sự sẽ tự tin hơn trong hành trình sáng tạo của mình. 


Theo Forbes

Kim Yến