Có thể thấy, lĩnh vực tài chính tại Đông Nam Á hiện nay đang có những biến đổi một cách nhanh chóng khi mà các ngân hàng truyền thống và công ty fintech khởi nghiệp cạnh tranh lẫn nhau để có được sự chú ý cũng như chi tiêu của người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu cách mà các ngân hàng truyền thống tại Việt Nam đã và đang chuyển đổi các chiến lược marketing, nhận diện thương hiệu và cung cấp sản phẩm như thế nào để kết nối với nhóm người tiêu dùng trẻ - thế hệ luôn tìm kiếm những cách thức thuận lợi nhất trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.


Theo số liệu từ một nghiên cứu của Google cho thấy, Đông Nam Á là một trong những khu vực có số lượng người không sở hữu tài khoản ngân hàng cao nhất thế giới. Trung bình, chỉ 50% người dân sử dụng các dịch vụ tài chính như thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm, hay tài khoản ngân hàng. Trong khi đó tại Việt Nam, vào năm 2018, gần 70% người dân không sử dụng bất kỳ một dịch vụ tài chính nào, kể cả những dịch vụ cơ bản nhất là đăng ký một tài khoản ngân hàng.


Đây được xem là cơ hội vàng để các thương hiệu thu hút khán giả mới đến với các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số của họ, vì phần lớn những người chưa sở hữu tài khoản ngân hàng nào thuộc thế hệ Millennials, độ tuổi mà mọi người đang bắt đầu cân nhắc lựa chọn các dịch vụ tài chính.


Tuy nhiên, với một ngành công nghiệp tài chính có độ phân mảnh cao, làm thế nào để các doanh nghiệp tài chính nổi bật hơn những công ty khởi nghiệp hay các thương hiệu số khác? Tại “sân chơi” này, người giành chiến thắng chính là người có thể tìm và sở hữu các mối quan hệ cũng như tạo dựng được niềm tin với khách hàng.


Ba lĩnh vực mà các công ty nên chú ý để đạt được sự thu hút của khách hàng.


Tốc độ phát triển nhanh chóng của ngân hàng số tại Việt Nam


Bước vào kỷ nguyên mới của dịch vụ tài chính số, chúng ta đang chứng kiến ​​sự chuyển đổi kỹ thuật số lớn trên khắp đất nước Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, khi mà mức thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực được dự kiến ​​sẽ vượt quá 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2025.


Việt Nam được dự báo là thị trường phát triển nhanh nhất về doanh thu dịch vụ tài chính, với lĩnh vực fintech thu được 4,6 tỷ đô la vốn đầu tư mạo hiểm trong 5 năm qua. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số mới nổi, bao gồm các công ty fintech thuần túy như eWallets hay MoMo, các nền tảng công nghệ tiêu dùng bao gồm ứng dụng giao thức ăn, ứng dụng gọi xe, doanh nghiệp dịch vụ tài chính và tiêu dùng có tên tuổi như tập đoàn viễn thông, ngân hàng, công ty bảo hiểm.


Số lượt tải ứng dụng tài chính cũng đã tăng 33% khi mọi người chuyển từ thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng địa phương sang các ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Nếu xét tỷ lệ tải ứng dụng tài chính toàn cầu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, có thể nói rằng người tiêu dùng Việt Nam dường như đang dành tình cảm của mình cho các dịch vụ ngân hàng số nhiều hơn trước. 


Số lượt tải các ứng dụng tài chính cũng tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.


Xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt trong thời gian gần đây cũng bắt đầu tăng nhanh vì COVID-19. Trên thực tế, tổng số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống chuyển mạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Và người tiêu dùng dường như chi tiêu nhiều hơn, với tổng giá trị giao dịch tăng 124%.


Với con số 94% người tiêu dùng sỡ hữu ít nhất một dịch vụ kỹ thuật số sau COVID-19, những hoạt động trực tuyến này có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai - đặc biệt là khi có rất ít ví điện tử Việt Nam được sử dụng trước đại dịch.


TPBank đã thúc đẩy tăng trưởng của mình thông qua việc tiếp cận thế hệ Millennials bằng kỹ thuật số như thế nào?


Để đáp ứng sự thay đổi tư duy của người tiêu dùng cũng như làm cho khách hàng sẵn sàng chấp nhận các dịch vụ kỹ thuật số, TPBank, một ngân hàng tương đối mới so với các tổ chức tài chính truyền thống, đã thực hiện chuyển đổi sang cách tiếp cận ưu tiên kỹ thuật số.


Mong muốn kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi, TPBank ra mắt tính năng định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) - một cách thức thuận tiện và an toàn cho người Việt Nam sở hữu các sản phẩm tài chính trực tuyến. Bên cạnh đó, với mục tiêu chứng minh sự dễ dàng trong việc sử dụng ứng dụng của mình ở lĩnh vực ngân hàng trực tuyến, TPBank đã hợp tác cùng Google nhằm tìm ra xu hướng hành vi của đối tượng khách hàng mục tiêu: Thế hệ người tiêu dùng trẻ và sẵn sàng về tài chính. Thông qua các dữ liệu thu thập được, TPBank đã quyết định chọn ca sĩ Sơn Tùng M-TP trở thành gương mặt đại diện, triển khai chiến lược truyền thông Blast đa kênh, tập trung vào sáng tạo video cùng sự góp mặt của nam nghệ sĩ này.


Hình ảnh ca sĩ Sơn Tùng M-TP cùng chiến dịch truyền thông của TPBank.


Kết quả, chiến dịch đã đem đến cho TPBank 40% người dùng ứng dụng mới có độ tuổi từ 18 đến 24. Nhờ vào sự chú ý liên tục đến chiến dịch thông qua Google Tìm kiếm và Ứng dụng, TPBank đã đạt được hơn 100 triệu lần hiển thị quảng cáo, tìm kiếm về thương hiệu tăng 50% và chỉ số cân nhắc thương hiệu tăng 9%. Khách hàng đăng ký thành công tài khoản qua ứng dụng TPBank cũng đã tăng từ 5% đến 45% sau khi chiến dịch được thực hiện, 30.000 khách hàng đăng ký eKYC, cùng với 120.000 người dùng mới đăng ký ứng dụng TPBank.


Chiến lược của ngân hàng TPBank.


Nhìn chung, TPBank đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng gấp 1,5 lần số lượng giao dịch qua ứng dụng sau khi ra mắt và trở thành ứng dụng tài chính đứng đầu trên Google Play và App Store xuyên suốt thời gian chiến dịch diễn ra.


Ba mẹo dành cho các nhà tiếp thị ngân hàng kỹ thuật số vào năm 2021


1. Người tiêu dùng đang tích cực tìm kiếm và xem nội dung liên quan đến tài chính


Theo số liệu, hơn 50% thời gian người tiêu dùng Việt khi mua một sản phẩm tài chính mới, họ phát hiện ra một nhà cung cấp mà trước đây mình chưa từng cân nhắc. Vào năm 2020, thời gian xem các video có nội dung tài chính tăng gấp 2 lần và sở thích tìm kiếm các cụm từ liên quan đến ngân hàng trực tuyến tăng 22% từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020. Sở thích tìm kiếm đối với ngân hàng trực tuyến trên YouTube cũng tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.


Vì vậy, hãy đưa thương hiệu của bạn vào tầm ngắm khách bằng cách thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vào những thời điểm nghiên quan trọng trong hành trình tiêu dùng trên các kênh như YouTube và Google Tìm kiếm.


2. Cung cấp cho người tiêu dùng thông tin họ cần để đưa ra quyết định đúng


Việc mua các sản phẩm tài chính đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, 94% người tiêu dùng tài chính Việt Nam thực hiện nghiên cứu trực tuyến tại một số thời điểm trong quá trình mua hàng của họ. Theo số liệu từ Google, sự quan tâm và tìm kiếm của người tiêu dùng đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2017.


Bạn có thể sử dụng quảng cáo tìm kiếm động để giúp khách hàng tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm bằng cách cung cấp thông tin cụ thể. Tự động hóa loại bỏ phỏng đoán và cho phép các nhà tiếp thị cung cấp thông điệp được cá nhân hóa cho đúng đối tượng vào đúng thời điểm.


3. Tạo ra các giải pháp tập trung vào khách hàng để đáp ứng nhu cầu của họ


Quyền riêng tư và bảo mật luôn là điều được khách hàng quan tâm hàng đầu, vì vậy hãy đảm bảo bạn trình bày rõ cách các ứng dụng tài chính của mình cung cấp trải nghiệm an toàn và dễ dàng đáp ứng nhu cầu của họ về sự an toàn và tiện lợi.


Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Theo Think with Google