Trong khi “cơn sốt” ChatGPT đã dần hạ nhiệt, hàng loạt ứng dụng A.I vẫn liên tục ra đời nhằm mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng. Hầu hết các ứng dụng phổ biến hiện nay như ChatGPT, Google Bard, Midjourney,... đều thiên về tính năng soạn thảo văn bản và thiết kế hình ảnh.


Thế nhưng các “ông lớn” ngành Công nghệ hay thậm chí là nhiều công ty nhỏ khác cũng đã ứng dụng A.I nhằm tạo nên nhiều công cụ với tính năng đa dạng, hấp dẫn hơn như thiết kế nội thất, sáng tác âm nhạc, phân biệt chatbot và người thật,... Cùng khám phá 8 ứng dụng A.I “độc lạ” qua bài viết dưới đây!


1. Công cụ sáng tạo câu chuyện dành cho trẻ em Schrodi


Nếu như trước đây, người dùng phải tự vẽ tay hoặc sử dụng nhiều công cụ khác nhau để sáng tác truyện thiếu nhi làm mất nhiều thời gian, hiện nay ứng dụng Schrodi có thể hỗ trợ người dùng sáng tạo nhanh chóng hơn. Người dùng sẽ phải truy cập vào tài khoản Gmail của mình, sau đó mới chính thức bước vào công việc sáng tạo. Đầu tiên, hãy đặt tên cho nhân vật chính trong câu chuyện. Người dùng có thể đặt bất kỳ cái tên nào mình mong muốn, tiếp đó chọn một thể loại mà mình mong muốn. Công cụ hỗ trợ 4 thể loại là Hài kịch, Tưởng tượng, Giật gân và Khoa học Viễn tưởng. Tại đây, người dùng cũng có thể miêu tả rõ hơn về nội dung mình mong muốn, sắp xếp thêm các nhân vật phụ để công nghệ máy học có thể hiểu rõ hơn về cốt truyện. 


Các bước tạo nên câu chuyện trong Schrodi


Bước tiếp theo, người dùng sẽ lựa chọn phong cách minh họa, đơn cử như màu nước, hoạt hình, 3D, điện ảnh,... Sau một vài phút, người dùng có thể đọc nội dung quyển truyện do mình tự tay chọn lựa tình tiết, nhân vật, màu sắc trang bìa và tải xuống file dạng PDF để chia sẻ với bạn bè, người thân. 


Công cụ này được thiết kế thân thiện với người dùng, không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao. Do đó, cha mẹ, giáo viên và những người bảo mẫu cũng có thể sử dụng Schrodi để tạo ra những câu chuyện thu hút với trẻ em. Lưu ý rằng mỗi tài khoản Gmail chỉ có thể sử dụng để tạo một câu chuyện. Người dùng cũng có thể truy cập trang Discord của ứng dụng để đặt câu hỏi và tương tác với những người dùng khác.


Một slide câu chuyện do Schrodi sáng tác. Ứng dụng cũng khuyến khích người dùng cung cấp feedback để cải thiện ứng dụng


2. Tạo nội dung cho điện thoại bằng Piggy


Được ra mắt cách đây 3 năm, Piggy là ứng dụng sáng tạo nội dung dựa trên A.I, có khả năng hỗ trợ người dùng tạo nội dung từ các đoạn văn bản với định dạng phù hợp nhất để xem trên thiết bị di động. Điều thú vị là các nhà phát triển gọi nội dung được tạo ra trên ứng dụng là Piggy, tức là “con heo đất”.


Để sử dụng lần đầu tiên, người dùng hãy tải ứng dụng xuống điện thoại của mình từ App Store hoặc Google Play Store. Khi mở ứng dụng lên, người dùng cần nhập địa chỉ email của mình và xác nhận liên kết mà bạn nhận được trong email do Piggy gửi.


Giao diện của Piggy


Sau khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký tài khoản, người dùng sẽ nhập nội dung mình muốn vào thanh tìm kiếm (search box). Đơn cử như khi điền “How to learn faster?” (Làm thế nào để học nhanh hơn?), Piggy sẽ bắt đầu tạo loạt nội dung theo kích thước 9:16 để người dùng có thể đọc một cách dễ dàng trên điện thoại di động. Người dùng có thể kéo lên kéo xuống để xem từng hình, từ đó nắm được nội dung chi tiết hơn. 


Mỗi lần người dùng sử dụng, ứng dụng đều sẽ lưu thông tin trên ứng dụng để người dùng có thể truy cập và đọc lại bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, người dùng cũng có khả năng tải xuống thông tin dưới dạng ảnh hoặc video. 



3. Tạo video ngắn với Wochit


Wochit là công ty hàng đầu trong việc tạo video, đồng thời là đối tác của nhiều công ty truyền thông lớn như Business Insider Germany, Burda, LOCALiQ,... Vào tháng 3/2023, công ty đã chính thức ra mắt công cụ tạo video ngắn bằng công nghệ A.I của ChatGPT mang tên Wochit Wizard


Theo đó, người dùng có thể dễ dàng tạo nên các video chỉ bằng một vài từ miêu tả đơn giản. Công cụ sẽ tự động sáng tác kịch bản, lồng ghép các hiệu ứng, đồ hoạ và âm nhạc để mang đến một video chất lượng cao cho người dùng. Sau khi hoàn tất quá trình sáng tạo, Wochit Wizard sẽ gửi đường link video về email của người dùng.


Giao diện trang chủ của Wochit. Người dùng chỉ cần điền một vài từ miêu tả để công cụ sáng tạo video


Tuy nhiên, nếu video do Wochit Wizard tạo nên không đúng với mong muốn, người dùng có thể nhấn vào nút “Edit” (Chỉnh sửa) để điều chỉnh text, sắp xếp hình ảnh, thời lượng video,...


Video sau khi hoàn tất quá trình sáng tạo


Trước khi ra mắt rộng rãi, Wochit đã cho phép một số khách hàng trải nghiệm trước và thu thập phản hồi. Từ đó, đội ngũ phát triển sẽ dựa trên những feedback này nhằm nâng cao chất lượng của công cụ. Giờ đây, người dùng có thể thỏa thích sử dụng Wochit Wizard để tạo nên những video chuyên nghiệp miễn phí.


4. Sáng tác âm nhạc bằng MusicLM của Google


MusicLM là một công cụ sáng tác nhạc bằng A.I mà Google đã mất đến 28.000 giờ để phát triển. Theo đó, công cụ cho phép người dùng tạo ra đoạn nhạc từ các mô tả văn bản. Không cần phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, người dùng vẫn có thể tạo nên những âm thanh bắt tai, thú vị khi nhập một vài từ khóa, miêu tả cảm xúc hoặc thậm chí mô tả về các yếu tố âm nhạc cụ thể.


Cũng giống như Wochit Wizard, MusicLM được Google ra mắt trước với phiên bản trải nghiệm dành cho một số ít người dùng. Sau khi điều chỉnh một số tính năng theo gợi ý từ feedback của người dùng, công cụ đã chính thức được tung ra. Người dùng có thể chọn nhiều thể loại âm nhạc như cổ điển, rock, điện tử, jazz hoặc thậm chí thử nghiệm với các thể loại kết hợp. Có thể thấy, MusicLM tạo nên một không gian sáng tạo tự do cho người dùng, giúp họ có cơ hội trải nghiệm công việc làm nhạc. 


Các bước sáng tác nhạc trên công cụ A.I MusicLM


Song, người dùng cũng cần lưu ý rằng một số yêu cầu liên quan đến âm nhạc hoặc giọng hát của một nghệ sĩ cụ thể nào đó có thể sẽ không được thực hiện bởi lý do bản quyền. Hiện ứng dụng chỉ có mặt trên Apple Store và đã thu hút hơn 100 nghìn lượt tải xuống.


5. Phân biệt con người với chatbot bằng Human Or Not


"Human Or Not" được sản xuất bởi công ty Kiplio. Kể từ khi ra mắt vào giữa tháng 4/2023, hơn 15 triệu lượt chơi đã được thực hiện trong ứng dụng. Theo đó, "Human Or Not" được phát triển dưới hình thức câu đố, nhằm thách thức người dùng phân biệt giữa hình ảnh do con người và A.I tạo ra. 


Các tính năng chính của ứng dụng có thể kể đến như các câu đố vui thú vị nhằm kiểm tra khả năng các hình ảnh, khám phá thế giới hấp dẫn của các tác phẩm do A.I tạo ra,... Ngoài ra, người dùng cũng có thể trò chuyện với chatbot của "Human Or Not" để được hỗ trợ trong suốt quá trình trải nghiệm. 


Giao diện của ứng dụng Human Or Not


Trước sự phát triển mạnh mẽ của “Human Or Not", công ty Al21 Labs đã bắt tay vào nghiên cứu kết quả của ứng dụng. Dựa trên hai triệu lần tham gia trò chơi của người dùng trên khắp thế giới, công ty đã kết luận rằng chỉ có 32% người dùng không thể phân biệt A.I và người thật.


6. Thiết kế nội thất với Fotor AI Interior Design


Fotor là trình tạo văn bản thành hình ảnh dựa trên A.I. Theo chia sẻ từ nhà phát triển, ứng dụng đã được đào tạo bởi hàng triệu hình ảnh phổ biến trên Internet. Do đó, nền tảng có thể hiểu các yêu cầu bằng văn bản của người dùng. Tuy nhiên, nếu người dùng càng mô tả chi tiết, kết quả sẽ càng hiệu quả hơn.


Với Fotor AI Interior Design, người dùng có thể tối ưu hóa việc thiết kế phòng bằng cách tải lên hình ảnh căn phòng của chính mình. Từ đó, Fotor sẽ tự động sáng tạo dựa trên cấu trúc phòng ở của người dùng. Dưới đây là một ví dụ khi người dùng chỉ nhập văn bản với yêu cầu “một căn phòng được thiết kế theo concept vũ trụ”. Có thể thấy, nền tảng sẽ thiết kế theo mong muốn của người dùng tại một căn phòng bất kỳ.



Tuy nhiên, người dùng cũng cần lưu ý rằng tài khoản miễn phí chỉ sử dụng được 2 lần. Ngoài ra, công cụ còn có nhiều gói đăng ký khác như Fotor Pro có giá 3,33 USD/tháng (khoảng 80 nghìn đồng) hoặc 7,49 USD/tháng (180 nghìn đồng) cho Fotor Pro+. Sự khác biệt giữa hai gói là Fotor Pro+ có dung lượng lưu trữ đám mây 10GB và 300 lượt sử dụng mỗi tháng, trong khi Fotor Pro chỉ có dung lượng 2GB và 100 lượt dùng mỗi tháng.


7. Shortwave giúp tiết kiệm thời gian đọc email


Khi người dùng quá ngán ngẩm với việc phải đọc các email dài ngoằng mà mãi vẫn không thể tìm được ý chính, công cụ Shortwave ra đời đã đơn giản hóa quá trình này, đặc biệt là không cần đăng ký, trả phí hay chờ đợi. Người dùng chỉ cần sử dụng email hiện tại của bản thân để trải nghiệm Shortwave.


Được tích hợp công nghệ GPT-3 của OpenAI, công cụ giúp người dùng nhanh chóng nắm được ý chính của email, tiết kiệm thời gian để làm những công việc quan trọng hơn. Hơn nữa, người dùng cũng có thể chuyển tiếp bản tóm tắt nội dung đến những người khác để họ có thể nắm bắt thông tin nhanh gọn ngay cả khi họ không sử dụng Shortwave. Ngoài ra, công cụ cũng có thể dịch thuật tất cả các ngôn ngữ nhằm giúp người dùng dễ hiểu các nội dung được đề cập trong email.



Dù được cung cấp miễn phí, song Shortwave cũng có gói đăng ký giá 9 USD/tháng để mang đến nhiều tính năng cao cấp hơn như phân loại hộp thư trên Gmail, sắp xếp email theo thời gian, ghim các tin quan trọng lên vị trí đầu, phản hồi bằng emoji (biểu tượng cảm xúc) và GIF (ảnh động). Ngoài ra, người dùng cũng có thể chuyển tiếp email có thông tin cuộc họp tới tài khoản [email protected]. Công cụ sẽ cung cấp lời nhắc nhở theo lịch, tránh trường hợp người dùng quên ghi lại lịch họp của mình. 


8. Ngắm nhìn diện mạo của bản thân sau 20 năm với Extrapolate


Tuổi tác luôn là một vấn đề nhạy cảm với đông đảo người dùng nam lẫn nữ. Tuy vậy, chắc hẳn không ít lần mọi người tò mò rằng nhan sắc của mình sau 20 năm nữa sẽ trông như thế nào. Không cần dùng Photoshop hay các thao tác cầu kỳ, kết quả sẽ được bật mí sau 2 đến 3 phút tại ứng dụng Extrapolate.



Theo đó, người dùng chỉ cần truy cập trang web và đăng tải hình ảnh của chính mình. Công cụ sẽ mất khoảng một vài phút để thực hiện. Sau khi Extrapolate hoàn tất, người dùng sẽ nhìn thấy một ảnh động miêu tả rõ rệt quá trình lão hoá của bản thân. Đôi khi hình ảnh sẽ trông hơi… đáng sợ nhưng cũng khá thú vị nếu người dùng tò mò về dung mạo của bản thân sau 20 năm.


Hiện nay, người dùng có thể sử dụng Extrapolate hoàn toàn miễn phí. Hình ảnh của người dùng sẽ được lưu trữ trên trang web trong 24 giờ, sau đó công cụ sẽ tự động xoá hình ảnh. 


Kim Ngọc