"Nhà sáng tạo phải kiểm soát sự hợp pháp và an toàn của sản phẩm được quảng cáo”

Thời gian gần đây, nghề vẽ minh hoạ đang nhận nhiều sự chú ý. Hoạ sĩ vẽ minh hoạ (Illustrator) là người “thổi hồn” cho các định dạng nội dung trên tạp chí, truyện tranh, sách, áp phích, quảng cáo hay ngay cả trên phim ảnh. Cộng đồng Illustrator (người vẽ minh hoạ) theo đó ngày càng đông đảo hơn, sáng tạo nhiều dự án có giá trị. Ví dụ có thể kể đến những chiến dịch lan tỏa thông điệp ý nghĩa như Behum2k22 (vẽ hổ chào đón năm Nhâm Dần), Nảy Mầm (thể hiện tình yêu cây cối qua tranh vẽ) hay Make art from home (vẽ tranh trong thời gian giãn cách xã hội),... Gắn liền với hai chữ “nghệ thuật”, nghề vẽ minh hoạ khiến nhiều người băn khoăn về cơ hội việc làm, mức thu nhập hay hướng phát triển,... 


Thành lập fanpage X.Lan từ năm 2012, Xuân Lan chọn từ bỏ công việc giảng viên Tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội để theo đuổi đam mê. Đến nay, nữ hoạ sĩ sở hữu gần 130 nghìn người theo dõi và có kinh nghiệm cộng tác cùng nhiều thương hiệu, tổ chức lớn như UNWomen, UNICEF, Dove, Vietjet, LG, Yamaha,... chị đã chia sẻ về hành trình 10 năm theo đuổi nghề vẽ minh hoạ. Nữ hoạ sĩ đánh giá thị trường này vô cùng sôi động với những cơ hội rộng mở cho nhà sáng tạo. 




Chọn nét vẽ đơn giản và mộc mạc, X.Lan tập trung khai thác những khía cạnh gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Nữ hoạ sĩ là tác giả của bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vắc-xin” với hơn 70 nghìn lượt yêu thích và được đăng lại trên fanpage chính thức của “UNICEF Viet Nam - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc”. Bộ tranh ghi lại hành trình đi tiêm chủng của chính nữ hoạ sĩ và gây ấn tượng bởi những thông tin thiết thực, trong bối cảnh trải nghiệm này còn mới mẻ với nhiều người. 


Bộ tranh "Nhật ký đi tiêm vắc-xin" nhận về lượt tương tác khủng


Bên cạnh “Nhật ký đi tiêm vắc-xin”, X.Lan còn sở hữu hàng loạt sản phẩm viral (lan toả) như bộ tranh “Em bé cách ly” (13 nghìn lượt tương tác), “Hồi bé ăn gì” (5 nghìn lượt chia sẻ),... Bằng kinh nghiệm của mình, nữ hoạ sĩ chia sẻ 4 yếu tố góp phần tạo nên một tác phẩm có tính lan tỏa bao gồm:

  • Xu hướng: Những gì đang diễn ra hiện tại và được nhiều người quan tâm như COVID-19, nhạc rap, chứng khoán,...
  • Yếu tố hài hước: Nội dung càng thú vị và hài hước thì khả năng lan toả càng cao 
  • Chủ đề dễ gây tranh luận: Những tranh luận trái chiều thường thu hút nhiều độc giả theo dõi và tham gia đóng góp ý kiến
  • Đúng insight: Khai thác những nội dung gần gũi, phù hợp với tệp khán giả mục tiêu của nhà sáng tạo


“Đánh vào xu hướng hay những chủ đề dễ gây tranh cãi là hai hướng phổ biến giúp một nội dung được lan tỏa nhanh chóng. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi có thể gây tổn hại đến hình ảnh của nhà sáng tạo nội dung trong mắt những khán giả mục tiêu của mình. Việc vội vàng bắt trend trong khi chưa nắm bắt được thông tin chính xác sẽ khá nguy hiểm. Ngoài ra, nếu liên tục bị cuốn vào xu hướng bằng những nội dung nhanh và dễ dãi, hao hao người khác, thì nhà sáng tạo cũng khó có thể trở nên nổi bật trong ấn tượng của độc giả.”



Cùng với sự phát triển của truyền thông xã hội, định dạng truyện tranh (comic strip) lên ngôi và phủ sóng nhiều lĩnh vực, từ truyền thông, quảng cáo đến lifestyle, tài chính... Các tác phẩm ngắn với nội dung hài hước của nghệ sĩ Việt có cơ hội tiếp cận nhiều độc giả hơn. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển nhanh chóng cũng là lúc việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội ngày càng cạnh tranh với tốc độ đào thải nhanh. 


Một trong những định kiến thường gặp về nghề vẽ minh hoạ là thu nhập bấp bênh, không kiếm được nhiều tiền. Trong khi rất nhiều lĩnh vực ngày nay có nhu cầu về minh hoạ như truyền thông, quảng cáo, game, xuất bản,... Ngoài ra, hoạ sĩ minh hoạ có thể xây dựng một thương hiệu comic strip trên mạng xã hội và có thêm thu nhập từ hoạt động quảng cáo hay bán các sản phẩm thương mại (merchandise). Với những cơ hội rộng mở cho hoạ sĩ vẽ minh hoạ, X.Lan cho rằng, nhà sáng tạo không nên “đặt cược” hoàn toàn vào xu hướng mà nên có kế hoạch dự phòng và phát triển những khả năng khác của bản thân. Ví dụ như Thỏ Bảy Màu (3,5 triệu lượt theo dõi trên Facebook) đã ra mắt sách, bán vật phẩm, bắt tay làm phim hoạt hình hay Quỳnh Aka phát triển nội dung dạng ngắn trên TikTok. Về phần X.Lan, chị hoạt động như một nghệ sĩ minh hoạ tự do với công việc chính xoay quanh mảng quảng cáo. 



Khi sở hữu lượng người theo dõi đủ lớn hoặc có tên tuổi trong giới, nghệ sĩ minh hoạ sẽ có cơ hội làm việc với nhãn hàng để quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu. Thông thường, quy trình sản xuất bao gồm các bước:

  • Bước 1: Nhà sáng tạo nhận đề bài và làm rõ những yêu cầu từ nhãn hàng 
  • Bước 2: Phát triển ý tưởng từ brief ban đầu
  • Bước 3: Vẽ nháp (draft), vẽ hoàn chỉnh, lên màu 
  • Bước 4: Hoàn thiện và đăng tải sản phẩm


Quá trình hoàn thiện một tác phẩm minh hoạ


Theo X.Lan, thách thức đầu tiên khi làm việc với nhãn hàng là luôn cân bằng “thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ” và thông điệp thương hiệu. Giữ vai trò là người kết nối giữa thương hiệu và khán giả, nhà sáng tạo phải cân nhắc việc lồng ghép thông điệp quảng cáo sao cho tự nhiên và hợp lý. 


Các sản phẩm X.Lan từng cộng tác với nhãn hàng


“Sẽ luôn có sự khác biệt giữa nội dung sáng tạo cá nhân và nội dung thương mại. Các nhãn hàng sẽ yêu cầu đưa vào những chi tiết quảng cáo nhất định, và điều đó phần nào sẽ gây hạn chế cho quá trình sáng tác. Nhà sáng tạo sẽ phải tìm cách cân bằng giữa việc thể hiện phong cách cá nhân và truyền tải thông điệp cho sản phẩm. Để làm được điều đó, nhà sáng tạo cần làm việc sát sao với nhãn hàng ngay từ khâu đưa đề bài và vạch rõ ‘giới hạn’ trong quá trình làm việc”.



Từ góc độ sáng tạo nội dung, nghệ sĩ minh hoạ là người hiểu độc giả, người theo dõi của mình hơn nên có thể đề xuất, tư vấn cho nhãn hàng hướng đi phù hợp, đồng thời, trong quá trình làm việc sẽ luôn cố gắng giữ những gì “nguyên bản” để người đọc nhận ra mình. 


Khi đăng tải một tác phẩm, họa sĩ phải đảm bảo tác phẩm giữ được tinh thần cũng như thẩm mỹ chung cho fanpage. Nếu các yêu cầu từ phía nhãn hàng vượt quá những giới hạn cho phép và gây ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm trong mắt độc giả, họa sĩ nên cân nhắc và có thể sẽ phải kiên quyết trong quá trình thương lượng với nhãn hàng.


Trong một lần hợp tác, bên nhãn hàng đã yêu cầu X.Lan đổi màu tác phẩm sau khi bộ tranh hoàn thành. Sự điều chỉnh đó tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ làm sai lệch tất cả ý đồ thể hiện của nữ hoạ sĩ. Nhận thấy việc “chiều lòng” khách hàng sẽ khiến chất lượng của tác phẩm bị lệch khỏi tiêu chuẩn cá nhân, X.Lan đã giải thích và từ chối đăng tải nếu nhãn hàng kiên quyết thay đổi. May mắn là, đến cuối cùng nhãn hàng cũng đã đồng ý với đề xuất của nữ hoạ sĩ và chấp nhận sản phẩm ban đầu.



Tự nhận mình là người khá “kén” quảng cáo, X.Lan cho biết chị từng từ chối nhiều hợp đồng từ nhãn hàng. Vì làm việc sâu sát từ bước đề bài ban đầu, nữ hoạ sĩ thường không nhận những yêu cầu ngoài khả năng hoặc không gắn liền với hình ảnh nhân vật chị xây dựng trên mạng xã hội. Bởi X.Lan quan niệm: những người có tầm ảnh hưởng nhất định thì cũng phải truyền tải thông tin đến độc giả một cách có trách nhiệm. 


Đối với nhãn hàng, nhà sáng tạo có trách nghiệm nghiên cứu đúng và đủ những thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà mình truyền thông, đồng thời đối chiếu, kiểm chứng xem đây có phải là một sản phẩm hợp pháp và an toàn hay không. Hành động này cũng gián tiếp thực hiện trách nhiệm của nhà sáng tạo với khán giả - những người theo dõi và yêu thích cá tính đơn thuần của nhân vật. 


“Không gói gọn trong phạm vi quảng cáo, mà là đối với truyền thông nói chung, người có sức ảnh hưởng luôn phải sàng lọc, đánh giá mọi thông tin trước khi phản ánh một vấn đề hay xu hướng nào đó đến độc giả. Sau đó, họ có thể lựa chọn hướng phát triển nội dung phù hợp (thông điệp truyền cảm hứng tích cực, câu chuyện hài hước, phản ánh xã hội,...). Suy cho cùng, trách nhiệm của người ảnh hưởng là làm cho người theo dõi mình cũng có thiện cảm với nhãn hàng hợp tác.”




"Như nhiều gia đình khác, bố mẹ lúc đầu không ủng hộ tôi bỏ việc ở trường để vẽ. Đối với tôi, cách thuyết phục phụ huynh hiệu quả nhất là luyện tập vẽ đều đặn và dần dần gặt hái thành quả: đạt giải trong một cuộc thi, thỉnh thoảng xuất hiện trên báo, lên tivi và đến giờ đã có thu nhập ổn từ nghề minh họa. Quá trình đó mất đến tận 5 - 7 năm. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn đang băn khoăn muốn theo nghề là: Nếu rào cản duy nhất là định kiến của gia đình, thì bạn cứ tới đi. Vì sự phản đối của gia đình vẫn còn nhẹ nhàng so với rất nhiều khó khăn khác sau đó mà bạn phải đối mặt khi lựa chọn theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích!”


Bên cạnh năng khiếu, X.Lan đánh giá một số yếu tố sẽ giúp bạn đi sâu và xa hơn trong thị trường vẽ minh hoạ:


  • Chăm chỉ: Ngay cả những người có tố chất cũng phải luyện tập không ngừng để theo kịp tốc độ cập nhật của thị trường. Số lượng người trẻ và giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, nếu không đủ chăm chỉ sẽ bị đào thải.
  • Có định hướng đúng đắn: Kiến thức và kỹ năng cơ bản là cần thiết với tất cả những người muốn làm nghề. Nếu có điều kiện, nhân sự mới có thể theo học những chuyên ngành liên quan đến mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Nếu không đủ thời gian, bạn có thể tìm đến các trung tâm hay những tiền bối kỳ cựu trong nghề khi họ tổ chức các workshop, khóa học ngắn. Ở giai đoạn bắt đầu, việc lựa chọn những người “thầy” phù hợp là rất quan trọng.
  • Có chiến lược phát triển: Nếu chưa biết mình hợp làm gì, hãy trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau rồi sau đó đào sâu một mảng phù hợp, rèn luyện tăng kỹ năng để sẵn sàng đón nhận những cơ hội việc làm sắp đến và chủ động cập nhật để thích nghi với nhu cầu của thị trường.


"Nhà sáng tạo phải kiểm soát sự hợp pháp và an toàn của sản phẩm được quảng cáo”

Lý Tú Nhã

Lý Tú Nhã

Senior Content | Advertising Vietnam

08 Thg 03 2022

Lưu

Cùng chuyên mục