Nhân sự agency du học về nước đối mặt với kỳ vọng cao từ doanh nghiệp: Giỏi tiếng Anh, thuyết trình lưu loát, tư tưởng cởi mở

Trong thời kỳ hội nhập, những kiến thức chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm va chạm với nhiều nền giáo dục/văn hoá khác nhau được xem là một “lợi thế” giúp nhân sự có nhiều cơ hội phát triển hơn sự nghiệp. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người trẻ có xu hướng đi du học bởi môi trường nước ngoài sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thực tế và có nhiều điểm khác biệt với môi trường trong nước. Trong khi đó, dù đi du học tại nước ngoài có nhiều lợi ích, một số nhân sự agency vẫn quyết định về nước làm việc vì họ tin rằng có cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn trong môi trường quen thuộc, đồng thời có thể ở gần gia đình và bạn bè.


Hãy cùng các nhân sự cấp cao tại Dentsu Creative, Red Communications, Purpose Group, AnyMind Group Yeah1 Group phân tích về chủ đề này!



Du học mở ra nhiều cơ hội mới cho nhân sự trên con đường sự nghiệp


Không chỉ đi học và bổ sung kiến thức, thường xuyên tiếp xúc với một nền văn hoá và giáo dục tiên tiến cũng giúp các du học sinh hiểu rõ bản thân và đưa ra định hướng đúng đắn về con đường phát triển sự nghiệp. Đơn cử, anh Cường Thịnh - Associate Account Director tại Dentsu Creative bày tỏ rằng ban đầu anh đi học ngành Quản lý Khách sạn ở Thuỵ Sĩ. Thế nhưng hai năm sau, anh quyết định qua Anh và chuyển hướng sang lĩnh vực Marketing sau khi đã cân nhắc và hiểu rõ mong muốn của bản thân. Bên cạnh đó, chị Hải Yến - Creator Manager tại Yeah1 Group chia sẻ rằng ban đầu chị chỉ dự định học về quản trị doanh nghiệp và kinh doanh quốc tế. Nhưng dần tiếp xúc với các thầy cô dạy hay và truyền cảm hứng, đồng thời nhận thấy bản thân cũng có chút “năng khiếu” trong ngành nên chị quyết định học thêm 1 major (Marketing) và minor (Communication).


Bên cạnh những cá nhân lựa chọn đi du học từ khi còn là học sinh - sinh viên, cũng có nhiều nhân sự sau thời gian dài va chạm với công việc trong nước thì nhận ra rằng bản thân cần cải thiện và trau dồi thêm nên quyết định đi du học. Chị Phương Anh - Senior Strategic Planner Executive tại AnyMind Group là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Ban đầu, chị học Cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng và làm vị trí kế toán. Sau một thời gian làm việc, chị thấy bản thân mình không hợp với công việc này. Bước ngoặt khiến chị nhận ra mình phù hợp với Marketing và quyết định đi du học chính là vào lần tham gia chương trình Management Trainee - MT (quản trị viên tập sự), một người đã phỏng vấn chị và nhận xét rằng chị cần cải thiện kiến thức và kinh nghiệm làm việc thực tế hơn. Ở cái tuổi 22 lúc ấy, chị bị xấu hổ và mặc cảm về kết quả apply, do đó câu nói ấy đã thúc đẩy chị có một bước đột phá hơn so với các bạn bè đồng trang lứa. Thế là chị quyết định đi học Thạc sĩ Marketing ở nước Anh.


Theo trải nghiệm của các nhân sự, môi trường học tập tại nước ngoài giúp bản thân họ nâng cao khả năng tự học, từ đó có khả năng nắm vững kiến thức và đào sâu vấn đề. Chị Phương Anh chia sẻ rằng ở môi trường học tập của chị, một tuần thì mỗi môn chỉ có hai tiếng ngồi nghe thầy cô giảng sơ, còn phần lớn kiến thức sẽ đến từ những câu hỏi mà sinh viên nêu. Do đó trước mỗi giờ học, chị phải tự nghiên cứu và mày mò, chuẩn bị những thứ liên quan đến bài học để nắm kiến thức trước thay vì đợi lên lớp mới nghe. Kết hợp với những câu trả lời mà giáo viên đưa ra, điều này giúp chị hiểu bản chất kiến thức sâu rộng hơn. 



Bên cạnh đó, chị Quỳnh Khanh - Senior Account Manager tại Red Communications cũng bày tỏ, ban đầu chị nghĩ Việt Nam chỉ học lý thuyết nhưng hiện nay các trường Đại học đã dạy thực hành khá nhiều. Vì thế chị nói rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa sinh viên trong nước và nước ngoài là các bạn sinh viên quốc tế có logical thinking (suy nghĩ logic) từ những ngày đầu tiên. Việc tranh luận vấn đề về truyền thông rất sôi nổi, ai cũng có lý lẽ chắc chắn. 


Bên cạnh đó, chị Quỳnh Khanh cũng bày tỏ, ban đầu chị nghĩ Việt Nam chỉ học lý thuyết nhưng hiện nay các trường Đại học đã dạy thực hành khá nhiều. Vì thế chị nói rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa sinh viên trong nước và nước ngoài là các bạn ai cũng có logical thinking (suy nghĩ logic) từ những ngày đầu tiên. Việc tranh luận vấn đề về truyền thông rất sôi nổi, ai cũng có lý lẽ chắc chắn. 



Từ kinh nghiệm của bản thân khi từng học trường Quốc tế có chương trình song ngữ vào năm cấp 2, chị Hải Yến nhận thấy sự khác biệt giữa môi trường học nước ngoài và Việt Nam như sau:

  • Chương trình nước ngoài thường sẽ có nhiều cuộc thảo luận và phản biện hơn, từ đó học sinh có thể học được kiến thức qua nhiều giai đoạn (tự tìm hiểu, qua quá trình trao đổi với thầy cô và bạn cùng lớp, ôn tập lại những kiến thức đã học được) 
  • Chương trình nước ngoài có cởi mở hơn trong việc trả lời câu hỏi, nêu ý kiến cá nhân, sẽ không có câu trả lời nào là hoàn toàn sai và “every fact is always up for debate and rebuttal” - tức là mọi sự thật luôn luôn có thể được tranh luận.


Hơn nữa, chị Phương Anh cũng chỉ ra một điểm hay của chương trình học nước ngoài chính là họ có xu hướng ứng dụng công nghệ vào môi trường giảng dạy. “Đơn cử như học Marketing thì hay có các bài tập nhóm, case study thì mình hay phải phân tích chiến lược của các doanh nghiệp bằng cách tự tổng hợp thông tin. Thế nhưng trong môi trường học tập ở nước ngoài, thầy cô sẽ có mối quan hệ hợp tác với một doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường và trao cho sinh viên cơ hội thực chiến với các chiến lược quảng bá sản phẩm. Chẳng hạn, trong môn học Strategic Marketing, người học sẽ tự giả lập một sản phẩm mình muốn bán ra thị trường, đào sâu về việc tệp khách hàng mục tiêu mình muốn hướng đến là ai, cách mình truyền thông là gì,... Nó sẽ giả lập rằng chiến lược của mình thực sự được thực thi và cho ra kết quả kinh doanh tương ứng. Nếu chiến lược không mang lại hiệu quả thì mình phải thay đổi. Các team trong lớp sẽ trở thành các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Lúc này, mình sẽ phải viết một cái báo cáo về quá trình mình thay đổi chiến lược như thế nào để đạt được doanh số sale, dựa vào cơ sở lý luận nào để có định hướng chiến lược này. Môn học này cũng đã đưa mình đến với vị trí Strategic Executive”, chị nói.



Du học mang đến nhiều trải nghiệm nhưng nhân sự vẫn quyết định trở về Việt Nam


Theo một nghiên cứu của UNESCO, tỷ lệ du học sinh từ Việt Nam không trở về sau khi học tập ở nước ngoài là khoảng 10 đến 20%, cao hơn so với trung bình của các quốc gia khác trong Đông Nam Á là 8%. Việc đi đến một quốc gia khác để học tập và làm việc có thể mang đến nhiều lợi ích cho bản thân nhân sự. Không chỉ mang đến những kiến thức sâu rộng cùng trải nghiệm đáng giá, môi trường Truyền thông - Quảng cáo ở nước ngoài cũng là một “vùng đất” hứa hẹn giúp các nhân sự được tiếp cận và va chạm nhiều hơn. Tiềm năng là thế, nhưng vẫn có nhiều nhân sự quyết định về nước để phát triển sự nghiệp tại các agency đang hoạt động tại Việt Nam.


Theo chia sẻ từ chị Phương Anh, vào thời điểm chị du học thì thị trường kinh doanh ở Anh đang bão hoà. Các công ty ít tuyển dụng người mới và hầu hết các agency lớn đều đã có một hệ thống và cơ cấu nhân sự sẵn. Do đó, môi trường này có thể hạn chế chị bày tỏ những ý tưởng mới và thật sự tạo ra ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, chị từng trải nghiệm công việc của một Marketing Executive ở Anh nhưng vai trò này chủ yếu chỉ làm content social. Chị ít có cơ hội được tham gia vào các chiến dịch lớn với vai trò sản xuất TVC hay sáng tạo Key Visual. Trong khi đó, Việt Nam lại đang có quá nhiều doanh nghiệp phát triển tốt và sẵn sàng đầu tư cho quảng cáo. “Vì thế, chị thấy nếu về Việt Nam thì một phần có thể đóng góp cho đất nước của mình tốt lên, một phần sẽ có nhiều không gian phát triển sự nghiệp hơn”, chị nói.



Ngoài ra, anh Đăng Thường - Head of Creative tại Purpose Group cũng bày tỏ Quảng cáo là một ngành gắn liền với văn hoá. Những khác biệt trong văn hóa Singapore nơi anh từng thực tập và làm việc khiến anh không thể thích nghi. “Trong khi đó, ngành Quảng cáo Việt Nam lại đang rất phát triển nên anh nghĩ tại sao mình không quay về và thử sức chứ?”, anh tự hỏi.


Bản thân anh Cường Thịnh cũng chưa bao giờ có suy nghĩ ở lại nước ngoài làm việc. Đối với anh, việc đi du học chỉ là một trải nghiệm và gia đình vẫn là quan trọng nhất, do đó gia đình ở đâu thì anh ở đó. Sau khi về nước, anh thường nộp đơn vào các công ty lớn như những tập đoàn quốc tế và có chương trình Management Trainee như Coca-Cola, FrieslandCampina, Pepsi, Unilever,... “Lúc đó anh chỉ nghĩ là, anh đã đi du học rồi thì xuất phát điểm của anh nên cao hơn, những công ty global sẽ là xuất phát điểm của anh. Thế nhưng cuối cùng anh lại bắt đầu ở một công ty local (trong nước).” Vậy có thể nói, việc nhân sự đã từng có kinh nghiệm học tập và làm việc ở nước ngoài chưa chắc đã có cơ hội gia nhập các tập đoàn global.



Từng đi du học là một điểm cộng nhưng không phải lý do nhà tuyển dụng quyết định tuyển nhân sự


Dù đã từng có kinh nghiệm theo học chuyên ngành ở nước ngoài thế nhưng việc bắt đầu công việc tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng với các nhân sự. “Bản thân chị khi đi du học về phải bắt đầu lại từ đầu, đơn cử như việc dành thời gian đi tìm hiểu các trend phổ biến ở Việt Nam thời điểm đó. Trong khi đó, các bạn trong nước đã hiểu hết các trend từ 1 - 2 năm trước rồi. Thế nên không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đánh giá cao các bạn du học sinh. Họ cần một người thực chiến hơn là những người chỉ giỏi kiến thức”, chị Phương Anh nói. 


Không những không “ưu ái” hơn mà ngược lại, các nhà tuyển dụng lại có nhiều mong đợi hơn với những “du học sinh về nước”. Anh Cường Thịnh nói rằng công ty mong đợi anh có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh thật xuất sắc, phải có nhiều trải nghiệm và nắm chắc kiến thức. Trong khi đó, chị Phương Anh thì đề cập đến việc nhà tuyển dụng thường có yêu cầu gắt gao hơn về mindset (tư duy) làm Strategy Planning hay những skillset, năng lực và chuyên môn vượt trội so với những nhân sự ở Việt Nam khi ứng viên đã tiếp xúc với môi trường quảng cáo ở nước ngoài trong thời gian dài.


“Khoảng 10 năm về trước thì việc đi du học có thể là một lợi thế khi tư duy, cách làm việc cũng như ngoại ngữ của nhân sự có ưu thế hơn. Thế nhưng hiện giờ thì các nhân sự đều cập nhật thông tin mỗi ngày, tiếp cận những với xu hướng mới nhất, tính thẩm mỹ cũng được nâng cấp. Đặc biệt là với thời kỳ hội nhập hiện nay, ngôn ngữ cũng không còn là một trở ngại”, anh Đăng Thường nói.



Ngoài ra, chị Hải Yến cũng bày tỏ rằng có thể ứng viên sẽ được ưu tiên nếu tốt nghiệp từ những trường nằm trong top 20. Thế nhưng, việc tuyển dụng còn phụ thuộc vào độ dày kinh nghiệm thực tế của ứng viên. Chị nói thêm rằng có nhiều du học sinh không có kinh nghiệm đi làm. Do đó các công ty sẽ ưu tiên những sinh viên trong nước đã có nhiều kinh nghiệm làm việc trước đó. “Thế nhưng một số công ty nước ngoài thì sẽ có sự ưu ái hơn cho những bạn du học sinh vì các bạn này đã được trải nghiệm môi trường học tập, làm việc và giao lưu đa văn hoá, có khả năng/phản xạ về ngôn ngữ nhạy bén hơn”, chị nói. 


Tuy nhiên, các nhân sự cũng cho rằng các du học sinh cũng sẽ có những lợi thế riêng trong công việc. Đơn cử như nếu các bạn đã làm việc tại agency nước ngoài, có những sản phẩm tiêu biểu thì đồng nghĩa với việc nhân sự đã có kinh nghiệm sẵn, từ đó dễ dàng làm việc với môi trường trong nước hơn. 


Rào cản trong giao tiếp và áp lực nặng trĩu trên vai


Bên cạnh những mong đợi cao từ nhà tuyển dụng, những nhân sự từng đi du học ở nước ngoài cũng đối mặt với nhiều áp lực từ cả bản thân và những người xung quanh. Các nhân sự chia sẻ rằng sau khi đi du học về, họ kỳ vọng có được một mức lương tốt, vị trí cao và làm việc tại những công ty toàn cầu hoặc nổi tiếng. Do đó, nhân sự có thể có những mặc cảm như là “bạn bè mình sao lương cao thế mà mình đi du học về chỉ dừng lại ở đây?”,... khiến họ mất tự tin khi làm việc. Hơn nữa, áp lực cũng đến từ mọi người xung quanh khi các đồng nghiệp mong đợi rằng một người đi du học về phải thuyết trình trôi chảy, ngôn ngữ lưu loát, có phong thái và tố chất của một nhân sự cấp cao,... “Những áp lực này khiến chị càng phải chú ý đến từng tiểu tiết, cẩn thận từng li từng tí trong mọi thứ chị làm, mọi hành động và lời ăn tiếng nói ở công ty”, chị Phương Anh nói.


Từng có nhiều kinh nghiệm va chạm trong nhiều môi trường khác nhau có thể giúp các nhân sự đi du học gầy dựng sự tự tin. Thế nhưng chị Quỳnh Khanh bày tỏ rằng đôi khi chị lại bị những người xung quanh gọi là “chảnh” vì tỏ ra tự tin quá mức. Sau này khi đã làm quen được với công việc và đồng nghiệp, chị cũng dần tiết chế lại. Ngoài ra, chị cũng đề cập đến một “áp lực” là thường bị đồng nghiệp bảo “đi làm không cần tiền”. Tuy nhiên trên thực tế, một phần nguyên nhân mà nhân sự đi làm là vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn.


Không những thế, việc sinh sống và làm việc tại một quốc gia khác trong thời gian dài sẽ vô thức khiến nhân sự có thói quen “chêm” tiếng nước ngoài vào các cuộc nói chuyện. Có thể nói, Quảng cáo - Truyền thông được xem là một ngành không ngừng chuyển động, nhân sự không chỉ cập nhật tin tức, xu hướng trong nước mà còn phải tìm hiểu cả thị trường nước ngoài. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng có trình độ tiếng Anh vượt bậc. Vì thế, thói quen của những du học sinh có thể khiến nhiều vấn đề nảy sinh trong công việc. 



Nói về thói quen “chêm” tiếng Anh trong giao tiếp, anh Đăng Thường bày tỏ rằng điều này không chỉ xảy ra ở các du học sinh mà những nhân sự trong nước cũng thường xuyên mắc phải. Môi trường ngành Quảng cáo có quá nhiều từ ngữ chuyên ngành mà khi dịch sang tiếng Việt sẽ khá dài và không sát nghĩa. Từ đó mà mọi người có thói quen kết hợp những từ tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Anh cũng “thừa nhận” rằng điều này rất dễ gây khó chịu và khó khăn khi giao tiếp với những đồng nghiệp không giỏi/không biết tiếng Anh, cũng như thuyết trình cho những khách hàng thuần Việt.


Cũng từng gặp khó khi thuyết trình với khách hàng bằng tiếng Việt, chị Phương Anh cũng chia sẻ: “Công ty mình là công ty quốc tế, sếp mình cũng là người Ấn nên việc giao tiếp hằng ngày, các công việc cũng đều chủ yếu được thực hiện bằng tiếng Anh. Vì thế việc ‘chêm' tiếng Anh khi nói là một điều bình thường. Trong nhiều trường hợp khi cần thuyết trình cho một khách hàng thuần Việt, mình phải luyện nói ba lần bảy lượt để thuyết trình trôi chảy và dễ hiểu. Đây thực sự là một thử thách với mình.” Chị cũng bổ sung rằng phòng Strategy của chị thường sẽ làm direction (định hướng truyền thông) bằng tiếng Anh để gửi cho khách hàng. Thế nhưng khi direction được chuyển sang cho team Creative làm concept hay key message, chị gặp khó khăn khi truyền tải mọi thứ bằng tiếng Việt và khó có thể hình dung được hình ảnh mà chị muốn. Điều này buộc chị phải giải thích kỹ càng cho nhân sự team Creative để công việc diễn ra suôn sẻ và đúng deadline cho khách hàng.


Để giao tiếp thuận lợi hơn, chị Phương Anh có một phương án là khi trình bày brief với team, chị hay thêm chú thích bên dưới những câu tiếng Anh nhằm giải thích mọi thứ bằng tiếng Việt. Đơn cử như khi chị nói về một sản phẩm “multi-level” tức là nó có các “lợi ích đa chiều” như dịu nhẹ, giúp giữ ẩm cho da,... Do đó, nếu không theo kịp vấn đề trong meeting thì sau khi kết thúc cuộc họp, các bạn có thể đọc lại bài thuyết trình và các dòng chú thích sẽ giúp các bạn dễ dàng nắm bắt thông tin hơn. Với các team khác, khi nói tiếng Anh thì phải ngay lập tức thêm một từ tiếng Việt giải nghĩa, ví dụ như khi nói “direction” thì phải bổ sung ngay là “định hướng truyền thông”. 



Trong khi đó, anh Cường Thịnh chia sẻ rằng anh sẽ cố gắng sử dụng những từ tiếng Anh đơn giản khi giao tiếp để mọi người cùng hiểu. Thế nhưng nếu các bạn newbie không hiểu những từ tiếng Anh chuyên ngành thì phải chủ động hỏi ngay. “Ví dụ anh đề cập đến việc SO, nếu các bạn không hiểu thì phải hỏi. Lúc này anh sẽ giải thích SO nghĩa là social outreach - kênh mà mình dùng những third party voice để nói chuyện với người tiêu dùng (mạng xã hội). Như vậy thì các bạn cũng sẽ dễ hiểu hơn mà anh cũng sẵn sàng giải thích hơn. Vậy nhìn chung, thái độ vẫn là yếu tố quan trọng nhất”, anh nhận định.


Đọc các bài viết khác thuộc chuyên mục Real Agency Life tại đây.

Nhân sự agency du học về nước đối mặt với kỳ vọng cao từ doanh nghiệp: Giỏi tiếng Anh, thuyết trình lưu loát, tư tưởng cởi mở

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

22 Thg 04 2023

Lưu

Cùng chuyên mục