Đặt mục tiêu công việc hàng ngày là một phương pháp quan trọng giúp nhân sự đạt được thành công và duy trì tiến độ công việc. Việc lập danh sách công việc hàng ngày không chỉ giúp nhân viên tổ chức thời gian hiệu quả mà còn thiết lập một kế hoạch rõ ràng để theo đuổi các mục tiêu.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc hoàn thành các mục tiêu này thường gặp phải nhiều thách thức và rào cản. Có thể là do sự phân tán từ các công việc khác gây ảnh hưởng đến tập trung, hoặc do các yêu cầu khẩn cấp xuất hiện bất ngờ từ cấp trên. Ngoài ra, một số nhân viên cũng có thể gặp khó khăn trong việc ưu tiên các công việc quan trọng để thực hiện đúng tiến độ.
Đặt mục tiêu để có cảm giác bận rộn nhưng thật sự không biết bắt tay làm từ đâu
Mỗi ngày, nhân sự đều có những công việc cần phải hoàn thành và danh sách công việc giúp họ có thể nắm bắt được các đầu việc cần thực hiện. Tuy nhiên, nhân sự lập ra một danh sách dài nhưng chưa có phương pháp sắp xếp những đầu việc này một cách tối ưu thì việc lập ra danh sách chỉ khiến cho nhân sự có cảm giác bận rộn mà không thực sự giải quyết được bất cứ việc nào.
Chị T.V (Senior Copywriter, 24 tuổi) chia sẻ về phong cách làm việc trước đây của mình: “Lúc mới ra trường đi làm, mình hay đặt ra nhiều mục để hoàn thành trong ngày lắm. Mình nhớ là mỗi ngày mình đặt tầm 8-10 mục tiêu, sau đó mình cũng làm việc chăm chỉ lắm nhưng cuối ngày đếm lại thì chỉ mới có 2-3 mục tiêu được hoàn thành”.
Nhưng sau 2 năm đi làm, chị đã được cấp trên chỉ ra lỗi sai trong phong cách làm việc của mình: “Lập ra nhiều mục tiêu nhưng chưa hoàn thành hết cũng làm cho mình nản lòng nhưng khi đó mình gặp được người sếp tốt, sếp đã chỉ mình ưu tiên những công việc thật sự quan trọng để thực hiện và tối ưu danh sách mục tiêu trong ngày để mình có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất".
Việc đặt ra quá nhiều mục tiêu có thể khiến cho nhân sự cảm thấy bị choáng ngợp và không biết phải tập trung vào việc nào đầu tiên. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuối ngày mà nhân sự vẫn chưa hoàn thành xong tất cả các mục tiêu trong danh sách đề ra.
Anh T.T (Content Writer Intern, 21 tuổi) nói về trải nghiệm của bản thân: “Mình thường hay ghi ra giấy danh sách công việc mà mình cần làm nhưng mà mỗi khi nhìn vào danh sách này thì mình cảm thấy bị choáng ngợp. Đôi lúc đang dở việc này thì nghĩ đến việc khác cũng gấp nên mình không thể tập trung 100% việc mình đang làm".
Việc này chưa kịp xong thì việc khác lại đến
Tình trạng bị phân công những công việc đột xuất là một vấn đề phổ biến trong môi trường lao động hiện nay. Khi đang trong quá trình thực hiện một nhiệm vụ, nhân sự có thể bị cấp trên giao thêm công việc khác và yêu cầu hoàn thành ngay lập tức là một trường hợp thường có thể xảy ra.
Chị M.C (Content Writer, 23 tuổi) chia sẻ: “Ngày nào mình cũng có thói quen lập ra danh sách công việc và mục tiêu cần đạt được trong ngày để dễ sắp xếp các đầu việc, nhưng có đôi lúc mình đang giải quyết việc gấp thì sếp lại phân công mình làm việc khác. Chính vì thế nên mình phải tranh thủ giải làm việc cấp trên giao trước rồi mới làm việc còn dở dang”.
Không hoàn thành các mục tiêu công việc hàng ngày có thể tạo ra một áp lực tâm lý rất lớn cho nhân viên. Cảm giác chưa hoàn thành nhiệm vụ có thể dẫn đến stress, lo âu, và mất ngủ. Những nhân viên thường xuyên không hoàn thành công việc có thể cảm thấy bất mãn với bản thân, lo sợ bị đánh giá thấp bởi đồng nghiệp và cấp trên, và thậm chí dẫn đến sự giảm sút về tinh thần và hiệu suất làm việc. Việc này lâu dần có thể gây ra tình trạng burnout, một trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần do làm việc quá sức mà không thấy được sự tiến bộ hay đạt được mục tiêu nào đáng kể.
Anh H.T (IT, 25 tuổi) nói: “Có nhiều công việc chen ngang việc mà mình đang làm nên mình thường hay tăng ca để hoàn thành cho xong các đầu việc. Công việc trì trệ cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần của mình lắm nhưng cũng không còn cách nào khác".
Việc lập ra danh sách công việc hàng ngày là một bước quan trọng để nhân sự có thể hoàn thành mục tiêu và đạt được hiệu quả cao trong công việc. Tuy nhiên, để danh sách này thực sự hiệu quả, nhân sự cần biết cách sắp xếp công việc hợp lý, có kỹ năng quản lý thời gian và biết cách từ chối những công việc không thuộc trách nhiệm của mình.
Một trong những biện pháp mà nhân sự có thể sử dụng đó chính là ma trận Eisenhower, nhân sự phân tách công việc thành 4 phần: Thực hiện ngay (quadrant 1), lên lịch làm (quadrant 2), ủy thác làm (quadrant 3), và không cần làm (quadrant 4). Phương pháp này giúp người sử dụng xác định và ưu tiên công việc một cách hiệu quả, từ đó tăng khả năng hoàn thành công việc quan trọng và giảm thiểu công việc không cần thiết.
Kim Yến
Minh hoạ: Huy Mai
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!