"Nhận thức xã hội và tác động của truyền thông đã góp phần đặt áp lực 'cho và nhận' lên đàn ông và phụ nữ trong mỗi dịp lễ"

Truyền thông - quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến tư duy và nhận thức của con người về thế giới xung quanh. Bên cạnh những tác động tích cực của quảng cáo trong việc khuyến khích chấp nhận sự đa dạng và hội nhập, nhiều người cho rằng quảng cáo cũng chính là nhân tố chính góp phần tạo ra và củng cố những định kiến trong xã hội, cụ thể là sự bất bình đẳng giới.


Năm 2020, một thương hiệu thời trang Việt Nam đã gây chú ý khi tung ra một đoạn video clip nhân ngày Phụ nữ Việt Nam với thông điệp cổ vũ phụ nữ trở thành “Tuesday” (tạm dịch: người thứ ba), khoác lên người những bộ quần áo gợi cảm để “quyến rũ” chồng mình. Ngay lập tức, hàng loạt ý kiến trái chiều và tranh cãi đã nổ ra khi cho rằng thương hiệu này đang khuyến khích một lối sống tiêu cực và áp đặt tiêu chuẩn phụ nữ là phải xinh đẹp, quyến rũ mới có khả năng “giữ” được chồng. Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong số hàng loạt các quảng cáo khai thác chất liệu dựa trên những đặc điểm giới tính được xã hội “đóng khung”. Trong nhiều trường hợp khác, phái nam thường xuyên “than trời” khi phải đối mặt với nhiều áp lực tặng quà cho chị em phụ nữ vào mỗi dịp lễ. 


Vậy định kiến giới nói riêng và định kiến xã hội nói chung đã và đang diễn ra như thế nào trong quảng cáo? Đâu là những yếu tố mà thương hiệu cần cân nhắc trước khi thực hiện một chiến dịch truyền thông có sử dụng chất liệu từ xã hội? Cùng Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bàn luận về chủ đề này. 






1. Theo Tiến sĩ, định kiến giới là gì và vấn đề này đã và đang diễn ra như thế nào trong quảng cáo? 


Định kiến giới là một khía cạnh của định kiến xã hội. Đó là những quan niệm rập khuôn, phiến diện về vai trò, đặc tính, năng lực của các nhóm người nam và nữ. 


Trước đây, chúng ta có thể dễ dàng quan sát và nhận thấy được sự khác biệt trong hình ảnh của người đàn ông và phụ nữ trong các quảng cáo. Chẳng hạn như khi nhắc đến các sản phẩm và vật dụng liên quan đến việc nội trợ, bếp núc như bột ngọt hay dầu ăn, người phụ nữ luôn đóng khung ở vai trò là người đứng bếp, chăm sóc gia đình và được miêu tả gắn với hình mẫu về một nét đẹp truyền thống: xinh đẹp, hiền dịu, sở hữu mái tóc dài suôn mượt và một khuôn mặt đoan trang, phúc hậu. Tương tự, nam giới cũng phải đối mặt với những khuôn mẫu nhất định khi mà người đàn ông luôn là nhân vật chính trong các quảng cáo xe hơi, công nghệ, thể thao, đồ uống có cồn,... Ở đó, họ được kỳ vọng là một người thành đạt, quyền lực, bản lĩnh và có khả năng “chinh phục” chị em phụ nữ.


Người đàn ông trong các TVC quảng cáo thường được thể hiện bằng một hình ảnh thành đạt, quyền lực và là "chỗ dựa vững chãi" cho phụ nữ


Ngoài ra, lăng kính giới trong quảng cáo còn được thể hiện qua việc phân loại sản phẩm và màu sắc theo giới tính. Ở các quảng cáo đồ chơi dành cho trẻ em, búp bê và các vật dụng màu hồng thường được định danh là “cho con gái”, trong khi màu xanh, xe hơi và siêu nhân thì luôn được gắn liền với con trai. Chỉ cần một hình ảnh bé trai cầm trên tay một con búp bê màu hồng có thể ngay lập tức khiến thương hiệu nhận về muôn vàn chỉ trích với lý do “trái chuẩn mực về giới tính”.


Theo báo cáo của Gender Stereotyping in Advertising, một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về giới tính trong quảng cáo, đến năm 2021 vẫn có tới 90% quảng cáo vẫn giới hạn giới tính và xây dựng các định kiến giới tính cổ điển. Điều này phản ánh một thực tế rằng “lằn ranh” giới tính trong quảng cáo không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là một hiện tượng chung đã và đang diễn ra rộng rãi trên toàn cầu. 


2. Theo Tiến sĩ, vì sao những định kiến giới này lại xuất hiện trong quảng cáo? 


Suy cho cùng, quảng cáo chính là sự phản ánh của đời sống hiện thực xã hội. Từ trước đến nay, bất cứ một thông điệp quảng cáo nào cũng đều được gắn liền với yếu tố xã hội và đồng thời đi theo những kỳ vọng và chuẩn mực chung của thời đại đó.


Nói về vấn đề giới tính, trong quyển sách “Gender and Power: Society, the Person, and Sexual Politics” xuất bản vào năm 1987, nhà xã hội học Raewyn Connell đã đưa ra quan điểm rằng giới tính của con người không phải là một đặc điểm sinh học tự nhiên mà là một sản phẩm xã hội, được xây dựng thông qua các chuẩn mực, mô hình và hành vi mà xã hội đặt ra cho từng giới tính. Trên thực tế, kể từ những thế kỷ 19 - 20, phụ nữ thường được xã hội nhìn nhận là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình và con cái, trong khi người đàn ông thường gắn liền với trách nhiệm về công việc của nền kinh tế. Định kiến giới trong xã hội phương Tây từng được khắc họa rõ nét trong câu thành ngữ “Men make house, women make home”. Điều này cho thấy quan điểm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” không chỉ tồn tại ở xã hội phương Đông nói chung hay Việt Nam nói riêng mà những ý niệm về khuôn mẫu giới trong xã hội đã tồn tại từ rất lâu về trước và ở hầu hết mọi nền văn hóa trên thế giới. Đó cũng chính là lý do vì sao vấn đề định kiến giới lại được phản chiếu và khắc họa rõ nét trong các sản phẩm truyền thông đại chúng trên toàn cầu.


1893 Ad Gold Dust Washing Powder NK Fairbank Fourteen Hour Housewife F –  Period Paper Historic Art LLC

Một quảng cáo năm 1893 khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ đang trong tư thế quỳ gối cọ rửa sàn nhà với thông điệp "những người nội trợ cần đến 14 tiếng mỗi ngày để làm việc trong khi người đàn ông chỉ cần 8 tiếng" để quảng bá cho sản phẩm xà phòng


3. Trong những năm gần đây, quảng cáo của các thương hiệu đang dần có sự dịch chuyển khi hình ảnh của nam giới và phụ nữ không còn bị “rập khuôn” như trước đây. Điều này phản ánh xu hướng nào của xã hội, thưa Tiến sĩ?


Trước khi đánh giá về xu hướng tích cực về bình đẳng giới trong quảng cáo những năm gần đây, chúng ta cần đề cập đến quá trình xã hội hoá. Đây là quá trình mà con người học hỏi từ những điều xung quanh để từ đó thích nghi và trở thành những người có giá trị, hành vi và ứng xử theo chuẩn mực và những kỳ vọng của xã hội. Nếu như trước đây người đàn ông và phụ nữ luôn được gắn nhãn với một vai trò nhất định thì trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, vấn đề này dần được nhìn nhận một cách khác biệt khi họ đều được kỳ vọng cùng đóng góp chung vào nền kinh tế.


Khác với những quốc gia khác như Hàn Quốc hay Nhật Bản, nơi nhiều phụ nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến quan niệm học cao để tìm được một vị hôn phu “môn đăng hộ đối”, người phụ nữ Việt Nam ngày nay được đánh giá là khá mạnh mẽ, tự chủ và độc lập, đặc biệt ở những thành phố lớn. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Nghiên cứu thị trường WIN, có đến 93% người dân ở các thành phố lớn cho rằng có sự bình đẳng giữa nam giới trong gia đình. Có thể nói, chỉ số bình đẳng giới hiện nay ở Việt Nam được ghi nhận ở mức cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vị trí và tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội cũng dần được nâng cao và không chỉ quanh quẩn bên việc bếp núc như trước kia.


Những yếu tố trên đã góp phần vào việc thay đổi nhận thức xã hội, giúp cho mọi người có cái nhìn cởi mở, hiện đại hơn về khuôn mẫu giới và đồng thời tác động đến cách các thương hiệu tiếp cận và truyền tải thông điệp quảng cáo liên quan đến giới. Những năm gần đây, nhìn chung thông điệp và nhân vật trong các quảng cáo Việt Nam đã có sự trung lập hơn về giới, vai trò và vị trí của người phụ nữ được thể hiện đa dạng, vượt ra khỏi vai trò giới truyền thống và dần phá vỡ các khuôn mẫu định kiến. Đây rõ ràng là một dấu hiệu tích cực và phù hợp với sự phát triển của xã hội. 


TVC quảng cáo của Milo với thông điệp thúc đẩy sự bình đẳng trong thế thao nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng


Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, định kiến giới chỉ thể hiện một phần những chuẩn mực của xã hội. Định kiến xã hội là một khái niệm rộng lớn hơn, nó còn là sự phân biệt từ trong suy nghĩ, nhận thức, thái độ cho đến hành vi của con người về nhiều yếu tố khác nhau như dân tộc, sắc tộc, độ tuổi, tôn giáo,... Con người ngày nay được tiếp cận với nhiều tác nhân xã hội hoá khác nhau, do đó, các chuẩn mực và định kiến cũng được biến đổi theo không gian và thời gian cho phù hợp. Hệ quả tất yếu là các thương hiệu cũng có sự điều chỉnh trong thông điệp truyền thông, hạn chế tối đa các định kiến xã hội, thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng cho các nhóm xã hội khác nhau. 



4. Vượt xa những định kiến và sự phân biệt giới tính, các quảng cáo ngày nay đã có cách tiếp cận cởi mở và hiện đại hơn. Ví như chiến dịch #FreeToLove của Closeup với thông điệp “Luật Yêu do bạn định” nhằm thay đổi định kiến xã hội về tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội,... hay Kotex kêu gọi người dùng bình thường hoá chủ đề kinh nguyệt với thông điệp chủ đạo “Đến từ máu lửa generation, Gen Z máu lửa ngại gì máu me”. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về xu hướng này của các thương hiệu?


Tương tự như việc xóa bỏ bất bình đẳng giới trong quảng cáo, cách thức xây dựng thông điệp của các thương hiệu gần đây đã có sự thay đổi, hướng đến sự hoà nhập và đa dạng. Cá nhân tôi tin rằng xu hướng “chuyển mình” trong thông điệp truyền thông của các thương hiệu là bình thường và rõ ràng là nó cần phải diễn ra để đáp ứng nhu cầu của xã hội.


Lấy ví dụ cụ thể về thương hiệu băng vệ sinh triển khai chiến dịch cổ vũ các bạn gái cởi mở và tự tin khi nói về chu kì kinh nguyệt của mình. Ở thế hệ trước, kinh nguyệt vốn được xem như là một vấn đề riêng tư và nhạy cảm, thậm chí đối với nhiều người đàn ông theo văn hoá truyền thống thì cơ thể phụ nữ vào những ngày đó được xem là “dơ bẩn” và việc giáo dục giới tính trong thời gian đó hầu như rất hạn chế. Thế nhưng, với sự phát triển của xã hội, bậc cha mẹ cùng các chương trình giáo dục giới tính trong trường học và trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay bắt đầu thoải mái hơn trong việc trò chuyện với con về các vấn đề liên quan tới giới tính, từ quan hệ tình dục cho đến giữ gìn vệ sinh phụ nữ. 


Chiến dịch "Tôi không giới hạn" của Kotex đề cập thẳng thắn đến vấn đề kinh nguyệt của phụ nữ nhằm phá bỏ định kiến về "ngày rụng dâu"


Xã hội phát triển, tư duy của con người cũng theo đó trở nên tiến bộ và hiện đại hơn. Khi thị trường có quá nhiều quảng cáo, các thương hiệu cần phải làm thế nào để trở nên đặc biệt hoặc khác biệt để thu hút người tiêu dùng. Tôi cho rằng đó là lý do các thương hiệu có xu hướng xây dựng những thông điệp hướng đến việc phá bỏ định kiến xã hội và cổ vũ con người sống tích cực, cởi mở hơn.


5. Một xu hướng dễ nhận thấy là đa phần các chiến dịch nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ/Gen Z đều mang những thông điệp đột phá, thay đổi định kiến. Liệu thế hệ Z có phải là một tác nhân ảnh hưởng đến cách thương hiệu xây dựng thông điệp truyền thông và thúc đẩy quá trình xã hội hoá không, thưa Tiến sĩ? 


Các thế hệ trước, chẳng hạn như Gen Y và Gen X, vẫn chịu sự xã hội hoá rất lớn từ gia đình và những người xung quanh. Thế hệ trẻ ngày nay được tiếp cận với nhiều tác nhân xã hội hoá khác nhau, đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều luồng văn hóa từ phương Tây, từ đó tạo nên sự khác biệt rất lớn trong tính cách và phong cách sống so với các thế hệ trước đây.


Hơn nữa, cha mẹ của thế hệ Gen Z thường là những người được sinh từ những năm 1970 trở về sau. Đây là giai đoạn giao thời khi đất nước bắt đầu mở cửa (vào đầu những năm 1990), giúp họ có điều kiện tiếp xúc và giao lưu với văn hoá bên ngoài. Vì thế, cách giáo dục con cái cũng có sự khác biệt rất lớn so với những thế hệ trước. Phụ huynh ngày nay không còn “thương cho roi cho vọt” như ngày xưa mà thay vào đó là xu hướng khuyến khích con phát triển theo những đặc điểm riêng biệt của cá nhân để con mình không chỉ đi theo lối mòn giỏi về học tập, kiến thức mà còn phát triển một cách toàn diện từ nhận thức đến tư duy và cả các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Điều này đã góp phần cổ vũ và khuyến khích thế hệ trẻ sống theo những xu hướng mới của xã hội: cởi mở, văn minh, hiện đại, tôn trọng sự khác biệt hơn.


Chuỗi chiến dịch "Sống Như Ý" của Generali với thông điệp cổ vũ mọi người "sống đúng như ý của mình" nhận được sự đồng cảm lớn từ cộng đồng mạng


Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhận thức của xã hội và các chiến dịch truyền thông ngày nay còn chịu tác động của sự giao lưu và giao thoa văn hoá của nhiều nền văn hoá khác nhau, đặc biệt là văn hoá phương Tây.


6. Nếu ví sự tương quan giữa phương tiện truyền thông và nhận thức xã hội là một mối quan hệ hai chiều thì ở chiều ngược lại, quảng cáo đóng vai trò như thế nào trong việc cổ vũ và làm thay đổi nhận thức xã hội, thưa Tiến sĩ?


Thay đổi về nhận thức xã hội là cả một quá trình được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau từ vĩ mô như cấu trúc xã hội, văn hoá, sự khác biệt trong vùng miền cho đến những yếu tố vi mô như nhận thức, trình độ học vấn của các cá nhân, điều kiện của gia đình,... và cả tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì thế, không thể nói rằng chỉ có các thương hiệu nắm trong tay “quyền năng” định hình tư duy xã hội. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta không thể phủ nhận là trong thời đại ngày nay, việc thường xuyên tiếp xúc với các thông tin phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ, hành vi và cách ứng xử của con người, thúc đẩy quá trình xã hội hoá diễn ra một cách nhanh chóng và đa chiều hơn.


Ở một khía cạnh khác, những tác động dày đặc của các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và khiến nhiều đối tượng trong xã hội cảm thấy bị “ngột ngạt”. Chẳng hạn, nhìn vào hệ thống các ngày lễ của Việt Nam hiện nay thì hầu như đâu cũng là dịp để chị em phụ nữ nhận quà, từ Lễ tình nhân, Quốc tế Phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam cho đến Ngày của Mẹ. Không chỉ có những chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng, cách nhiều người trong xã hội lan tỏa nội dung liên quan đến việc tổ chức tiệc, đi ăn, được người yêu tặng quà,... vào mỗi dịp lễ cũng vô hình trung gây áp lực lên những người phụ nữ không nhận được sự ưu ái đặc biệt và cả những người nam không tham gia vào các hoạt động này. Tất nhiên là các nhãn hàng luôn muốn thúc đẩy doanh số bán hàng và đẩy mạnh truyền thông. Tuy nhiên, điều này có thể tác động đến tâm lý chung của xã hội, tạo ra một tiêu chuẩn và tạo ra xu hướng hay tâm lý “chờ quà” của người phụ nữ và phái nam thì luôn áp lực trong việc thể hiện tình cảm bằng vật chất.



7. Theo Tiến sĩ, những chiến dịch truyền thông phá vỡ định kiến xã hội đã mang đến những lợi ích và tác động tiêu cực như thế nào đến thương hiệu? 


Nếu chiến dịch truyền thông chỉ dừng ở mức quảng cáo sản phẩm thì sẽ không nhận được sự tin tưởng và hưởng ứng của nhiều người. Tôi tin rằng một quảng cáo tạo ra sức ảnh hưởng đối với xã hội mới là một quảng cáo thật sự lâu bền, và lúc ấy, quảng cáo đã không còn là một hình thức marketing thông thường nữa mà đã trở thành một chiến lược PR xây dựng hình ảnh thương hiệu về lâu dài. Tuy nhiên, truyền thông thì lúc nào cũng có hai mặt. Truyền thông dựa trên những xu hướng của xã hội có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực nhưng đồng thời nếu cách truyền tải thông điệp “không khéo” cũng dễ gây ra những phản ứng tiêu cực và khiến khán giả dễ dàng quay lưng với thương hiệu. 



8. Khai thác sự đổi mới trong xã hội, tiên phong đi ngược định kiến là một việc làm khá mạo hiểm. Theo Tiến sĩ, thương hiệu có thể đối mặt với những rủi ro nào khi thực hiện các chiến dịch truyền thông cổ vũ phá vỡ định kiến xã hội? 


Khi người viết thông điệp không cùng đến từ một nền văn hoá và từng sống trong bối cảnh với đối tượng khách hàng mà thương hiệu muốn nhắm tới, việc khán giả hiểu lệch ý tưởng và thông điệp của chiến dịch truyền thông hoàn toàn có thể xảy ra.


Trong một số trường hợp, có thể ý tưởng của các thương hiệu mang một ý nghĩa tích cực nhưng vô tình lại không phù hợp hoặc gây tổn thương với một số đối tượng cụ thể trong xã hội. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, những câu chuyện về lính Nhật luôn là một đề tài nhạy cảm đối với người phụ nữ Hàn khi nó gắn liền với quá khứ đau thương và những nỗi ám ảnh không dứt. Mặc dù, có thể là thông điệp mà các thương hiệu muốn truyền tải được mang ý nghĩa nhân văn khi gợi nhắc các thế hệ sau về hậu quả của cuộc chiến tranh, cách truyền tải thông điệp không khéo léo sẽ gợi lại nỗi đau và khiến những người phụ nữ Hàn suy nghĩ theo một chiều hướng khác, từ đó có thể gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn xã hội và tạo ra khủng hoảng về mặt truyền thông cho các thương hiệu.


Dove's new body-shaped bottles lead to backlash - The Washington Post

Chiến dịch "Real Beauty Bottles" của Dove nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi khắc hoạ hình dáng người phụ nữ thông qua những chai sữa tắm có hình dáng khác nhau


Khi một sản phẩm bị lỗi hoặc hư hỏng khi đến tay người tiêu dùng, các thương hiệu hoàn toàn có thể khắc phục hậu quả bằng các biện pháp đổi trả thông qua chương trình chăm sóc khách hàng. Thế nhưng, nếu những tranh cãi xuất phát từ thông điệp truyền thông đi ngược lại với tiêu chuẩn của xã hội thì khán giả không chỉ quay lưng với sản phẩm mà còn tẩy chay luôn cả thương hiệu. Lúc này, khả năng khôi phục lại thương hiệu theo tôi đánh giá là rất khó.


9. Như vậy, khi triển khai các chiến dịch khai thác đề tài xã hội, thương hiệu cần xem xét đến những yếu tố nào? 


Trước khi thực hiện một chiến dịch hay thể hiện một thông điệp nào đó, các thương hiệu cần phải có sự hiểu biết nhất định cả về lịch sử, văn hoá và đặc biệt là các yếu tố nhạy cảm của các nền văn hóa khác nhau. Bởi vì những người làm quảng cáo đôi khi sẽ đến từ những nền văn hoá và thuộc các thế hệ khác nhau, việc truyền tải thông điệp và linh hoạt thay đổi cách triển khai cho phù hợp với một xã hội hay một nhóm người nhất định là vô cùng quan trọng.


Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng các thương hiệu nên đầu tư và thực hiện một bước khảo sát sơ lược các nhóm đối tượng khác nhau mà họ có khả năng trở thành khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Tất nhiên, rất khó để một thông điệp có thể phù hợp với tất cả mọi người ở mọi độ tuổi và sống trong các nền văn hóa khác nhau. Các thương hiệu nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc truyền tải thông điệp để đảm bảo về mặt cơ bản, nó không vi phạm hay gây ra ảnh hưởng tiêu cực hoặc gợi lại tổn thương với một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội.


Với những thương hiệu tạo ra một thông điệp cổ vũ phá vỡ những tiêu chuẩn hiện có của xã hội, chúng ta không bàn đến mức độ đúng - sai bởi những thương hiệu này có quyền truyền tải thông điệp mà họ cho là phù hợp và hy vọng nó mang lại những tác động tích cực đến cho xã hội. Hơn nữa, nếu các quảng cáo này đã được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng thì thường đã được trải qua bước kiểm duyệt nội dung. Việc thay đổi một tiêu chuẩn xã hội từ cái cũ sang cái mới đương nhiên sẽ nhận lại nhiều ý kiến khác nhau bởi suy cho cùng, dù xã hội chúng ta có tiếp nhận nền văn hoá khác nhanh đến đâu thì một phần nào đó vẫn còn tồn tại sự bảo thủ nhất định. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ liệu các nhà chiến lược truyền thông của các thương hiệu có khả năng chấp nhận rủi ro đó hay không. Tôi tin rằng quản lý rủi ro khi đưa ra nội dung và hình thức truyền tải thông điệp là một bước vô cùng cần thiết để đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững của thương hiệu.



10. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về xu hướng kết hợp giữa thương hiệu và các tổ chức xã hội để thực hiện các chiến dịch truyền thông? Sự kết hợp này mang đến những lợi ích gì đối với sự phát triển bền vững của thương hiệu, thưa Tiến sĩ? 


Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều các chiến dịch do thương hiệu kết hợp với các tổ chức xã hội. Cá nhân tôi cho rằng việc hợp tác với các tổ chức xã hội sẽ giúp đỡ các thương hiệu rất nhiều trong việc thực hiện các chiến dịch truyền thông nhắm đến xã hội. 


Các tổ chức này đã có sẵn nguồn nhân lực, sự am hiểu về bối cảnh địa phương, các nhóm người khác nhau trong xã hội. Đồng thời, họ cũng có tiếng nói và có khả năng kết nối xã hội, là các đơn vị tư vấn quan trọng. Ngoài ra, các cá nhân và nhóm trong các tổ chức xã hội còn có thể lan tỏa thông điệp tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau, tạo ra một mạng lưới ổn định và giúp thương hiệu xây dựng hình ảnh với cộng đồng một cách hiệu quả hơn.


Nội dung: Thảo Vy

Thiết kế: Johann


"Nhận thức xã hội và tác động của truyền thông đã góp phần đặt áp lực 'cho và nhận' lên đàn ông và phụ nữ trong mỗi dịp lễ"

Thảo Vy

Thảo Vy

Content Specialist | Advertising Vietnam

07 Thg 03 2023

Lưu

Cùng chuyên mục