Ngoài văn phòng, nhân sự vẫn thường giữ thói quen tương tác qua lại với đồng nghiệp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có một nhóm đồng nghiệp không phải ai cũng có can đảm “kết bạn”: Sếp hoặc Quản lý. Thậm chí một số nhân sự agency còn tiết lộ rằng họ từng có quãng thời gian “hạn chế” sếp trên mạng xã hội. 


Tự mình dọa mình 


Mạng xã hội như Facebook, Instagram là nơi nhân sự cập nhật đời sống cá nhân và tự do chia sẻ quan điểm về bất kì sự kiện nào. Chính vì lý do này, nếu sếp hoặc quản lý nằm trong danh sách bạn bè, một số nhân viên sẽ cảm thấy không thoải mái khi tưởng tượng luôn bị những “đôi mắt” dõi theo mọi hành tung. Chị Nguyễn Ngọc Hân Hân, Account Executive tại Mango Digital cho biết, thời điểm mới đi làm, chị từng “thẳng tay” hạn chế sếp. “Tôi luôn có một suy nghĩ hiện hữu rằng đời sống cá nhân của mình là điều riêng tư thầm kín, và luôn lo sợ sếp sẽ có ấn tượng không hay, đánh giá không đúng khi nhìn thấy những chia sẻ đó”, chị Hân Hân bày tỏ nỗi lo sợ của một newbie. 


Một số nhân sự agency còn tiết lộ rằng họ từng có quãng thời gian “hạn chế” sếp trên mạng xã hội


Với anh Phạm Phú Quý, Social Media & Community Executive, ẩn story hoặc một số bài đăng với sếp trên Instagram/ Facebook là một việc hay làm, nhằm “hạn chế những rủi ro” không đáng có. “Mức độ thân thiết giữa Quản lý và sếp đối với tôi chỉ dừng ở mức đồng nghiệp. Kể cả khi quản lý tính tình vui vẻ và dễ chịu thì tôi vẫn hạn chế xem nội dung để hạn chế việc bị soi quá nhiều vào đời sống riêng tư”, anh Phú Quý thổ lộ. Anh còn chia sẻ rằng còn có tình huống nhân viên đi chơi nhưng lại xin nghỉ… bệnh đột xuất, họ chọn hạn chế sếp để có thể tự do đăng hình mà không gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của hai bên. 


Khoảng cách vô hình với sếp và quản lý


Ở giữa mối quan hệ của sếp và nhân viên luôn có một khoảng cách vô hình, dù là ở ngoài đời thật hay ảo. Theo chia sẻ của anh Lê Trần Công Minh, Senior Copywriter tại Pencil Group, bức tường đó được dựng nên từ những khác biệt trong quan điểm, tính cách hoặc tính chất công việc. “Từ những bất đồng nhỏ trong công việc, những nhân sự có thể không muốn sếp tham gia thêm vào cuộc sống cá nhân. Lí do khác có thể kể tới là sếp không thể tách bạch giữa công việc và đời sống riêng tư, dẫn tới nhân sự không muốn những anh/chị này xem được nội dung, để từ đó rút ra những đánh giá không liên quan đến công việc”, anh Công Minh nói. 


Ở giữa mối quan hệ của sếp và nhân viên luôn có một khoảng cách vô hình, dù là ở ngoài đời thật hay ảo


Sợ bị phán xét dựa trên những gì thể hiện trên mạng xã hội cũng là một trong những lí do khiến nhân sự tỏ ra xa cách với sếp. “Sếp và quản lý không thân thiết đến mức chia sẻ 100% đời sống của mình cho họ. Và không phải quản lý nào cũng thấu hiểu tính cách, phong cách của nhân sự dưới trướng, dẫn đến việc xảy ra phán xét, tin đồn không hay hoặc không đúng sự thật về một nhân sự nào đó trong nội bộ công ty. Nói tóm lại, giữa sếp/quản lý và nhân viên trên mạng xã hội, biết càng ít về nhau càng tốt”, anh Quý Phạm bày tỏ quan điểm của mình. 


Ngoài ra, sếp hay quản lý đột ngột trở thành bạn bè trên mạng xã hội cũng có thể thay đổi một số thói quen của nhân sự. “Tôi sẽ trau chuốt hơn khi nhắc về công ty trên mạng xã hội, ít chia sẻ meme hoặc các bài viết cà khịa sếp vì sợ… sếp biết sếp buồn”, anh Công Minh cho hay. 


“Nỗi oan” của sếp và quản lý


Với chị Hân Hân, khoảng cách vô hình thường là do nhân viên tự nghĩ ra. “Tôi luôn nghĩ sếp, một người có thời gian làm việc lâu hơn, kinh nghiệm phong phú hơn thì sẽ khó mà thoải mái với nhau được. Ngay cả việc uống nước, lâu lâu nhắn tin chat chit cùng bạn bè trên mạng xã hội trong giờ làm cũng khiến tôi phải e dè nhìn sếp trong khi thực ra anh/chị chả có vấn đề gì với mình về việc đấy cả”, chị Hân Hân nói. Ai cũng cần có một thời gian để có hình dung rõ hơn về đối phương, kể cả sếp và quản lý. Chính vì vậy, nhân sự cho rằng chỉ cần tiếp xúc với các anh/chị đủ lâu, đủ hiểu rằng thật ra anh chị cũng không suy nghĩ nhiều khi xem những stories nhí nhố của nhân sự bên bạn bè, gia đình. 


Mạng xã hội cũng có thể trở thành cầu nối giữa sếp, quản lý và nhân viên. “Với tôi, nếu bản thân đang có những điểm không hài lòng về công việc hoặc đang có sức khỏe, tâm trạng không được tốt thì tôi cũng muốn để sếp hoặc đồng nghiệp nhận ra và từ đó có thể thông cảm với mình hơn. Hoặc khi tôi có một ý tưởng mới nào đó cho công việc hoặc cuộc sống thì cũng sẽ cập nhật, mong đợi sếp sẽ là người thấy được tin và bình luận thêm về ý tưởng đó giúp mình”, anh Công Minh nói. 


Sếp có thể là người hướng dẫn tốt nhất cho bạn ngay trong cả những dự án cá nhân hoặc là người giúp bạn tự tin thực hiện ý tưởng



Hơn nữa, việc tương tác hợp lý với sếp/quản lý trên mạng xã hội sẽ mang lại lợi nhiều hơn hại cho nhân viên. Có thể kể đến như: 


  • Tiềm năng công việc tốt hơn
  • Công việc trên công ty sẽ dễ dàng hơn 
  • Được tư vấn những vấn đề bên lề 


Theo đó, anh Công Minh đồng ý rằng nếu có một người sếp tâm lý, thì khi kết nối được với họ trên mạng xã hội, nhân sự sẽ có thêm một người tiền bối, anh chị có thể “gỡ rối" trong công việc lẫn cuộc sống. “Sếp có thể là người hướng dẫn tốt nhất cho bạn ngay trong cả những dự án cá nhân hoặc là người giúp bạn tự tin thực hiện ý tưởng đó ngay từ khi đó chỉ mới là một status, một story chia sẻ dự định. Sếp cũng có thể là người móc nối bạn với những bước tiến cao hơn trong công việc bằng cách bình luận, gắn thẻ bạn vào những cơ hội phù hợp”, anh Công Minh nói. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần