“Nhạt” theo cách của Lúp Phương - Người hướng nội sáng tạo nội dung thế nào?

Sở hữu hơn 180.000 người theo dõi trên tất cả các kênh (YouTube, Facebook, Instagram, TikTok), Lúp Phương (Nguyễn Thành Phương) là một nhà sáng tạo nội dung số kiêm Motion Designer - nhà thiết kế chuyển động của nhóm sáng tạo trẻ DECION. Anh cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghệ thuật tại Thơm Festival (sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ Indie) mùa 2 - 3 và thiết kế chuyển động một số dự án stop motion như Ánh sáng xíu xiu, MV Đã Lâu Rồi,...


Với sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội, ít ai biết rằng chàng Giám đốc Nghệ thuật sinh năm 96 lại là một người hướng nội, “sợ trò chuyện với con người”. Anh đã có những chia sẻ về cơ hội của những nhà sáng tạo hướng nội, tư duy phát triển trong ngành và những định hướng công việc với cương vị Motion Designer - một vai trò không quá phổ biến tại Việt Nam. 




• Sở hữu tổng cộng 180 nghìn người theo dõi trên tất cả các tài khoản mạng xã hội (Instagram, Facebook, YouTube, TikTok), anh lên kế hoạch tổ chức và sáng tạo nội dung trên đa nền tảng này ra sao? 


Mỗi nền tảng mạng xã hội sẽ có một tệp người dùng và dạng nội dung nhất định. Vì vậy, ngay từ đầu, tôi ưu tiên xác định rõ mục đích hoạt động trên các kênh: YouTube đăng những nội dung liên quan đến ngành và công việc thiết kế; Instagram để đăng tải các tác phẩm; TikTok dành cho những bản cover bài hát. Mỗi khi có chủ đề hoặc ý tưởng mới, tôi sẽ tìm cách phân bổ để phù hợp với định hướng của từng kênh. 


Vì không có kế hoạch cụ thể cho mỗi kênh nên sản phẩm trên các nền tảng khá hạn chế. Đơn cử, kênh YouTube hoạt động 3 năm với chỉ hơn 40 video. Tuy nhiên tôi quan niệm chất lượng quan trọng hơn số lượng và mỗi sản phẩm được đăng tải đều phải đạt được sự “chỉn chu tối thiểu”. Có lẽ đây là yếu tố thu hút mọi người theo dõi kênh và đồng hành với nhà sáng tạo Lúp Phương.



• 180 nghìn người theo dõi là một con số không quá bùng nổ, nhưng cũng đủ khiến khán giả nhớ mặt đặt tên, tạo nên cộng đồng hâm mộ trung thành. Đã bao giờ anh bị áp lực bởi những con số này? 


Thú thật, tôi hoạt động trên các nền tảng này vì… đam mê nên không quá áp lực với những con số. Tuy nhiên, dữ liệu cũng phản ánh một phần chất lượng của sản phẩm. Vì vậy tôi thường xem báo cáo, hiệu quả của mỗi bài đăng để có thể cải thiện nội dung và tập trung sâu hơn những chủ đề mà người theo dõi quan tâm. 


Trong tương lai gần, tôi mong muốn kênh YouTube sẽ đạt được nút bạc (100.000 người theo dõi). Đây có lẽ là sự công nhận xứng đáng cho 3 năm hoạt động vừa qua. 


• Bên cạnh “chất lượng hơn số lượng”, đâu là những tôn chỉ của anh trong quá trình sáng tạo cũng như phát triển khả năng bản thân?


Giống như việc sáng tạo sản phẩm trên các nền tảng, tôi thường không đặt mục tiêu hay lập kế hoạch mà cố gắng làm mọi thứ đến cùng. Thói quen này được truyền cảm hứng bởi câu nói: “Chỉ cần bản thân tốt hơn 1% mỗi ngày, sau 1 năm mình đã tốt hơn 37,78 lần” trong quyển sách Thói quen nguyên tử.


Tôi từng mất 2 tuần để hoàn thiện video đầu tiên trên kênh YouTube. Thời điểm ấy tôi dành nhiều tâm huyết cho đứa con tinh thần, xem đi xem lại video và cảm nhận đây là tác phẩm tuyệt vời nhất. Nhưng sau một thời gian xây dựng kênh thì tôi đã ẩn đi vì thấy được sự chênh lệch so với chất lượng những video hiện tại.



• Phải chăng tư duy này đã giúp anh trong việc phát triển nhiều năng khiếu? Ví như trong đoạn clip Kiss Me More, anh vừa hát, nhảy, chơi nhạc cụ và kiêm luôn phần thiết kế. 


Tôi có đọc được comment bên dưới video cover Kiss Me More, nhiều người khen “Lúp Phương đa năng”, nhưng tôi thường chỉ nhận mình là một người có nhiều sở thích. Quan niệm của tôi là hiểu biết rộng vẫn tốt hơn tập trung vào một lĩnh vực, giống như câu thành ngữ ở Mỹ: “Jack of all trades, master of none better than master of one” (dùng để chỉ một người đã thành thạo nhiều kỹ năng, thay vì đạt được chuyên môn bằng cách tập trung vào một kỹ năng).


Lúp Phương thể hiện nhiều năng khiếu qua bản cover ngắn Kiss Me More


Đối với việc phát triển bản thân, tôi thường ứng dụng T-model. Đây là mô hình được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực tuyển dụng, mô tả mức độ chuyên sâu về một kỹ năng cụ thể (Deep Expertise) và kiến thức nền tảng rộng ở nhiều mảng khác nhau (Wide Knowledge Base) của một người. Phần thanh ngang của chữ T thể hiện hiểu biết ở các lĩnh vực khác, trong khi thanh dọc cho thấy chiều sâu của các kỹ năng và chuyên môn trong một lĩnh vực. 


Khi bắt đầu một sở thích, tôi thường dành khoảng 2 - 3 giờ mỗi ngày để tập luyện. Sau một tuần, tôi sẽ đánh giá lại xem mình có muốn tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này không. Mọi sở thích đều được trải qua một khoảng thời gian “thử nghiệm” tích lũy ở thanh ngang của chữ T cho đến khi tôi quyết định đào sâu và tìm hiểu cụ thể. 



• Những người hoạt động nghệ thuật thường có xu hướng “quăng quật” bản thân vào môi trường đi làm khá sớm để nắm bắt mọi cơ hội công việc chuyên nghiệp. Điều này có vẻ ngược lại với anh?


Mỗi người sẽ có một hành trình phát triển riêng, miễn là trên con đường đó họ thể hiện được tối đa khả năng của mình. Suy nghĩ này đã đưa tôi đến nhiều quyết định quan trọng. 


Tôi chọn gap year (tạm dừng việc học một năm) để tham gia Thơm Festival với tư cách Giám đốc Nghệ thuật. Thời điểm đó, tôi khá mất động lực với những kiến thức hàn lâm ở trường nên đã dành một tuần để lập kế hoạch cho một năm sắp tới: mục tiêu là gì, viễn cảnh tốt nhất và xấu nhất,... Những trải nghiệm cọ xát thực tế giúp tôi “yêu trường” hơn. Đặc biệt, việc sử dụng các kiến thức ở trường trong môi trường thực tế cũng rất thú vị. Sau một năm, thế giới quan và tư duy thẩm mỹ của bản thân đã thay đổi và mở mang hơn rất nhiều. 


Thay vì làm việc ở các công ty, tôi đang hoạt động độc lập như một Motion Designer (nhà thiết kế chuyển động) trong nhóm sáng tạo trẻ DECION. Nhóm chúng tôi chuyên về Stop Motion (chuyển động tĩnh), Thiết kế 3D, Chụp ảnh và Motion Graphic (đồ họa chuyển động). Motion Designer là công việc khá mới, vì vậy tôi chọn hoạt động với DECION để tự mày mò, tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân hơn.  


Nhóm sáng tạo trẻ DECION


Đối với Lúp Phương, “Giám đốc Nghệ Thuật” không phải là một cột mốc quá lớn. Thay vì tìm kiếm danh xưng, tôi nghĩ mình cứ tích lũy nhiều trải nghiệm và kiến thức. Đến lúc chín muồi và đạt được một trình độ nhất định thì danh xưng sẽ đến. Tư duy này được thành hình từ khi tôi theo học tại RMIT - ngôi trường với “đặc sản” áp lực đồng trang lứa (peer pressure), tôi lấy thành tựu của bạn bè làm động lực để phát triển. Trong ngành này, năng khiếu chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là phụ thuộc vào sự cầu thị và ý chí cố gắng của từng người. 


• Anh nghĩ sao về peer pressure?  


Khi bạn nhận ra bản thân chưa hoàn thiện thì đó chính là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Vì vậy, cứ đón nhận peer pressure một cách tích cực. Trong một môi trường mà tất cả các cá nhân đều có tư duy cầu thị, mọi người sẽ phát triển cùng nhau và góp phần nâng cao tiêu chuẩn chung. 



• Trở thành Art Director khi chỉ là sinh viên, Lúp Phương gặp những thuận lợi hay khó khăn gì trong hành trình làm nghề?


Thật ra, tôi là một người hướng nội, khá sợ hãi khi phải giao tiếp với con người. Vì vậy, khi làm việc nhóm, tôi sẽ gặp khó khăn để truyền tải ý tưởng, suy nghĩ của bản thân. 


Ngược lại, việc hướng nội giúp tôi chuẩn bị nội dung kỹ càng trước khi trình bày. Tôi có khả năng tự học tập và nghiên cứu khá nhanh. Quá trình chuẩn bị dài hơi giúp tôi thực hiện dự án trơn chu và thuần thục hơn. 


• Ít ai nghĩ rằng một người hướng nội lại có thể xuất hiện trước công chúng và mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình. Bí quyết của anh là gì?


Khi làm việc nhóm, tôi sẽ cố gắng kết nối, giao tiếp với các thành viên. Ngoài ra, để khắc phục nỗi sợ giao tiếp, tôi cũng thường luyện tập nói chuyện với bản thân mình trước gương. Nghe hơi điên rồ, nhưng đây là một phương pháp luyện nói hiệu quả trong tiếng Anh. Việc này sẽ giúp bạn chuẩn bị kỹ càng và giao tiếp lưu loát hơn. 


• Có người đánh giá rằng các sản phẩm nội dung của anh gây ấn tượng là vì “nhạt một cách lành mạnh”, quan điểm của anh thế nào? Đã bao giờ anh đi tìm câu trả lời cho sự nghịch lý này? 


Tôi nghĩ nhạt cũng là một màu sắc. Khi thị trường có quá nhiều màu sắc nổi bật thì màu “nhạt” của Lúp Phương đã giúp trung hòa cộng đồng sáng tạo. Khán giả ngày nay quan trọng tính chân thật trong nội dung. Vì vậy, tôi nghĩ cứ là chính mình và truyền tải những nội dung gần gũi, thực tế đến người theo dõi.



• Đâu là những lý do khiến Lúp Phương quyết định sẽ học tiếp thạc sĩ?


Trước đây, tôi theo học ngành Bachelor of Design (Digital media). Tấm bằng cử nhân tại RMIT giúp tôi có những nền tảng cơ bản về ngành, điểm mạnh/yếu và sở thích của mình. Sau một thời gian trải nghiệm, nhận thấy bản thân yêu thích lĩnh vực animation (chuyển động) nên tôi dự định sẽ học tiếp thạc sĩ - Master of Animation của RMIT tại Úc. 


Tôi nghĩ chương trình học thạc sĩ sẽ giúp tôi trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng chuyên môn đối với ngành thiết kế nói chung và lĩnh vực chuyển động nói riêng. Motion Designer cũng là một khái niệm khá mới lạ tại Việt Nam nên việc học thêm thạc sĩ sẽ giúp tôi có cơ hội kết nối với những nghệ sĩ quốc tế và cọ xát trong môi trường nghệ thuật năng động, rộng mở hơn. 


Tôi chọn du học để trau dồi thêm chuyên môn là chính, bằng cấp thật ra không quan trọng trong lĩnh vực thiết kế. Nhà tuyển dụng thường chỉ quan tâm đến phong cách thiết kế hay các dự án mà bạn đã thực hiện thay vì tấm bằng bạn cầm trên tay. 


• Như anh từng chia sẻ, Motion Designer không phải là một công việc quá phổ biến ở Việt Nam. Vậy những bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này cần học tập, trau dồi kỹ năng gì?


Khác với vị trí Graphic Design - tạo nên hình ảnh 2D/3D dưới dạng tĩnh, Motion Designer sẽ giúp các yếu tố đồ hoạ di chuyển một cách sinh động, sáng tạo và bắt mắt. Dưới đây là bộ kỹ năng cơ bản mà một Motion Designer cần có, kết hợp cùng những trải nghiệm thực tế, các bạn sẽ có khả năng phát triển lên trình độ cao hơn: 

  • Kỹ năng cơ bản về các phần mềm/ công cụ (Photoshop, After Effect, 3D softwares,...)
  • Cảm giác về chuyển động (Quan sát, ghi nhớ chuyển động trong đời thật, phim ảnh, hoạt hình,...)
  • Cập nhật thư viện hình ảnh mỗi ngày để tiếp cận và sàng lọc những xu hướng mới
  • Tập luyện sáng tạo bằng cách xem và thực hành theo các hướng dẫn trên mạng


• Trên Facebook cá nhân, anh đã chia sẻ lại đường dẫn của video với tiêu đề “Đạo nhái trong thiết kế” ra mắt vào năm 2020. Có vẻ vấn đề này vẫn luôn gây nhức nhối trong giới sáng tạo? 


Đạo nhái bản quyền trong thiết kế đã xuất hiện từ lâu trong ngành sáng tạo. Tuy nhiên, đa số những nhà thiết kế trẻ, mới gia nhập ngành chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Ngay từ học kỳ đầu tiên ở RMIT, giảng viên đã giải thích cặn kẽ về plagiarism (đạo nhái) để giáo dục cho sinh viên. Tôi nghĩ các trường dạy thiết kế (cả chính quy lẫn trung tâm) nên đưa thêm kiến thức bản quyền vào trong quá trình giảng dạy. Như vậy, những người mới bắt đầu sẽ có hiểu biết và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. 


Đối với trường hợp mang chính tác phẩm gốc về chỉnh sửa mà không có sự cho phép của tác giả, tôi cho rằng đó là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 



• Để độc giả hiểu rõ hơn về công việc của Motion Designer trong đội ngũ, anh hãy chia sẻ về dự án mà anh tâm đắc nhất? 


Tháng 4/2021, DECION đã có cơ hội hợp tác cùng nữ ca sĩ Cheung cho MV Đã Lâu Rồi - stop motion MV đầu tiên ở Việt Nam. Hiểu đơn giản, đây là kỹ thuật ghép các hình chụp lại để tạo ra chuyển động cho nhân vật một cách liền mạch. Quy trình sản xuất một MV stop motion trải qua các bước phối hợp chặt chẽ như sau:



Vì tốn khá nhiều thời gian và kỹ năng, stop motion vẫn là thể loại nghệ thuật chưa phổ biến tại Việt Nam. Một đoạn phim stop motion tầm 5 giây phải mất tầm 1-2 ngày để hoàn thành. Một số công cụ, dụng cụ được đội ngũ tự chế ngay trong lúc quay. May mắn là cả ekip đã hoàn thành dự án sau hơn 2 tuần quay. 


Đã lâu rồi - MV stop motion đầu tiên tại Việt Nam


Cảm ơn Lúp Phương đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ về hành trình và trải nghiệm của bản thân. Chúc anh thành công với dự định trong tương lai! 


Thực hiện Advertising Vietnam

Content: Lý Tú Nhã

Thiết kế: Đạt Đặng



“Nhạt” theo cách của Lúp Phương - Người hướng nội sáng tạo nội dung thế nào?

Lý Tú Nhã

Lý Tú Nhã

Senior Content | Advertising Vietnam

07 Thg 12 2021

Lưu

Cùng chuyên mục