Vào ngày 24/06 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã tuyên bố đảo ngược phán quyết của vụ kiện "Roe chống lại Wade" diễn ra vào năm 1973. Vụ kiện đã công nhận quyền phá thai của phụ nữ và hợp pháp hóa điều này trên toàn nước Mỹ. Việc đảo ngược kết quả lệ án này đồng nghĩa với việc phá thai không còn là quyền được Hiến pháp bảo vệ. Tòa Tối cao của Mỹ cho phép các bang tùy ý quyết định sẽ cấm hay cho phép phá thai đã qua 15 tuần tuổi.


Ngay sau khi phán quyết của Tòa được đưa ra, hàng loạt tiểu bang của Mỹ đã chính thức ban hành luật cấm phá thai từ ngày 25/06 và dự kiến có ít nhất 26 bang chắc chắn hoặc có khả năng thông qua luật này.


Hiệu lực của lệnh cấm phá thai ở các bang của Mỹ (theo tờ People)


Trước tuyên bố của Tòa án Tối cao Mỹ, bà Kerry McKibbin, Chủ tịch agency Mischief chia sẻ: "Tôi thật sự đau lòng và tức giận. Phụ nữ sẽ chết vì quyết định này mất! Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas đã viết rằng các mối quan hệ đồng giới và hôn nhân đồng giới cũng nên được xem xét lại. Vì vậy, dù phẫn nộ, chúng tôi phải tiếp tục đấu tranh. Với tư cách là một nhà quảng cáo và lãnh đạo, chúng ta nên cân nhắc sử dụng mọi công cụ trong khả năng của mình để phản đối những thay đổi này và bảo vệ nhân viên của chúng ta."


Những công ty có trụ sở tại các bang chuẩn bị thi hành lệnh cấm phá thai đã đưa ra các biện pháp chống lại luật này. Bà Claude Silver, Chief Heart Officer của VaynerMedia cho biết công ty sẽ tài trợ chi phí đi lại cho các nhân viên muốn di chuyển đến một bang khác để phá thai: "Công ty đã cập nhật các chính sách chăm sóc sức khỏe để tài trợ chi phí đi lại cho nhân viên nữ. Điều này liên quan đến sức khỏe sinh sản của họ. Chúng tôi sẽ liên tục mở rộng hàng loạt lợi ích để hỗ trợ những nhu cầu đa dạng và ngày càng phát triển của nhân viên."


VaynerMedia là một trong số các agency ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ


Đại diện phát ngôn của Wieden + Kennedy chia sẻ với tờ AdAge rằng họ "ủng hộ quyền tự do sinh sản": "Chúng tôi muốn mang đến một không gian an toàn cho nhân viên. Công ty sẽ thực hiện các dịch vụ chăm sóc phá thai miễn phí cho nhân viên. Nếu một nhân viên hoặc bạn đời của họ sống trong một tiểu bang bị hạn chế hoặc cấm phá thai, chúng tôi sẽ tài trợ chi phí cho họ đến một tiểu bang khác chấp nhận điều này."


Theo bà Kristen Cavallo, Giám đốc Điều hành tại The Martin Agency, một công ty được tạo thành từ hàng trăm nhân viên với vô số đức tin và điều kiện sức khỏe khác nhau. Do đó, công ty sẽ ủng hộ bất kỳ lựa chọn nào mà nhân viên đưa ra. "Tôi tin rằng họ muốn trở thành người làm cha, làm mẹ khi nào là tùy thuộc vào quyết định và mong muốn của họ" - bà chia sẻ trên LinkedIn. Cavallo cũng cho biết công ty sẽ mở rộng quyền lợi để hỗ trợ các chi phí về mang thai hộ, đông lạnh trứng và tinh trùng cho nhân viên.


Ông Jeff Graham, Chủ tịch kiêm Giám đốc Marketing tại Cactus cho biết: "Công ty của chúng tôi đặt tại Colorado, một trong nhiều tiểu bang đã hệ thống hóa quyền phá thai nên các nhân viên nữ của chúng tôi không bị ảnh hưởng gì. Thế nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ phụ nữ ở tất cả tiểu bang có quyền được quyết định những gì xảy ra trên cơ thể của chính họ."


Theo thông tin từ AFP News Agency, Missouri là tiểu bang đầu tiên cấm phá thai từ ngày 24/06 và không có ngoại lệ nào dành cho các trường hợp cưỡng hiếp hay loạn luân. Đến ngày 25/05, có ít nhất 7 tiểu bang khác cũng áp dụng lệnh cấm, bao gồm: Alabama, Arkansas, Kentucky, Louisiana, Oklahoma, Nam Dakota và Utah. Trong khi đó, vẫn còn 16 tiểu bang bảo vệ quyền phá thai theo luật riêng. Một số bang đảm bảo quyền phá thai trong một thời gian giới hạn của thai kỳ, trong khi 4 tiểu bang khác và Washington D.C. bảo vệ quyền phá thai ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ.


Kim Ngọc