Khi "văn hoá" ăn vặt đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong môi trường công sở, nhiều quản lý cấp cao cũng theo đó thể hiện sự quan tâm và động viên nhân sự bằng cách "rút hầu bao" cho các buổi trà sữa, ăn vặt của công ty. Tuy nhiên, áp lực khi phải chi một số tiền không nhỏ vào mỗi tháng để "chiều lòng" nhân sự đã khiến không ít người quản lý "ngậm ngùi" thắt chặt chi tiêu cá nhân.
Chịu cảnh "đau ví" mỗi tháng để mời trà sữa, ăn vặt khích lệ tinh thần nhân viên
Thói quen ăn vặt từ lâu đã trở thành một “văn hoá” không thể thiếu trong môi trường công sở. Thậm chí tại nhiều agency, order trà sữa còn được xem như một “hoạt động bonding” cần làm vào mỗi buổi chiều của các nhân sự. Trong nhiều dịp đặc biệt, quản lý cấp trung và cấp cao cũng không nằm ngoài phong trào và thậm chí còn là người chi trả toàn bộ để mời nhân viên. Chị T.P - Account Manager chia sẻ: “Thông thường, mình tốn khoảng 2 - 4 triệu đồng mỗi tháng để chiêu đãi cho các bữa trà sữa, ăn uống của team. Đằng sau quyết định ‘rút hầu bao’ của mình thật ra không có lý do gì phức tạp. Đôi khi là để chúc mừng team thắng pitch, đôi khi là ngày lễ đặc biệt nào đó trong năm hoặc đơn giản chỉ là vì hôm đó có lương và tâm trạng mình đang tốt nên muốn đặt trà sữa để ăn mừng cùng cả team”.
Việc chi tiền cho các hoạt động ăn uống của nhân viên đa phần đến từ thiện chí của cấp quản lý. Song, trong một số trường hợp, hành động này lại vô hình trung tạo ra áp lực lên chính người sếp khi phải chiêu đãi nhân sự bằng những món ăn ngon và có phần “sang chảnh”. Chị T.P cho biết tuy nhân sự không đòi hỏi hay chủ động đề xuất một thương hiệu cụ thể nào khi được mời, với vai trò của một người cấp trên, chị cũng tự tạo nên một tiêu chuẩn riêng trong việc chọn món ăn và thương hiệu để mời đồng nghiệp.
Ăn vặt, trà sữa hay tụ tập ăn uống sau giờ làm là một nét "văn hoá" đặc trưng ở môi trường công sở
“Để tạo ra một môi trường làm việc tích cực, mình luôn cố gắng chu toàn trong mọi vấn đề liên quan đến nhân sự. Dù chỉ là những buổi ăn vặt hay trà sữa thường ngày, nếu không phải một brand nổi tiếng ‘đắt đỏ’ như Starbucks thì mình cũng sẽ ưu tiên chọn những brand có tiếng như Phúc Long, KOI Thé hay Highlands để khao nhân viên. Tất nhiên, số tiền cao gấp nhiều lần so với việc chỉ chọn những brand thông thường hay các món ăn vặt bình dân như bánh tráng trộn. Dù có thể hơi ‘đau ví’ một chút, nhưng đổi lại mình có thể khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng và thể hiện được vị thế của một người quản lý”, chị cho biết.
Khác với trường hợp trên, trải nghiệm của anh T.H - PR Manager trong những lần khao nhân viên ăn uống lại không quá dễ chịu. Anh chia sẻ: “Dù là manager nhưng tiền lương hàng tháng của mình lại không quá dư dả, bởi ngoài việc lo cho bản thân thì mình còn phải lo cho gia đình và xoay sở cho nhiều khoản chi cần thiết khác. Tuy nhiên, ở góc độ của một người quản lý, mình luôn cố gắng để mỗi tháng mời nhân viên ít nhất một lần để khích lệ tinh thần làm việc của mọi người. Như thế, trung bình mỗi tháng mình sẽ trích ra tầm 2 - 3 triệu cho hoạt động bonding cùng team, bao gồm việc uống cafe hoặc đi ăn nhà hàng, buffet sang chảnh. Song song đó, mình cũng thắt chặt những khoản chi tiêu liên quan đến sở thích và nhu cầu cá nhân không cần thiết để kiểm soát tài chính một cách hợp lý nhất”.
Áp lực khi phải chi một số tiền không nhỏ vào mỗi tháng để "chiều lòng" nhân sự đã khiến không ít người quản lý "ngậm ngùi" thắt chặt chi tiêu cá nhân
Khi mối quan hệ giữa sếp - nhân viên không chỉ dừng lại ở mặt hiệu suất công việc
Nhiều người cho rằng, mối quan hệ giữa sếp - nhân viên chỉ nên dừng lại ở việc hoàn thành và đảm bảo chất lượng công việc, còn việc ghi nhận công sức hay hiệu suất làm việc nên được thể hiện một cách rõ ràng và minh bạch thông qua chế độ lương thưởng và đãi ngộ của công ty. Tuy nhiên, phần lớn các nhân sự đều cho rằng, việc chi trả cho những bữa ăn vặt của nhân viên vốn không phải là điều bắt buộc, nhưng là một việc nên làm để tạo ra một môi trường làm việc tích cực và dễ chịu, nhất là trong một lĩnh vực có nhiều áp lực như ngành Truyền thông - Quảng cáo.
Chị K.Huyền - PR Manager cho biết việc quản lý chi tiêu cho các hoạt động ăn uống của nhân viên là một cách để động viên và khích lệ tinh thần làm việc của cấp dưới. “Mình cho rằng việc bỏ vài triệu mỗi tháng để xoá bỏ khoảng cách sếp - nhân viên là cần thiết để không khí làm việc trở nên dễ chịu và hiệu quả. Không chỉ là những buổi ‘gom đơn’ ăn uống thông thường, cá nhân mình cũng thường xuyên chi tiền rủ rê nhân sự ra ngoài ăn trưa, nhất là khi nhận thấy nhân viên của mình có dấu hiệu ‘tụt mood’”, chị chia sẻ. Trong mỗi lần ăn uống chung, chị có thêm cơ hội để lắng nghe những khó khăn, trăn trở trong quá trình làm việc của nhân sự. Từ đó giúp chị thúc đẩy động lực làm việc của nhân sự, khiến cho hiệu suất của công việc trở nên tối ưu hơn và khiến chị trở thành một người “leader” biết quan tâm và chia sẻ với nhân sự tốt hơn.
Chị K.Huyền cho rằng tâm sự trên bàn ăn là cách để sếp và nhân viên dễ dàng chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn
Dù khoản chi tiêu hằng tháng dành cho tiền ăn uống và tụ tập cùng nhân viên có thể chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số thu nhập, anh T.H cho biết bản thân vẫn sẵn lòng cho hoạt động kể trên. Anh nói: “Ở vị trí của một người quản lý, mức thu nhập về cơ bản của mình đã cao hơn nhân sự cấp dưới khá nhiều. Bên cạnh đó, công việc của người quản lý không thể hoàn thiện nếu thiếu đi những nỗ lực của cấp dưới. Vì thế, mình cho rằng việc trích một khoản chi phí nhỏ cho việc ăn uống và bồi dưỡng tinh thần nhân sự sau những ngày chạy dự án vất vả là điều hoàn toàn bình thường và thậm chí là cần thiết đối với người quản lý.”
Đồng tình với những ý kiến trên, chị T.P cho rằng: “Chúng ta đang làm việc trong một ngành nghề cần phải giao tiếp rất nhiều với khách hàng và người tiêu dùng. Để làm tốt được điều đó, bản thân mỗi người nhân sự trước hết phải biết cách giao tiếp và kết nối với chính những người đồng đội đang hằng ngày cộng tác với mình. Tất nhiên, có rất nhiều cách để kết nối với cấp dưới, và kết nối thông qua ‘bao tử’ chính là con đường nhanh nhất theo quan điểm của cá nhân mình”.
"Bản thân người sếp khi đã có niềm tin và sự tôn trọng từ nhân viên thì việc khao món gì hay ăn ở đâu sẽ không phải là vấn đề quá lớn"
Tuy nhiên, chị T.P cũng cho biết việc lo lắng hay áp lực phải “khao” nhân viên những món ăn ngon, đồ uống sang chảnh thực chất không cần thiết đối với người quản lý. “Mình tin rằng trong môi trường công sở, con người kết nối với nhau thông qua những giá trị và sự đồng điệu trong cách làm việc. Bản thân người sếp khi đã có niềm tin và sự tôn trọng từ nhân viên thì việc khao món gì hay ăn ở đâu không quan trọng. "Của cho không bằng cách cho", đôi khi một buổi bonding chỉ cần những món ăn vặt đơn giản như trái cây hay bánh tráng trộn, nhưng bù lại các thành viên trong team đều thấy vui và nhận được sự tin tưởng, quan tâm của người quản lý thì mình tin rằng điều đó mới thật sự có ích cho con đường phát triển của nhân sự”, chị đúc kết.
Nội dung: Thảo Vy
Minh hoạ: Huy Mai