Trong lĩnh vực tiếp thị, nếu các chiến lược Marketing giống như một chiếc bản đồ chỉ dẫn cho kế hoạch phát triển dài hạn của thương hiệu thì chiến thuật Marketing lại tập trung vào các hành động cụ thể để thực hiện kế hoạch đó. Tuy nhiên, để hai yếu tố hoạt động tương tác cùng nhau đem lại hiệu quả toàn diện cho việc tiếp thị, chúng ta cần phải nhìn nhận được sự khác biệt giữa 2 cán cân trong kế hoạch Marketing của mình.


1, Khái niệm Strategy và Tactics trong Marketing


Chiến lược và chiến thuật là hai khái niệm thường gặp trong kinh doanh nhưng nhiều người còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, đặc biệt là khi bắt tay vào thực hiện các kế hoạch Marketing. Tuy nhiên, việc phân biệt hai khái niệm này lại đơn giản hơn rất nhiều nếu như chúng ta hiểu được bản chất của từng yếu tố. 


Chiến lược là một kế hoạch tổng thể hoặc một tầm nhìn dài hạn của một tổ chức hoặc cá nhân để đạt được một mục tiêu cụ thể. Thuật ngữ này tập trung vào việc xác định hướng đi chung và nguyên tắc cơ bản để đạt được mục tiêu dài hạn, và thường liên quan đến việc quản lý tài nguyên và mối quan hệ trong một phạm vi lớn. Chiến lược định ra lựa chọn toàn diện và phạm vi rộng, và thường được thiết lập bởi ban lãnh đạo cấp cao.



Chiến thuật sẽ là bước tiếp theo sau khi bạn đã xác định chiến lược cho doanh nghiệp của mình. Không có doanh nghiệp nào có khả năng hội tụ đủ tất cả các nguồn lực cần thiết để vận hành doanh nghiệp một cách tối ưu và trơn tru nhất. Điều này có nghĩa là các quyết định sẽ phải được thực hiện dựa trên những gì được ưu tiên tùy thuộc vào từng thời điểm của công ty. Cụ thể ở đây là những hành động cụ thể được thực hiện để đạt được mục tiêu hoặc phần nào của chiến lược.



Thuật ngữ này liên quan đến việc lập kế hoạch cụ thể, quyết định về cách thức và các biện pháp sử dụng để thực hiện mục tiêu ngắn hạn hoặc nhiệm vụ cụ thể. Chiến thuật thường nhằm tối ưu hóa cách sử dụng tài nguyên (như ngân sách, nhân lực, và thời gian) để đạt được kết quả tốt nhất.


2. Phân biệt Marketing Strategy và Marketing Tactics


Marketing Strategy (Chiến lược Marketing) và Marketing Tactic (chiến thuật Marketing) là hai khái niệm quan trọng trong lĩnh vực tiếp thị, và thường được sử dụng để định hình và triển khai kế hoạch truyền thông. Vậy chúng khác nhau như thế nào?


Marketing Strategy


Chiến lược Marketing liên quan đến việc định hình mục tiêu, hướng đi chung và cách tổng quan để đạt được mục tiêu tiếp thị của doanh nghiệp. Chiến lược bao gồm việc xác định thị trường mục tiêu, đối tượng khách hàng, vị trí cạnh tranh, và giá trị cốt lõi của sản phẩm/dịch vụ.



Đặc điểm trong chiến lược Marketing thường được biểu hiện qua 3 yếu tố như sau:


Mang tính dài hạn: Chiến lược sẽ tập trung vào kế hoạch dài hạn, thường kéo dài từ một năm trở lên. Việc này định hình sự phát triển và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Kế hoạch thường cố định: Chiến lược thường mang tính chất cố định, không thay đổi thường xuyên và các chiến thuật cụ thể được xây dựng dựa trên đó.

Mục tiêu: Xác định những mục tiêu cụ thể và đo lường sự thành công trong tương lai.


Marketing Tactics


Chiến thuật Marketing liên quan đến các hành động cụ thể để thực hiện chiến lược Marketing. Đây chính là cách thương hiệu thực hiện kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu tiếp thị. 



Đặc điểm trong chiến thuật Marketing cũng được biểu hiện qua 3 yếu tố như sau:



Mang tính ngắn hạn: Chiến thuật chỉ các hành động ngắn hạn, thường chỉ kéo dài từ vài tuần đến một năm.

Thay đổi thường xuyên: Chiến thuật sẽ linh hoạt thay đổi thường xuyên để phản ánh tình hình thị trường thay đổi hoặc để thích nghi với hiện tại.

Mục tiêu: Xác định rõ những hoạt động cụ thể như quảng cáo trên mạng xã hội, chiến dịch email, khuyến mãi và nhiều hoạt động khác.


Dù có những sự khác biệt nhất định, tuy nhiên, chiến lược Marketing và chiến thuật Marketing phải hoạt động cùng nhau để đảm bảo rằng tổ chức đạt được mục tiêu tiếp thị và thành công trong lĩnh vực của họ. 


Ví dụ: Chiến lược marketing của thương hiệu A là thu hút đối tượng mục tiêu bằng chiến dịch truyền thông đa kênh. Thương hiệu trên sẽ triển khai các chiến thuật tiếp thị cụ thể:

  • Sử dụng quảng cáo trực tuyến bao gồm phương tiện truyền thông xã hội, tìm kiếm có trả tiền và quảng cáo hiển thị hình ảnh để thúc đẩy mức độ tương tác.
  • Sử dụng quảng cáo truyền hình để tăng phạm vi tiếp cận.
  • Sử dụng KOLs truyền thông về thương hiệu.


3, Tại sao cần phải phân biệt rõ Marketing Strategy và Marketing Tactics?


Phân biệt rõ giữa chiến lược tiếp thị (Marketing Strategy) và chiến thuật tiếp thị (Marketing Tactics) đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định và phương pháp truyền thông. Cụ thể như sau:


Định hình mục tiêu và hướng đi: Chiến lược marketing giúp bạn định hình mục tiêu dài hạn và hướng đi chung của chiến dịch tiếp thị. Chiến lược đặt ra câu hỏi "Nên làm gì?" và giúp xác định những gì thương hiệu muốn đạt được. Trong khi đó, chiến thuật marketing xác định "Làm thế nào để thực hiện?" và bao gồm các quyết định cụ thể để đạt được mục tiêu đó.


Phân chia công việc và trách nhiệm: Phân biệt giữa chiến lược marketing và chiến thuật marketing giúp cho việc xác định ai trong tổ chức hoặc đội ngũ tiếp thị chịu trách nhiệm cho việc quyết định chiến lược và người nào chịu trách nhiệm cho việc triển khai chiến thuật. Điều này tạo ra sự rõ ràng và sự phân công công việc hiệu quả.


Tối ưu hóa nguồn lực: Giúp bạn phân bổ tài nguyên và ngân sách một cách hiệu quả. Bạn có thể đầu tư nguồn lực vào các chiến thuật cụ thể để đáp ứng mục tiêu chiến lược.


Đi tìm sự khác biệt giữa Strategy và Tactics trong Marketing? - Ảnh 4.


Đo lường và đánh giá: Giúp đo lường việc thực hiện chiến thuật và xem xét liệu chúng có đóng góp cho mục tiêu chiến lược hay không.


Đảm bảo sự liên tục và linh hoạt: Trong quá trình thay đổi và thích nghi với thị trường, bạn cần thay đổi chiến thuật mà không cần thay đổi chiến lược. Phân biệt rõ giúp bạn duy trì sự liên tục và tính linh hoạt trong hoạt động tiếp thị.


Tạm kết


Chiến lược là một tập hợp các lựa chọn được sử dụng để đạt được mục tiêu tổng thể trong khi chiến thuật là những hành động cụ thể được sử dụng khi áp dụng những lựa chọn chiến lược đó. Nếu có chiến lược mà không có chiến thuật thì sẽ không biết hành động cụ thể ra sao. Nếu có chiến thuật nhưng không có chiến lược sẽ rối loạn vì không có phương hướng tổng thể dẫn đường. Việc hiểu và kết hợp cả hai khái niệm trên là bước quan trọng để xây dựng một chiến dịch tiếp thị hiệu quả và thành công.