Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 8,5 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi căn bệnh Parkinson. 89% những bệnh nhân này đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơ bắp khuôn mặt, làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và bộc lộ cảm xúc. Ngoài những phương pháp điều trị y tế, bệnh nhân còn phải trải qua các liệu pháp vật lý để làm chậm sự tiến triển của triệu chứng. 


Nhằm hỗ trợ những người mắc Parkinson trong việc thực hiện các bài tập cơ mặt và cải thiện tình trạng bệnh, agency Dentsu Creative và công ty dược phẩm Eurofarma của Brazil đã phát triển một ứng dụng di động có tên "Scrolling Therapy". Chiến dịch này đã xuất sắc giành giải Pharma Grand Prix tại Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions 2023.



Cụ thể, ứng dụng "Scrolling Therapy" đã biến thời gian lướt mạng xã hội thành các bài tập thể dục cơ mặt cho những người mắc bệnh Parkinson, bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) để nhận diện biểu cảm khuôn mặt. Sau khi thực hiện những yêu cầu của ứng dụng như cười, cau màu hay thè lưỡi... người dùng sẽ có thể tương tác với Instagram và Facebook một cách tự động để thực hiện các tác vụ như like, phát video, lướt xuống...


Việc biến các bài tập khuôn mặt trở thành công cụ điều khiển là một ý tưởng tuyệt vời nhằm khuyến khích những người mắc bệnh Parkinson tập luyện cơ mặt thường xuyên hơn, giúp họ làm chậm quá trình suy giảm cơ bắp. Để sử dụng Scrolling Therapy, người dùng có thể tải ứng dụng về điện thoại hoặc máy tính bảng, và nó sẽ tự động tích hợp với Facebook, Instagram. Sau đó, khi người dùng truy cập vào bất kỳ mạng xã hội nào, công cụ sẽ được kích hoạt. Có năm biểu cảm tương ứng với những thao tác khác nhau: khuôn mặt ngạc nhiên giúp người dùng lướt xuống, khuôn mặt buồn sẽ tự động phát video, một nụ cười tương đương với nút “thích”, trong khi khuôn mặt tức giận là để vuốt sang trái hoặc phải.


Ứng dụng bao gồm năm biểu cảm tương ứng với những thao tác khác nhau trên mạng xã hội


Sebastián Porta, một bệnh nhân Parkinson đã góp sức cùng đội ngũ của Dentsu Creative và Eurofarma thiết kế ứng dụng này, chia sẻ rằng việc ngồi trước gương trong 45 phút mỗi ngày để quan sát và tập luyện biểu cảm khuôn mặt thực sự là một thử thách lớn đối với anh. “Sống với căn bệnh này đã đủ khó khăn rồi, huống chi là phải đối mặt với nó mỗi ngày qua gương. Đó là lý do tôi muốn đề xuất một công nghệ có thể hỗ trợ các bệnh nhân thông qua hoạt động giải trí như lướt mạng xã hội."


Rafael Rizuto, Giám đốc Sáng tạo của Dentsu Creative Hoa Kỳ và Hispanic LATAM nhận xét: "Giải Grand Prix này là một sự công nhận đặc biệt dành cho chiến dịch, khẳng định nó mang ý nghĩa quan trọng đối với xã hội.”


Theo ông, "Scrolling Therapy" là kết quả của sự nỗ lực và hợp tác giữa các nhóm Dentsu Creative ở Argentina, Brazil, Hoa Kỳ, cùng với các chuyên gia từ Eurofarma và Dentsu Health. "Ứng dụng công nghệ đột phá này được tạo ra ở Argentina, phát triển ở Mỹ và sản xuất tại Brazil, một nỗ lực toàn cầu của các chuyên gia y tế, những nhà sáng tạo và nhà phát triển đến từ nhiều quốc gia với nền văn hóa khác nhau. Trong một thời điểm mà trí tuệ nhân tạo đang chịu sự hoài nghi và chỉ trích, chiến dịch này đã sử dụng sức mạnh của nó vì mục tiêu tốt đẹp, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều bệnh nhân Parkinson trên thế giới," ông cho biết.


Với sự trợ giúp của A.I, sáng kiến này sẽ giúp hàng triệu bệnh nhân mắc Parkinson cải thiện chất lượng cuộc sống


Hiện chiến dịch "Scrolling Therapy" đã đạt 1 tỷ lượt hiển thị trên các phương tiện truyền thông. Ứng dụng cũng có mặt trên Apple Store và Google Play, miễn phí cho 8,5 triệu bệnh nhân Parkinson, đồng thời hỗ trợ 3 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. "Scrolling Therapy" đã ra mắt tại 10 quốc gia trên thế giới, với 45.128 sự tham gia của các bác sĩ. Công cụ này được cho là sẽ cải thiện triệu chứng bệnh trong 12 tuần sử dụng, nếu bệnh nhân thực hiện các bài tập trong vòng 45 phút mỗi ngày.


Phương Anh