Trong ngành hàng FMCG, OMO được biết đến là thương hiệu tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực cho cộng đồng và xã hội thông qua các chiến dịch với tiêu chí “Ngại gì lấm bẩn”. Tiếp nối các campaign ý nghĩa thời gian qua, tháng 8 này, OMO mang đến một câu chuyện quen về những hậu quả do việc giảm thiểu diện tích rừng gây ra nhưng được tiếp cận theo cách mới mẻ và đầy ấn tượng.



Táo bạo từ thông điệp đến cách tiếp cận


Trong thời đại bùng nổ của các nền tảng social media, bất kì một hoạt động, sự kiện nào trong đời sống cũng có thể được lan tỏa với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Điều này càng đúng hơn với những sự kiện mang tính thảm họa như động đất, hỏa hoạn, lũ lụt,... Mặc dù việc cầu nguyện không phải là một điều gì xấu, thậm chí đó là điều rất đáng trân trọng, nhưng đó không nên là tất cả.


Nắm bắt được cảm xúc và hành động này của người sử dụng, OMO đã lựa chọn cách tiếp cận khá liều lĩnh khi tạo ra một tin tức giả về trận lũ cuốn trôi một ngôi làng tên Kay trong đêm 31/7 để kể câu chuyện của mình cũng như đưa ra thông điệp hành động theo một cách rất riêng. Làng Kay được xây dựng dưới hình tượng một ngôi làng cổ tại Việt Nam, nơi nắm giữ những giá trị tinh thần và văn hóa về nghề làm gốm lâu năm. Người dân nơi đây vì không biết được sự mất dần của rừng phòng hộ, chiếc khiên bảo vệ sự bình an của làng nghề cho đến một ngày khi trời trút cơn mưa rào quét sạch hơn nửa ngôi làng, cuốn trôi di sản, cổ vật của thế hệ trước...



Khi thông tin ngôi làng Kay bị nhấn chìm trong biển nước chỉ trong một đêm được phát đi, đã có rất nhiều KOLs, hot moms và các trang cộng đồng đã bày tỏ niềm thương xót trước những tổn thất nặng nề mà dân làng Kay phải gánh chịu. Các bài đăng này cũng đi kèm với thông điệp #PrayForKay và chia sẻ một liên kết đến một microsite do OMO thiết kế http://prayforkay.vn, nhằm kêu gọi mọi người cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với làng Kay. Nhờ khai thác một vấn đề mang tính thời sự, tin tức của OMO sẽ dễ dàng thu hút người tiêu dùng quan tâm và hưởng ứng, nhất là trong thời gian Việt Nam đang bước vào mùa mưa bão.


Lời cảnh tỉnh về tình trạng đất trống, đồi trọc đang ở mức báo động


Khi bước vào website, mọi người sẽ được biết số người đã cùng cầu nguyện cho làng Kay đồng thời được khuyến khích nhấn vào nút "Pray" để trở thành một trong số đó. Bất ngờ là, ngay sau khi người truy cập nhấn "Pray", thứ hiện ra không phải là một pop-up banner cảm ơn bạn vì đã cùng chúng tôi cầu nguyện mà là một clip ngắn để giải thích rằng làng Kay không hề tồn tại và cơn lũ cuốn kia cũng chưa hề diễn ra.


Clip là lời cảm ơn cho những nguyện cầu chân thành của mọi người nhưng cũng là câu chuyện mà OMO muốn truyền tải, rằng không phải làng Kay, nhưng có rất nhiều vùng quê có thật khác tại Việt Nam như thôn Cây Nghĩa, Đồng Lườn, Ấp Củ,... vì thiếu rừng mà nằm trong vùng hiểm nguy của những trận lũ cuốn và sạt lở. Cây và rừng là nhân tố quan trọng để giảm thiểu những nguy cơ mùa mưa bão. Có cây, có rừng thì đất đai được bảo vệ, lượng nước bề mặt có thêm thời gian thẩm thấu, dòng chảy được điều hòa. Nhờ đó cũng giảm thiểu được các tác hại của xói mòn, sạt lở và lũ cuốn. Thiếu cây, thiếu rừng đồng nghĩa với việc thiếu đi một tấm khiên bảo vệ quan trọng trong cuộc sống của con người, thiên tai khi ấy sẽ càng trở nên nghiêm trọng và khắc nghiệt hơn. Lời cầu nguyện là khởi đầu của muôn vàn tốt lành nhưng vẫn chưa đủ. Để câu chuyện về làng Kay không biến thành sự thật, OMO kêu gọi mỗi người chung tay góp sức, cùng nhau lấm bẩn cho một tương lai tốt đẹp hơn.


Nhờ cách triển khai độc đáo bắt nguồn từ insight của người tiêu dùng, OMO đã thu hút 20.569 người tham gia cầu nguyện trên trang web, tỷ lệ nhấp chuột (CTR) đạt 48,82%, là một con số cực kì ấn tượng. Không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận ấn tượng, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, OMO đang từng bước nâng tầm thương hiệu của mình dựa trên những giá trị mà brand thật sự làm và đóng góp cho cộng đồng.


Trong tháng 8 tới đây, OMO sẽ có những hoạt động trồng cây gây rừng với mục tiêu tạo ra những “tấm khiên xanh” để bảo vệ cho dải đất hình chữ S thân thương. Màn chắn xanh đầu tiên đã được hình thành ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, hàng chục cây xanh đã và đang được trồng với sự đồng hành cùng tổ chức Xanh Hà Nội và rất nhiều người dân địa phương để bảo vệ Hà Nội khỏi ô nhiễm, khói bụi và mang đến không khí trong lành, bóng mát dễ chịu cho người dân Thủ đô.



Tạm kết


Như có chia sẻ ở đầu bài, ý tưởng #PrayForKay bắt nguồn phản ứng thường thấy của mọi người khi đọc một tin tức về thảm họa chiến tranh, cháy rừng, lũ lụt, việc đầu tiên mọi người thường làm là cầu nguyện bằng cách để lại một dòng bình luận #prayfor... hay chia sẻ tin tức rộng rãi trên mạng xã hội như làn sóng cầu nguyện #PrayforParis (vụ khủng bố tại Paris, năm 2015), #PrayforAmazonia (cháy rừng Amazon 2019), #PrayforAustralia (vụ cháy rừng tại Australia năm 2019-2020).


Nhờ đào sâu và “bắt trúng” insight và hành vi của người tiêu dùng, kết hợp với lối tiếp cận sáng tạo, OMO đã mở đầu thành công chiến dịch mới, kêu gọi mọi người lấm bẩn để tạo ra những “tấm khiên xanh” cho Việt Nam. Hành trình lan toả thông điệp tích cực của “OMO Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam” vẫn chưa dừng lại tại đó, hứa hẹn sẽ còn nhiều hoạt động thú vị trong thời gian tới. Cùng Advertising Vietnam chờ đón xem nhé.


Ngọc Anh / Advertising Vietnam