Chúng ta thường dễ dàng ghi nhớ những câu chuyện thú vị trong cuộc sống của mình thông qua nhiều hình thức khác nhau như truyền miệng, báo đài hay các phương tiện thông tin đại chúng. Và phần lớn các câu chuyện này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ của con người. Bằng chứng là những câu chuyện cổ tích được kể lúc bé đã hình thành những khái niệm tốt, xấu cơ bản và tồn tại trong trí nhớ của mỗi người rất lâu. 


Bắt nguồn từ cách kể chuyện trong đời sống, Storytelling Marketing đã sử dụng khéo léo những câu chuyện liên quan đến thương hiệu để kết nối với nhóm khách hàng phù hợp. Bởi vì, trong thực tế, người ta thường dễ quên tên thương hiệu nhưng với một câu chuyện hay thì có thể tồn tại trong trí nhớ rất lâu, ví dụ như những câu chuyện có tính nhân văn hay lấy đi nước mắt của người xem. Dựa vào nghiên cứu tâm lý của khách hàng để thực hiện quảng cáo cho sản phẩm đã làm cho Storytelling trở thành phương thức tiếp thị mang lại hiệu quả vượt trội và được các nhãn hàng yêu thích.



Cách tạo ra một câu chuyện hay cho thương hiệu


Trong thị trường quảng cáo hiện nay, Storytelling đã trở nên khá phổ biến nhưng quá trình làm nên câu chuyện có sức lan tỏa thì quả thực không dễ dàng. Thực tế, không phải tất cả câu chuyện mà thương hiệu tung ra thị trường đều được đón nhận, với những quảng cáo khó hiểu hay nội dung không thu hút thì doanh nghiệp coi như bỏ phí tiền đầu tư mà không có được kết quả như mong đợi. Vì vậy, để có được một câu chuyện hay thì người làm sáng tạo cần biết đến 5 nguyên tắc cơ bản - G.R.E.A.T:



Glue - Kết nối: Phải nói rằng thời đại công nghệ 4.0 đã cho phép các thương hiệu kết nối với khách hàng dễ dàng hơn trên nhiều nền tảng trực tuyến nhưng nó lại khá lỏng lẻo. Bởi vì, khách hàng dễ dàng bỏ qua quảng cáo trên các nền tảng này nên cần có điểm kết nối giữa người xem và thương hiệu để thu hút sự chú ý của họ vào câu chuyện được kể.


Reward - Phần thưởng: Phần thưởng ở đây không nhất thiết phải là các chương trình khuyến mãi hay quà tặng đặc biệt mà có thể thay thế bằng những cam kết về chất lượng sản phẩm của thương hiệu với người tiêu dùng.


Emotion - Cảm xúc: Đây chính là yếu tố quan trọng chi phối tâm lý con người cũng như thu hút sự chú ý của khách hàng về chiến dịch hay sản phẩm. Chẳng hạn, những quảng cáo dành cho nữ giới thường có xu hướng nhẹ nhàng hơn quảng cáo dành cho nam giới.


Authentic - Đáng tin cậy: Các yếu tố phóng đại thường được sử dụng trong quảng cáo, tuy nhiên, chúng ta có thể dùng nó để tô vẽ cho hình ảnh của sản phẩm hay thương hiệu và nên trung thực về chất lượng của sản phẩm, một câu chuyện hay thì trước hết nó phải là câu chuyện đáng tin. Những câu chuyện kể về thương hiệu thì nên dựa trên những giá trị có thật do chính thương hiệu đó tạo dựng nên.


Target - Mục đích: Xác định câu chuyện nhãn hàng đang kể là dành cho ai và xây dựng các yếu tố phù hợp với nhóm khách hàng của mình.


Chúng ta có thể sử dụng chiến thuật G.R.E.A.T khi phác họa dàn bài của câu chuyện để tư duy và phát triển những ý tưởng lớn cho các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu. Dưới đây là những chiến dịch quảng cáo nổi tiếng đến từ các thương hiệu lớn, bạn đọc có thể tiếp tục bài viết để tìm hiểu và học hỏi cách xây dựng câu chuyện của họ.


Những chiến dịch thành công nhờ Storytelling


1. Thai Life Insurance: “Unsung Hero”


Vào những năm gần đây, quảng cáo của Thái Lan đã nhận được nhiều chú ý bởi lối kể chuyện sáng tạo và thú vị. Trong đó, những TVC của thương hiệu bảo hiểm lâu đời - Thai Life Insurance luôn được đánh giá cao và có phản hồi tốt từ người xem trên toàn thế giới.


Trước tiên, là bởi việc chọn tâm lý của người Á Đông làm trung tâm nên TVC của các thương hiệu Thái Lan nói chung và Thai Life Insurance nói riêng thường rất gần gũi và đề cao tình cảm gia đình, tình người.



Cách xây dựng câu chuyện của Thai Life Insurance là luôn hướng đến những điều ý nghĩa và vẻ đẹp của cuộc sống. Trong TVC “Unsung Hero”, thương hiệu đã khắc hoạ hình ảnh một “anh hùng” đời thường và thầm lặng. Mục đích là làm cho mọi người thấy rằng những trục trặc từ nhỏ cho đến lớn đã vô tình làm giảm chất lượng cuộc sống của từng cá nhân. Nhưng nếu có được sự giúp đỡ thì chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ trở nên đơn giản, dễ chịu hơn rất nhiều. Thông qua hình ảnh “anh hùng” đời thường, thương hiệu bảo hiểm đã thể hiện trọn vẹn thông điệp - hãy để Thai Life Insurance đồng hành, đảm bảo cuộc sống của bạn và chạm đến trái tim của người xem trên toàn thế giới.


Những thành công mà chiến dịch gặt hái được: TVC “Unsung Hero” 6 năm qua đã có được 86 triệu views, giá trị tương tác truyền thông trên website, các trang mạng xã hội và video đạt gần 7 triệu đô và thậm chí TVC này còn đạt được giải thưởng Bronze Spike 2014 hạng mục Film.


Với nội dung truyền tải gần gũi và đầy nhân văn của “Unsung Hero” đã làm cho mọi người nghĩ rằng nó là một câu chuyện “người tốt việc tốt” cần được lan tỏa đã làm nên thành tích tương tác khủng trong dự án này. Từ đó, chiến dịch của thương hiệu được xem như thành công rực rỡ khi được tiếp cận với nhiều khách hàng mới thông qua các phương tiện truyền thông.


2. Nike: Find Your Greatness


Nike là một nhãn hiệu giày nổi tiếng trên thế giới và trong các chiến dịch quảng cáo Nike thường tập trung vào tinh thần của thương hiệu “Just do it”, cổ vũ mọi người vượt qua các rào cản, chiến thắng kẻ thù của chính mình.



Điểm đặc biệt trong chiến dịch quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu này thường sử dụng hình ảnh của những ngôi sao thể thao và câu chuyện của họ. Đôi khi những người nổi tiếng cũng nghi ngờ về tài năng của mình và phải cố gắng vượt qua những thử thách để có được thành công như hiện tại, vậy tại sao chúng ta lại không thể. Đây chính là thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải khi bắt đầu “Find Your Greatness” và mong muốn tác động đến nhận thức của con người trong cách họ nhìn nhận và vượt qua giới hạn của bản thân mình.



Bên cạnh đó, việc thu thập những câu chuyện đa quốc gia và phát triển chiến dịch trên nhiều nền tảng đã làm cho “Find Your Greatness” nhanh chóng tiếp cận được với người tiêu dùng ở khắp mọi nơi và có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới.


3. Apple - Apple Watch: "Real Stories"


Apple Watch là một công cụ thông minh và hiện đại, vì thế trong chiến dịch “Real Stories” thương hiệu muốn khách hàng nhìn thấy được sự tiện lợi, thông minh của sản phẩm thông qua những câu chuyện thực tế từ những khách hàng đã trải nghiệm.



Trong chiến dịch lần này, Apple đã rất tinh tế khi để mắt đến những “tai hoạ” bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc sống và đây cũng chính là nỗi bất an trong lòng mỗi người. Như tinh thần của chiến dịch “Real Stories”, thương hiệu tìm kiếm những người đã trải nghiệm sản phẩm và chia sẻ lại câu chuyện - cách Apple Watch cứu họ khỏi “cánh cửa tử thần” trong gang tấc.



Với cách kể chuyện này, Apple đã đáp ứng được xu hướng của khách hàng trong thời đại ngày nay - thông minh - nhạy cảm - tin vào đánh giá của những người đã trải nghiệm. Có thể nói rằng, chiến dịch “Real Stories” đã chạm đến những nỗi sợ thường trực trong suy nghĩ của con người và hoàn toàn thuyết phục họ.


4. Aristino: "Be the man”


Cuối cùng là chiến dịch của local brand Aristino - “Be the man”. Là một quảng cáo đã cũ trên thị trường của Việt Nam, nhưng cách thực hiện chiến dịch của Aristino lại rất đáng để học hỏi cả về quy mô và cách xây dựng chiến lược lan tỏa câu chuyện của mình.



Thông qua chiến dịch “Be The Man”, thương hiệu thời trang này muốn khẳng định người đàn ông thực thụ là có tồn tại, không phải nằm trong lý tưởng hay giấc mơ. Chỉ vì cuộc sống bộn bề, quay cuồng mà nhiều khi người ta có thể quên những phẩm chất tốt luôn tồn tại trong mỗi người đàn ông. Và để chứng minh cho điều này, Aristino bắt đầu từ những câu chuyện - người nổi tiếng chia sẻ về những người đàn ông tuyệt vời của họ. Sau đó, khuyến khích mọi người cùng chia sẻ câu chuyện của mình để cùng lan tỏa thông điệp này. 



Và nhân tố tạo nên thành công của “Be the man” chính là tính nhân văn của thông điệp - củng cố lòng tin vào cuộc sống tốt đẹp và kích thích mọi người chia sẻ những kỷ niệm liên quan đến người đàn ông lý tưởng của cuộc đời mình. Từ những câu chuyện hay được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng đã chứng minh cho sự thành công của chiến dịch “Be the man” và mục đích tiếp cận khách hàng mới của Aristino trong thời điểm đó.


Tạm kết


Nhìn vào số lượng quảng cáo được bắt đầu từ câu chuyện của thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng đã chứng minh rằng phương thức Storytelling đang được yêu thích trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng những gì Storytelling mang lại không chỉ ở kết quả chiến dịch thành công, thương hiệu thu hút được khách hàng mới mà nó còn góp phần lan tỏa các thông điệp có tính nhân văn sâu sắc, cũng như truyền cảm hứng cho con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.


Ngọc My / Advertising Vietnam