"Sự bùng nổ của các công ty truyền thông, giải trí trong thời đại mới đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho những ai đam mê nghệ thuật"

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các khối ngành nghệ thuật, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của lĩnh vực này ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều nhân sự yêu nghệ thuật có đam mê nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng về con đường sự nghiệp. Họ loay hoay trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp với đam mê của mình hay lựa chọn giữa việc theo đuổi nghệ thuật và chọn một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống “cơm áo gạo tiền”.


Vậy đâu sẽ là hướng đi đúng đắn dành cho các nhân sự yêu nghệ thuật Việt Nam? Những cơ hội và thách thức nào đang chờ đón những người đang làm trong lĩnh vực này?


Cùng Tiến sĩ Đào Lê Na - trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, khoa Văn học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM bàn luận về chủ đề này!



1.Tiến sĩ từng học về Quản lý nghệ thuật tại Đài Loan. Ngành này cụ thể sẽ làm gì? Ở Việt Nam có ngành tương tự không? Sự cần thiết của ngành học này?


Sau khi theo học Quản lý nghệ thuật, nhân sự có thể ứng tuyển vị trí giám tuyển nghệ thuật, chuyên viên làm việc trong các cơ quan văn hóa, bảo tàng hoặc những người quản lý trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. 


Ở Việt Nam chưa có ngành tương tự vì giám tuyển nghệ thuật hoặc những người tổ chức các hoạt động lĩnh vực này ở Việt Nam gần như hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng hơn là một nghề nghiệp có thu nhập. Đây là một ngành học này rất cần thiết bởi vì nếu có thể chuyên nghiệp hóa được lĩnh vực giám tuyển nói riêng và quản lý nghệ thuật nói chung thì có khả năng sẽ tạo ra được những chính sách phát triển nghệ thuật phù hợp cho Việt Nam trong tương lai.



2.Có dịp tiếp cận với phương pháp giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, tiến sĩ thấy cách hướng nghiệp của nước bạn có gì khác ở Việt Nam?


Việc hướng nghiệp là một phần quan trọng trong công tác tuyển sinh cũng như kế hoạch truyền thông của trường đại học. Vì vậy công tác hướng nghiệp phải được chú trọng vì nhà trường muốn đào tạo được các bạn sinh viên có khả năng làm việc và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng sau khi ra trường. Do đó, khi tuyển sinh, các trường phải có các bài kiểm tra, phỏng vấn để xem sinh viên phù hợp với ngành học đến đâu. 


Bên cạnh đó, sinh viên được yêu cầu học các môn học khám phá để tìm kiếm ngành học phù hợp nhất với mình. Có những sinh viên đã thay đổi chuyên ngành sau khi học các môn khám phá. Ngoài ra, việc liên thông ngành học và học chuyên ngành chính, chuyên ngành phụ hoặc chuyên ngành song song cũng được khuyến khích. 


3.Theo tiến sĩ, vài năm trở lại đây, với tác động từ dịch cũng như khủng hoảng kinh tế, khối ngành nghệ thuật đã có những thay đổi gì?


Từ những khó khăn chung của Việt Nam và thế giới như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, khối ngành nghệ thuật cũng có những khó khăn nhất định: chẳng hạn, công chúng ra rạp xem phim hay xem kịch không còn nhiều như xưa dẫn đến một số sân khấu đã đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động theo mùa. Số lượng phim ra rạp cũng không quá nhiều. Có vài tháng, thị trường phim Việt Nam rất ảm đạm vì không có hoặc rất ít phim mới và phim không đạt được doanh thu như mong đợi. 


Bên cạnh đó, khán giả cũng thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật thông qua các nền tảng xem phim trực tuyến hay thưởng thức biểu diễn sân khấu online, livestream…Sự thay đổi này đặt ra những thách thức cho các nhà làm nghệ thuật trong việc sáng tạo nội dung phù hợp và thu hút người xem.



4.Theo Tiến sĩ, cơ hội việc làm thiên về nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh ngày nay với các bạn trẻ khác biệt gì những thế hệ trước đây?


Sự bùng nổ của các công ty truyền thông, giải trí trong thời đại mới đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho những ai đam mê nghệ thuật. Hiện nay có rất nhiều công ty truyền thông, giải trí ra đời rất nhiều nên cơ hội nghề nghiệp được mở rộng hơn trước. Công chúng cũng quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật nên cũng khắt khe hơn trong việc đánh giá các tác phẩm thuộc lĩnh vực này.


Do đó, lĩnh vực công nghiệp sáng tạo đang có xu hướng chuyên môn hoá cao hơn. Vì vậy, nếu như trước đây sinh viên tốt nghiệp thường xuyên làm trái ngành thì ngày nay, việc đào tạo đúng chuyên môn được đòi hỏi nhiều vì đa số công ty muốn tuyển nhân sự biết việc hơn là phải đào tạo lại.


5.Quan sát các bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật, ví dụ như nghệ thuật sân khấu hoặc phim ảnh, trong thời đại ngày nay, Tiến sĩ thấy các bạn gặp những thuận lợi và khó khăn gì?


Ngày nay, các bạn trẻ đang được hưởng nhiều thuận lợi trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu và phim ảnh. Các bạn trẻ có thể tiếp cận được nhiều khóa học online và nguồn tài liệu phong phú thông qua các kênh bán sách trực tuyến nếu các khóa học đó hoặc các tài liệu đó không có ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, rất nhiều nền tảng phim ảnh ra đời nên giới trẻ có thể dễ dàng tự sản xuất phim qua các nền tảng khác nhau và có thể có khán giả của riêng mình. Các dự án liên hoan phim, kịch ra đời ngày một nhiều, các dự án sân khấu học đường đang ngày một nhân rộng cũng giúp kết nối những người trẻ với các thế hệ trước và cũng có thể tìm kiếm được nguồn hỗ trợ tài chính nhất định.

 

Để đào tạo được nguồn nhân lực trẻ cho sân khấu Cải lương cũng là nỗi trăn trở của nhiều nghệ sĩ gạo cội.


Tuy nhiên, con đường theo đuổi nghệ thuật không hề dễ dàng. Các nghệ sĩ trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều khó khăn vì các bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người có cùng đam mê nên nếu tác phẩm của các bạn không nổi bật, các bạn sẽ khó tạo được dấu ấn hoặc duy trì đam mê của mình

 

6.Kỳ vọng của tiến sĩ khi thực hiện các vở cải lương thể nghiệm như Đợi Kiều là gì? Có phải cô muốn tạo sân chơi cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật? Ngoài ra còn vì gì nữa, thưa Tiến sĩ? 


Vở diễn "Đợi Kiều" thể hiện sự sẵn sàng đổi mới của sân khấu cải lương trong bối cảnh đương đại. Vở diễn này không chỉ giữ gìn những giá trị truyền thống vốn có của cải lương mà còn kết hợp với các yếu tố hiện đại, tạo nên một phong cách nghệ thuật mới mẻ và thu hút. Vở diễn sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, kết hợp với âm nhạc hiện đại và dàn dựng sân khấu sáng tạo, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ ngày nay. Hơn thế nữa, "Đợi Kiều" mong muốn đưa các tác phẩm có giá trị lớn về tiếng Việt đến gần với người trẻ thông qua nghệ thuật trình diễn. 


Vở diễn "Đợi Kiều" vừa là sân chơi cho các bạn trẻ vừa thể hiện sự sẵn sàng đổi mới của sân khấu cải lương trong bối cảnh đương đại.


Trích đoạn cải lương thể nghiệm "Đợi Kiều".


Ngoài tạo sân chơi cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật, "Đợi Kiều" còn thể hiện cách nhìn mới về nữ quyền trong bối cảnh Đông Á, đặc biệt là Việt Nam. Vở diễn khai thác nội tâm và góc nhìn của các nhân vật nữ trong truyện Kiều để thấy được sự tự do và tinh thần nữ quyền của Thuý Kiều. Qua đó, vở diễn góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.


7.Các nền tảng video ngày nay như Facebook Reels, TikTok,... cũng được các bạn trẻ sử dụng để thể hiện khả năng biểu diễn, hát cải lương. Tiến sĩ nhìn nhận việc này ra sao?


Facebook ReelsTikTok hiện là những phương tiện giải trí phổ biến thu hút đông đảo giới trẻ. Do đó, các bạn trẻ sử dụng chúng để thể hiện khả năng biểu diễn, hát cải lương là một điều tích cực vì chứng tỏ cải lương vẫn còn được giới trẻ quan tâm và đang tìm cách đưa cải lương đến gần hơn với thế hệ mình. Sẽ đáng buồn nếu như cải lương không còn được các bạn trẻ nhắc tới. 


Sự pha trộn của các thể loại cải lương, R&B, rap NSƯT Kim Tử Long và ca sĩ Phương Mỹ Chi kết hợp trong ca khúc "Chiếc lược ngà"


Sự giao thoa đương đại trong Tia sáng cuối cùng giữa NSND Bạch Tuyết - rapper Wowy đã mở ra những trải nghiệm mới với sự pha trộn độc đáo giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian.



8.Trước đây, người trẻ đam mê nghệ thuật, nhưng không được sự ủng hộ từ gia đình, phải chịu cảnh học và làm trái ngành. Cơ hội học tập và làm việc đúng đam mê của các bạn giờ đây ra sao, thưa Tiến sĩ?


Bất kỳ thời kỳ nào cũng có những người đam mê nghệ thuật học trái ngành vì có những công việc sáng tạo nghệ thuật không có nhiều nguồn thu nhập, ví dụ như các nhà văn với phong cách kể chuyện thể nghiệm, các nhà làm phim độc lập, các nghệ sĩ sân khấu, các nhạc sĩ “ngầm" (underground)...Tuy nhiên thời kỳ này, các lĩnh vực nghệ thuật cũng đem đến nhiều công việc có thu nhập cao, thế hệ phụ huynh ngày nay cũng hiểu và được tiếp cận nhiều thông tin về các ngành nghề liên quan đến nghệ thuật nên nhiều gia đình cũng có sự cởi mở hơn đối với niềm đam mê lĩnh vực này của con cái. 



Nhờ những yếu tố tích cực trên, các bạn trẻ ngày nay có cơ hội học tập và làm việc đúng đam mê hơn. Tuy nhiên, để thành công trên con đường này, điều quan trọng là các bạn cần có lòng dũng cảm, sự quyết tâm và không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn.


9.Hiện tại, người đam mê nghệ thuật có thể tìm đến đâu để học? Môi trường nào có thể giúp các bạn có những bước đi đầu vững chắc?


Việc lựa chọn trường học phù hợp là một quyết định quan trọng, đặc biệt đối với những bạn trẻ đam mê nghệ thuật. Tuỳ vào đam mê để có thể chọn trường vì hiện nay có rất nhiều trường đào tạo các lĩnh vực này riêng biệt như: âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh…Các trường khoa học đa ngành như Đại học Quốc gia, Đại học Hoa Sen, Đại học Fulbright Việt Nam cũng có các ngành chuyên sâu về nghệ thuật và phim ảnh.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ hiện nay rất giỏi ngoại ngữ và năng động nên nếu biết mình đam mê ngành nghề, lĩnh vực nào thì cũng có thể tìm kiếm được học bổng ở nước ngoài để đi du học về ngành đó. 


10.Lời khuyên của tiến sĩ đối với những ai đam mê nghệ thuật, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu hay chưa dám sẵn sàng là gì?


Không có một lời khuyên chung nào dành cho tất cả bởi đam mê nghệ thuật của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực nghệ thuật ngày nay rất lớn nên nếu có đam mê thì cần tìm hiểu kỹ mình muốn làm gì. Có những công việc liên quan đến lĩnh vực này có thể giúp người đam mê kiếm được việc làm và có nguồn thu nhập ổn định như vẽ minh hoạ, biên kịch, đạo diễn, sáng tạo nội dung, viết nhạc theo đơn đặt hàng… Nhưng cũng có những công việc hoặc tác phẩm sáng tạo mang tính nghệ thuật thuần tuý, kén khán giả thì cần nỗ lực lớn từ người đam mê vì sự cô đơn trong nghệ thuật và áp lực tài chính.



Nếu có đam mê nhưng chưa có điều kiện để thực hiện thì cứ dành thời gian để ấp ủ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính phù hợp và tìm lấy một công việc nuôi sống bản thân chứ đừng để các vấn đề cơm áo gạo tiền cản bước. Khi nào có đủ điều kiện thuận lợi thì hãy tiếp tục đam mê của mình. Điều quan trọng nhất là biết mình thực sự đam mê điều gì và lựa chọn nào làm mình hạnh phúc. 



"Sự bùng nổ của các công ty truyền thông, giải trí trong thời đại mới đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho những ai đam mê nghệ thuật"

Phuc Nguyen

Phuc Nguyen

13 Thg 02 2024

Lưu

Cùng chuyên mục