Content Discovery là quá trình người dùng tìm kiếm, khám phá và tiếp cận nội dung trên Internet. Ngay sau khi tìm kiếm dữ liệu, người dùng dễ dàng bắt gặp các nội dung tương tự dựa vào thuật toán tự động đề xuất của nền tảng. Nhờ đó, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm và tương tác với nội dung của thương hiệu trên mạng xã hội. 


Để nắm rõ từng điểm chạm của khách hàng từ nhận thức đến tìm kiếm sản phẩm, các marketer cần tìm hiểu rõ về Content Discovery. Cùng khám phá 5 xu hướng các marketer cần biết để phát triển chiến lược này trong năm 2024.


Các video mang tính giáo dục thông qua sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu


Theo nghiên cứu của HubSpot, khách hàng thường đưa ra quyết định dễ dàng hơn sau khi xem video (nội dung có hình ảnh và âm thanh) vì có được thông tin của thương hiệu và sản phẩm một cách trực quan. Không chỉ bị hấp dẫn bởi những video giải trí hoặc những tin tức giật gân, người dùng còn yêu thích những video hướng dẫn họ thực hiện một điều gì đó mới mẻ, hoặc đơn giản là cung cấp những thông tin hữu ích có liên quan đến sản phẩm. Đây là dạng nội dung được dự đoán sẽ trở thành xu hướng phổ biến vào năm 2024.


Dự kiến từ quý 4/2023 đến hết năm 2024, các video mang tính giáo dục từ chính sản phẩm của thương hiệu sẽ được đẩy mạnh trên các nền tảng. Khi thực hiện dạng nội dung này, marketer nên lồng ghép để biến sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ người dùng. 


Đơn cử như CHIN-SU đã chinh phục phần lớn khách hàng là người nội trợ mua sản phẩm của mình thông qua chuỗi video “Món ngon cùng CHIN-SU”. Nội dung của từng tập trong chuỗi series trên giúp người dùng không chỉ được gợi ý những món ăn ngon, dinh dưỡng cho gia đình mà còn được hướng dẫn cách kết hợp những sản phẩm CHIN-SU như hạt nêm, nước tương,... để tăng thêm hương vị cho các món ăn. 


CHIN-SU thực hiện các video hướng dẫn người dùng cách chế biến món ăn


Tìm kiếm nội dung trên công cụ tìm kiếm và các nền tảng mạng xã hội gần như giống nhau


Nếu trước đây Google Search được xem là một trong những công cụ “top-of-mind” (xuất hiện đầu tiên) khi người dùng muốn tìm kiếm thông tin, sự phát triển hiện tại của TikTok, YouTube,... góp phần cung cấp đa dạng các trang thông tin để người dùng tra cứu. 


Quy trình khám phá nội dung của người tiêu dùng gần như giống nhau 90% ở cả 2 công cụ. Trong khi Google sử dụng tính năng Discovery để cá nhân hóa nội dung tìm kiếm, TikTok được người dùng ưa chuộng bởi khả năng gợi ý những video gần sát với từ khóa mà người dùng tra cứu. 


Người tiêu dùng dần có xu hướng tìm kiếm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội thay cho công cụ tìm kiếm


Một số cách các marketer có thể áp dụng trước sự thay đổi trong thói quen tìm kiếm của người dùng theo gợi ý từ chuyên gia Marketing: 

  • Căn chỉnh kế hoạch nội dung để “khớp” trên công cụ tìm kiếm lẫn trên mạng xã hội: Trước hết, marketer cần tự xem trước trang web của mình sẽ hiển thị như thế nào trên kết quả tìm kiếm và khắc phục dần các vấn đề liên quan đến tối ưu hình ảnh, từ khóa, nộ dung. Bên cạnh đó, marketer có thể sử dụng công cụ như Google Trends, Google Keyword Planner, hoặc các công cụ nghiên cứu từ khóa khác để hiểu xu hướng tìm kiếm và ngôn ngữ người dùng trên công cụ tìm kiếm. Những bước trên giúp marketer tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và đảm bảo chất lượng của nội dung.
  • Mở rộng chiến lược SEO ngoài Google: YouTube, Facebook, Threads, TikTok, và nhiều công cụ tìm kiếm lớn khác sẽ là nguồn tiềm năng để marketer khai thác. Mỗi nền tảng yêu cầu định dạng nội dung khác nhau. YouTube tối ưu cho video, Facebook có hình ảnh, văn bản, Threads chủ yếu là văn bản. Việc tối ưu hóa nội dung theo định dạng phù hợp giúp nội dung của thương hiệu tương thích và thu hút người dùng trên từng nền tảng.
  • Kiểm duyệt nội dung kỹ lưỡng trước khi công khai trên các nhóm cộng đồng, bản tin hoặc các nguồn Internet khác: Nội dung không kiểm duyệt có thể chứa thông tin không chính xác, thiếu tin cậy hoặc thậm chí là tin giả mạo. Việc kiểm duyệt giúp đảm bảo rằng thông tin được chia sẻ là đáng tin cậy và phản ánh đúng sự thật.


Marketer nên kiểm duyệt thông tin cẩn thận trước khi đăng trên mọi nền tảng


Mục đích tìm kiếm của người dùng là đáp án cho bài toán Content Discovery


Những năm về trước, một chiến lược SEO Marketing hoàn hảo sẽ cần tối ưu hóa SEO cả bên trong (on-page) và bên ngoài (off-page) trang web, bao gồm việc đặt từ khóa phù hợp vào tiêu đề tối ưu hóa URL trong bài viết, tối ưu thẻ Meta và hình ảnh/ video trong bài. Giờ đây, các nền tảng như Google, TikTok, Facebook chỉ cần tập trung vào: mục đích tìm kiếm của người dùng. 


Các nền tảng tìm kiếm, xã hội và mua sắm cung cấp ngày càng cung cấp nhiều nội dung đa dạng dựa trên mục đích tìm kiếm của người dùng.Đây chính là thước đo về chất lượng của nội dung và cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược Marketing của thương hiệu.




Để phát triển Content Discovery dựa trên ý định của người dùng, marketer nên:

  • Tập trung nội dung hướng đến phù hợp với tệp người dùng của nền tảng: Mỗi nền tảng có đặc điểm riêng về đối tượng người dùng, cách người dùng tiếp cận thông tin. Ví dụ: Facebook hướng các bài viết chia sẻ nội dung chi tiết, trong khi người dùng ở TikTok sẽ yêu thích các dạng video ngắn. Việc tập trung vào việc phân tích và tạo ra nội dung phù hợp sẽ giúp tăng tương tác cho thương hiệu. 
  • Nghiên cứu nhân khẩu học, tâm lý học và hành vi của khách hàng thông qua báo cáo user của Facebook, TikTok, YouTube,...: Bằng cách nghiên cứu nhân khẩu học và tâm lý học thông qua dữ liệu người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, thương hiệu có thể hiểu rõ hơn về mong đợi của khách hàng, từ đó có thể tối ưu hóa chiến lược nội dung.
  • Tối ưu hóa và phân tích dữ liệu liên quan đến trải nghiệm nội dung của người tiêu dùng: Điều này giúp marketer điều chỉnh nội dung phù hợp với sở thích, mong muốn của khách hàng. Đối với website, việc tối ưu hóa thông qua chỉnh sửa hình ảnh hoặc cung cấp đường dẫn rõ ràng có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và duy trì người dùng truy cập trang web lâu hơn.


“Mục đích tìm kiếm của người dùng” là đáp án cho mọi bài toán liên quan đến xây dựng nội dung


Thay đổi linh hoạt, mục tiêu cuối cùng cần hướng đến là người dùng


Mặc dù các nền tảng như TikTok, Google đang dần thay đổi cách người dùng tương tác và tìm kiếm nội dung, bản chất việc “đặt người dùng làm trọng tâm” vẫn là một trong những yếu tố cốt lõi trong đề xuất nội dung. Chính vì thế, marketer cần linh hoạt, nên biết khi nào sẽ làm theo lời khuyên hoặc gợi ý từ nền tảng để “chạm” đến ý định của khách hàng. Theo Content Marketing Institute, các marketer có thể thực hiện những hoạt động sau đây để xây dựng chiến lược Content Discovery phù hợp:


  • Tìm kiếm và nắm bắt được nhóm khách hàng ngách thay vì nhóm khách hàng chung (ví dụ, nhóm khách hàng thích đi phượt sẽ là nhóm ngách thay cho nhóm khách hàng từ 20 - 30 tuổi): Thương hiệu có thể sáng tạo nội dung và sản phẩm đặc thù đáp ứng nhu cầu cụ thể thông qua nhóm khách hàng ngách. Nhờ vậy, thương hiệu từng bước tạo ra sự khác biệt rõ ràng so với đối thủ cạnh tranh cũng như xây dựng được nhóm khách hàng loyalty riêng cho mình. 
  • Xem xét dữ liệu liên quan đến nội dung của thương hiệu để tăng thêm các điểm chạm trên Customer Journey (tạm dịch: Hành trình khách hàng): Xét từ giai đoạn nhận biết thương hiệu đến giai đoạn mua hàng và sau bán hàng, marketer sẽ có thêm cái nhìn tổng quan về cách khách hàng tương tác với thương hiệu và thay đổi nội dung sao cho phù hợp nhất đối với từng điểm chạm.
  • Xem tỷ lệ tương tác trên mỗi bài đăng, thời gian khách hàng dừng hoặc rời khỏi bài đăng/ video,... tỷ lệ thoát hoặc thu được lưu lượng truy cập cho mỗi từ khóa: Theo nghiên cứu từ Content Marketing Institute, tỷ lệ tương tác giúp marketer đánh giá mức độ mà khách hàng tương tác với nội dung, thời gian mà khách hàng dừng lại hoặc rời khỏi nội dung nhấn mạnh trải nghiệm của người dùng,... Việc theo dõi các chỉ số trên không chỉ giúp thương hiệu nhận ra nội dung nào chưa đáp ứng đúng nhu cầu của người tìm kiếm mà còn góp phần tạo ra trải nghiệm tích cực hơn cho họ.


Thay đổi theo gợi ý của nền tảng một cách linh hoạt, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là hướng đến người tiêu dùng


Hiểu thuật toán, hiểu meta, Content Discovery tự động có hiệu quả


Theo thông tin từ Content Marketing Institute, người dùng thường dành 90 phút mỗi ngày trên TikTok, 78% trong số họ sẽ tìm kiếm nội dung hài hước và giải trí. Vì thế, các thương hiệu cần kết hợp các yếu tố giải trí để đa dạng hóa nội dung cho kênh TikTok của mình và thu hút người dùng. Tuy nhiên, Content Marketing Institute cũng gợi ý rằng nếu 84% người dùng tham gia trên Facebook để giải trí, các nội dung mang tính giáo dục có thể không đáp ứng người dùng và không có nhiều lượng tương tác cao.


Các nền tảng như Facebook, TikTok, Google,... sẽ ưu tiên nội dung mà người dùng yêu thích. Khi nội dung của thương hiệu “gãi đúng chỗ ngứa” và giải quyết vấn đề cho người dùng, các công cụ tìm kiếm hoặc nền tảng xã hội khác sẽ tự động phân phối nội dung này rộng rãi đến nhiều đối tượng khách hàng. Ngoài ra, việc tập trung phát triển các công cụ Content Discovery dựa trên thuật toán của nền tảng lẫn xu hướng được người dùng yêu thích là một cách an toàn để đảm bảo lượng tương tác cho thương hiệu.


Nắm rõ thuật toán và nội dung nền tảng đang đẩy mạnh sẽ giúp các marketer tạo nội dung tiếp cận được lượng lớn người tiêu dùng


Những cập nhật mới liên quan đến Content Discovery có thể gây khó khăn cho marketer trong việc xây dựng nội dung trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, các marketer nên xây dựng nội dung và đặt khán giả vào trọng tâm chiến lược của mình. Bên cạnh đó, marketer nên cố gắng tìm kiếm các xu hướng và quản lý nội dung một cách chặt chẽ. Tạo nội dung mà khán giả thực sự mong muốn và phát triển phù hợp với nền tảng chính là chìa khóa cho Content Discovery.


Huyền Trang