Quý 4 năm 2022 đã đánh dấu một bước “lội ngược dòng” của TikTok khi nền tảng này thu về doanh thu toàn cầu lên tới 350 triệu đô (nguồn: Forbes), vượt xa tổng doanh thu của Facebook, Instagram, Twitter và Snapchat cộng lại (205 triệu đô). Với sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượt người dùng, TikTok đã trở thành một công cụ truyền thông mạnh mẽ với các con số thống kê tăng trưởng đáng chóng mặt.


Theo dữ liệu thống kê toàn cầu, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong năm 2022 với 672 triệu lượt tải xuống, vượt xa ứng dụng đứng thứ hai là Instagram với 548 triệu lượt tải xuống.


Với tốc độ phát triển vượt bậc và tận dụng sự chín muồi của thương mại điện tử (TMĐT) tại thị trường Việt Nam, nền tảng này đã cho ra đời TikTok Shop, một tình năng kết hợp giữa mạng xã hội và TMĐT.


TikTok Shop là gì?

TikTok Shop – một tính năng mới được TikTok giới thiệu vào tháng 4 năm 2022 tại Việt Nam – đã mở ra cơ hội cho người dùng tạo ra các gian hàng thương mại điện tử ngay trên tài khoản TikTok của họ. Bây giờ, TikTok không chỉ là một nền tảng giải trí mà còn trở thành một sàn TMĐT.


Điều này đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm, kinh doanh và xây dựng thương hiệu của mình một cách hiệu quả. Tại đây, các nhà kinh doanh có thể tận dụng cơ hội để quảng cáo, khám phá các nhóm khách hàng tiềm năng và thực hiện giao dịch mua bán dễ dàng thông qua Video ngắn, Livestream và Trang hiển thị sản phẩm.


Sự ra đời và phát triển của TikTok Shop tại Việt Nam


Sau đại dịch COVID-19, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể. TikTok – nền tảng với 1 tỷ người dùng – đã nhận ra xu hướng mua hàng trực tuyến đang ngày càng tăng lên và đã tận dụng cơ hội này. Đây là nền tảng cho sự ra đời của TikTok Shop tại Việt Nam. Trong bảng xếp hạng sàn TMĐT năm 2022, TikTok Shop đã vượt cả “anh lớn” Tiki, vươn lên top 3 bảng xếp hạng trong năm 2022 với Total Score (tổng điểm) đạt 13,56. Tuy nhiên, Total Score của TikTok Shop và Tiki không có sự chênh lệch quá lớn, khoảng 2,5%.


Top 5 sàn TMĐT phổ biến trên mạng xã hội năm 2022 – Nguồn: Reputa


Ngoài ra, theo số liệu thống kê từ Metric, chỉ trong tháng 11/2022, doanh số trên TikTok Shop đã đạt 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán và 32.000 nhà bán hàng đã tạo ra đơn hàng tại thị trường Việt Nam.


Tổng quan số liệu của TikTok Shop trong năm 2022 – Nguồn: Metric.


Đáng chú ý là, sau nửa đầu năm 2023, bảng xếp hạng thị phần doanh thu NMV (Net Merchandise Value – tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công) đã chứng kiến sự thay đổi vị trí giữa Lazada và TikTok Shop. Theo Metric, vào quý 4/2022, chỉ sau 4 tháng ra mắt, TikTok Shop đã đạt doanh thu bằng 80% so với Lazada. Vào quý 1/2023, TikTok Shop chỉ còn kém Lazada 3,5% doanh thu và đã chính thức vượt qua Lazada vào quý 2 (nguồn: CafeF).


Sự thay đổi thị phần các sàn TMĐT vào nửa đầu năm 2023 – Nguồn: Metric


Điều này có nghĩa là TikTok Shop đã trở thành sàn TMĐT lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Shopee. Thị phần của Shopee từ đầu năm đến nay gần như không thay đổi, cho thấy rằng TikTok Shop đang thực sự chiếm lấy thị phần từ các sàn TMĐT khác.


Theo thông báo của TikTok tại TikTok Shop Vietnam Summit vào tháng 3/2023, trong vòng 6 tháng trước đó, GMV (tổng giá trị hàng hóa) của Tik Tok Shop đã tăng lên 11 lần, trong đó số lượng đơn hàng tăng lên 6 lần (Nguồn: TikTok Vietnam). Các ngành hàng hiện nay chiếm tỷ trọng lớn và là nhóm khách hàng chính của Tik Tok Shop bao gồm Thời trang và Phụ kiện, Thực phẩm và Đồ uống, Chăm sóc sắc đẹp và Điện tử.


Có thể thấy TikTok Shop đã phát triển với tốc độ “thần kỳ” mặc dù chỉ mới ra mới trong thời gian ngắn. Điều này chắc chắn sẽ tại ra nhiều tác động và xu hướng cho các ngành hàng trong thời gian sắp tới.


Tại sao TikTok Shop sẽ là xu hướng?


Social Commerce đang là xu hướng mua sắm mới


Theo một báo cáo tìm hiểu insight của Gen Z đến từ ICSC (International Council of Shopping Centers – Hội đồng trung tâm mua sắm quốc tế), 85% nam giới và 86% phụ nữ cho rằng mạng xã hội ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. 45% Gen Z cho rằng TikTok và Instagram là những nền tảng hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, tiếp theo là YouTube (38%), Facebook (24%), Snapchat (17%), Twitter (14%). Điều này cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn của mạng xã hội trong việc hình thành và thúc đẩy quyết định mua hàng của người tiêu dùng.


Ngoài ra, theo số liệu tổng kết năm 2022 được tổng hợp bởi Oosga, trung bình mỗi người dành hơn 2 giờ mỗi ngày để lướt mạng xã hội. Thời gian này không chỉ được sử dụng để giải trí, kết nối với bạn bè và gia đình, mà còn để tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người dùng mạng xã hội và mục đích sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. – Nguồn: Oosga


Chính những yếu tố này đã tạo nên cơ sở cho xu hướng Social Commerce phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Như vậy, Social Commerce không chỉ là một xu hướng tăng trưởng mà còn là một phần quan trọng của tương lai của thương mại điện tử. Và có thể dễ dàng nhận thấy, TikTok đang đi theo xu hướng hướng này.


Shoppertainment đang là xu hướng


Shoppertainment – sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí – đã trở thành một xu hướng nổi bật trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng trong thời gian gần đây. Đây là một hình thức mua sắm mới mẻ, nơi người mua có thể tham gia vào các hoạt động giải trí như chơi game hay xem video. Sản phẩm được tiếp cận người dùng một cách tinh tế, kích thích họ có nhu cầu mua hàng ngay lập tức, thay vì phải trải qua các bước truyền thống của quá trình mua hàng.


Theo nghiên cứu được TikTok uỷ thác do Toluna thực hiện tại Đông Nam Á năm 2023, 81% người dùng TikTok quyết định thực hiện việc mua sắm trực tuyến trong mùa mua sắm năm nay. Thậm chí, 67% người dùng đã mua hàng sau khi xem video, dù ban đầu không có ý định mua sắm (nguồn: TikTok).

Nguồn: TikTok Mega Sales Playbook, 2023 Edition, Southeast Asia


Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) cho biết Shoppertainment là “cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), mang lại cơ hội tương tác số hóa với khách hàng trên toàn khu vực. Giá trị thị trường dự kiến ​​của Shoppertainment sẽ đạt ​​1.000 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 500 tỷ USD trong năm 2022.


Cũng theo báo cáo này, Việt Nam và Thái Lan thuộc nhóm thị trường ổn định với thị phần Shoppertainment chiếm từ 25-40%, dung lượng thị trường dưới 15 tỷ USD. Đây được xem là nhóm thị trường “bàn đạp” cho việc mở rộng xu hướng mua sắm giải trí ở các quốc gia khác trong khu vực.


Với xu hướng Shoppertainment, hành trình khách hàng đã có sự thay đổi, việc mua sắm đã trở nên dễ dàng hơn, hình thành và thúc đẩy thói quen mua sắm trên nền tảng này, cũng như là TikTok shop.


Lượng người dùng TikTok ngày càng tăng


Theo báo cáo Digital 2023 từ We are Social và Meltwater, TikTok có 49,86 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam vào đầu năm 2023. Quảng cáo TikTok đã tiếp cận 68,9% tổng số người lớn từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, phạm vi tiếp cận quảng cáo của TikTok tại Việt Nam tương đương với 64,0% cơ sở người dùng internet tại địa phương vào đầu năm, bất kể độ tuổi.


Người dùng Tik Tok chủ yếu là thế hệ Z và cuối thế hệ Y, với độ tuổi từ 12 đến 40. Đây là nhóm tuổi có khả năng tiêu dùng mạnh mẽ và rất thích mua sắm trực tuyến. Hơn nữa, họ rất thành thạo trong việc sử dụng công nghệ và có kinh nghiệm trong các hoạt động mua sắm trực tuyến. Dự kiến, số lượng người dùng trong nhóm tuổi này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho các chủ cửa hàng khi bắt đầu chiến lược kinh doanh với Tik Tok Shop, vì họ sẽ có được một nguồn khách hàng tiềm năng rất lớn.


Kết luận

TikTok Shop là một kênh bán hàng tiềm năng cho nhiều loại mặt hàng. Với việc hiểu rõ các ngành hàng đang và sẽ phát triển, các nhà bán hàng có thể tận dụng tốt cơ hội này để phát triển công việc kinh doanh của mình.

Tác giả:

Linh Nguyễn – Head of Commerce Solution | PMAX

Phùng Nguyễn – Business Development Consultant | PMAX