Xây dựng hình ảnh đặc trưng của thương hiệu


Không gian có tác động trực tiếp đến tiềm thức, xây dựng cảm xúc và nhận thức của khách hàng. Thông qua một bộ phận đặc biệt trên não bộ, những hình ảnh trong một cửa hàng khi tiếp xúc với khách hàng đủ lâu sẽ được lưu lại. Bên cạnh logo, thiết kế nội thất cũng là cách nhận biết thương hiệu của khách hàng. Điều này thường được vận dụng vào việc xây dựng hình ảnh của các thương hiệu theo chuỗi.

Theo như Paul Hirsy, người làm việc về lĩnh vực thiết kế nội thất đã có cơ hội hợp tác với thương hiệu Costa và Starbucks, việc xây dựng thương hiệu thông qua thiết kế nội thất là rất quan trọng. Nó giúp tăng sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu đó. Khi đã bắt đầu quen thuộc với không gian của một thương hiệu, khách hàng sẽ hiểu được trong không gian đó họ sẽ tìm được những sản phẩm gì, dịch vụ chăm sóc khách hàng ra sao,.. Ngoài ra, thiết kế nội thất còn giúp cho thương hiệu xác định được phân khúc khách hàng của mình.



Không gian ảnh hưởng đến tâm trạng của khách hàng


Thiết kế nội thất và cảm xúc của con người luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. Điều này được gọi là tâm lý không gian đã tồn tại hàng ngàn năm qua, trong nét văn hóa Vasty Shastra của Ấn Độ hay Phong thủy của Trung Quốc. Với sự phát triển của ngành khoa học thần kinh, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu và tìm ra được nhiều kết quả đáng chú ý liên quan đến chủ đề này. Họ đã cho thấy các yếu tố của thiết kế nội thất có khả năng gợi lên phản ứng cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực ở con người. Còn giáo sư tâm lý môi trường Irving Weiner, hiện đang công tác tại Đại học Cộng đồng Middleborough, cho biết: “Ảnh hưởng của không gian xung quanh là thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy hay cầm nắm được, nhưng nó vẫn có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và tâm trạng của chúng ta”.

 

Ánh sáng chính là yếu tố của thiết kế nội thất có ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đối với tâm trạng của khách hàng. Ánh sáng có logic khá đơn giản, màu của ánh sáng càng ấm thì không gian càng trở nên gọn gàng hơn. Chúng có thể gợi lên cảm giác thoải mái hoặc kích thích giao tiếp. Ánh sáng mờ gợi ra không gian u ám, ánh sáng rực rỡ tạo ra một diện mạo rộng lớn hơn. Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên giúp khách hàng cảm thấy thoải mái hơn nhưng lại khó kiểm soát được lượng ánh sáng.

Màu sắc cũng có mức tác động cụ thể đến cảm nhận của khách hàng. Các màu sắc khác nhau thì có thể kích hoạt hoặc thiết lập các cảm xúc khác nhau. Ví dụ các màu nóng như đỏ và cam được coi là chất kích thích mạnh, đồng nghĩa là chúng có tác động mạnh đến cảm giác của con người nên chỉ sử dụng trong nội thất hoặc đồ dùng của các nhà hàng. Còn màu xanh lam lại được coi là chất ức chế, mang lại cảm giác thư giãn nên màu sắc này thường hạn chế sử dụng trong các cửa hàng ăn uống nhưng thay vào đó lại được vận dụng vào các tiệm spa hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.


Giúp quảng cáo cho thương hiệu


Thiết kế nội thất là một phần thiết yếu trong chiến lược tiếp thị của thương hiệu. Thiết kế nội thất là điều đầu tiên mà khách hàng sẽ cảm nhận khi họ bước qua cửa. Ấn tượng đầu tiên này sẽ quyết định cách khách hàng cảm nhận về một thương hiệu hay nhãn hàng, về mức độ dịch vụ mà họ mong đợi, thời gian ở lại bao lâu và liệu họ có muốn quay lại lần nữa. Trong thời đại mạng xã hội là một kênh quảng cáo béo bỡ thì thiết kế nội thất được ví như người bán hàng thầm lặng. Mọi người đều muốn check-in những nơi có không gian đẹp, thoải mái và nếu hình thức của một thương hiệu trông đẹp, phong cách lạ sẽ là điểm cộng để thu hút lượt khách hàng trên nền tảng trực tuyến này.


Cùng làm rõ điều này thông qua các phong cách kiến trúc bên trong câu chuyện của thương hiệu Starbucks. Năm 1983, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Starbucks là Howard Schultz đã có những góc nhìn mới sau chuyến đi đến Milan. Anh nhận ra là ngoài hương vị của ly cà phê, những trải nghiệm bên trong một quán cà phê ở Ý khiến anh nhớ mãi. Cửa hàng đó không chỉ đơn thuần là một tiệm cà phê mà còn là một địa điểm thứ ba để mọi người gặp nhau, sau nhà và công ty. Kể từ đó, Starbucks bắt đầu có sự thay đổi trong văn hóa dùng cà phê, biến cửa hàng cà phê là nơi kết nối mọi người. Phương châm của họ là “Để truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần con người – mỗi người một cốc, một vùng lân cận”. Từ phương châm đó, họ cho ra đời những cửa hàng được thiết kế phù hợp với văn hóa từng địa phương. Đó là lí do tại sao bất kỳ ai đã từng đến Starbucks đều có thể nhận ra thiết kế của họ vì họ đã làm cho nội thất bên trong đậm nét thương hiệu và tăng tính trải nghiệm cho khách hàng. Đúng như họ đã từng tuyên bố, chỉ tập trung vào một cửa hàng, một khách hàng, một cốc. Đến nay, Starbucks đã có hơn 21.000 cửa hàng trên toàn thế giới và có nhiều người tìm đến đây, đơn thuần là muốn tận hưởng ly cà phê chuẩn vị bên trong không gian của thương hiệu này.



Nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và tăng năng suất làm việc

 

Công ty Gensler có trụ sở tại San Francisco đã tiến hành nghiên cứu và phân tích nơi làm việc của họ là ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh về sự tác động của không gian vật chất đến năng suất làm việc của nhân viên. Và họ nhận ra rằng, thiết kế nội thất của một doanh nghiệp có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận của nhân viên về công việc của họ. Điều này đúng với bất kỳ loại hình kinh doanh nào.

 

Nếu không gian làm việc kém sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên. Nghiên cứu này chỉ ra rằng những nhận viên cảm thấy không hạnh phúc với không gian làm việc sẽ kém tập trung và có nhiều ngày ốm hơn. Tần suất đi làm muộn và thái độ phàn nàn về công việc của họ cũng lớn hơn. Để xây dựng không gian làm việc có hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần tăng sử dụng ánh sáng tự nhiên, xây dựng không gian thoáng đãng, tạo ra một môi trường làm việc thoải mái. Việc đảm bảo ánh sáng thích hợp và thiết kế không gian làm việc khoa học sẽ giảm căng thẳng cho mắt và cơ thể, sẽ tiết kiệm được thời gian nghỉ ngơi, và tăng năng suất làm việc của nhân viên hơn.


Tóm lại, thiết kế nội thất đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc định hình thương hiệu hoặc xây dựng không gian làm việc hiệu quả cho dân văn phòng. Ngày nay, các thương hiệu trong các lĩnh vực dịch vụ cũng đầu tư nhiều vào thiết kế nội thất, coi đây là một cách hiệu quả và lâu dài trong việc thúc đẩy doanh thu của cửa hàng.