YouTube Shorts là một định dạng video ngắn trên nền tảng YouTube, cho phép người dùng tạo và xem các video có độ dài tối đa 60 giây. YouTube Shorts có các tính năng giống như các ứng dụng tương tự như TikTok và Instagram Reels như tạo video với các hiệu ứng, âm nhạc và chế độ hình ảnh khác nhau. Các video có thể xuất hiện trong trang "Shorts" của YouTube, tạo cơ hội cho các kênh thu hút nhiều lượt xem.


Để tận dụng tối đa tiềm năng của Shorts trong chiến lược marketing, các thương hiệu cần phải có hiểu biết về những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của nội dung ngắn trên nền tảng YouTube. Tuy nhiên, việc phân tích các chỉ số hiệu quả trên nền tảng YouTube Shorts cũng đặt ra nhiều thách thức. Một trong số đó là sự phức tạp của thuật toán của YouTube, khiến việc hiểu chính xác cách thức hoạt động của nền tảng trở nên khó khăn. Hơn nữa, phân tích YouTube Shorts đòi hỏi các thương hiệu cần có sự hiểu biết về các yếu tố kỹ thuật, nội dung và đối tượng khán giả để có thể đưa ra những phân tích chính xác và hữu ích.


Tại sao phân tích các video ngắn trên YouTube rất quan trọng đối với các Marketer?


Khi định dạng video ngắn trên nền tảng YouTube bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi ra mắt vào tháng 9/2020 và hiện đã tạo ra khoảng 30 tỷ lượt xem mỗi ngày từ tháng 6/2022, các thương hiệu đang dần tập trung vào việc truyền thông bằng hình thức này bởi tiềm năng thu hút nhiều lượt xem, người đăng ký và tăng tỷ lệ chuyển đổi.


 YouTube Shorts cho phép tạo ra những video ngắn và gần gũi hơn với khán giả. Điều này giúp tăng cơ hội thu hút lượt xem và tăng tương tác với khán giả


Tuy nhiên, không phải lúc nào các marketer cũng dễ dàng phân tích hiệu suất của các video trên YouTube Shorts. Trước đây, các phiên bản của YouTube Analytics chỉ cung cấp những thông tin cơ bản như lượt xem video, số lần hiển thị hình đại diện và thông tin nhân khẩu học của khán giả. Những số liệu này không đủ để hiểu rõ hiệu quả của video ngắn, đặc biệt là về khả năng để thu hút người xem và tăng tỉ lệ chuyển đổi. Ngoài ra, hiệu suất của các video ngắn trên YouTube phần lớn phụ thuộc vào việc người xem có chọn xem các video ngắn mà họ nhìn thấy trong Feed của mình hay không. Các tùy chọn để đo lường số liệu này trước đây không có sẵn trên Shorts.


Kể từ tháng 3/2023, các marketer có thể truy cập số liệu phân tích YouTube Shorts để biết số lần hiển thị trên news feed, số lượt xem so với số lần vuốt và thông tin nhân khẩu học về đối tượng. Những số liệu phân tích này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất của cả kênh và các video ngắn riêng lẻ, giúp các marketer có cái nhìn tổng quan về tính hiệu quả của định dạng video ngắn trên YouTube.


Những lưu ý quan trọng khi phân tích YouTube Shorts


1. Phân tích số lần hiển thị trên feed 


Để phân tích số lượt hiển thị của kênh trên Feed của YouTube Shorts, người dùng cần mở YouTube Studio và chọn mục Analytics, sau đó chọn tab Content và Shown in Feed. 



Người dùng có thể xem những con số phân tích chi tiết về hiệu quả hoạt động của Shorts tại một thời điểm cụ thể bằng cách di chuột qua biểu đồ. Nếu các video được xuất bản với tần suất không đều đặn, việc lựa chọn khoảng thời gian phân tích từ 28 - 90 ngày sẽ giúp người dùng có cái nhìn toàn cảnh và đánh giá hiệu quả kênh một cách chính xác hơn. Để có cái nhìn bao quát hơn về hiệu quả của các nội dung trên kênh YouTube Shorts, người dùng có thể đánh giá bằng các phương pháp sau:


  • So sánh chỉ số hiển thị trong feed (Feed Metrics) với số lượt xem (View Metrics): Để đánh giá các chỉ số này, hãy chọn tab Xem và chú ý đến các dữ liệu so sánh. Nếu tỷ lệ của lượt hiển thị trong dòng feed và lượt xem tăng cùng nhau thì đây là dấu hiệu Shorts đang có hiệu quả về nội dung và có tiềm năng mở rộng tệp khán giả. Tuy nhiên, nếu lượt xem không tăng nhanh bằng lượt hiển thị trong feed, đó là một dấu hiệu video của thương hiệu đang cần cải thiện các yếu tố như tiêu đề và mô tả để thu hút người xem. Ví dụ, nếu một video có số lượt hiển thị trên Feed tăng 40% trong khi số lượt view tăng đến 150%, các yếu tố của video này như độ phù hợp về chủ đề và sự tăng trưởng khán giả đang hoạt động hiệu quả, nhưng các yếu tố khác như phần giới thiệu của video cần được cải thiện.


  • So sánh chỉ số hiển thị trong Feed (Feed Metrics) với chỉ số hiển thị trên YouTube (Impression Metrics): Ngoài chỉ số đo lường hiển thị, YouTube Studio còn cung cấp chỉ số đo lường impression. Chỉ số này phản ánh số lần người xem đã thấy các hình đại diện của video trên YouTube, bao gồm trang chủ và các trang kết quả tìm kiếm. Bằng cách so sánh chỉ số đo lường hiển thị trong Feed với chỉ số đo lường impression, thương hiệu có thể nắm bắt được vị trí mà video được quan tâm nhiều nhất. Nếu số lần hiển thị trên Youtube thấp hơn số lần hiển thị trên Shorts Feed, thương hiệu có thể tập trung vào việc tối ưu hóa SEO của YouTube.


  • Xem lại chỉ số hiển thị từng video: Phương pháp này cho phép xem các chỉ số hiển thị của từng video Shorts riêng lẻ để có cái nhìn chi tiết hơn về hiệu quả của từng video. Để xem chỉ số hiển thị trong dòng feed của một video cụ thể, hãy chọn bất kỳ video nào trong trang quản trị của kênh và chọn tab Analytics, sau đó chọn Reach để xem đồ thị chỉ số hiển thị của video đó.


  • Đánh giá toàn bộ nội dung ngắn để xem xét kết quả hiển thị trong Kênh Shorts của YouTube: Để đánh giá chỉ số hiển thị trong feed của toàn bộ video ngắn, thương hiệu có thể sử dụng tính năng thống kê nâng cao trên YouTube Studio. Bằng cách so sánh lượt hiển thị trên Feed của các video, thương hiệu có thể xem được video nào có hiệu quả hơn và đưa ra các phương án phù hợp.


2. Phân tích tỷ lệ xem video


YouTube Studio cung cấp các chỉ số như tỷ lệ xem so với số người lướt qua video, cho phép người dùng tìm ra yếu tố đã đóng góp vào sự thành công của video ngắn trên kênh của thương hiệu. 



Ngoài ra, người dùng cũng nên xem xét các chỉ số liên quan đến audience retention (tỷ lệ giữ chân khán giả) trong suốt thời gian xem video của họ. Cụ thể, tại mỗi bảng phân tích về tỷ lệ giữ chân khán giả, YouTube Studio cung cấp thông tin về thời lượng xem trung bình cho mỗi video cũng như thời điểm người xem có xu hướng nhấp chuột rời khỏi video đó. Dựa trên những thông tin này, người dùng có thể tạo ra nội dung hấp dẫn hơn và tăng khả năng thành công của kênh YouTube. Bên cạnh đó, bằng cách lựa chọn tính năng Compared to Other Videos (so sánh với các video khác), người dùng sẽ có một bức tranh toàn cảnh hơn về hiệu quả của các video ngắn được tải lên. 




Bên cạnh đó, tính năng phân tích nâng cao của YouTube Shorts còn mang đến những thông tin chi tiết có giá trị cho việc so sánh hiệu quả giữa nhiều video. Cụ thể, người dùng có thể chọn mục Average Percentage Viewed (số lượt xem trung bình toàn kênh) làm dữ liệu cơ sở và so sánh nó với dữ liệu lượt xem cũng như lượt bỏ qua của một video để từ đó lên kế hoạch cho việc cải thiện nội dung trong tương lai.



3. Phân tích nhân khẩu học 



Việc phân tích đối tượng khán giả trên YouTube rất quan trọng vì thông tin nhân khẩu học của những người ưa thích xem nội dung dài không giống những người xem nội dung ngắn. Nếu các thương hiệu biết được khán giả của mình đang xem nội dung khác nhau, thương hiệu có thể tạo ra những chiến dịch phù hợp hơn với nhu cầu và sở thích của họ để cải thiện hiệu suất. Bằng cách sử dụng các công cụ phân tích tiên tiến, thương hiệu có thể xem được dữ liệu về độ tuổi, giới tính và địa lý của khán giả xem Shorts. Thương hiệu có thể sử dụng thông tin này để tạo ra các Shorts phù hợp hơn với nhu cầu của đối tượng khán giả.


Tạm kết


Tóm lại, YouTube Shorts đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của nhiều doanh nghiệp và cá nhân trên nền tảng YouTube. Với khả năng đưa nội dung ngắn gọn, thú vị đến với khán giả một cách nhanh chóng, nền tảng này mang lại nhiều cơ hội để tăng lượng tương tác và thu hút khán giả mới. 


Các video ngắn trên YouTube Shorts có thể được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, Tiktok


Tuy nhiên, để thành công với định dạng video ngắn này, người dùng cần phải tìm hiểu và sử dụng các công cụ phân tích như impression, view, và audience analytics trên YouTube Studio để tối ưu hóa nội dung và đáp ứng nhu cầu của khán giả mục tiêu. Với sự hỗ trợ của những công cụ này, người dùng có thể tạo ra nhiều nội dung ngắn hơn và thu hút được lượng lớn khán giả mới, từ đó nâng cao hiệu quả chiến dịch tiếp thị và phát triển kênh YouTube của mình.


Theo Social Media Examiner

Quan Dinh H.