Để được quảng bá hợp pháp trên thị trường, các thương hiệu phải xin giấy phép trước khi triển khai các chiến dịch quảng cáo. Tuy nhiên, thủ tục xin giấy phép khá phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp thường tìm một bên thứ ba hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép. Nếu cá nhân/doanh nghiệp muốn tự thực hiện chiến dịch quảng cáo hoặc tự đứng ra xin giấy phép để tiết kiệm chi phí thì cần nắm rõ những hạng mục nội dung cũng như thủ tục theo quy định của pháp luật. 


Thông qua viết dưới đây, Luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco sẽ cung cấp một vài thông tin về giấy phép quảng cáo và quy trình xin giấy phép quảng cáo. 


Trường hợp doanh nghiệp cần xin giấy phép quảng cáo


Theo LS Hà Huy Phong, giấy phép quảng cáo là tên thông dụng thường được dùng để gọi giấy xác nhận nội dung quảng cáo – một loại giấy mà doanh nghiệp phải xin cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2018/NĐ-CP). 


Các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.


Mỹ phẩm là ngành hàng thuộc danh sách sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt, cá nhân/doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo buộc phải xin giấy phép bất kể quảng cáo đó được thực hiện bằng phương tiện, hình thức gì


Như vậy, những nội dung quảng cáo thuộc danh sách các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như mỹ phẩm, thực phẩm, hoá chất, trang thiết bị y tế, sinh học, dịch vụ khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế, chế phẩm sinh học,... phải được cấp giấy xác nhận trước khi thực hiện bất kể phương tiện quảng cáo là gì. Trường hợp phương tiện quảng cáo là bảng quảng cáo, băng rôn hoặc tổ chức đoàn người, doanh nghiệp phải thông báo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo quy định tại khoản 1 Điều 30 và điểm c khoản 1 Điều 36 Luật Quảng cáo 2012). 


Doanh nghiệp buộc phải thông báo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi thực hiện quảng cáo dưới những hình thức dưới đây


Doanh nghiệp thiếu giấy phép quảng cáo bị xử phạt ra sao?


Theo khoản 1 Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, tổ chức có hành vi “quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định” sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. 


Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 01 tháng đến 03 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng; và bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.


Quy trình xin giấy phép quảng cáo


LS Hà Huy Phong cho biết mỗi loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi xin xác nhận nội dung quảng cáo cần thực hiện các thủ tục khác nhau, tại các cơ quan khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, quy trình xin xác nhận nội dung quảng cáo gồm các bước sau:

  • Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo quy định.
  • Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ như xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng thì nộp tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh thì nộp tại Sở Y tế,…

  • Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ xin xác nhận nội dung quảng cáo.
  • Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho đơn vị xin phép trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
  • Bước 5: Doanh nghiệp tiến hành quảng cáo theo nội dung đã được xác nhận.



Những lưu ý khi xin giấy phép quảng cáo


Sau khi được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, các doanh nghiệp có nghĩa vụ tiến hành theo nội dung đã đăng ký. Đã có một số trường hợp vi phạm và nhận mức phạt cho hành vi của mình. Cụ thể, tháng 09/2022, một đơn vị thực hiện quảng cáo tại Quảng Ngãi đã bị xử phạt 16 triệu đồng khi có hành vi quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký. Theo đó, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tại địa phương đã cấp phép quảng cáo cho đơn vị với nội dung “Chuyên thuốc điều trị ung thư theo đơn bệnh viện”. Nhưng sau đó, đơn vị thực hiện quảng cáo đã sửa đổi nội dung thành “Chuỗi nhà thuốc 1 chuyên đặc trị ung thư”. Doanh nghiệp lưu ý phải tiến hành quảng cáo theo đúng nội dung đã được xác nhận trên giấy phép, tránh việc tự ý sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 


Mẩu quảng cáo bị xử phạt do truyền tải thông tin không đúng với nội dung đã đăng ký


Dựa trên thực tiễn áp dụng, LS Hà Huy Phong chỉ ra một số điểm doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình xin giấy phép quảng cáo bao gồm:

  • Xác định rõ sản phẩm, dịch vụ quảng cáo là gì và có thuộc đối tượng phải xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo hay không;
  • Xác định rõ phương tiện quảng cáo là gì và có thuộc trường hợp phải thông báo đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay không;
  • Kiểm tra tính hợp pháp của sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; 
  • Soạn thảo, kiểm tra các hồ sơ, tài liệu đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật.



Lý Tú Nhã