Theo công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works, Temu - sàn thương mại điện tử giá rẻ đình đám của Trung Quốc, sắp chính thức có mặt tại Việt Nam, cho phép người dùng dễ dàng mua sắm hàng hóa từ Trung Quốc ngay trên ứng dụng.


Như vậy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam gần như bị chi phối bởi các sàn thương mại nước ngoài. Cụ thể, báo cáo từ Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI cho thấy trong quý II/2024, Shopee tiếp tục dẫn đầu với 71,4% thị phần, theo sau là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9% và Tiki với 0,7%. Trong đó, Shopee thuộc tập đoàn SEA, được thành lập và đặt trụ sở tại Singapore, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2018. TikTok Shop là một phần của ByteDance (Trung Quốc) và đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2022, Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba.


Sự xuất hiện của Temu khiến thị trường thương mại điện tử Việt ngày càng sôi động 


Temu, sàn thương mại điện tử đến từ Trung Quốc, đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 09/2022, Temu nhanh chóng mở rộng sang Canada, Australia, New Zealand, và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á. Hiện tại, nền tảng này đang tiếp cận thị trường Việt Nam và Brunei. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Momentum Works cho thấy, với sự gia nhập của 2 thị trường mới, Temu hiện đã phủ sóng rộng khắp 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu (tính đến ngày 07/10/2024).


Sau khi ra mắt tại Philippines và Malaysia từ năm ngoái, Temu đã chính thức bắt đầu giao hàng tại Thái Lan vào tháng 07/2024. Và như dự đoán của nhiều nguồn tin trong ngành, Temu cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên của Temu tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện tại, nền tảng chưa cung cấp đầy đủ các tính năng mà người dùng mong đợi như giao diện tiếng Việt, chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, và không tích hợp ví điện tử địa phương.


So với các phiên bản quốc tế, phiên bản website Temu Việt Nam hiện tại vẫn chưa được đầu tư nhiều về giao diện và tính năng


Về mặt logistics, Temu đã hợp tác với hai đơn vị vận chuyển là Ninja Van BEST Express để đảm bảo người dùng Việt Nam có thể mua hàng nhanh chóng từ Trung Quốc. Trong đó, BEST Express được xem là một "ông lớn" trong ngành logistics khi từng niêm yết trên sàn chứng khoán New York, đồng thời là một trong những nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh lớn nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi bán mảng kinh doanh nội địa cho J&T Express vào năm 2021. BEST Express đã chuyển hướng tập trung vào các giải pháp logistics quốc tế, mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, bao gồm Việt Nam và Indonesia. 


Temu cho phép người dùng Việt mua hàng từ Trung Quốc thông qua 2 đơn vị vận chuyển là Ninja Van và BEST Express, trong đó, BEST Express đã có hơn 16 năm hoạt động trong ngành logistics tại Việt Nam


Theo báo cáo của Momentum Works, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á vào năm 2023, với mức tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt gần 53% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2024, khiến Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng mà Temu đang nhắm đến.


Bên cạnh đó, lợi thế về địa lý đã giúp thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu về Việt Nam được rút ngắn đáng kể, chỉ từ 4-7 ngày, so với các thị trường khác như Malaysia hay Philippines. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của Temu tại Việt Nam là rất lớn. Với sự đầu tư mạnh mẽ hơn, Temu hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa nếu tối ưu hóa trải nghiệm người dùng tại Việt Nam bằng cách bổ sung thêm các tùy chọn ngôn ngữ, phương thức thanh toán đa dạng và mở rộng mạng lưới đối tác logistics.


Phát triển “thần tốc” khiến các sàn thương mại điện tử khác phải dè chừng 


Vào đầu tháng 8 vừa qua, ông Colin Huang, nhà sáng lập Temu và tập đoàn thương mại điện tử PDD Holdings, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Tính đến ngày 21/08, ông vẫn giữ vững vị trí này với khối tài sản ước tính 50,8 tỷ USD, xếp thứ 23 trên thế giới và thứ 3 tại châu Á, theo Bloomberg Billionaires Index.


Chân dung ông chủ của sàn thương mại điện tử Temu - ông Colin Huang


Sự tăng trưởng vượt bậc của hai nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và Temu, cùng thuộc sở hữu của PDD Holdings, đã trực tiếp đóng góp vào việc gia tăng khối tài sản của nhà sáng lập Colin Huang. Tại thị trường nội địa Trung Quốc, Pinduoduo đã tận dụng thói quen mua sắm tiết kiệm của người tiêu dùng để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, khi số lượng người dùng đạt đỉnh vào năm 2022, PDD đã nhanh chóng mở rộng sang thị trường quốc tế với Temu. Sự bùng nổ tăng trưởng của Temu được ECDB (Hong Kong), một công ty dịch vụ dữ liệu chuyên về thương mại điện tử, mô tả là "khuấy đảo thế giới". Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nghi ngờ về tính bền vững của doanh nghiệp này.


Theo dữ liệu từ ECDB, lượt tải ứng dụng Temu đã tăng nhanh chóng, từ 440.000 lượt trong tháng đầu ra mắt năm 2022, và tiếp tục tăng đều đặn cho đến nay, đạt 41,3 triệu lượt vào tháng 03/2024 và vượt mốc 54 triệu lượt vào tháng 8 cùng năm. Ngoài ra, lượt truy cập vào website Temu cũng ghi nhận con số ấn tượng khi đạt trên 200 triệu lượt hàng tháng giữa năm ngoái, và tăng lên 479 triệu lượt vào tháng 3 năm nay. Sự nhận biết của người tiêu dùng toàn cầu về Temu ngày càng tăng. Theo cuộc điều tra của Viện nghiên cứu IFH Köln (Đức), tỷ lệ người tiêu dùng đã từng mua hàng trên Temu đã tăng từ 11% vào năm 2023 lên đến 32% trong cuộc khảo sát gần đây nhất. 


Lượt tải về ứng dụng của ứng dụng Temu hàng tháng với đơn vị là triệu lượt


Tổng doanh số giao dịch trên nền tảng (GMV) của Temu cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Năm 2022, GMV chỉ đạt 290 triệu USD, nhưng con số này đã vọt lên hơn 14 tỷ USD vào năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng hơn 4.500 lần (theo báo cáo của ECDB). Dự đoán cho GMV của Temu là 29,5 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ đạt 41 tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh, GMV của Amazon được dự kiến sẽ đạt 756,9 tỷ USD trong năm nay. Điều này cho thấy, mặc dù tăng trưởng nhanh, Temu vẫn cần thời gian để bắt kịp các "ông lớn" trong ngành. 


Tổng doanh số giao dịch (GMV) của Temu qua các năm với đơn vị là tỷ USD


Chinh phục người dùng bằng cách tạo trải nghiệm mua sắm độc đáo


Một trong những lý do chính khiến Temu trở nên nổi bật trên thị trường thương mại điện tử là chính sách giá cả vô cùng hấp dẫn. Bằng cách cung cấp các ưu đãi nhiều chiết khấu hơn cả Shein, thậm chí giảm giá sản phẩm xuống mức kỷ lục, Temu đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Bên cạnh đó, việc miễn phí vận chuyển và cung cấp dịch vụ trả hàng đã giúp Temu nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo dựng lòng trung thành. Để thực hiện được những điều này, Temu đã tận dụng tối đa hệ thống nhà cung cấp và đối tác logistics rộng lớn của PDD Holdings.


Nhằm giữ cho giá cả luôn ở mức thấp, Temu áp dụng mô hình mua sắm theo nhóm, một chiến lược đã rất thành công trên nền tảng Pinduoduo, vào thị trường phương Tây. Cụ thể, người dùng có thể cùng nhau tạo thành một nhóm để đặt hàng với số lượng lớn, hay còn gọi là gộp đơn, qua đó nhận được mức chiết khấu cao hơn. Hơn nữa, yếu tố cộng đồng cũng được khai thác thông qua chương trình giới thiệu, trong đó nền tảng cung cấp ưu đãi cho những khách hàng giới thiệu người mới.


Temu có giao diện mua hàng tương đối trực quan, dễ sử dụng như các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam


Mặt khác, Temu cũng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bên thứ ba nhằm tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho cả người bán và người mua. Thay vì phải tự lo liệu toàn bộ quá trình vận chuyển, các nhà cung cấp chỉ cần tập trung vào sản xuất và giao hàng đến kho tập trung của Temu tại Quảng Đông. Từ đó, Temu sẽ đảm nhận mọi công việc còn lại, bao gồm cả việc vận chuyển quốc tế và các dịch vụ sau bán hàng. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho người bán mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ và rút ngắn thời gian giao hàng.


Ngoài việc tập trung vào giá cả cạnh tranh, Temu còn tạo ra một trải nghiệm mua sắm thú vị bằng cách áp dụng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment). Nền tảng này đã tích hợp các trò chơi điện tử như Fishland, Coin Spin, Card Flip giúp người dùng tích điểm thưởng đổi thành ưu đãi mua hàng, khiến thời gian lưu lại ứng dụng lâu hơn. Bên cạnh đó, để tăng cường độ phủ sóng, Temu cũng không ngừng tận dụng sức mạnh của tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing). Bằng cách gửi sản phẩm miễn phí cho các Influencer, Temu đã nhanh chóng lan tỏa hình ảnh thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube và TikTok.


Nếu người dùng “bón cá” đầy đủ bằng cách click vào những biểu tượng đồ ăn cá thông qua trò chơi Fishland, Temu cam kết sẽ gửi miễn phí một món hàng mà họ chọn


Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, Temu không ngần ngại đầu tư mạnh vào quảng cáo. Theo đơn vị đo lường Sensor Tower, chi tiêu quảng cáo của Temu tại Mỹ đã tăng vọt 15 lần chỉ trong vòng 11 tháng đầu năm 2023. Một nửa số tiền này được đổ vào các nền tảng của Meta, chủ yếu là Facebook và Instagram. Thậm chí, Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư đa quốc gia tại Mỹ, ước tính Temu đã chi tới 1,2 tỷ USD cho quảng cáo trên Meta trong năm 2023.


Temu cũng áp dụng "mô hình sản xuất ngược" (Reverse-manufacturing model), một chiến lược đã giúp Shein “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực bán lẻ thời trang trực tuyến. Theo mô hình này, Temu bắt đầu bằng cách cung cấp sản phẩm với số lượng nhỏ để khảo sát nhu cầu thị trường. Những mặt hàng có sức tiêu thụ cao sẽ được sản xuất thêm, trong khi những sản phẩm kém hấp dẫn sẽ bị loại bỏ. Ưu điểm của mô hình này là khả năng tối ưu hóa tồn kho, giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả môi trường. Đồng thời, Temu cũng có khả năng cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn so với các phương thức bán lẻ truyền thống, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những xu hướng mới trên thị trường.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.