Theo báo cáo của VCCP Singapore, ít hơn 16% quảng cáo được người dùng nhớ đến và ghi nhận đúng sau khi xem xong. Các chiến dịch quảng cáo đều được các thương hiệu đầu tư và cho ra mắt thường xuyên, chính vì thế việc để người dùng nhớ đến quảng cáo một cách lâu dài là một bài toán khó mà cả agency lẫn thương hiệu cần giải. 


Trên thực tế, nhiều người càng nhớ đến quảng cáo thì chứng tỏ rằng quảng cáo đó được nhiều người yêu thích. Không những thế, những quảng cáo có tính liên kết và nhất quán trong cách thể hiện sẽ khiến chiến dịch quảng cáo càng được nhiều người nhớ đến hơn, thậm chí là nhớ đến một cách lâu dài. 


1. Khai thác các yếu tố cảm xúc trong chiến dịch


Trong marketing, việc khai thác các yếu tố cảm xúc cả tiêu cực lẫn tích cực không chỉ tạo ra cảm giác gần gũi đến người dùng mà còn là yếu tố thúc đẩy doanh số cho doanh nghiệp. 


Không thể không nhắc đến chiến dịch “Real Beauty" mà Dove đã bền bỉ theo đuổi trong suốt nhiều thập kỷ. Dove đã có nhiều chiến dịch ấn tượng với thông điệp xuyên suốt: Phá bỏ những định kiến và suy nghĩ về những vẻ đẹp phi thực tế, từ đó tôn vinh những nét đẹp tự nhiên, chân thật. 


Những chiến dịch ấn tượng của Dove đã gây ấn tượng và truyền cảm hứng đến nhiều người dùng, đồng thời còn đạt được nhiều giải thưởng sáng tạo danh giá. Bên cạnh đó, nhờ thông điệp ý nghĩa này cũng đã thúc đẩy được doanh số cho doanh nghiệp. 


Một trong những yếu tố giúp tạo ra sự ghi nhớ lâu dài là việc khắc họa những thời điểm khó khăn và kết hợp với cảm xúc. Sự kết hợp của hai loại cảm xúc, chẳng hạn như buồn và tội lỗi, có thể là một động lực mạnh mẽ giúp thông điệp quảng cáo trở nên đáng nhớ. Những câu chuyện về các anh hùng vượt qua nghịch cảnh cũng tạo ra sự liên kết mạnh mẽ với người tiêu dùng. 



Trong đó, nổi bật là chiến dịch “Thank You, Mom” của P&G trong các kỳ Olympic, kể về những người mẹ đã hy sinh để con mình có thể theo đuổi ước mơ. Sự kết hợp giữa cảm xúc hy sinh, khó khăn và thành công đã làm nên một chiến dịch đầy cảm động và sâu sắc.



Bên cạnh đó, chiến dịch của Nike hay adidas trong các mùa giải thể thao lớn cũng khai thác triệt để những cảm xúc của con người. Với chiến dịch “Awaken Your Madness” của Nike, thương hiệu đã gây ấn tượng cho người xem bởi việc dùng sự “điên rồ” để kể chuyện về các cầu thủ. Hay với chuỗi chiến dịch “You Got This” của adidas đã khai thác sự tự tin của các vận động viên từ đó kết nối với người xem bằng sự đồng cảm bởi hành trình vượt qua khó khăn để đến vinh quang của họ. 


2. Cung cấp “một nửa” thông tin   


Nhiều thương hiệu lẫn agency đã áp dụng “Hiệu ứng Zeigarnik” để khiến người dùng nhớ đến chiến dịch quảng cáo của mình. Cụ thể, “Hiệu ứng Zeigarnik” là cảm giác bồn chồn lo lắng của con người về những việc chưa hoàn thành và khiến họ nhớ đến việc đó mãi, hiệu ứng này được áp dụng trong lĩnh vực phim ảnh, tiểu thuyết về một cái kết không trọn vẹn khiến cho người xem nhớ đến. 


Trong lĩnh vực quảng cáo, hiệu ứng Zeigarnik được áp dụng bằng cách mang đến cho người người dùng “một nửa” thông tin và khiến họ bồn chồn, mong muốn tìm ra lời giải cho thông tin còn lại. Điều này không chỉ khiến người dùng nhớ đến chiến dịch mà còn chuyển hướng họ sang việc tìm kiếm thông tin, từ đó tăng độ nhận diện cho chiến dịch lẫn thương hiệu. 



Nổi bật là chiến dịch “Ngưng Lăn Tăn” của Lazada, thương hiệu đã đặt những biển quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời và nội dung của biển quảng cáo chỉ có những dòng chữ “Tra ngay Ngưng Lăn Tăn”. Đặc biệt, những biển quảng cáo của Lazada không nhắc đến tên thương hiệu mà còn chuyển hướng người dùng sang hành động.  


3. Tạo sự bất ngờ để gây chú ý cho người xem


Theo báo cáo của VCCP Singapore, việc tạo sự bất ngờ cho người xem đôi khi còn có hiệu ứng mạnh trong việc tạo ra cảm xúc và sự chú ý, với mức độ cảm xúc có thể tăng lên tới 400% khi sự bất ngờ xảy ra. Yếu tố bất ngờ thường làm tăng khả năng ghi nhớ bởi nó khiến não bộ phải dành nhiều tài nguyên hơn để xử lý. Các chiến dịch quảng cáo với yếu tố bất ngờ tạo ra sự hứng thú và làm khán giả khó quên thông điệp. Điều này không chỉ kích thích trí nhớ mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu năng động, sáng tạo và đột phá.



Để tạo sự bất ngờ cho khán giả, các thương hiệu lẫn agency có thể cân nhắc thực hiện các hoạt động tương tác trực tiếp, hay Marketing Du Kích - Guerrilla Marketing. Nổi bật là Netflix với các chiến dịch marketing du kích nhằm quảng bá cho những bộ phim của mình, từ phim Dracula, Wednesday cho đến Stranger Thing,... Thương hiệu đã tạo ra những chiến dịch quảng cáo ấn tượng, từ đó tăng độ nhận diện cho phim cũng như khiến họ nhớ đến phim nhiều hơn. 



4. Khiến chiến dịch trở nên hài hước 


Cũng giống với việc tạo sự bất ngờ cho người xem, những chiến dịch mang tính hài hước giúp làm dịu bớt áp lực trong việc tiếp nhận thông tin và giúp người xem cảm thấy gần gũi hơn với thương hiệu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quảng cáo hài hước không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ mà còn giúp thông điệp sống lâu trong trí nhớ người tiêu dùng.  


Một số thương hiệu đã tận dụng sự hài hước để đến gần hơn với người tiêu dùng, trong đó phải kể đến các chiến dịch của thương hiệu Durex. Thương hiệu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng bằng những bài đăng social ngắn gọn súc tích nhưng vẫn đảm bảo được nội dung truyền tải, cũng như hình ảnh mà thương hiệu đang xây dựng.  



Bên cạnh đó, chiến dịch “cà khịa” đối thủ của các thương hiệu cùng ngành hàng cũng tạo ra sự hài hước. Nổi bật là các chiến dịch quảng cáo của Burger King “cà khịa” đối thủ McDonald’s trên các phương tiện truyền thông. Mới đây, Burger King đã "mượn" những slogan và hình ảnh quen thuộc của McDonald's để tạo ra những câu slogan mới, hài hước và mang đậm dấu ấn của riêng mình như: từ "Big" trong "Big Mac" của McDonald's đã được Burger King khéo léo "biến tấu" thành "Bigger", ngụ ý rằng Whopper mới là chiếc burger "lớn" thực sự. Hay như việc biến "Happy" trong "Happy Meal" thành "Happy-ER", Burger King đã khẳng định rằng sản phẩm của mình mang lại nhiều niềm vui hơn. 



5. Sử dụng nhịp điệu và vần điệu khiến nhiều người dễ dàng liên tưởng đến chiến dịch 


Ngôn ngữ có vần và nhịp điệu tạo ra một liên kết kép trong trí nhớ, khiến thông tin dễ được ghi nhớ hơn. Đồng thời, những bài hát hoặc giai điệu dễ nhớ giúp tăng tần suất xuất hiện của thương hiệu mà không gây nhàm chán, bởi người tiêu dùng thường tự nhẩm lại những giai điệu đó trong đầu.


Hiệu ứng này mang tên "Rhyme-as-reason effect," khiến người tiêu dùng tin tưởng thông điệp đơn giản chỉ vì nó có vần. Điều này giúp quảng cáo không chỉ khắc sâu vào tâm trí mà còn trở nên đáng tin cậy hơn. Các thương hiệu thường áp dụng yếu tố này trong chiến lược remake, sáng tác lại các bài hát hoặc chơi chữ để có thể tạo ra sự nhịp nhàng và khiến người dùng dễ dàng nhớ đến thông điệp chiến dịch hơn. 



Theo đó, sàn thương mại điện tử Shopee đã áp dụng chiến lược sáng tác lại bài hát “Baby Shark” cho chiến dịch trên khắp Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia,... Kết hợp với giai điệu quen thuộc, bài hát nhanh chóng trở nên viral và khiến cho nhiều người nhớ đến chiến dịch quảng cáo của Shopee.  


Một ví dụ tiêu biểu về yếu tố bất ngờ trong quảng cáo chính là chiến dịch của Điện Máy Xanh với bài hát "gây sốt" một thời. Không chỉ đơn giản là một quảng cáo, Điện Máy Xanh đã thành công trong việc kết hợp giữa hình ảnh các nhân vật độc đáo, màu sắc nổi bật và giai điệu bắt tai, tạo ra sự bất ngờ lớn cho khán giả. Thông điệp ngắn gọn "Muốn mua hàng đến Điện Máy Xanh" dễ dàng in sâu vào trí nhớ, nhờ vào sự sáng tạo và tính bất ngờ, giúp chiến dịch lan tỏa mạnh mẽ.



6. Tần suất xuất hiện nhiều lần 


Tần suất xuất hiện của thông tin cũng làm tăng khả năng ghi nhớ. Tuy nhiên, tần suất không phải là yếu tố đảm bảo duy nhất cho sự ghi nhớ. Báo cáo cho thấy, mặc dù việc xuất hiện thường xuyên trước mắt người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để duy trì sự hiện diện của thương hiệu, nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo rằng thông điệp sẽ được ghi nhớ. 


Các chiến dịch cần kết hợp tần suất với những yếu tố như cảm xúc, bất ngờ hoặc tính sáng tạo để tạo ra ấn tượng sâu sắc. Việc chỉ đơn thuần lặp lại một thông điệp mà không có sự đổi mới có thể làm giảm hiệu quả ghi nhớ của chiến dịch. 


Nhiều thương hiệu áp dụng chiến lược này bằng cách triển khai chiến dịch của mình trên toàn bộ phương tiện truyền thông, từ trực tuyến đến trực tiếp. Nổi bật là chiến dịch Grab 10 năm - Thở Nhịp Việt Nam, thương hiệu đã kỷ niệm cột mốc ý nghĩa này bằng cách cho ra mắt TVC ngắn nói về hành trình mà các Bác tài Grab đã len lỏi trong cuộc sống của người dân Việt Nam. 



Bên cạnh đó, Grab còn thực hiện biển quảng cáo tương tác ngoài trời nhằm tri ân trực tiếp các Bác tài. Cụ thể, khi có tài xế Grab chạy ngang qua cung đường có đặt biển quảng cáo của Grab, camera tại đó sẽ ghi lại và chiếu trực tiếp lên billboard trong thời gian thực, cùng với những lời tri ân đến các Bác tài. 


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!