Thuở ban đầu, những người sáng tạo nội dung đều được gọi chung một tên - Content Creator. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển, nhu cầu về nội dung trở nên đa dạng hơn, đòi hỏi các Content Creator phải chuyên sâu hóa kỹ năng của mình. Nhiều người đã vượt qua giới hạn của một nhà sáng tạo đơn thuần để trở thành những "Creatorpreneur" - những người không chỉ dừng lại ở việc tạo ra nội dung mà còn biết cách biến đam mê thành sự nghiệp, xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc và đạt được thành công về mặt kinh tế.


Creatorpreneur: Khi Content Creator biến đam mê sáng tạo thành nguồn thu nhập 


Thuật ngữ “Creatorpreneur” là sự pha trộn giữa hai khái niệm: nhà sáng tạo nội dung (Creator) và doanh nhân (Entrepreneur). Thuật ngữ này phản ánh thế hệ những người sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc sản xuất nội dung, mà còn biết cách biến những ý tưởng sáng tạo thành một mô hình kinh doanh thực thụ. Họ không chỉ sản xuất video, hình ảnh hay bài viết trên các nền tảng số, mà còn có khả năng thương mại hóa và quản lý các sản phẩm, dịch vụ liên quan để tạo ra lợi nhuận. Điều này thể hiện sự chuyển mình từ việc chỉ đơn thuần chia sẻ đam mê sang việc xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên sức sáng tạo của chính mình.


Điểm khác biệt nổi bật của Creatorpreneur so với các doanh nghiệp truyền thống là khả năng kết nối trực tiếp và sâu sắc với khán giả thông qua nội dung mà họ sản xuất. Thay vì tiếp cận người tiêu dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo gián tiếp, họ xây dựng mối quan hệ dựa trên niềm tin và sự tương tác liên tục. Từ mối quan hệ này, Creatorpreneur có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh khác nhau, chẳng hạn như bán sản phẩm liên quan đến nội dung (như sách, khóa học trực tuyến,...), cung cấp dịch vụ (tư vấn, coaching...) hoặc phát triển thương hiệu cá nhân thành các thương hiệu kinh doanh độc lập.


Creatorpreneur không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm và dịch vụ, họ còn bán những ý tưởng độc đáo và sáng tạo. Để thành công, Creatorpreneur cần có khả năng kết nối với người dùng ở mức độ sâu sắc hơn, và tạo ra một cộng đồng mục xung quanh mình


Một ví dụ điển hình về Creatorpreneur có thể kể đến là streamer PewPew. Ban đầu, PewPew được biết đến như một trong những game streamer nổi tiếng nhất Việt Nam, đồng thời tham gia nhiều dự án kinh doanh như mở cửa hàng bánh mì, cơm tấm và tiệm giặt là. Tuy nhiên, nhờ vào sự kết nối chặt chẽ với khán giả và cách tiếp cận kinh doanh thông minh, anh đã tận dụng sức hút từ việc sáng tạo nội dung thành một nguồn thu nhập ổn định khi mở thêm kênh livestream "Tạp hóa PewPew".


Một trong những sản phẩm gây chú ý nhất khi xuất hiện trên Tạp hóa PewPew là xe máy điện VinFast. Trong phiên livestream ngày 28/02/2024, có thời điểm lượng người xem đạt tới 5.000. Theo số liệu hiển thị đơn hàng đã bán, sau hơn 4 tiếng livestream, VinFast đã bán tổng cộng 78 chiếc xe máy điện, thu về ít nhất 1,4 tỷ đồng. Chỉ sau một năm, kênh Tạp hóa PewPew thu hút được hơn 1 triệu người theo dõi. Sự kiện này cho thấy tiềm năng to lớn của việc kết hợp giữa sáng tạo nội dung và kinh doanh trong thời đại hiện nay. 


Không chỉ là một streamer game, khoảng đầu tháng 09/2023, PewPew còn lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh, khi thường xuyên livestream bán hàng online trên TikTok


Trước đây, lĩnh vực làm đẹp cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các Creatorpreneur. Họ không chỉ tạo ra nội dung xoay quanh xu hướng và sản phẩm làm đẹp, mà còn mở rộng sang các dòng sản phẩm cá nhân, dịch vụ tư vấn và hợp tác thương hiệu. Một ví dụ điển hình là Quách Ánh Makeup Artist, nổi bật trong cộng đồng beauty vlogger từ năm 2015. Tận dụng thành công trong lĩnh vực trang điểm, Quách Ánh đã gây ấn tượng khi thành công sáng lập thương hiệu Lemonade Cosmetics. Sau gần 6 năm hoạt động, Lemonade trở thành một trong những thương hiệu mỹ phẩm nội địa được yêu thích tại Việt Nam. Nhờ vậy, tại WeChoice Awards 2023, Lemonade xuất sắc xuất hiện trong top 3 danh sách 10 thương hiệu được đề cử tại hạng mục Z-Local Brand (Hạng mục tôn vinh thương hiệu nội địa có nhiều thành tích nổi bật và được giới trẻ yêu thích nhất trong năm), với hơn 7.000 lượt bình chọn.


Quách Ánh là một trong những beauty blogger đời đầu tại thị trường Việt Nam và thu hút cộng đồng fan lớn mạnh qua những chia sẻ giá trị về trang điểm, làm đẹp, cô đã tiến tới sáng lập và phát triển thương hiệu mỹ phẩm Lemonade


3 mô hình kinh doanh phổ biến của Creatorpreneur 


1. Bán sản phẩm trực tiếp 


Creatorpreneur có thể kinh doanh bằng nhiều cách khác nhau, trong đó việc bán sản phẩm vật lý hoặc kỹ thuật số là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Các nhà sáng tạo nội dung có thể tạo ra và bán các sản phẩm vật lý như áo thun, cốc, phụ kiện cá nhân mang dấu ấn cá nhân, hoặc các sản phẩm kỹ thuật số như sách điện tử, tài liệu học tập, mẫu thiết kế, hình ảnh và video. Những sản phẩm này không chỉ giúp Creatorpreneur tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp họ xây dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành và tăng cường tương tác với người theo dõi.


NTK Thái Công cũng được xem là một ví dụ điển hình cho định nghĩa về Creatorpreneur. Bên cạnh việc tạo dựng thương hiệu trong lĩnh vực thiết kế và trang trí nội thất, nhà thiết kế này còn biết cách tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để kết nối với khán giả. Những buổi livestream bán hàng xa xỉ của Thái Công trên TikTok Shop đã gây sốt cộng đồng mạng, thu hút hàng chục ngàn lượt xem. 


Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đằng sau những sản phẩm đắt tiền, Thái Công chọn kinh doanh chiếc túi vải với giá 99.000 đồng là chính, cùng thông điệp gắn liền với thương hiệu cá nhân "Kiến thức, Kinh nghiệm, Trải nghiệm". Bằng cách cung cấp một sản phẩm với mức giá hợp lý, nhà thiết kế này đã mở ra cơ hội cho tất cả mọi người có thể sở hữu sản phẩm mang thương hiệu xa xỉ Thái Công. 


Tận dụng sức hút của các phiên livestream bán hàng xa xỉ, NTK Thái Công kinh doanh mẫu túi ''Kiến Thức, Kinh Nghiệm, Trải Nghiệm'' với giá 99.000 đồng, trở thành sản phẩm được nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội vào đầu năm nay


2. Khóa học và hội thảo trực tuyến 


Các creator có chuyên môn hoặc kinh nghiệm có thể tổ chức các khóa học hoặc hội thảo trực tuyến. Nhiều người đã tận dụng các nền tảng như Teachable Udemy để phát triển các khóa học dạy kỹ năng như viết lách, thiết kế đồ họa, tiếp thị số, và quản lý thời gian. Với sự phát triển của học tập trực tuyến, đây trở thành một nguồn thu nhập tiềm năng cho những nhà sáng tạo nội dung có khả năng truyền đạt kiến thức.


Ví dụ điển hình có thể kể đến là Pat Flynn, một Creatorpreneur nổi tiếng với nền tảng Smart Passive Income. Ban đầu, Flynn chỉ đơn thuần chia sẻ kiến thức về cách xây dựng thu nhập thụ động qua blog và podcast của mình. Sau đó, nhờ vào mối liên kết chặt chẽ với khán giả và chiến lược kinh doanh thông minh, anh đã biến nội dung này thành một doanh nghiệp mang lại thu nhập ổn định thông qua việc bán các khóa học, công cụ hỗ trợ và tài liệu giáo dục.



3. Cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc coaching 


Với kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định, kết hợp cùng sự tín nhiệm từ cộng đồng, các Creator ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Bên cạnh việc tạo ra nội dung, nhiều Creator còn cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc coaching trong lĩnh vực mà họ am hiểu. Ví dụ, một Creator chuyên về marketing số có thể cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược tiếp thị cho doanh nghiệp, trong khi đó, một Creator về lĩnh vực phát triển bản thân, sức khỏe tinh thần, hoặc quản lý công việc có thể cung cấp dịch vụ coaching cá nhân.


Nhiều Creator ngành Fitness nổi tiếng như Hana Giang Anh, Linn Nguyễn, Ashley Dinh,... đã thành công khi xây dựng các khóa học coaching online, và tạo ra những thương hiệu cá nhân lớn mạnh như Inspired Boutique, Empower You,... Việc kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và khả năng truyền cảm hứng đã giúp các creator này chứng minh rằng, sức ảnh hưởng từ việc sáng tạo nội dung có thể được tận dụng để tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định.


Quyết định mở Inspire Boutique Fitness bắt đầu nhen nhóm từ năm 2016, khi Hana Giang Anh đang là Content Creator lĩnh vực Fitness trên mạng xã hội, đến năm 2020, phòng tập này mới bắt đầu đưa vào hoạt động


Người tiêu dùng thay đổi, các Content Creator cũng phải “chuyển mình”


Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Instagram, TikTok đã tạo điều kiện thuận lợi để hình thành nên các Creatorpreneur. Việc dễ dàng tiếp cận với hàng triệu người dùng trên toàn cầu đã mở ra vô vàn cơ hội để những nhà sáng tạo nội dung biến đam mê thành sự nghiệp. Chính sự kết hợp giữa sự sáng tạo không giới hạn và công nghệ số đã tạo nên một thế hệ những người làm chủ bản thân, tự xây dựng thương hiệu và tạo ra những giá trị độc đáo.


Theo báo cáo từ GlobalNewswireCoherent Market Insights, tính đến năm 2024, nền kinh tế sáng tạo toàn cầu được định giá 156,37 tỷ USD. Nền kinh tế này đang phát triển với tốc độ CAGR 22,5% và dự kiến sẽ đạt 528,39 tỷ USD vào năm 2030. Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho hàng triệu nhà sáng tạo nội dung trên toàn thế giới không chỉ chia sẻ ý tưởng mà còn kiếm tiền từ sự sáng tạo của họ. Chỉ riêng trên YouTube, nền tảng này có hơn 113,9 triệu kênh đang hoạt động.


Tính đến thời điểm hiện tại, Youtube vẫn là nền tảng hoạt động mạnh mẽ của các Content Creator, khi nền tảng này có 63 triệu người dùng ở Việt Nam vào đầu năm 2024 (tương đương với 63,5% tổng dân số Việt Nam vào cùng thời điểm) (Theo Google)


Người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là thế hệ MillennialsGen Z, ngày càng có xu hướng tìm kiếm và ủng hộ các sản phẩm cũng như dịch vụ từ những thương hiệu cá nhân hoặc nhà sáng tạo mà họ tin tưởng. Cụ thể, theo thống kê về chi tiêu và mua sắm của Gen Z năm 2024 do Exploding Topic thực hiện, 58% người thuộc thế hệ Gen Z cho biết đã mua sản phẩm dựa trên đề xuất từ các Influencer, điều này cho thấy sự tin tưởng và kết nối mà họ cảm nhận được từ các nhà sáng tạo nội dung. Nhờ vậy, các Creatorpreneur có thể dễ dàng xây dựng mối quan hệ gần gũi với khách hàng thông qua sự chân thực và sự kết nối cá nhân.


Bên cạnh đó, các nền tảng công nghệ số cũng cung cấp cho nhà sáng tạo những công cụ để xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ độc đáo, đồng thời tiếp cận trực tiếp với khán giả của mình. Từ đó, Creatorpreneur có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nền tảng trung gian, tự do sáng tạo và kiểm soát hoàn toàn quá trình kinh doanh của mình.


Nhìn chung, thời đại số đã mở ra vô vàn cơ hội cho các nhà sáng tạo nội dung để biến đam mê thành sự nghiệp. Không còn bó buộc vào các mô hình kiếm tiền truyền thống như quảng cáo hay tài trợ, các creatorpreneur hiện nay có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình thông qua nhiều kênh khác nhau. Từ việc bán sản phẩm vật lý, cung cấp khóa học, dịch vụ tư vấn, cho đến các mô hình trả phí hàng tháng, các Creatorpreneur có thể chủ động xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh riêng biệt.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.