Từ việc ứng dụng mô hình trò chơi, xéo xắt cà khịa đối thủ cho đến việc gây cười bằng những thông điệp có phần “vô tri”, nhiều nhãn hàng đã thành công trong việc tạo ấn tượng cho người dùng giữa rất nhiều thông điệp được truyền tải. Dưới đây 6 cách phổ biến mà nhiều thương hiệu thường sử dụng để tiếp cận đối tượng mục tiêu và thu hút, duy trì mức độ quan tâm của họ.


1. Có cùng tiếng nói với đối tượng mục tiêu


Mọi chiến lược tiếp thị đều được bắt đầu từ việc nghiên cứu và vẽ ra được chân dung của khách hàng mục tiêu. Một khi biết đủ về họ, nhãn hàng có thể bắt đầu sáng tạo những nội dung mà họ yêu thích. Tuy nhiên, nó không nên chỉ dừng lại ở những gạch đầu dòng cơ bản như: Lan, 20 tuổi, thích ăn pizza.


Để thu hút khách hàng chú ý và tương tác, thương hiệu cần tạo cho họ cảm giác tương đồng, thấu hiểu. Bằng cách ứng dụng một cách phù hợp ngôn ngữ mà khách hàng đang sử dụng trong đời sống hằng ngày như một phần của tiếng nói thương hiệu (Brand Voice), nhãn hàng sẽ gần gũi hơn với họ và “lôi kéo” họ vào trong những cuộc trò chuyện, thảo luận liên quan đến thương hiệu.


Sự hài hước một cách “vô tri” đang được nhiều nhãn hàng hướng đến để thu hút nhóm đối tượng Gen Z


Tiếng nói này không chỉ thể hiện qua những bài đăng trên mạng xã hội, những thông điệp trong TVC của chiến dịch,... mà còn nằm ở những chi tiết rất nhỏ như nội dung tin nhắn tự động, mô tả chi tiết cho trang 404 Error,... Việc giữ được tiếng nói đồng bộ và tạo cho khách hàng cảm giác luôn được trò chuyện sẽ giữ chân họ lâu hơn cũng như mang lại trải nghiệm tích cực hơn trong quá trình họ tiếp xúc với nhãn hàng.


Việc giải thích chi tiết hơn về nguyên nhân và gợi ý hành động tiếp theo thay vì chỉ có dòng chữ “404 Error” là một cách thương hiệu trò chuyện nhiều hơn với người dùng


2. Xem những gì khách hàng mục tiêu đang thảo luận trên mạng xã hội


Trong thế giới phẳng hiện nay, mọi khía cạnh của xã hội dường như đều được trải rộng trên không gian số. Do đó, mạng xã hội sẽ luôn là nơi tuyệt vời để thương hiệu tiến hành “điều tra” đối tượng mục tiêu của mình:


  • Những điều họ thích và không thích là gì?
  • Điều gì thúc đẩy họ tương tác hoặc mua hàng?
  • Họ mua từ những thương hiệu nào khác?
  • Họ đang chi bao nhiêu cho dòng sản phẩm thuộc ngành hàng của thương hiệu?...


Những câu trả lời này không chỉ giúp các nhãn hàng thấu hiểu hơn về người tiêu dùng để điều chỉnh và phát triển chiến lược cho phù hợp mà còn có thể giúp nhãn hàng tham gia vào các cuộc thảo luận của người dùng, nâng cao khả năng tương tác với họ. 


Cơn sốt “hoa bỉ ngạn” lan tỏa đến các nhãn hàng và được người dùng tích cực hưởng ứng 


3. “Dòm ngó” đối thủ cạnh tranh


Các thương hiệu cùng ngành hàng đều đang cạnh tranh để giành được sự chú ý của cùng một nhóm người. Vì vậy, việc tìm hiểu xem đối thủ đang làm gì để tiếp cận đối tượng mục tiêu, họ làm như thế nào để trở nên nổi bật là cần thiết để thương hiệu nắm bắt được cách làm nào đang hiệu quả, có điều gì có thể học hỏi, có những sai lầm nào có thể rút kinh nghiệm.


Bên cạnh việc học hỏi hay rút kinh nghiệm, việc sản xuất các nội dung đối ứng lại đối thủ cạnh tranh cũng là một cách thú vị để nhãn hàng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Không thể không kể đến những màn đụng độ giữa Milo - Ovaltine, Gojek - Baemin hay gần đây nhất là Maycha - Rau Má Mix. Với cách triển khai hài hước ở mức độ phù hợp, dù có một chút “xéo xắt” nhưng các nhãn hàng đều thu về phản ứng thích thú của người tiêu dùng cũng như gia tăng mức độ phủ sóng một cách tự nhiên.


Bức ảnh cà khịa qua lại giữa “Cha - Má” đã gây sốt cộng đồng mạng trong năm vừa qua


4. Kết hợp các hình thức mới 


Gamification - game hoá các chiến dịch marketing - là một cách thú vị và được nhiều nhãn hàng lựa chọn để áp dụng vào các chiến dịch của mình. Bằng việc kết hợp các yếu tố trò chơi, nhiệm vụ vào các hoạt động của nhãn hàng, khách hàng được tương tác nhiều hơn với thương hiệu để nhận được nhiều điểm và có cơ hội để nhận các phần thưởng hấp dẫn, có giá trị cao.


ShopeeMoMo là hai cái tên nổi bật trong việc sử dụng hình thức Gamification trong nhiều năm vừa qua. Bằng việc sử dụng các phần thưởng như xu, voucher khuyến mãi,... người chơi được khuyến khích đăng nhập ứng dụng mỗi ngày để tích lũy điểm. Không dừng ở đó, những hội nhóm cũng được thành lập để người dùng giao lưu và hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.


Mỗi mùa Tết đến xuân sang, trò chơi Lắc Xì của MoMo lại gây sốt cộng đồng mạng


Trong năm 2023, với chiến dịch “Nhập hội linh hoạt”, Samsung cũng đã tạo không gian trò chơi trên trang web của mình, điều này không chỉ khiến cho lưu lượng truy cập trang web cao hơn, người dùng tương tác nhiều hơn, mà còn tăng lượng người đến cửa hàng trải nghiệm sản phẩm để hoàn thành các chặng thử thách và nhận quà.


Samsung tạo ra thử thách để “kéo” khách hàng đến các cửa hàng của mình và trải nghiệm


5. Tạo các hình thức nội dung đa dạng 


Việc tiếp thị nội dung có mang lại hiệu quả hay không không chỉ nằm ở việc sử dụng câu chữ mà còn nằm ở cách nó xuất hiện như thế nào. Có rất nhiều định dạng khác nhau khi triển khai tiếp thị nội dung, mỗi hình thức sẽ phù hợp cho những mục tiêu khác nhau của thương hiệu tại thời điểm triển khai:


  • Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện một vấn đề hiệu quả 
  • Các template miễn phí
  • Video truyền thông xã hội
  • Đồ họa thông tin tương tác như các hình thức infographic, E-magazine
  • Hội thảo trên web và podcast
  • Câu đố 


Lấy cảm hứng từ chuỗi podcast nổi tiếng “Have A Sip”, Domino’s Pizza đã phát triển nội dung “Have A Slice” với khách mời "nhiều vị" Quỳnh Aka - một nhân vật hoạt hình nổi tiếng trên mạng xã hội. Nội dung thú vị và lồng ghép thông điệp “Cua thật gắt - Bắt thành công” một cách gần gũi, dễ thương đã nhận về nhiều phản ứng tích cực từ người xem. 


Host Thuỳ Minh và khách mời Quỳnh Aka trò chuyện về câu chuyện "thành công” nhờ những màn “cua gắt”


6. Giữ kết nối với khách hàng mục tiêu


Tất cả thông điệp tiếp thị được truyền đi đều phải cho khách hàng tiềm năng thấy được giá trị sản phẩm của thương hiệu, kể cả trước hay sau khi họ mua hàng. Email Marketing là một trong những chiến lược phổ biến để giữ kết nối xuyên suốt với người dùng đồng thời mang lại hiệu quả chuyển đổi. Thông qua các nội dung gửi qua hộp thư, nhãn hàng có thể thông báo người dùng về sản phẩm mới hoặc nội dung hữu ích mà họ có thể sẽ quan tâm.


Sử dụng Email Marketing để kết nối với người dùng với tần suất phù hợp tùy thuộc vào ngành hàng và chu kỳ mua hàng của khách hàng. Tiếp thị qua email không phức tạp nhưng có một số quy tắc vàng các thương hiệu cần lưu ý:


  • Các email được gửi tới khách hàng luôn cần được cá nhân hóa 
  • Tập trung vào xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng thay vì liên tục quảng cáo sản phẩm
  • Phân loại danh sách khách hàng và tự động hóa bằng các công cụ
  • Đặt nhiều tâm tư vào việc đặt tiêu đề của nhằm thu hút người dùng nhấn vào xem, chú ý nhấn mạnh vào các con số và sử dụng sự hỗ trợ của các biểu tượng cảm xúc
  • Đảm bảo mức độ phù hợp của nội dung email với người dùng và chia sẻ giá trị thực đến khách hàng


Hà Duyên


Cập nhật các thông tin hữu ích bằng cách đăng ký Newsletter!