Thực hư chuyện overtime tại agency: “Không hề đáng sợ, hãy xem như cơ hội để rèn giũa khả năng”

REAL Agency Life là series phỏng vấn độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế từ các bạn nhân sự tại các agency.


Hẳn chúng ta đã không ít lần chứng kiến đâu đó những lời bình luận về môi trường làm việc tại agency, rằng công việc nơi đây luôn đòi hỏi nhân sự phải làm thêm giờ (overtime) để hoàn thành nhiệm vụ công việc. Thực hư việc này ra sao?

 

Cùng trò chuyện với các nhân sự tại Leo Burnett, Mindshare Vietnam, Pencil Group và MAC Media để hiểu hơn về trải nghiệm OT tại môi trường agency. 


“Không phải agency nào cũng bình thường hoá việc OT”


Với đặc thù công việc phải làm nhiều dự án cho nhiều khách hàng khác nhau, mỗi dự án là một sản phẩm/ dịch vụ cũng như đối tượng mục tiêu riêng biệt, nhân sự agency được cho là phải OT thường xuyên để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, theo trải nghiệm thực tế của nhân sự agency, OT chỉ xảy ra khi khách hàng có một số yêu cầu gấp chứ không thường xuyên như những lời bình luận. 


Min, Senior Digital Designer tại Leo Burnett cho biết tại agency nơi anh đang làm việc, các nhân sự phòng Traffic (bộ phận chịu trách nhiệm hoạch định và điều tiết khối lượng công việc trong agency) sẽ sắp xếp công việc rõ ràng, cụ thể, và thông báo cho những bộ phận liên quan ưu tiên xử lý những công việc quan trọng, nhờ vậy nên tình trạng OT không diễn ra thường xuyên. Mọi người luôn giữ tinh thần cố gắng hoàn thành công việc trong giờ hành chính và hạn chế liên lạc với nhau ngoài giờ làm việc, vì ai cũng cần có thời gian cho riêng mình. Trường hợp có OT vào cuối tuần hoặc sau 12h đêm các ngày trong tuần, nhân sự sẽ được nghỉ bù để hồi phục sức khỏe. Ngoài ra, công ty cũng có những buổi tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên.


Theo các nhân sự agency, việc OT thường xuyên hay không còn phụ thuộc vào vị trí công việc của mỗi người và tình hình dự án. Ở thời điểm có nhiều dự án cần triển khai, tất cả nhân sự buộc phải OT để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công việc và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhưng đây chỉ là trường hợp hy hữu, chỉ diễn ra vào mùa lễ hội như Giáng Sinh, Tết hoặc siêu sale.  


“Đặc thù công việc của mình là media, nên việc phải túc trực vào cuối tuần hay ban đêm để theo dõi chiến dịch là chuyện hết sức bình thường. Dù làm việc ngoài giờ nhưng mình không nghĩ đó là OT, vì công việc này khá đơn giản, không mất nhiều thời gian và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của mình. Khi có nhiều dự án và phải OT tại công ty, các đồng nghiệp và đối tác cũng hỗ trợ nhau để cùng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt” - Minh Quang, Senior Media Executive tại MAC Media chia sẻ


“OT sẽ là ‘ác mộng’ với những ai không có định hướng rõ ràng và niềm đam mê đủ nhiều với nghề”


Nhiều người quan niệm đến công ty chỉ cần làm đúng việc của mình trong giờ hành chính và khó có thể chấp nhận chuyện phải hy sinh thời gian cá nhân cho công việc. Bởi OT thường xuyên sẽ khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance), dễ rơi vào trạng thái căng thẳng vì phải làm việc nhiều. Đây cũng là lý do OT trở thành nỗi “ám ảnh” mỗi khi nhắc đến.



Thu Sang, Digital Performance Executive tại Mindshare Vietnam cho rằng, OT là chuyện thường tình, nhất là với đặc thù môi trường agency - công việc cần hoàn thành nhanh, đảm bảo sự chính xác và phải làm việc với nhiều khách hàng khác nhau. Huyền Nhi, Junior Strategic Planner tại Pencil Group cũng đồng ý với quan điểm này: “Với mình, nếu đã chọn được công việc yêu thích thì chuyện làm trong giờ hay ngoài giờ cũng như nhau. Thỉnh thoảng vì muốn sản phẩm của mình đạt chất lượng tốt nhất, mình vẫn sẵn sàng ở lại công ty để chỉnh sửa và hoàn thiện. Ngoài ra, có một số trường hợp bất khả kháng như khách hàng yêu cầu gửi bảng kế hoạch sớm. Tóm lại OT không hề đáng sợ, vì mình làm điều mình thích, giống như đọc sách hay chơi game vậy. Điều quan trọng là mỗi người biết cân bằng để OT không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân”.


Không những thế, Minh Quang còn xem OT là cơ hội để mỗi người rèn giũa khả năng ứng biến và xử lý huống nhanh chóng, đồng thời học được cách sắp xếp thời gian hiệu quả. Theo bạn, OT sẽ là “ác mộng” với những ai không có định hướng rõ ràng và niềm đam mê đủ nhiều với nghề, “vì nếu có, bạn sẽ tìm được cách thích nghi sớm thôi".


“Áp lực là động lực để phát triển bản thân tối đa”


Hầu hết nhân sự đều cho rằng, dù đặc thù công việc tại agency thường có nhiều áp lực và đòi hỏi mỗi người phải liên tục đổi mới bản thân, nhưng agency cũng là một môi trường năng động, tự do và khuyến khích sự sáng tạo, rất phù hợp với những bạn trẻ năng động và thích sự đổi mới. Huyền Nhi bày tỏ: “Mình nghĩ công việc phải áp lực thì mới học được nhiều thứ, làm việc tại agency tuy có áp lực nhưng vẫn còn nhiều ‘đặc quyền’ khác. Chẳng hạn, bạn không bị áp đặt phải làm việc trong một khung giờ cố định mà chỉ cần hoàn thành công việc của mình, nếu đang làm việc và cảm thấy cần không gian riêng để tìm kiếm ý tưởng, bạn có thể đi dạo bên ngoài. Thêm nữa, làm việc tại agency sẽ không gây nhàm chán cho những ai ưa thích khám phá như mình, vì sau mỗi dự án mình lại học được nhiều điều mới và phát triển thêm các kỹ năng như lập kế hoạch, xử lý tình huống, giao tiếp,... Chính sự đặc thù của môi trường agency đã thúc đẩy mình phát triển nhanh chóng hơn trên con người sự nghiệp”.


Thu Sang cho biết thêm, áp lực hay OT thường xuyên không chỉ do đặc thù công việc tại agency mà còn phụ thuộc vào cách tối ưu và sắp xếp công việc của mỗi người. “Áp lực và OT chưa bao giờ là trở ngại của mình, ngược lại, đây còn là động lực để mình phát triển và hoàn thiện bản thân. Và agency hiện là môi trường phù hợp nhất với tính cách và mục tiêu phát triển sự nghiệp của mình”.


“Luôn mạnh dạn đề xuất vấn đề, đừng im lặng đồng ý rồi ‘bơi’ trong công việc”


Ngoài nguyên nhân khách hàng có yêu cầu gấp và bắt buộc phải xử lý, OT còn diễn ra thường xuyên với những bạn trẻ mới bước vào ngành. Thu Sang chia sẻ, thời gian đầu làm việc tại agency, vì chưa quen với nhịp độ công việc nên bạn thường mất nhiều thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ hơn so với những người có kinh nghiệm. Với những newbie gặp phải tình huống tương tự, Thu Sang khuyên các bạn nên học làm quen và chấp nhận đánh đổi thời gian của bản thân để đảm bảo chất lượng công việc tốt nhất có thể. Điều này thể hiện trách nhiệm cũng như tinh thần cầu tiến của mỗi người trong công việc. Sau khi thích nghi, các bạn có thể học thêm cách quản lý và sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên và quan trọng để năng cao hiệu suất, tránh để công việc kiểm soát hoặc rơi vào trạng thái lúc nào cũng có quá nhiều việc phải xử lý. 


Cá nhân Minh Quang thời gian đầu cũng gặp khó khăn do hiệu suất công việc thấp, khi đó bạn thường đọc sách, tìm kiếm các phương pháp quản lý công việc trên Google và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để tăng năng suất và làm việc hiệu quả. Bằng cách viết nhật ký hàng ngày (daily journal), luôn lên danh sách việc cần làm vào đầu ngày và thường xuyên theo dõi cảm xúc của bản thân, sau 2 năm làm việc, Minh Quang đã học được cách tập trung và duy trì năng lượng ở trạng thái tốt nhất trong quá trình làm việc, đảm bảo hoàn thành tất cả công việc trong giờ làm. 

Với những tình huống khách hàng/ cấp trên yêu cầu phải xử lý công việc trong thời gian ngắn, theo Min, newbie cần phải “đấu tranh” cho mình một chút, nếu yêu cầu quá gấp và không thể xử lý kịp, hãy thẳng thắn đề xuất một deadline mới phù hợp hơn thay vì im lặng đồng ý rồi “bơi” trong công việc. Song, cách tốt nhất để hạn chế OT là mỗi cá nhân phải giỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn, khi đã quen với guồng công việc và nhạy bén trong xử lý vấn đề thì thời gian hoàn thành công việc cũng nhanh hơn, tình trạng OT cũng giảm đi. Nếu cảm thấy bản thân đang quá sức, OT quá nhiều, các bạn có thể chia sẻ chân thành với cấp trên để cùng tìm cách giải quyết sớm để tránh tình trạng chán việc. Đặc biệt, “các bạn nên bảo vệ sức khỏe của bản thân và duy trì thói quen tập thể dục - thể thao, sức khỏe thể chất tốt là một trong những nền tảng giúp chúng ta có thêm năng lượng và tinh thần làm việc hiệu quả”, Min kết luận. 


Xin cảm ơn các nhân sự tại các agency đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này và chia sẻ những góc nhìn thú vị về trải nghiệm OT với độc giả Advertising Vietnam! 


Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây.


Thực hiện: Advertising Vietnam

Content: Tâm Thương

Design: Đạt Đặng


Thực hư chuyện overtime tại agency: “Không hề đáng sợ, hãy xem như cơ hội để rèn giũa khả năng”

Tâm Thương

Tâm Thương

Content Creator | Advertising Vietnam

05 Thg 11 2021

Lưu

Cùng chuyên mục