Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông: “Cái bệnh của doanh nghiệp Việt Nam là gần như không tham gia đóng góp đào tạo sinh viên nhưng đòi hỏi vô lối”

Theo nghiên cứu mới nhất từ các cố vấn truyền thông toàn cầu MediaSense, gần một nửa các nhà quảng cáo thế giới, đơn vị truyền thông cho rằng họ “đang đối mặt với cơn khủng hoảng chưa từng có khi nói đến nhân tài”. Cơn khủng hoảng này cũng đã bắt đầu rõ rệt ở thị trường Việt Nam, càng căng thẳng hơn khi khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe tiết lộ hơn một nửa nhân sự quảng cáo Việt (51%) muốn chuyển ngành


Điểm thu hút ban đầu của các ngành nghề này là gì và tại sao chúng không đủ bền vững để giữ chân nhân sự trẻ? Hãy cùng Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông bóc tách lý do sâu xa đằng sau cơn khủng hoảng nhân tài đang diễn ra trong ngành truyền thông - quảng cáo trong bài viết sau. 



1. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Báo chí và các ngành liên quan đến thông tin (Truyền thông, quảng cáo, quan hệ công chúng) đứng thứ 2 trong các nhóm ngành thu hút nhiều sinh viên nhất. Theo Tiến sĩ, tại sao ngành nghề này trở nên ngày càng hấp dẫn trong mắt người trẻ? 


Theo tôi, sức hấp dẫn của ngành truyền thông đến từ hai nguyên nhân chính. 


Trước tiên đây là ngành nghề đáp ứng được nhu cầu tương tác, cũng chính là kỳ vọng hàng đầu của người trẻ ngày nay trong công việc. Đặc tính của ngành truyền thông là quy trình làm việc mở, không thủ tục khép kín như các ngành nghề truyền thống khác. Khi làm việc, Truyền thông cũng không giới hạn phạm vi văn phòng. Nhân sự ngành nghề này có vừa có thể giao tiếp với đồng nghiệp trong công ty đồng thời mở rộng các mối quan hệ với khách hàng, KOL, báo chí và rất nhiều đối tác bên ngoài. 


Bên cạnh sở thích, nhu cầu thị trường cho nhân sự truyền thông - quảng cáo rất cao cũng là một lý do nữa khiến ngành nghề này thu hút. Doanh nghiệp ngày nay cần các tổ chức Truyền thông - Quảng cáo hơn cả. Đó là chưa kể đến bản thân truyền thông nó cũng tự tạo ra một thị trường việc làm cho mình. Không giới hạn độ tuổi, không giới hạn địa lý, tất cả đều có thể trở thành một TikTok-er, một freelancer hay một content creator nếu như họ có khả năng. Đây là thị trường có khả năng tiếp cận việc làm rất mở. 


2. Tại sao thị trường bây giờ lại cần truyền thông quảng cáo nhiều hơn trước đây?


Trước tiên, tôi xét về bối cảnh. Sự phát triển của các kênh truyền thông đã làm tăng nhu cầu tổ chức các hoạt động truyền thông chuyên nghiệp. Cách đây hơn 20 năm, chúng ta có rất ít phương tiện để liên lạc, các kênh truyền hình cũng không phát triển như bây giờ. Còn ngày nay TV phát sóng nhiều kênh, điện thoại cũng có nhiều kiểu, mỗi điện thoại lại chứa nhiều ứng dụng khác nhau. Nói một cách dễ hiểu, ngày xưa khi ai đó muốn mở một quán ăn, họ chỉ cần phát triển công thức sao cho thật ngon bởi họ không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh cũng như ít kênh để truyền thông. Nhưng bây giờ thì khác, người mở quán ăn phải xem xét tới các khía cạnh khác như địa điểm, dịch vụ, thiết kế,... Nhiều đối thủ hơn, mức độ cạnh tranh thông tin càng lớn hơn. Vì vậy, họ cần có những đội ngũ chuyên môn để đảm nhận công việc này.


Sau đó, có lẽ phải bàn đến tâm thế của người tiêu dùng. Vì thứ các thương hiệu đang kinh doanh, đang cạnh tranh ở đây chính là sự chú ý của khách hàng . Tuy nhiên, công chúng tiếp xúc với nhiều kênh khiến họ dần mất tập trung và điều doanh nghiệp cần làm chính là thu hút sự tập trung đó về phía mình. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao các sản phẩm quảng cáo, đa dạng hoá các ý tưởng,... và những nhu cầu đó khiến họ muốn đầu tư nhiều hơn vào truyền thông quảng cáo. 



3. Đứng trước tốc độ chuyển biến liên tục của truyền thông quảng cáo, hệ thống giáo dục cần gì để có thể thích nghi nhanh chóng? 


Hiện tại, hệ thống giáo dục cần đội ngũ thầy cô giáo trẻ có khả năng cập nhật và theo dõi các xu hướng công nghệ để bắt kịp tốc độ chuyển biến của ngành nghề. Đó là một thách thức, yêu cầu chính đội ngũ giảng viên cũng phải học từ trường lớp cho đến môi trường thực tiễn.


Vòng đời của các chương trình giáo dục cũng đang có xu hướng ngắn lại. Trước kia, một chương trình được thiết kế chạy trong vòng 5-10 năm. Bây giờ, cứ hai năm nhà trường phải thay đổi một lần.


4. Khi học Truyền thông tại các trường đại học Việt Nam, sinh viên sẽ được trang bị những tri thức gì? 


Khi học một ngành bất kỳ, sinh viên đều cần đáp ứng về cả mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Riêng ngành truyền thông, tôi phân ra ba loại tri thức trọng điểm trong quá trình giảng dạy: tri thức nền tảng, tri thức về nghề và kinh nghiệm.


Tri thức nền tảng là những kiến thức và lý thuyết chuyên ngành đã được cố định và chứng minh qua thời gian. Dù có thay đổi như thế nào, ngành truyền thông vẫn có một cái khuôn nhất định có tính hệ thống. Đối với những lý thuyết này, đội ngũ giảng viên chính thức của các trường đại học sẽ là người trực tiếp giảng dạy bởi họ sở hữu phương pháp giảng dạy tốt hơn, giúp sinh viên nắm được những yêu cầu cơ bản của một ngành nghề và từ đó phát triển thêm. 


Tri thức về nghề sẽ do chuyên gia bên ngoài trường, những người đang điều hành các dự án/doanh nghiệp đứng lớp. Các chuyên gia là người có tri thức thực tiễn và tiếp xúc trực tiếp với những thay đổi của xã hội. Vì vậy, nếu đội ngũ giảng viên của trường tập trung vào những tri thức nền tảng từ sách vở thì giảng viên chuyên gia là những người mang đến những bài học thực tế cho sinh viên.


Về vấn đề thực hành nghề nghiệp, các trường đại học tại Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy mạnh các học kỳ doanh nghiệp, chính là cách gọi khác của các chương trình thực tập để sinh viên có thể tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Đó chính là tri thức về kinh nghiệm nghề.


Tuy vậy, thực tế vẫn có một vài sai số xảy ra khiến kết quả giảng dạy không như dự tính của nhà trường. Một số doanh nghiệp lợi dụng các chương trình thực tập để bóc lột sức lao động của sinh viên. Thay vì tiếp thu được những kiến thức mới, sinh viên trở thành những “công cụ” giúp đỡ họ trong những chuyện vặt vãnh.



5. Cung cấp một hệ thống kiến thức và kỹ năng bao quát như vậy trong chương trình đại học nhưng tại sao nhiều công ty vẫn muốn đào tạo lại từ đầu các sinh viên mới ra trường? Tiến sĩ nghĩ gì về ý kiến cho rằng giảng dạy truyền thông - quảng cáo ở Việt Nam vẫn chưa cho ra được lứa nhân sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp? 


Theo tôi, vai trò của giảng dạy đại học chính là tạo ra lứa nhân sự có khả năng làm việc trong thị trường, chứ không phải là để ăn khớp 100% với một doanh nghiệp cụ thể. Bởi vì mục tiêu lớn là đào tạo nhân sự cho cả thị trường chứ không phải cho riêng một doanh nghiệp. Khi đánh giá dựa trên cơ chế ngành học, phần lớn các trường đều có chung phương pháp luận. Tất cả đều đi từ nền tảng, đến kiến thức chuyên ngành, sau đó mới đến công cụ tác nghiệp và cuối cùng là sản xuất các sản phẩm mô phỏng. Các trường đại học cố gắng đào tạo cho sinh viên những hiểu biết và kỹ năng chung nhất của một người lao động ở trình độ đại học và có khả năng thực hành các yêu cầu nghề nghiệp nào đó ở mức căn bản nhất của ngành nghề. Khi sinh viên tốt nghiệp đến với từng doanh nghiệp cụ thể thì mỗi doanh nghiệp thường có thêm những yêu cầu chuyên biệt tùy vào thực tiễn hoạt động của họ. Tôi nghĩ, khó có nhà trường nào có thể đáp ứng toàn bộ những gì doanh nghiệp đòi hỏi. 


Vì thế tôi cũng nghĩ các doanh nghiệp nên thay đổi cách nhìn một chút. Vấn đề đặt ra ở đây là các doanh nghiệp cần gì ở phẩm chất, tư duy của một người sinh viên để có thể bước vào môi trường của họ. Ví dụ, thay vì đòi hỏi một sinh viên biết sử dụng một loại máy ảnh cụ thể, họ có thể tìm hiểu liệu sinh viên ấy có tư duy hình ảnh tốt hay không. 


6. Tiến sĩ nghĩ gì về chuyện các doanh nghiệp đòi hỏi sinh viên ngành quảng cáo truyền thông mới ra trường nhưng phải có kinh nghiệm thì mới được tuyển vào làm thực tập sinh? 


Đây rõ ràng là vòng lặp luẩn quẩn bởi sinh viên thì làm sao có kinh nghiệm làm việc. Chúng ta vẫn thấy một số trường hợp sinh viên năm ba đi trải nghiệm môi trường làm việc thực tế nhưng trường hợp này không nhiều. Doanh nghiệp cũng sẽ có những vị trí cần kinh nghiệm năm năm, bảy năm thì sinh viên họ cũng sẽ không ứng tuyển vào. Đó là phân tầng trong tuyển dụng. Bản thân doanh nghiệp cần phải xác định rõ kinh nghiệm họ đề cập ở đây là gì.


Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc sinh viên không cần tích lũy kinh nghiệm. Đó có thể là làm tình nguyện viên cho các dự án, các chương trình, tham gia công tác xã hội hoặc triển khai các dự án cá nhân. Dự án cá nhân cũng rất quan trọng vì nó thể hiện được khả năng tổ chức, leadership của người làm. Ở nước ngoài họ rất ghi nhận những điều ấy. 


Chung quy lại doanh nghiệp không nên tham chiếu những kinh nghiệm ở độ tuổi sinh viên thành những kinh nghiệm làm việc. Bản thân sinh viên cũng cần phải hiểu mình nên trau dồi khả năng, tham gia các hoạt động bên cạnh quá trình học.



7. Tại sao sinh viên ngành Truyền thông không thiếu nhưng doanh nghiệp vẫn than thở khát nhân tài?


Đối với ngành quảng cáo, các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự đáp ứng được đặc tính và nhu cầu của thị trường trẻ. Các bạn trẻ ngày nay xem đi làm là một mối quan hệ win-win đúng nghĩa. Đôi bên cùng có lợi, các bạn sẵn sàng cống hiến với điều kiện doanh nghiệp đáp ứng được nguyện vọng của họ. Lao động trẻ rất “nuông chiều” cảm xúc, họ thích được tự do, thích trao quyền sáng tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thể tạo điều kiện cho những mong cầu của nhân sự trẻ. Như vậy thì tính chất win - win ở đây không còn nữa. 


Ngoài ra, nguyên nhân có thể từ việc tuyển dụng không đúng kênh. Một số doanh nghiệp nghĩ rằng chỉ cần đăng lên báo, lên mạng là có người ứng tuyển nhưng sự thật không phải như vậy. Những doanh nghiệp tiên tiến hơn họ chấp nhận trả phí cho các kênh “săn đầu người" để kiếm được nhân sự phù hợp, chưa kể đến một số nơi tiếp cận các trường đại học, trao học bổng để giữ người giỏi về làm với mình sau này. Báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên là minh chứng điển hình. Họ tạo một phòng phóng viên tập sự và tại đây, các sinh viên được làm việc, trau dồi khả năng và nhận lương như những người phóng viên thực thụ. 


Một nguyên nhân khác, khó nhìn thấy nhưng rất nguy hiểm, doanh nghiệp ngày này còn đang phải cạnh tranh với “ảo giác khởi nghiệp” của người trẻ. Khởi nghiệp có thể xé nát nguồn nhân lực trẻ ra. Tôi không phủ nhận khởi nghiệp là tốt nhưng phải có cơ sở vững vàng chứ không phải vì nghĩ ra một ý tưởng nào đó mà “quay xe" đi khởi nghiệp. Freelancer, với tôi mà nói cũng chính là một cái bẫy.



Vấn đề nào cũng có giải pháp. Về phía doanh nghiệp, họ cần xây dựng một chính sách nhân sự có tầm nhìn dài hạn để tiếp cận lực lượng lao động trẻ. Chính sách này không chỉ bao gồm những phúc lợi của người lao động mà họ còn phải chấp nhận những khoản chi phí “lạ" có phần rủi ro như việc một nhà sáng tạo trẻ cả ngày chẳng nghĩ ra được ý tưởng nào hay họ cần vài chuyến đi để tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, một môi trường làm việc mở. 


Ngoài ra, doanh nghiệp nên chấm dứt cái bệnh “không tham gia vào việc đào tạo sinh viên nhưng đòi hỏi vô lối”. Thay vào đó, chúng ta có thể học tập các nước phương Tây như việc tạo quỹ học bổng tài trợ các trường, hoặc đưa các chuyên gia vào trường để trò chuyện và cung cấp thông tin cho sinh viên. 


8. Rất nhiều bạn trẻ rất yêu thích công việc freelancer, vậy tại sao Tiến sĩ lại cho rằng freelancer là một cái bẫy?


Vì freelancer sẽ tách người trẻ ra khỏi hệ sinh thái nghề nghiệp. Người làm công việc freelancer giống như một cái cây lẻ loi bị tách ra khỏi môi trường, họ vẫn có thể hoạt động và tồn tại nhưng không phát triển theo chuyên môn, theo chiều sâu.


Cái bẫy ở đây chính là freelancer cho phép người trẻ linh hoạt thời gian, vẫn có thu nhập và công việc, thế nhưng họ sẽ không có sự nghiệp đúng nghĩa. Tôi cho rằng Gen Z đang có những tiêu chí xã hội rất khác so với những thế hệ còn lại. Họ muốn xã hội đáp ứng những nhu cầu cá nhân như sức khỏe tinh thần, tự do sáng tạo, tự chủ thời gian,.... Và khi các doanh nghiệp không đáp ứng được thì một trong những điểm đến của họ chính là freelancer. Thế nhưng, nếu người trẻ chỉ có một vài kĩ năng, một vài năng lực nhỏ mà đã tách mình ra khỏi hệ sinh thái và cứ lơ lửng như vậy thì cũng chỉ tồn tại được trong một đoạn thời gian ngắn. 


Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông: “Cái bệnh của doanh nghiệp Việt Nam là gần như không tham gia đóng góp đào tạo sinh viên nhưng đòi hỏi vô lối”

Thanh Thảo

Thanh Thảo

Content Creator | Advertising Vietnam

11 Thg 10 2022

Lưu

Cùng chuyên mục