Đối với nhân sự ngành sáng tạo, hai khái niệm Design (Thiết kế) và Art (Nghệ thuật) đã không còn “lạ mặt”. Thế nhưng, ở các môi trường làm việc khác nhau, mỗi người lại có định nghĩa không giống nhau về chúng. Bài viết này chia sẻ góc nhìn từ chuyên trang Design Week Indeed - website đăng tin tuyển dụng toàn cầu của Mỹ, được thành lập từ năm 2004.


Design và Art là gì?


Art đã xuất hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử loài người. Còn khái niệm “design ra đời khi xã hội bắt đầu đặt vấn đề về những tác phẩm nghệ thuật có tác dụng thiết thực hơn một thứ để chiêm ngưỡng, trưng bày hay gửi gắm suy nghĩ và cảm xúc.


Design luôn đi theo quy trình. Sản phẩm cuối quy trình phải cung cấp được giải pháp cho một vấn đề nào đó, và chúng thường phục vụ cho mục đích thương mại. Cốt lõi của Design là khả năng giải quyết vấn đề. Do đó, người làm thiết kế (Designer) phải quan tâm tới công năng của sản phẩm trước tiên. Họ cần đảm bảo rằng sản phẩm của mình đáp ứng tốt nhất mong muốn cũng như nhu cầu của người dùng. Các Designer có thể sở hữu chuyên môn về một hoặc một số lĩnh vực nhất định như đồ hoạ (graphic), thiết kế sản phẩm nè (product design),...  


Ed Sheeran and Heinz partner on limited-edition bottle

Thiết kế bắt đầu từ một mục tiêu (bao bì đóng gói in hình xăm trên cánh tay nam ca sĩ Ed Sheeran từ thương hiệu Heinz)


Trong khi đó, Art là kết quả từ việc một người biến trí tưởng tượng thành những điều hiện diện trước mắt. Đó có thể là một bức tranh, đoạn thơ, bài hát, tác phẩm điêu khắc hay thậm chí một màn khiêu vũ. Khác với Designer phải tuân theo một số nguyên tắc thiết kế, người làm Art thường thích sáng tạo mọi thứ theo cách riêng - mà người thường thức gọi là dấu ấn, phong cách hay quan điểm thẩm mĩ của người làm Art.


Một tác phẩm nghệ thuật có thể được tạo ra để bán, trưng bày tại triển lãm, đăng miễn phí lên tạp chí,... hoặc đơn giản chỉ để thoả mãn sở thích của người nghệ sĩ. Nói chung, Art đề cao tính thẩm mỹ. Sản phẩm cuối của quá trình làm Art tạo ra nhiều giá trị vô hình như khơi gợi trí tưởng tượng, tác động vào cảm xúc người xem,... 


Kiệt tác 'Mùa xuân' của Claude Monet - VnExpress Giải tríNghệ thuật bắt nguồn từ cảm xúc (tác phẩm "Mùa xuân" do hoạ sĩ Claude Monet vẽ mối tình đầu của ông)


Tóm lại, khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật, người dùng sẽ phân tích ý nghĩa của chúng và được phép suy ra nhiều ý tứ khác so với tưởng tượng ban đầu của tác giả. Ngược lại, một tác phẩm thiết kế ngay từ đầu đã nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể. Giải pháp mà tác phẩm thiết kế cung cấp cho người xem cũng chính là giá trị duy nhất mà người xem tìm kiếm ở chúng.


Design và Art dùng để làm gì?


Nhà thiết kế đồ hoạ người Mỹ Milton Glaser - tác giả của biểu trưng “I ❤️ NY” nổi tiếng từng phát biểu trong một buổi phỏng vấn: “Thiết kế phải truyền tải được thông tin. Còn chức năng thiết yếu của nghệ thuật là tăng cường nhận thức của con người về hiện tại.” Hay nói cách khác, thiết kế có giá trị “thông báo” (inform) đến người dùng, còn nghệ thuật nhằm “thuyết phục” (persuade) người xem.


ho-thien-nga-6766-1438403948.jpg

Đằng sau những vũ điệu bay bổng trong vở ballet "Hồ Thiên Nga" là triết lý về cái tốt đẹp chiến thắng cái xấu xa, sự hữu hạn và vô hạn của cuộc sống


Một tác phẩm nghệ thuật được đánh giá là thành công sẽ mang lại góc nhìn đa chiều. Nghệ thuật có thể gây tranh cãi, nhưng thiết kế thì không. Mục đích của thiết kế là gửi gắm một thông điệp cố định đến người xem. Nếu người xem nhận sai thông điệp hoặc người làm thiết kế phải giải thích ý nghĩa đằng sau tác phẩm, thì tác tác phẩm đó xem như chưa hoàn thành vai trò nguyên bản của nó.


Mona Lisa – Wikipedia tiếng Việt

Qua hàng thập kỉ, giới mộ điệu vẫn tranh cãi về ý nghĩa đằng sau nụ cười của nàng Mona Lisa


Người làm thiết kế tập trung trả lời các câu hỏi: sắp xếp các yếu tố trên tác phẩm như thế nào, khách hàng thích và kỳ vọng điều gì ở tác phẩm, thể hiện thông điệp sao cho trọn vẹn, làm gì để thu hút khách hàng,... Ngược lại, nghệ thuật sẽ phục vụ lợi ích riêng của tác giả, không phản ánh thị hiếu hay mong muốn của số đông. 


Như vậy, với mục đích khác nhau, một tác phẩm thiết kế hiệu quả sẽ giúp thương hiệu đạt được những kết quả nhất định, thường là:

  • Tạo ra lợi nhuận
  • Thu hút khách hàng mới
  • Giữ chân khách hàng trung thành
  • Xây dựng nhận diện thương hiệu
  • Đáp ứng nhu cầu thực tiễn trên thị trường


Apple iPhone 15 Pro - Apple Premium Store, Abuja, Nigeria

Tính nhất quán và đặc trưng trong các thiết kế sản phẩm của Apple luôn là yếu tố hàng đầu giúp giữ chân người dùng, đồng thời tăng tỉ lệ mua lại


Còn một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa có thể đem đến những giá trị sau cho cá nhân hoặc công ty:

  • Kích động thảo luận
  • Khơi gợi cảm xúc
  • Tạo ra lợi nhuận
  • Thêm vẻ thẩm mỹ và sự độc đáo cho quảng cáo thông thường


Chân dung tự họa (Van Gogh, 1889) – Wikipedia tiếng Việt

Bức tranh tự hoạ để gửi mẹ của hoạ sĩ Van Gogh sau khi ông đã tự cắt một bên tai vì căn bệnh trầm cảm


Design và Art có thể thay thế lẫn nhau?


Theo Milton Glaser, chức năng của Art và Design đôi khi trùng nhau. Nhưng chúng “không giống nhau” và không thay thế được vai trò của nhau. Thiết kế có thể bao hàm nghệ thuật trong nó, nhưng thiết kế không phải nghệ thuật, và ngược lại. Trong nhiều trường hợp, sự kết hợp giữa Art và Design quyết định tính hoàn thiện của sản phẩm cuối. “Thỉnh thoảng, một tác phẩm được cho là có tính ứng dụng và được thực hiện nhằm giải quyết vấn đề của khách hàng hoá ra cũng mang tính nghệ thuật” - Milton Glaser nói.  


Ví dụ, mẫu giày mới của Nike là một thiết kế, vì nó giải quyết được vấn đề đi chân trần. Nhưng đối với các tín đồ giày thể thao nói chung và Nike nói riêng, mẫu giày mới có thể là một tác phẩm nghệ thuật khi nó thoả mãn sở thích và khơi dậy cảm xúc hứng khởi của họ. 


Coca-Cola "làm mưa làm gió" ngành tiếp thị với TVC có sự xuất hiện của hàng loạt kiệt tác nghệ thuật trên thế giới


Tuy nhiên, hiệu quả song hành này “không dễ xảy ra” và khả năng người làm thiết kế tạo ra “cú đúp” đó “không phải điều có thể đánh giá được”. Do đó, trong những dự án cần sự kết hợp giữa Art và Design, người làm thiết kế và người sáng tạo nghệ thuật luôn cần kết hợp chặt chẽ với nhau, để “giải pháp thiết kế” phản ánh được “định hướng nghệ thuật”. 

 

Tạm kết


Nghệ sĩ người Mỹ Donald Judd nổi tiếng với chủ nghĩa tối giản nói: “Design has to work, Art does not” (tạm dịch: Thiết kế luôn có một chức năng, nghệ thuật thì không nhất thiết). Tóm lại, nếu Design đặt tính thiết thực của sản phẩm cuối lên hàng đầu, thì Art lại xem tính thẩm mỹ quan trọng hơn. Thấu hiểu sự khác biệt giữa hai lĩnh vực Design và Art giúp nhà tiếp thị quyết định đâu là chuyên môn phù hợp hơn với yêu cầu của từng công việc.


Trang Ngọc


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!