Truyền thông quảng cáo đã giúp thương hiệu được biết đến nhiều hơn trong phạm vi rộng, từ trong nước đến toàn cầu. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tiếp cận lượng người dùng lớn cũng là chiến lược tiếp thị đúng đắn dành cho thương hiệu.


Tuỳ vào mục tiêu tiếp thị và mục tiêu kinh doanh, thương hiệu sẽ xác định một nhóm đối tượng phù hợp, từ đó tối ưu chi phí và tăng hiệu quả của chiến dịch. Trong trường hợp thương hiệu cần thu hút khách hàng đến cửa hàng vật lí, chiến lược tiếp thị địa phương hướng đến tệp người dùng xung quanh điểm bán là một gợi ý lý tưởng.


Vậy tiếp thị địa phương là gì? Vai trò của chiến lược này như thế nào? Thương hiệu phải thực hiện tiếp thị địa phương ra sao mới hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những câu hỏi đó.


“Tiếp thị địa phương là gì?“


Tiếp thị địa phương là chiến lược tập trung vào khách hàng tiềm năng ở xung quanh vị trí thực tế của thương hiệu. Chiến lược này bao gồm các hoạt động tiếp thị trực tiếp lẫn trực tuyến, và đều nhằm mục đích thu hút lượng người dùng gần đó ghé đến cửa hàng vật lí, thay vì mua hàng trên trực tuyến. Tuỳ theo quy mô cửa hàng và tính chất thương hiệu, phạm vi người dùng được nhắm mục tiêu sẽ thay đổi, nhưng thông thường thuộc vùng bán kính 80km so với cửa hàng vật lí được chọn trong chiến dịch. 


Chiến dịch “gây bão“ mạng xã hội của KFC: thiết kế billboard theo màu chủ đạo của IKEA để quảng bá địa điểm mới mở tại đảo Majorca (Tây Ban Nha) - “thủ phủ“ các cửa hàng IKEA


Các doanh nghiệp dựa chủ yếu vào lượng khách hàng trực tiếp để kiếm doanh thu sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược tiếp thị địa phương. Đối với những doanh nghiệp này, tiếp thị địa phương cũng là chiến lược mũi nhọn trong hoạt động tiếp thị.


Ví dụ, một nhà hàng pizza sẽ cần triển khai tiếp thị địa phương thường xuyên vì khách hàng thích thưởng thức pizza ngay tại điểm bán để đảm bảo chất lượng món ăn, và họ cũng ưu tiên lựa chọn những nhà hàng ở gần nhằm tiết kiệm thời gian. Nhưng đối với thương hiệu cung cấp dịch vụ thiết kế kỹ thuật số, việc khách hàng ghé đến văn phòng lại không quá cần thiết khi họ có thể nhận và đánh giá sản phẩm hoàn toàn qua trực tuyến.


Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động nhượng quyền thương mại hoặc có nhiều chi nhánh cũng đạt được nhiều lợi ích từ tiếp thị địa phương. Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp nhắm mục tiêu đúng đối tượng mua hàng, mà còn duy trì khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp khác thuộc khu vực xung quanh. 


“Tiếp thị địa phương” và “tiếp thị toàn cầu” khác nhau như thế nào?


1. Đối tượng mục tiêu


Chiến lược tiếp thị địa phương xác định đối tượng theo khoảng cách vật lý để thương hiệu không đầu tư nguồn lực vào những người dùng không có khả năng, hoặc không có động lực tìm hiểu hay mua sắm từ thương hiệu. Nhìn chung, khi áp dụng tiếp thị địa phương, hãy xác định chân dung khách hàng lý tưởng càng chi tiết và chính xác càng tốt.


Vào năm 2023 tại Thuỵ Điển, McDonald's đã đặt biển quảng cáo tương tác gần các cửa hàng vật lí của thương hiệu. Sau khi người qua đường quét mã QR trên tấm biển, họ sẽ nhận được một phiếu giảm giá và lời mời ghé thăm cửa hàng


Chiến lược tiếp thị toàn cầu sẽ hoạt động hiệu quả với các thương hiệu sở hữu tệp khách hàng trải rộng trên nhiều quốc gia và nói nhiều ngôn ngữ. Bằng cách xây dựng hình ảnh thương hiệu và sản phẩm có thể được đón nhận bởi những người dùng có sở thích và hoàn cảnh sống khác nhau, tiếp thị toàn cầu giúp thương hiệu nhanh chóng kết nối với người tiêu dùng khắp thế giới. 


2. Mục tiêu tiếp thị


Tiếp thị địa phương nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người dùng ở khu vực lân cận. Do đó, trong quá trình gia tăng lòng trung thành của khách hàng địa phương, chiến lược này thường hướng đến giải quyết một vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải. Điển hình là cải thiện khả năng hiển thị trên trực tuyến lẫn trực tiếp để thương hiệu được biết đến nhiều hơn, tổ chức các sự kiện trực tiếp độc đáo để thu hút khách hàng từ đối thủ cạnh tranh,...


Nhận thấy biển chỉ đường đến các cửa hàng của thương hiệu có sẵn trên đường phố trông rất lộn xộn, McDonald's đã tự sáng tạo logo thương hiệu thành hướng dẫn đi đường


Trong khi đó, tiếp thị toàn cầu lại không tập trung vào khách hàng tại khu vực lân cận. Với loại chiến lược này, thương hiệu sẽ “đem quân đi đánh xứ người” và tiếp cận với những người dùng chưa biết gì về thương hiệu để giới thiệu sản phẩm.


3. Ngôn ngữ truyền thông


Tiếp thị địa phương hoạt động hiệu quả nhất khi nó phản ánh văn hoá khu vực. Bằng cách này, thương hiệu sẽ gia tăng nhận diện tốt hơn, cũng như xây dựng được kết nối sâu sắc hơn với người tiêu dùng. 



Starbucks thu hút khách du lịch ở phố cổ Hội An với cửa hàng được thiết kế theo không gian văn hoá nơi đây


Ngược lại, tiếp thị toàn cầu không thể áp dụng ngôn ngữ hay câu chuyện địa phương vào chiến dịch tổng thể. Vì loại chiến lược này phải thực hiện hai mục tiêu cùng lúc: tiếp cận người tiêu dùng thuộc nhiều quốc gia và tạo ra tương tác mạnh mẽ ở từng khu vực cụ thể.


Triển khai “tiếp thị địa phương” sao cho hiệu quả?


1. Sử dụng SEO địa phương


Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm hay chính là SEO giúp người tiêu dùng thấy doanh nghiệp trên trực tuyến khi tìm kiếm các chủ đề hay từ khoá có liên quan. Đối với tiếp thị địa phương, chiến lược SEO địa phương (local SEO) sẽ có hiệu quả hơn SEO thông thường. Hãy để tâm đến những từ khoá về địa điểm, văn hoá, đặc sản,... - những thông tin phản ánh rõ ràng nhất yếu tố địa phương của từng khu vực.


2 bài viết được Google xếp hạng đầu khi người dùng tìm kiếm từ khoá “Circle K Hải Phòng“ đều thuộc website chính thức của Circle K


2. Tạo website thân thiện với thiết bị di động


Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm về thương hiệu ở bất kì nơi đâu và bất kể lúc nào. Đừng quên tạo ấn tượng với người dùng bằng một website thích ứng tốt với giao diện của các thiết bị di động. Từ đó, thương hiệu có thể tăng lưu lượng truy cập cho website và thúc đẩy động lực mua hàng của người dùng. 


3. Bản địa hoá trang mạng xã hội


Bản địa hoá các trang mạng xã hội là cách nhanh chóng và dễ dàng giúp thương hiệu tăng mức độ hiển thị trên trực tuyến với người dân địa phương cũng như khách vãng lai. “Check-in” vị trí cho mỗi bài đăng, sử dụng hashtag tên địa điểm, đề cập thông tin về địa phương trên phần tiểu sử, đăng bài trong các dịp lễ đặc biệt của địa phương, thể hiện hình ảnh đặc trưng về địa phương trên ảnh bìa hay ảnh đại diện,... là nhiều gợi ý đáng cân nhắc dành cho thương hiệu.


Vinamilk thay đổi nhận diện thành AngkorMilk để tiến vào thị trường Campuchia. Trên fanpage riêng của AngkorMilk, thương hiệu cũng thường xuyên đăng tải bài viết kỉ niệm các dịp lễ đặc biệt ở quốc gia này


4. Thu hút cộng đồng địa phương


Hãy tương tác với các cộng đồng ở địa phương để chứng minh rằng thương hiệu thực sự quan tâm đến người dân trong khu vực. Theo đó, người tiêu dùng có thể đánh giá cao sự hiện diện của thương hiệu ở địa phương của họ. Thương hiệu có thể tham gia vào các tổ chức địa phương, tài trợ cho các chương trình thiện nguyện,... Tuy nhiên, thương hiệu cần chọn lọc các tổ chức hoặc chương trình phù hợp với tính cách, tầm nhìn, sứ mệnh và định hướng kinh doanh của thương hiệu.


Cocoon thường xuyên tổ chức quyên góp cho các quỹ từ thiện theo doanh thu trên sản phẩm


5. Đầu tư vào OOH và giao diện cửa hàng


Mặt tiền, nội thất của cửa hàng và các biển hiệu quảng cáo là không gian lý tưởng cho tiếp thị địa phương. Trang trí những không gian này thật hấp dẫn và phù hợp với văn hoá địa phương giúp thương hiệu thu hút người qua đường hiệu quả. Nếu thiết kế đủ độc đáo và ấn tượng, thương hiệu thậm chí còn trở thành chủ đề thảo luận tích cực trên trực tuyến, nhờ một bộ phận người tiêu dùng đã thích thú chia sẻ về chúng lên mạng xã hội.



Cửa hàng Nike Live tại Stockholm được truyền cảm hứng bởi sự năng động của người dân Thụy Điển


6. Năng động và minh bạch trên trực tuyến


Tập trung thu hút khách hàng trực tiếp không đồng nghĩa với việc thương hiệu không cần đầu tư một hồ sơ doanh nghiệp chỉn chu trên các nền tảng tìm kiếm. Hãy bổ sung đầy đủ thông tin cho hồ sơ doanh nghiệp để tăng điểm tin cậy trong mắt khách hàng. Ngoài ra, thường xuyên phản hồi đánh giá của khách hàng trên website thương hiệu hoặc website của một bên thứ ba cũng giúp thương hiệu gia tăng nhận diện, nâng mức độ uy tín và xây dựng hình ảnh thân thiện.


7. Tổ chức các sự kiện trực tiếp


Người tiêu dùng hiện đại yêu thích trải nghiệm. Các hoạt động thử nghiệm sản phẩm, các cuộc thi nơi người dùng vừa được thể hiện đam mê vừa tiếp cận với sản phẩm một cách tự nhiên,... có thể thu hút người tiêu dùng hiệu quả. Thông qua các hoạt động này, thương hiệu sẽ xây dựng kết nối sâu sắc hơn với khách hàng, đồng thời tạo ra điểm khác biệt với các đối thủ cạnh tranh ở địa phương.


Nhiều KOL/ KOC đến tham gia hoạt động làm bom tắm (bath bomb) tại sự kiện khai trương cửa hàng LUSH ở Việt Nam


Một gợi ý thú vị khác dành cho thương hiệu là triển khai nhiều sự kiện theo lịch để cải thiện tình hình kinh doanh vào những khoảng thời gian có lượng khách hạn chế. Ví dụ như, các quán bar thường chứng kiến lượng khách ít hơn vào các ngày trong tuần so với ba ngày cuối tuần. Do đó, nhiều quán bar đã giảm giá đồ uống vào thứ Hai, hoặc mời nghệ sĩ nổi tiếng vào thứ Tư hàng tuần,... để thu hút thêm khách hàng ghé thăm vào những ngày này.


Tạm kết


Dù mua sắm trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng, các cửa hàng vật lí vẫn có “chỗ đứng trong lòng người dùng. Chúng đáp ứng được nhu cầu giải trí và phù hợp với xu hướng ngày càng đề cao chất lượng của người dùng, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch. Nhưng duy trì một cửa hàng vật lí thường tốn kém nhiều chi phí hơn so với việc mở một kênh thương mại điện tử. Do đó, đừng bỏ qua hoạt động tiếp thị địa phương nếu thương hiệu muốn cải thiện doanh thu của các cửa hàng trực tiếp.


Trang Ngọc