Trong những cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp marketer, Tuấn nhận ra rằng App Marketing đã trở nên phổ biến nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho nhiều bạn trẻ muốn bắt đầu. Câu hỏi quen thuộc vẫn là “tìm hiểu về App Marketing, phải bắt đầu từ đâu?”.


Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về App Marketing và tạo lộ trình rõ ràng để khám phá lĩnh vực này. Tuấn hy vọng đây sẽ là kim chỉ nam phù hợp, giúp các bạn có thể định hình khái niệm App Marketing và các bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về App Marketing từ đây.



Tóm tắt, bài viết gồm 3 phần chính:

  • Phần 1: Hiểu về App Marketing, bắt đầu từ đâu?
  • Phần 2: Những nền tảng công nghệ quan trọng trong App Marketing
  • Phần 3: Những chỉ số, KPI quan trọng trong App Marketing


Lưu ý, nội dung trong bài viết này là kiến thức chủ quan xen lẫn khách quan mà Tuấn đã gom nhặt từ nhiều nguồn tài nguyên trong và ngoài nước xuyên suốt từ tháng 6, 2020 đến nay. Nếu có thông tin nào đã lỗi thời hoặc cần điều chỉnh bổ sung, mong mọi người sớm phản hồi và cập nhật giúp mình với nhé!


Phần 1: Hiểu về App Marketing, bắt đầu từ đâu?

App Marketing, hay tiếp thị ứng dụng di động, đã trở thành yếu tố cốt lõi trong việc thành công của bất kỳ ứng dụng nào trên thị trường cạnh tranh ngày nay. Để hiểu rõ hơn về quá trình này, chúng ta cần tìm hiểu về Vòng đời phát triển ứng dụng di động, bao gồm 5 giai đoạn quan trọng: 1. Launching (Lift Off); 2. Acquisition; 3. Activation; 4. Monetization và 5. Retention & Referral. Tùy vào ngành (ngách) ứng dụng sẽ có tên gọi một số giai đoạn khác, nhưng phần lớn cũng sẽ gồm 5 giai đoạn chính tương tự.


1. Launching / Lift Off

Giai đoạn đầu tiên của quá trình là ra mắt ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng, như App Store (cho người dùng iOS) và Google Play (cho người dùng Android). Để thu hút sự chú ý từ người dùng tiềm năng, một chiến dịch Brand Awareness & PR chất lượng cao là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Cụ thể, đối với lĩnh vực trò chơi mobile (game), giai đoạn Launching đóng vai trò quyết định thành công hoặc thất bại của việc phát hành 1 tựa game đình đám. Đối với các nhà phát hành trò chơi, đặc biệt ở thể loại game nhập vai, ngày ra mắt server đầu tiên chính là ngày đạt đỉnh ở số lượng người chơi truy cập. Vì vậy, việc chuẩn bị kế hoạch và triển khai chiến dịch launching là yếu tố tiên quyết của mọi nhà phát hành game mobile không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên cả thế giới.


2. Acquisition

Sau khi ứng dụng được công bố, ra mắt. Việc thu hút lượng lớn người dùng mới là mục tiêu tiếp theo. Đây là lúc tập trung vào các chiến dịch quảng cáo, ASO (tối ưu công cụ tìm kiếm và khả năng hiển thị, diện mạo trên cửa hàng ứng dụng), quảng cáo trên mạng xã hội và các hình thức tiếp thị khác để tạo sự quan tâm và kéo người dùng về ứng dụng. Quá trình này đóng vai trò quan trọng không chỉ với mô hình kinh doanh của bất kỳ ứng dụng di động nào mà đây còn được xem là 1 trong những yếu tố chủ chốt giúp nhà đầu tư (investor) có quyết định mạo hiểm hoặc không. Ví dụ, 2019, ứng dụng Voice Streaming có tên Spoon Radio đến từ Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam. Với mức chi phí User Acquisition rất tốt và số lượng người dùng hoạt động hàng ngày đông đảo, Spoon Radio nhanh chóng đạt được liên tiếp nhiều thành công trong quá trình huy động nguồn tài chính từ các quỹ đầu tư hàng đầu Châu Á và Bắc Mỹ.


3. Activation

Sau khi có được số lượng người dùng, giai đoạn kích thích và thúc đẩy họ tương tác và tham gia hoạt động trong ứng dụng trở nên quan trọng. Điều này có thể đạt được thông qua trải nghiệm người dùng tốt, giao diện thân thiện và sự hấp dẫn của nội dung. Cụ thể, nếu người dùng chỉ tải ứng dụng, thực hiện cài đặt, mở ứng dụng, vào xem các nội dung và sau đó rời đi,.. Như vậy mọi nỗ lực từ giai đoạn Launching - Acquisition sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Activation là thời điểm quyết định người dùng ứng dụng sẽ trở thành khách hàng của doanh nghiệp hoặc không. Ví dụ, giai đoạn 2020-2021 Hệ thống ngân hàng Quân đội MBBank triển khai hàng loạt các chiến dịch thu hút người dùng mới. Không lâu sau đó, MBBank chủ trương thay đổi hướng triển khai media từ Cost Per Install Campaign trở thành Cost Per eKYC Campaign. Đồng nghĩa với việc MBBank mong muốn đốt cháy giai đoạn và thúc đẩy người dùng thực hiện xác định định danh trên ứng dụng của họ. Kết quả, giai đoạn 2020 đến 2022, ứng dụng MBBank nhanh chóng vượt qua Momo và trở thành ứng dụng tài chính, ngân hàng số 1 Việt Nam cả trên cửa hàng Google Play và AppStore.


4. Monetization

Giai đoạn này tập trung vào tăng cường doanh thu thông qua việc phát triển các mô hình kinh doanh trong ứng dụng. Điều này có thể bao gồm các hình thức quảng cáo, mua hàng trong ứng dụng, đăng ký thành viên hoặc các gói dịch vụ cao cấp. Đây cũng được xem là giai đoạn khó khăn nhất đối với mọi nhà phát triển ứng dụng di động tại Việt Nam. Bởi lẻ hành vi người dùng ứng dụng miễn phí - mong muốn mọi thứ miễn phí của phần lớn người dùng tại Việt Nam. Ví dụ, giai đoạn 2018 đến 2020, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng nhận thấy sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần của Grab và GoViet. Lúc này, người tiêu dùng phần lớn chọn dịch vụ, chuyến đi có khuyến mãi và giá thành tốt hơn thay vì quan tâm đến chất lượng dịch vụ của Grab hoặc GoViet cái nào tốt hơn, vv.. Và chúng ta đều hiểu rõ ở giai đoạn đó, cạnh tranh giá không phải là điều dễ dàng. Thật vậy, Monetization rõ ràng là giai đoạn cam go nhất.


5. Retention & Referral

Cuối cùng, giữ chân người dùng hiện có và khuyến khích họ giới thiệu người dùng mới làm tăng giá trị của ứng dụng. Cải thiện trải nghiệm người dùng, cung cấp các ưu đãi và khuyến mãi đặc biệt cho khách hàng trung thành là cách để duy trì sự hứng thú và tạo ra hiệu quả thị trường từ chính người dùng. Không những vậy, trong nội dung đào tạo về ecommerce & mobile market của Shopee có nêu rõ giai đoạn Retention & Referral đóng vai trò quyết định lợi nhuận kinh doanh của mọi sàn thương mại điện tử. Điều đó đồng nghĩa với việc khi Shopee nỗ lực thu hút khách hàng và thúc đẩy họ thực hiện mua hàng lần đầu tiên vẫn chưa thể bù đắp chi phí marketing. Lợi nhuận chỉ đến khi khách hàng tiếp tục mua hàng lần 2 3 4,.. Và mọi người thấy đó, đó là cách mà Shopee đã tư duy và chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam - Thái Lan trong gần 1 thập kỷ vừa qua.


Tóm lại, khi các bạn hiểu rõ 5 giai đoạn phát triển của vòng đời ứng dụng, bức tranh tổng thể về khái niệm App Marketing sẽ dần được sáng tỏ hơn và có thể phân nhánh để tiếp cận theo từng giai đoạn một. Hy vọng nội dung mang lại thông tin hữu ích với mọi người, nếu thấy hay và thú vị, mong mọi người theo dõi tiếp tục phần 2 của series này ở bài viết tiếp theo.


Ngô Thái Hoàng Tuấn