Kết thúc một hành trình đầy cảm xúc, Olympic Paris 2024 đã khép lại vào rạng sáng ngày 12/08 (theo giờ Việt Nam). Sau gần ba tuần tranh tài sôi động, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này không chỉ là một lễ hội thể thao mà còn là một sân khấu văn hóa sôi động, thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên khắp thế giới. 


Khác hẳn với hai kỳ Olympic trước đó, Paris 2024 đã tạo ra những cuộc trò chuyện sôi nổi không chỉ về thể thao mà còn về bối cảnh xã hội, xã hội. Sự thành công của Paris 2024 đã đặt ra những câu hỏi thú vị về cách các thương hiệu tiếp cận khán giả trong kỷ nguyên số. Cùng tổng kết những điểm nổi bật có tại Olympic Paris 2024! 


Nhìn lại những con số ấn tượng


Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 16/07/2024, quy tụ hơn 10.500 vận động viên đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ, tranh tài ở 32 môn với tổng cộng 329 nội dung. Đây là kỳ Thế vận hội đầu tiên có sự bình đẳng giới hoàn toàn khi Ủy ban Olympic quốc tế phân bổ 50% số suất tham dự cho vận động viên nữ và 50% cho nam. Số sự kiện thi đấu cũng cân bằng hơn về mặt giới tính với 152 sự kiện dành cho nữ, 157 sự kiện cho nam và 20 sự kiện cho cả nam và nữ.


Đây là một chương trình vô cùng quan trọng đối với NBCUniversal, khi đơn vị đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ lên đến 7,65 tỷ USD để giành được bản quyền phát sóng độc quyền tại Mỹ cho đến năm 2032. Đây là một trong những thỏa thuận bản quyền truyền thông đắt giá nhất trong lịch sử, cho thấy tầm quan trọng của Thế vận hội đối với ngành truyền hình Mỹ.


Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, lễ khai mạc không được tổ chức tại sân vận động mà trên dòng sông mang tính biểu tượng tại Pháp


Cùng với đó, Olympic Paris 2024 còn có mức bán vé xem cao nhất lịch sử với hơn 9,5 triệu trong số 10 triệu vé được phát hành. Trên không gian mạng, hơn 12 tỷ lượt tương tác trên các phương tiện truyền thông của Thế vận hội, gấp đôi so với Olympic Tokyo 2020 và cao nhất trong lịch sử. Hơn 32 triệu người theo dõi mới đã tham gia mạng xã hội Olympic trong thời gian diễn ra đại hội, tăng gấp 3 lần so với mức tăng được ghi nhận trong Thế vận hội gần nhất. 


Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về lượng khán giả truyền hình tại Mỹ. Cụ thể, theo số liệu sơ bộ từ NBCUniversal, có tới 28,6 triệu người đã theo dõi sự kiện này, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ Thế vận hội London 2012


Lễ bế mạc Olympic Paris 2024 vừa qua được tổ chức tại Sân vận động Stade de France


Trở thành ‘đấu trường thương hiệu’ từ thời trang đến công nghệ


Bộ trưởng Du lịch Pháp cho biết nền kinh tế nước này đang trên đà tăng trưởng ít nhất 0,35% trong quý III/2024 nhờ sự thúc đẩy từ các hoạt động liên quan đến Olympic. Sự kiện này đã mang đến cú hích lớn cho nền kinh tế nước chủ nhà Pháp, đồng thời tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các thương hiệu trong nhiều lĩnh vực như thời trang, mỹ phẩm, công nghệ. Các thương hiệu đã tích cực tận dụng Olympic nhằm quảng bá sản phẩm và xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài. 


Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 trở thành một sân khấu thời trang nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của LVMH. Với số tiền 150 triệu euro, tập đoàn này đã trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho sự kiện. Các ngôi sao hàng đầu như Lady Gaga, Celine Dion đã tỏa sáng trong những thiết kế cao cấp của Dior, trong khi Guillaume Diop lại khiến khán giả trầm trồ với màn trình diễn ấn tượng trong trang phục Louis Vuitton. Thậm chí, quá trình sản xuất chiếc rương đựng huy chương tại xưởng may của Louis Vuitton cũng được đưa lên màn ảnh, khéo léo quảng bá hình ảnh của thương hiệu.


Louis Vuitton đã thiết kế mẫu rương chuyên dụng để ra mắt và gìn giữ hai biểu tượng của kỳ Thế vận hội - ngọn đuốc và huy chương 


Ca sĩ người Pháp Juliette Armanet mặc một bộ đồ da màu đen do Dior hợp tác với nhà thiết kế người Pháp Clara Daguin


Các thương hiệu khác của LVMH cũng đóng góp tích cực cho sự kiện này. Chaumet tham gia quá trình tạo nên những chiếc huy chương danh giá, Berluti đã thiết kế và sản xuất hơn 1.400 bộ trang phục cho đoàn thể thao Pháp. Với hơn 320.000 khán giả trực tiếp và ước tính 2-3 tỷ lượt xem trên toàn cầu, lễ khai mạc đã trở thành một chiến dịch truyền thông thành công vang dội cho hai thương hiệu lớn nhất của LVMH.


Chiếc huy chương được thiết kế bởi Chaumet


Bên cạnh đó, các vận động viên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là một tầng lớp người nổi tiếng mới đang được các thương hiệu thời trang và làm đẹp “săn lùng”, trong đó có Maogeping. Thương hiệu mỹ phẩm nội địa này đã trở thành đối tác chính thức, đảm bảo cho hơn 400 vận động viên Trung Quốc luôn xuất hiện với hình ảnh đẹp nhất. Sự hợp tác này đã tạo ra một cơn sốt trên mạng xã hội với hashtag #TheGloryofChinainParis, thu hút hàng triệu lượt tương tác trên các nền tảng như Weibo, Xiaohongshu Douyin, góp phần quảng bá hình ảnh của cả vận động viên và thương hiệu.


Samsung cũng có sự hiện diện vô cùng ấn tượng tại Thế vận hội Paris 2024. Không chỉ cung cấp hơn 200 chiếc Galaxy S24 Ultra để phát sóng trực tiếp các sự kiện trọng đại như Cuộc diễu hành của các vận động viên và cuộc thi đua thuyền, thương hiệu còn mang đến một trải nghiệm tương tác thú vị cho khán giả khi mang đến cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Champ-Elysees 125 Square Marigny. Người hâm mộ có thể khám phá những công nghệ mới nhất và trải nghiệm những tính năng độc đáo của Galaxy AI.


Không gian trải nghiệm Samsung được đặt tại nơi tổ chức Olympic Paris 2024 - Square Marigny


Nhà phân tích Vesper Wang của Kantar - chuyên gia toàn cầu về nghiên cứu thị trường giải thích: “Những điều này tuy chưa chắc mang lại doanh thu bán hàng ngay lập tức, nhưng lại có giá trị truyền thống lâu dài, bao gồm cả việc nâng cao giá trị thương hiệu và củng cố vị thế trên thị trường”. Mặc dù đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu đáng kể, nhưng lợi ích thu được từ lòng trung thành của khách hàng, khả năng mở rộng thị trường và hiệu quả tài chính là vô cùng hấp dẫn.


Trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện ở mọi ngóc ngách 


Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có một tầm nhìn rõ ràng về vai trò của AI trong tương lai của thể thao. Theo đó, IOC đã triển khai Chương trình nghị sự AI Olympic, một chiến lược toàn diện nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của AI để hỗ trợ các vận động viên. Bên cạnh đó, IOC cũng nhấn mạnh rằng, AI chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không thể thay thế hoàn toàn khả năng của con người.


Alibaba Cloud đã hợp tác với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nhằm cung cấp giải pháp AI lưu trữ truyền thông. Các thuật toán AI độc quyền của Alibaba Cloud đã hợp lý hóa việc lập chỉ mục và phân loại các bộ sưu tập hình ảnh và nghe nhìn Olympic hàng thập kỷ, giúp Kho lưu trữ Olympic dễ tìm kiếm hơn. Qua đó, nâng cao khả năng khám phá nội dung, đồng thời tối ưu hóa quy trình quản lý tài sản truyền thông.


Ngoài ra, bằng cách tự động phân loại và tổng hợp những khoảnh khắc đáng nhớ trong các trận đấu, AI cũng giúp các chuyên gia truyền thông tạo ra những thước phim ngắn hấp dẫn, từ đó làm phong phú thêm trải nghiệm xem Olympic cho khán giả toàn cầu. Khả năng tìm kiếm nâng cao của giải pháp này còn giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm những khoảnh khắc yêu thích của mình trong lịch sử Olympic.


Alibaba Cloud tại Thế Vận hội Paris 2024 


Hai đối tác Intel Samsung Electronics của Thế Vận hội cũng đang giúp thúc đẩy quá trình nhận dạng các tài năng thể thao thông qua các ứng dụng công nghệ và dự án AI khác nhau của họ. Cả hai đã cùng nhau triển khai một hệ thống nhận dạng tài năng sử dụng AI mà người tham dự có thể kiểm tra tại sân Stade de France.


Với điện thoại thông minh và máy tính bảng, kết hợp cùng công nghệ thị giác máy tính tiên tiến của Samsung và trí tuệ nhân tạo đám mây của Intel, người tham gia có thể trải nghiệm các bài tập thể thao đa dạng và nhận được những phân tích chi tiết về khả năng của bản thân. Dựa trên dữ liệu thu thập được, hệ thống sẽ đưa ra gợi ý về môn thể thao Olympic phù hợp nhất. Mô hình này đã được thử nghiệm thành công tại Senegal, nơi các tài năng trẻ đã được phát hiện và có cơ hội tham gia vào chương trình đào tạo Olympic trẻ vào năm 2026. 


Các vận động viên Olympic tại không gian trải nghiệm của Samsung (Pháp) 


Trong nỗ lực hướng tới một Thế vận hội bình đẳng giới, các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bạo lực trực tuyến đối với các vận động viên nữ trong thể thao. 


Sarah Walker, một vận động viên từng đoạt huy chương và hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban vận động viên IOC chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân của mình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các vận động viên nữ khỏi những tác động tiêu cực của mạng xã hội: "Các vận động viên nổi tiếng sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội nếu một ngày nào đó thành tích của họ không đáp ứng được kỳ vọng". Để đạt được mục tiêu này, công nghệ AI sẽ được tận dụng để phát hiện và ngăn chặn các bình luận thù địch, tạo ra một môi trường an toàn hơn cho các vận động viên nữ. 


Mặt khác, nhằm đảm bảo an toàn cho các vận động viên và quan chức trong suốt thời gian diễn ra Olympic, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thành lập một đơn vị chuyên trách hợp tác cùng một nhà cung cấp công nghệ hàng đầu. Đơn vị này đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi hàng triệu dữ liệu trực tuyến nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi lạm dụng, quấy rối nhằm vào các vận động viên. Nhờ đó, một môi trường kỹ thuật số an toàn sẽ được tạo ra, giúp các vận động viên tập trung hoàn toàn vào thi đấu.


Intel đã triển khai công nghệ AI để giúp tìm kiếm các vận động viên Olympic tiềm năng


Một bước tiến khác của AI trong lĩnh vực thể thao và truyền thông đã được NBC thực hiện vào tháng 6/2024. Đài truyền hình này đã tạo ra một bản sao AI của bình luận viên thể thao huyền thoại Al Michaels. Dựa trên 5.000 giờ tường thuật trực tiếp, AI có thể tự động tạo ra hàng triệu bản tóm tắt khác nhau, giúp các đài truyền hình tiết kiệm thời gian và tập trung vào những công việc sáng tạo hơn. Bản sao AI này được đào tạo thông qua giọng nói và phong cách đặc trưng của Al Michaels đã từng xuất hiện trước đây của ông trên NBC.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.