Trong bài viết này, hãy cùng Ori điểm qua 21 xu hướng Digital Marketing năm 2023 mà những nhà tiếp thị không thể bỏ qua. 


Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.


11. Tìm kiếm bằng giọng nói (Voice search)


Theo Statista, những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói, “ra lệnh” bằng giọng nói và các dịch vụ liên quan tới giọng nói khác thông qua điện thoại thông minh. Xu hướng này đã tăng hơn 2 lần trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022.


Vì thế, nếu chưa có chiến lược nội dung cho tìm kiếm bằng giọng nói, bạn có thể đang bỏ lỡ một nguồn lưu lượng truy cập và cơ hội để gia tăng độ tin cậy cho thương hiệu (Brand Authority).


Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi Google đã tỏ rõ sự quan tâm tới xu hướng này bằng cách cho ra mắt bản cập nhật thuật toán BERP. Giờ đây các công cụ tìm kiếm sẽ có khả năng phân tích các truy vấn theo ngôn ngữ tự nhiên, giúp tăng khả năng tìm kiếm chính xác của các truy vấn bằng giọng nói.


Semantic Search Ramp Up with Google Voice Search App for Chrome


Chính vì thế, giờ là lúc bạn nên chuẩn bị dần việc tối ưu nội dung của mình cho tìm kiếm bằng giọng nói. Có 3 cách đơn giản để bạn có thể bắt đầu, bao gồm:


  • Tối ưu bài viết cho các từ khóa dài (Long-tail keywords), ví dụ như thay vì tối ưu từ khóa nhạc vàng thì giờ đây video của bạn nên sử dụng keywords như Nhạc vàng trữ tình tuấn ngọc chẳng hạn.
  • Tối ưu bài viết dựa trên câu hỏi thường gặp của khách hàng. Ví dụ như “Có nên mua MacBook M1 vào năm 2023?”
  • Tối ưu vị trí của website: Google sẽ dựa vào vị trí của người dùng để tìm kiếm các câu trả lời phù hợp nhất. Vì thế bạn nên tối ưu thông tin của Website, Fanpage và các trang mạng xã hội khác, bao gồm địa điểm, giờ mở - đóng cửa,…  


12. Thông báo đẩy (Push notifications)


50+ Push Notifications Templates and Examples - SmartPush


Thông báo đẩy là cảnh báo trực tiếp, theo thời gian thực mà người dùng nhận được trên điện thoại hoặc thiết bị di động khác của họ. Chúng nhanh chóng trở thành một trong những cách hiệu quả nhất để thu hút sự chú ý của khán giả. Thông báo đẩy có thể thúc đẩy tỷ lệ mở, chuyển đổi và mức độ tương tác của khán giả.


Thách thức lớn nhất khi áp dụng chiến lược này có lẽ là làm sao để nhận được quyền cho phép thông báo từ người dùng. Vì thú thực, những thông báo này khá là phiền phức trong nhiều trường hợp. Do đó, để giảm thiểu điều này, các ưu đãi giảm giá hoặc flash sale được tung ra bất ngờ luôn là một cách tốt để thu hút sự chú ý và nhận được quyền cho phép thông báo của người dùng. 


Tuy nhiên hãy xác định thật kỹ nhu cầu của khách hàng trước khi triển khai hình thức tiếp thị này. Ví dụ như việc gửi thông báo về những món đồ chơi thú cưng đang giảm giá cho những người chưa bao giờ nuôi pet sẽ chỉ khiến bạn bị họ liệt vào danh sách spam.


13. Thương mại di động (Mobile commerce/m-commerce)


What is M Commerce : Mobile Commerce Types & Benefits - Route Mobile


Trước đây, các nhà tiếp thị đã sử dụng quảng cáo trên thiết bị di động để thúc đẩy khách hàng tiềm năng chuyển sang mua hàng trên máy tính để bàn hoặc mua hàng trực tiếp. Tuy nhiên với sự xuất hiện của Apple Pay, Google Pay và các ví kỹ thuật số khác đã giúp việc thanh toán trên điện thoại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen và có xu hướng sử dụng thương mại di động nhiều hơn các hình thức mua hàng khác, đặc biệt là nếu có sẵn các tùy chọn thanh toán dễ dàng. Theo Statista, thương mại bán lẻ trên di động được kỳ vọng sẽ vượt quá 710 tỷ USD vào năm 2025 tại riêng Hoa Kỳ.


Để thúc đẩy thương mại di động trên các nền tảng bán hàng của doanh nghiệp, việc đầu tiên bạn nên làm là đảm bảo website của mình thân thiện với các thiết bị di động. Bạn hoàn toàn có thể đo lường chỉ số này miễn phí với Google. Sau đó, hãy kiểm tra tới các phương thức thanh toán trên website của mình nhằm đảo bảo tính trực quan và chắc chắn người dùng có thể thực hiện giao dịch dễ dàng. Việc thực hiện tốt 2 yếu tố kể trên không chỉ thúc đẩy chuyển đổi trên kênh mà còn nhận được đánh giá tốt từ phía Google. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc chạy đua thứ hạng SEO.


14. Dịch vụ khách hàng đặc biệt (Exceptional customer service)


Dịch vụ khách hàng giống như những chiếc bánh răng, đảm bảo cỗ máy mang tên “hành trình khách hàng “vận hành một cách trơn tru. Đó là lý do vì sao “tốc độ” phản hồi là chưa đủ, bạn cần khiến khách hàng thực sự hài lòng. 


How To Deliver Excellent Customer Service

Đây là lý do vì sao việc tìm các cách bổ sung để phát triển trải nghiệm liền mạch và giúp người dùng của bạn mua sắm dễ dàng hơn sẽ là một trong những lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số năng động nhất trong những năm tới. 


Dịch vụ chăm sóc khách hàng “đặc biệt” thường được chia làm 4 phần:


  • Trước khi người tiêu dùng quyết định thanh toán: thì dịch vụ chăm sóc khách hàng “đặc biệt” có thể sẽ giống như là một live chat, nơi bạn đưa ra những lời tư vấn dựa trên nhu cầu cá nhân nhằm giải đáp mọi thắc mắc cũng như đảm bảo việc vấn đề của người dùng có thể được giải quyết với sản phẩm / dịch vụ của bạn.
  • Khi gần đưa ra quyết định thanh toán: cung cấp các trải nghiệm thực tế như dùng thử hay các thông số kỹ thuật đặc biệt.
  • Sau khi mua hàng: cung cấp các dịch vụ hỗ trợ 24/7 khi gặp sự cố hoặc miễn phí bảo hành, nâng cấp định kỳ.


Việc đưa ra một dịch vụ đặc biệt hoặc “khác biệt” từ sớm sẽ giúp loại bỏ nghi ngờ và thúc đẩy khách hàng tiềm năng hoàn tất giao dịch mua, cũng như giúp người dùng đã mua hàng tin tưởng và giới thiệu thương hiệu với những người thân có nhu cầu giống họ, qua đó tối đa hóa giá trị của họ đối với thương hiệu của bạn.


15. Phân tích dự đoán (Predictive analytics)


Phân tích dự đoán là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tiến hành phân tích các số liệu thống kê và mô hình để xác định hiệu suất trong tương lai dựa trên dữ liệu hiện tại và quá khứ. 


Thông qua phân tích dự đoán, doanh nghiệp có thể dự đoán các xu hướng tiếp thị trong tương lai, qua đó tối ưu nguồn lực và đi trước một bước so với đối thủ. Khả năng tuyệt vời này khiến việc phân tích dự đoán ngày càng trở nên quan trọng hơn mỗi năm, không chỉ riêng với ngành truyền thông tiếp thị mà cả những ngành khác nữa.


Theo Gartner, 75% doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng AI cho nhu cầu hoạt động của họ vào cuối năm 2024. Đồng thời số lượng các công cụ và ứng dụng phân tích dự đoán — chẳng hạn như tính năng chấm điểm khách hàng tiềm năng, phân khúc khách hàng và tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa — cũng sẽ tăng trưởng trong những năm tới.


16. Tiếp thị đa kênh (Omnichannel marketing)


Omnichannel Marketing: Che cos'è e come funziona - Visibilità


Truyền thông là câu chuyện của việc xuất hiện trong tầm mắt khách hàng mục tiêu càng nhiều càng tốt, vì vậy “nơi nào có khách hàng, nơi đó có chúng tôi” chính là tôn chỉ mà tiếp thị đa kênh hướng đến. Thông qua việc cung cấp những trải nghiệm đa nền tảng, khách hàng sẽ dần quen thuộc với sự xuất hiện của thương hiệu và dần bước vào phễu hành trình khách hàng nếu phát sinh điểm chạm phù hợp.


Với sự phát triển ngày một hiện đại của các phần mềm SaaS (viết tắt của Software-as-a-Service/mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm) thì thay vì phải tìm hết bộ phận này tới phòng ban khác để có được dữ liệu trên các kênh khác nhau, nhân sự của công ty có thể dễ dàng tìm thấy thông tin mình cần trên phần mềm. 


Ví dụ bộ phận bán hàng có thể xem những website mà người dùng đã xem, bộ phận hỗ trợ khách hàng có thể xem các giao dịch mua tại cửa hàng và phòng marketing có thể chọn chiến dịch email cho các cá nhân dựa trên tương tác của họ trên các nền tảng mạng xã hội… Việc này cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm liền mạch, giống như một cuộc trò chuyện cá nhân với thương hiệu. Từ đó giúp doanh nghiệp “chạm đúng chỗ ngứa”, tối ưu trải nghiệm khách hàng tốt hơn, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi dễ dàng hơn.


17. Quyền riêng tư & bảo mật


Khi tiếp thị phụ thuộc nhiều hơn vào dữ liệu khách hàng, khách hàng cũng ngày càng quan tâm đến cách bạn thu thập và sử dụng thông tin của họ. 


Người tiêu dùng thậm chí còn cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn bởi khả năng vi phạm dữ liệu của bên thứ ba, điều này có thể ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp nhỏ và lớn. Bạn có thể cho rằng điều đó sẽ không xảy ra với doanh nghiệp của mình đâu, nhưng theo một báo cáo của Statista thì hàng quý có hàng triệu hồ sơ bị lộ do vi phạm dữ liệu.


Một nghiên cứu do John Cabot thực hiện cho thấy 46% người dùng cho biết họ sẽ không nhập bất kỳ thông tin cá nhân nào—kể cả tên của họ—trên một trang web không an toàn. Và 64% trong số những người dùng đó cho biết họ sẽ rời khỏi trang web ngay lập tức.


Vi phạm bảo mật là một trong những sự kiện tốn kém nhất mà một tổ chức có thể gặp phải. Có thể mất nhiều năm để phục hồi sau thiệt hại về danh tiếng liên quan đến dữ liệu người dùng bị xâm phạm — chưa kể đến chi phí trực tiếp của chính hành vi vi phạm.


Chính vì vậy, việc làm thế nào để minh bạch trong cách bạn sử dụng dữ liệu của người dùng, đồng thời nâng cấp tính bảo mật của trang web sẽ là một trong những chủ đề nóng nhất trong ngành tiếp thị kỹ thuật số trong 5 năm tới, thậm chí có thể xa hơn nữa.


18. Tính bền vững & trách nhiệm xã hội


Corporate Social Responsibility | SWARCO


Tính bền vững là mối quan tâm chính của các công ty trong nhiều năm và tầm quan trọng của nó ngày càng tăng. Theo IBM, hơn 50% người tiêu dùng toàn cầu cảm thấy lo ngại hơn về tính bền vững của môi trường vào năm 2022 so với cảm nhận của chính họ về cùng một chủ đề khi được hỏi vào năm 2021.


Trong lịch sử, nhiều công ty đã tập trung vào kinh doanh và hạn chế tối đa việc tuyên bố công khai về các vấn đề liên quan tới môi trường hoặc tham gia vào các vấn đề gây tranh cãi về cùng chủ đề. Nhưng khán giả hiện đại thích các doanh nghiệp chứng minh sản phẩm/dịch vụ của mình là bền vững và thể hiện nó trước công chúng.


Một nghiên cứu về tính bền vững toàn cầu gần đây đã phát hiện ra rằng “tính bền vững được 60% người tiêu dùng đánh giá là tiêu chí mua hàng quan trọng”. Trong khi đó Statista báo cáo rằng 45% người tiêu dùng quan tâm đến việc tìm kiếm các thương hiệu bền vững hoặc có trách nhiệm với môi trường.


Chính vì thế, mọi doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi từ việc chia sẻ về cách thương hiệu hành động vì môi trường. Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn chưa xem xét tới việc thêm tính bền vững hoặc trách nhiệm xã hội vào truyền thông thương hiệu thì có lẽ đây đã là thời điểm nên bắt đầu.


19. Influencer Marketing


Tiếp thị với người có ảnh hưởng (Influencer marketing) là một phương án hiệu quả nhằm tiếp cận với những tệp khách hàng mà doanh nghiệp xem là mục tiêu. Đặc biệt hơn, những khách hàng đến từ nguồn này còn có xu hướng gắn bó và tin tưởng với thương hiệu hơn nhờ sức ảnh hưởng tới từ Influencers, điều này mang lại lợi ích rất lớn cho thương hiệu so với các hình thức tiếp thị truyền thống.


Hãy tập trung vào việc tìm kiếm người có ảnh hưởng phù hợp cho thương hiệu của bạn và tạo mối quan hệ lâu dài, chân thực với họ. Tiếp thị với người có ảnh hưởng không đơn giản chỉ là một mẩu quảng cáo; đó là câu chuyện về hợp tác lâu dài. 


Vì thế hãy dành thời gian nghiên cứu và lựa chọn người có ảnh hưởng hoặc những người có ảnh hưởng phù hợp để hợp tác. 


20. Hệ thống IoT, AR, blockchain & các công nghệ mới


Không có danh sách xu hướng tiếp thị nào là chính xác nếu như thiếu đi sức ảnh hưởng của các công nghệ mới nổi (Emerging Technologies). Mặc dù tác động của Internet vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo (AR) và chuỗi khối (blockchain) vẫn rất khó để dự đoán, nhưng cả ba công nghệ này đang thay đổi cách các thương hiệu tiếp cận tiếp thị kỹ thuật số.


Ví dụ: Internet of Things là công nghệ cho phép chúng ta kết nối vào một dạng đồ vật mà không cần tác động vật lý, chẳng hạn như bật tắt hệ thống ánh sáng, đóng mở cửa, bật mở tivi…thông qua điện thoại thông minh. IoT đã được đưa vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta theo những cách mà chỉ vài năm trước đây dường như là không thể.


Theo Statista, số lượng người dùng có thể kết nối với các thiết bị IoT và đồ vật thông minh dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2030. Sự tăng trưởng này mang đến những cơ hội duy nhất cho các nhà tiếp thị kỹ thuật số để quảng cáo một cách tự nhiên trong suốt cuộc sống hàng ngày của khách hàng.


Trong khi đó, công nghệ thực tế ảo cũng đã được tích hợp để tạo nên những chiến dịch tiếp thị đầy sáng tạo và độc đáo. Tiêu biểu như ứng dụng IKEA sử dụng công nghệ AR để hiển thị các đối tượng ảo trong không gian thực. Các thương hiệu mỹ phẩm, quần áo và các ngành khác cũng đang tìm cách triển khai AR vào các trang web và ứng dụng của họ. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng AR có thể tạo ra sự gia tăng đáng kể cho trải nghiệm của khách hàng, tạo ra khả năng tương tác độc đáo mà không một công cụ nào trước đây có thể tạo ra.


21. Minh bạch & xác thực


Khách hàng ngày nay có quyền truy cập với nhiều thông tin hơn và nhiều thương hiệu hơn, điều này giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết, đồng thời điều đó cũng khiến một thương hiệu khó giành được sự chú ý và tin tưởng của người tiêu dùng hơn bao giờ hết.


Hãy cởi mở, trung thực và nhất quán trong các cách bạn triển khai các hoạt động tiếp thị kỹ thuật số của mình để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cần cam kết về tính minh bạch của các sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp, các giá trị và sứ mệnh của công ty bạn cũng như mọi sáng kiến xã hội hoặc môi trường mà thương hiệu ủng hộ. Bằng cách đó, bạn có thể xây dựng niềm tin với khán giả, tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh và thiết lập cơ sở khách hàng trung thành.


Một cách khác để tăng tính minh bạch là chia sẻ nội dung do người dùng tạo ra nhằm mang tới những trải nghiệm thực tế của chính khách hàng tới với những người dùng đang tìm hiểu về sản phẩm/thương hiệu. Điều này giúp tạo ra cảm giác chân thực và tự nhiên hơn, giống như họ sắp gia nhập một cộng đồng vậy. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để chia sẻ cảnh hậu trường và cung cấp cho khách hàng cái nhìn thoáng qua về văn hóa và giá trị mà công ty đang theo đuổi.


What is User-Generated Content? Guide to UGC Meaning [2023]


Trong làn sóng thay đổi mạnh mẽ của các công nghệ mới cũng như sở thích của người tiêu dùng thì việc nắm được những xu hướng mới nhất là một cách tốt để chúng ta chuẩn bị cho tương lai. Do đó, 21 xu hướng trên đây dù vẫn còn “nóng hổi” tính tới thời điểm này của năm 2023 nhưng chưa gì có thể dự báo trước về một vụ big bang có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì thế hãy luôn theo dõi Ori Agency để liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về Marketing nhé! 


Nguồn: Ori Marketing Agency