Dòng tweet của Julian Rad đã khiến nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này nổ ra trên mạng xã hội. Bên cạnh ý kiến của các nhân sự Creative khi vai trò sáng tạo của mình bị xem nhẹ, các nhân sự ở bộ phận khác cũng cho rằng việc phải cùng tham gia brainstorm với bộ phận Creative - vốn không phải là chuyên môn công việc của mình đã ảnh hưởng đến thời gian làm việc của họ.
Bình luận của các nhân sự Creative
Vậy bản thân nhân sự Creative và các phòng ban khác đánh giá như thế nào về việc cùng nhau tham gia brainstorm? Cùng tìm hiểu các chia sẻ từ các nhân sự đang làm việc tại Mix Digital Agency, Edelman, Happiness Saigon, Red Communications và Newsmedia Communications!
Khi “ý tưởng này là của chúng mình” khiến quá trình sáng tạo thêm phần… mệt mỏi
Trong nhiều trường hợp, việc tập trung toàn bộ phòng ban vào buổi họp brainstorm có thể mang đến những ý tưởng đa dạng và đột phá hơn. Tuy nhiên, công việc có thể rơi vào khó khăn nếu có trên 10 người cùng thảo luận về các ý tưởng sáng tạo. Theo ông Julian Rad, số lượng nhân sự lý tưởng để cùng brainstorm chỉ nên dao động từ ba đến bốn người: một vài người từ bộ phận Creative và có thể là 1 -2 người từ đội ngũ hoạch định chiến lược (Strategy). Việc có quá nhiều bàn luận về ý tưởng khiến công việc sáng tạo trở nên rối bời và mệt mỏi.
Vào thập niên 70, chuyên gia tâm lý Irving L. Janis đã đưa ra thuật ngữ “groupthink” - tư duy tập thể. Theo ông, tư duy tập thể là hiện tượng tâm lý xảy ra khi các thành viên trong nhóm cố gắng thống nhất, đạt được sự đồng thuận trong ý kiến.
Khi tham gia vào một cuộc tranh luận đông người, các thành viên thường tự cắt giảm hoặc không đề xuất những ý kiến cá nhân, cảm thấy áp lực nhưng vẫn đồng ý với ý kiến chung của nhóm vì không muốn xảy ra xung đột hay tranh cãi. Ngoài ra, các thành viên cũng nhận thấy rằng nhóm của họ không muốn xem xét kỹ lưỡng các ý kiến đối lập. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu đa dạng trong ý tưởng và ảnh hưởng đến kết quả làm việc.
Tư duy tập thể khiến các nhân sự cảm thấy áp lực khi tham gia brainstorm
Tương tự, với trường hợp brainstorm tập thể tại môi trường agency, việc có quá nhiều thành viên tham gia có thể khiến buổi họp đến đi theo lối mòn từ tâm lý “groupthink”, khiến cho ý tưởng đưa ra không được tối ưu và gây lãng phí thời gian chất lượng mà các nhân sự dành cho công việc chuyên môn khác. Với vai trò là một Client Executive - vừa làm việc với khách hàng như một Account, vừa đảm nhận việc sáng tạo content, chị Anh Thư - Client Executive tại Edelman cho biết bản thân từng phải tham dự vào nhiều buổi brainstorm mà chị khó có thể đưa ra được một ý tưởng nào đủ giá trị cho dự án. Thay vào đó, chị chỉ có thể ngồi lắng nghe mọi người trao đổi. Điều này đôi khi cũng ảnh hưởng đến thời gian làm những đầu việc thuộc chuyên môn bởi một nhân sự tại agency sẽ phải đảm đương nhiều dự án khác nhau. Do đó, việc tham gia vào những công việc không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến timeline thực thi của những dự án khác mà nhân sự đang phụ trách.
Bên cạnh tư duy “groupthink” khiến các ý tưởng trong buổi họp trở nên thiếu đột phá, cái tôi quá cao của nhân sự cũng có thể khiến một buổi brainstorm trở thành một cuộc cãi vã. Tại công ty chị Anh Thư, khi những nhân sự thuộc bộ phận khác can thiệp quá nhiều vào quá trình làm việc, các Creative sẽ cảm thấy họ không cần thiết nữa. “Những sản phẩm mà Creative làm ra đều là những đứa con tinh thần của họ, việc bị can thiệp sẽ khiến họ nhạy cảm và đề cao cái tôi hơn”, chị nói.
Chị Thanh Thảo - PR Manager tại Newsmedia Communications nói rằng việc cãi vả khi brainstorm là chuyện bình thường tại agency. Tuy nhiên, chị cho biết các nhân sự cũng cần sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến. Nếu ý kiến đó phù hợp, chị và team sẽ ghi chú để triển khai cho dự án. Còn ngược lại, chị sẽ giải thích cho người đóng góp để họ cảm thấy ý tưởng của họ được tôn trọng. Chị Thanh Thảo nhận định: “Bản chất của sáng tạo là không giới hạn, ở đâu mình cũng có thể sáng tạo. Nhưng từ ý tưởng đến thực thi luôn là một quá trình để đảm bảo ý tưởng đó khả thi, tránh rủi ro và được thuyết phục nhất bởi khách hàng/khán giả. Vì thế, dù sáng tạo không có giới hạn nhưng người sáng tạo vẫn cần có chuẩn mực nhất định để đảm bảo mọi thứ đạt hiệu quả trọn vẹn.”
Tuy nhiên, chị Trang Nguyễn - Senior Account Executive tại Happiness Saigon có kinh nghiệm làm việc tại các creative agency cho biết, việc brainstorm cùng nhiều phòng ban thường xuyên diễn ra và không phải lúc nào cũng mang lại kết quả xấu. Chị phân tích rằng đối với những brief chưa có định hướng chiến lược, chưa nghiên cứu insight của tệp khách hàng mục tiêu,… các Account sẽ bắt đầu brainstorm với team Planning/Strategy để đặt nền móng cho brand trước khi bước vào giai đoạn ‘bay’ với Creative. Những brief như thế sẽ cần các buổi brainstorm riêng biệt giữa team Account, Strategy và Media hoặc thậm chí với cả khách hàng để giải quyết các yêu cầu cụ thể trước khi thúc đẩy tiến trình sáng tạo. “Còn với những brief mà khách hàng đã am hiểu thị trường, có sẵn định hướng chiến lược và sáng tạo (brand platform), lúc này nhiệm vụ của Creative sẽ được ưu tiên hơn để tận dụng và phát triển sao cho phù hợp với những chiến dịch trước đó của khách hàng. Những buổi brainstorm này vẫn sẽ bao gồm các phòng ban như Account, Strategy, Media và Creative để đảm bảo dù sáng tạo nhưng vẫn đang đi đúng định hướng của khách hàng”, chị Trang Nguyễn chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Trang Nguyễn bày tỏ việc mọi người đóng góp ý kiến cho ý tưởng sáng tạo trong một buổi brainstorm nên được khuyến khích, tuy nhiên điều này cần nằm trong phạm vi chuyên môn và vai trò của mỗi người. Đơn cử như một Account sẽ không thể có ý tưởng sáng tạo như người làm Creative. Thế nhưng đứng trên phương diện là người hiểu yêu cầu của khách hàng nhất, Account có thể đưa ra các đóng góp về cách thực thi ý tưởng đó hợp lý nhất có thể.
Ai cũng tham gia brainstorm, bộ phận Creative có “mất giá”?
Khi ai ai cũng được quyền đóng góp ý tưởng, phải chăng “vị thế” của nhân sự Creative tại công ty sẽ bị xem nhẹ và năng lực bị đánh giá thấp? Chị Anh Vy - Account Coordinator tại Red Communications cho rằng không nhất thiết phải là nhân sự của phòng ban Creative hay làm việc trong một ngành nghề liên quan đến sáng tạo thì mới có khả năng mang đến những ý tưởng hay: “Sáng tạo không nhất thiết phải là những đề xuất ‘đao to búa lớn’ mà nó có thể xuất phát từ những điều rất bình thường trong cuộc sống. Đó là quá trình được kết tinh từ góc nhìn, tư duy, nhận định và tác động của mọi thứ xung quanh để đưa ra đề xuất phù hợp với yêu cầu nhất định, giải quyết được vấn đề đặt ra.
Tuy nhiên, để sáng tạo có hiệu quả, ý tưởng được thực thi và ý tưởng mang lại lợi ích cho khách hàng, bản thân người sáng tạo phải thoát khỏi những suy nghĩ theo lối mòn, dám đặt ngược vấn đề, cởi mở và không ngừng thay đổi. Với mức độ cạnh tranh cao của ngành Truyền thông hiện nay, một ý tưởng thú vị, mới lạ là chưa đủ. Ý tưởng phải đảm bảo về khả năng thực thi và tính thực tế, được đánh giá bằng lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được khi đồng ý kick-off. Vì thế, sáng tạo thôi là chưa đủ. Một ý tưởng tốt cần phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, có sự logic, tối ưu ngân sách và được chuẩn bị bài bản”, chị nói.
Với lý do trên, chị Anh Vy cho rằng việc brainstorm là bài toán chung mà toàn bộ nhân sự như Planner, Account và Media cũng cần tham gia để giúp sức. Từ kinh nghiệm chuyên môn của mỗi phòng ban, ý tưởng cuối cùng được thống nhất và tiến hành một cách hiệu quả nhất.
Đồng ý với ý kiến trên, chị Trang Nguyễn nhận định: “Đúng là ai cũng có thể trở thành 1 Content Creator trên mạng xã hội. Thế nhưng mình thấy việc sáng tạo những nội dung cá nhân theo sở thích sẽ rất khác với sáng tạo nghiêm túc để giải những bài toán từ nhãn hàng. Lúc này, sáng tạo sẽ cần chuyên môn cao, trong khuôn khổ và bị ràng buộc từ nhiều phía.”
Dù có nhiều phòng ban tham gia brainstorm nhưng Creative vẫn sẽ có chỗ đứng riêng của họ ở mảng Sáng tạo. Khi có quá nhiều ý tưởng, Creative sẽ có cơ hội thể hiện khả năng chuyên môn của bản thân. Họ sẽ phải tổng hợp ý kiến, dung hòa hoặc bổ sung, điều chỉnh sao cho có thể đưa ra một ý tưởng tốt nhất. Nói cách khác, Creative là những người có vị thế cao nhất để quyết định ý tưởng đó được thực hiện hay không. Với sự phát triển không ngừng của các nền tảng xã hội và công nghệ đã tạo điều kiện cho mọi người tìm hiểu và khám phá những thông tin, xu hướng thịnh hành. Thế nhưng chị Linh Đồng cho rằng, ai cũng có thể tiếp cận được với nhiều luồng thông tin khác nhau, vì thế mỗi người đều có sẵn sự sáng tạo và mới mẻ trong mình. Tuy nhiên, những người có chuyên môn như team Creative sẽ biết cách đào sâu những ý tưởng sáng tạo hơn. “Một khi nhân sự Creative hiểu được vai trò, nhiệm vụ của mình, họ sẽ dẫn dắt các ý tưởng về đúng hướng”, chị Linh Đồng kết luận.
Những người có chuyên môn như team Creative sẽ biết cách đào sâu những ý tưởng sáng tạo
Có thể thấy, tiếp cận và hiểu biết thông tin là một chuyện, thế nhưng chắt lọc kiến thức vào công việc chuyên môn lại là một vấn đề khác. Lúc này, hầu hết các nhân sự đến từ các bộ phận khác trong agency đều đồng ý rằng Creative chính là những nhân sự có góc nhìn chuyên sâu và kinh nghiệm hơn trong việc biến thông tin thành những ý tưởng giá trị trong công việc.
Làm thế nào để quá trình brainstorm trở nên thoải mái và dễ chịu cho tất cả mọi người?
Tại môi trường agency, brainstorm là công việc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là khi các nhân sự phải đảm nhận nhiều dự án cùng một lúc. Tuy nhiên, nếu muốn kêu gọi nhiều phòng ban tham gia vào quá trình này, công ty và bản thân nhân sự cần chú ý một số yếu tố để công việc được thoải mái. Với trải nghiệm của bản thân, chị Linh Đồng cho rằng mỗi cá nhân cần nắm rõ được vai trò và vị trí của mình trước khi bắt đầu tham gia bất cứ buổi họp “bão não” nào. Đặc biệt là team Creative, các nhân sự vừa phải nhận thức được vị trí và định hướng cho ý tưởng của mình, vừa phải làm đầu tàu, nhận các đóng góp từ team, để chọn lọc và lấy ra những gì sáng giá nhất. “Hiệu quả của buổi brainstorm có đem lại kết quả hay không, quan trọng nhất là cả team phải có cách làm việc và phối hợp ăn ý với nhau, hiểu được lối suy nghĩ, góc nhìn của nhau”, chị nói.
Đồng ý với điều này, chị Anh Thư cho rằng, khi muốn tập hợp các phòng ban cùng nhau brainstorm, người host cuộc họp đó phải hình dung được vai trò của từng phòng ban là gì, họ sẽ đóng góp vào buổi họp đó ra sao. “Đơn cử như với một buổi debrief (giải đề bài từ khách hàng), Account sẽ là người chịu trách nhiệm là giải thích những mong muốn của phía khách hàng. Sau đó, Planner sẽ là người đóng vai trò phân tích những chiến dịch trước đó và kết hợp những mong muốn mới của khách hàng, từ đó đưa ra một cái hướng đi nào đó cho dự án. Nhìn chung, người lãnh đạo phải biết vai trò của từng bộ phận tham gia vào buổi brainstorm”, chị nói.
Còn với chị Thanh Thảo, chị chia sẻ: “Mình nghĩ thứ nhất, công ty và cấp quản lý cần xác định rõ vai trò nhân sự, ai có quyền tham gia và chịu trách nhiệm dự án. Tiếp đó, mỗi người phải hiểu rõ các thông tin liên quan đến dự án và có thời gian research trước dưới góc độ của mình. Cuối cùng, họ sẽ tham gia buổi brainstorm để thể hiện góc độ, tư duy của mình, đồng thời học hỏi, lắng nghe từ người khác để đưa ra kết quả tốt nhất.”
Ngoài ra, chị Vy Nguyễn cho rằng cách giao tiếp giữa các thành mỗi nhân sự trong buổi brainstorm cũng đóng vai trò quan trọng: “Chìa khóa để hạn chế xích mích và cãi vã trong quá trình brainstorm chính là giao tiếp. Nếu phải từ chối một ai đó, hãy suy nghĩ và lựa lời thật kỹ, sau đó đề xuất cho họ một ý tưởng khác hoặc giải thích vì sao ý tưởng của họ chưa phù hợp để tránh mích lòng. Tương tự khi bị một ai đó từ chối, nhân sự hãy nhớ rằng ý tưởng của chính mình chưa chắc là tệ, và họ sẽ có những lý lẽ riêng. Cả team hãy cùng nhau bình tĩnh xem xét để biết được đâu là vấn đề khiến ý tưởng chưa phù hợp.”
Chị Trang Nguyễn bày tỏ, không khí thảo luận sẽ trở nên dễ chịu hơn khi mọi người có thái độ cởi mở với đóng góp của người khác, tránh việc công kích cá nhân, đưa ra quá nhiều ý kiến chủ quan. Thay vào đó, mỗi nhân sự hãy đánh giá dựa trên chuyên môn của bản thân. Đơn cử như với một Account, nhân sự cần hiểu và tôn trọng các ý tưởng mà team Creative đưa ra, tránh việc thêm thắt lung tung gây mất đoàn kết nội bộ. Khi đủ niềm tin với thành quả của đội ngũ Internal, Account “bán” ý tưởng cho khách hàng cũng sẽ dễ dàng và tự tin hơn.
Ngoài ra, chị Thanh Thảo cũng cho rằng các công ty vẫn cần thực hiện theo những gì đã mô tả trong Job Description (JD): “Nếu nhân sự có JD về Kế Toán - công việc liên quan đến con số thì không thể bắt họ tham gia đóng góp ý tưởng bằng con chữ được, chỉ trừ khi bạn ấy muốn đóng góp lời khuyên cho team với tư cách là một khách hàng/khán giả bên ngoài. Còn nếu bị bắt buộc làm thêm việc khác ngoài chuyên môn, mình nghĩ nhân sự nên làm rõ với công ty về JD để đảm bảo quyền lợi phù hợp. Nhân sự có thể thể hiện mong muốn được đóng góp hoặc từ chối vì cảm thấy không có kinh nghiệm hoặc không có thời gian làm việc đúng chuyên môn.”
© Advertising Vietnam - All rights reserved