Nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng cơ hội, nhiều doanh nghiệp bắt đầu áp dụng chiến lược đa dạng hóa. Tuy nhiên, biết lựa chọn và từ chối hướng đi nào đó sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu ngân sách, thời gian và nhân lực.


Vậy làm thế nào để thương hiệu không cần chạy theo trào lưu nhưng vẫn giữ chân và thu hút được khách hàng? Cùng Rubyk tìm hiểu trong bài viết dưới đây.


1. Giữ vững giá trị cốt lõi của thương hiệu

Để mở rộng quy mô, đôi khi việc đưa ra các chương trình giảm giá, mở cửa hàng ở các thị trường mới hoặc bán hàng trên đa kênh có thể mang lại nhiều kết quả hấp dẫn. Đây có thể là một chiến lược sinh lợi trong ngắn hạn nhưng việc mở rộng thương hiệu của bạn theo cách này có thể làm xói mòn giá trị về lâu dài.


Louis Vuitton và câu chuyện không bao giờ giảm giá

Louis Vuitton là một trong số ít thương hiệu không bao giờ giảm giá sản phẩm. Thương hiệu này từng tuyên bố rằng: “Các mặt hàng được quảng cáo giảm giá đều là hàng giả”.


Vậy tại sao những chiếc túi đắt đỏ có giá hàng ngàn đô của Louis Vuitton thà tiêu hủy chứ không bao giờ giảm giá?

Những món đồ xa xỉ của Louis Vuitton được trưng bày trong các cửa hàng sang chảnh. Ảnh: Christian Weidinger 


Trước tiên phải kể đến sự kỳ công từ quá trình làm nên những sản phẩm hàng hiệu của LV. Tất cả túi xách LV đều được làm thủ công bởi những người thợ được đào tạo bài bản, chính xác đến từng từng đường kim mũi chỉ.


Thay vì sử dụng các nhà bán lẻ trung gian, Louis Vuitton trực tiếp thuê địa điểm mở cửa hàng và bán sản phẩm. Điều này giúp việc kiểm soát giá cả của Louis Vuitton tốt hơn, tránh được việc các nhà phân phối khác bán hạ giá sản phẩm.


Đây là một quyết định thông minh của thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton. Họ nhận thấy rằng, làm như vậy không chỉ giữ được giá trị của sản phẩm, mà còn tạo cho những người sở hữu túi xách cảm giác trở nên đẳng cấp, bởi không phải ai cũng có cơ hội sở những chiếc túi đắt đỏ này.


Vì sao Apple không bao giờ SALE OFF?

Tương tự như những nhãn hàng cao cấp khác, các sản phẩm của Apple cũng không bao giờ giảm giá. Họa chăng cũng chỉ là điều chỉnh giá khi dòng sản phẩm mới ra mắt, hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn một sản phẩm nào đó.


Chiến lược của Apple hướng đến việc mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách hàng. Điều này nghe có vẻ giống như một “chiêu trò” kiếm tiền, nhưng trên thực tế, đó là triết lý đã thúc đẩy Apple ngay từ những ngày đầu thành lập. Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, nổi tiếng bị ám ảnh bởi thiết kế và chức năng của các sản phẩm của mình. Ông tin rằng mọi chi tiết đều quan trọng và sẵn sàng chi bất cứ thứ gì cần thiết để mọi việc diễn ra suôn sẻ.


Triết lý này đã được áp dụng vào cách thức kinh doanh của Apple ngày nay. Họ không quan tâm đến việc cắt giảm chi phí để tiết kiệm một vài đô la hay thỏa hiệp để đạt được mức giá thấp hơn. Thay vào đó, họ tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm có thiết kế đẹp, dễ sử dụng và đáng tin cậy.

Mặc dù có giá rất cao và không giảm giá nhưng mỗi lần ra mắt dòng iPhone mới vẫn có hàng ngàn người xếp hàng để mua. Ảnh: Mekongasean


Đây là lý do tại sao iPhone lại đắt đến thế. Khi mua iPhone, bạn không chỉ trả tiền cho phần cứng, mà còn đang trả tiền cho nhiều năm nghiên cứu và phát triển để tạo ra nó. Bạn đang trả tiền cho công nghệ tiên tiến hỗ trợ nó. Khi mua iPhone, bạn không chỉ mua một chiếc điện thoại, mà bạn đang mua toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ. Bạn đang mua thương hiệu Apple.


Apple không cần phải giảm giá để bán sản phẩm của mình, bởi khách hàng của họ đã sẵn sàng trả phí cao hơn để có được trải nghiệm của Apple. Bằng cách tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất có thể, Apple đã tạo ra một lượng khách hàng trung thành không ngừng quay lại năm này qua năm khác.


Chiếc bút bi BIC Cristal không thay đổi thiết kế sau hơn 7 thập kỷ

Công nghệ phát triển nhanh, kéo theo sự thay đổi chóng mặt của thị hướng người dùng, tuy nhiên vẫn có những sản phẩm trường tồn với thời gian. Chẳng hạn như, thiết kế từ năm 1950 của chiếc bút bi BIC Cristal.

Thiết kế bút bi BIC không hề thay đổi sau hơn bảy thập kỷ. Ảnh: Getty


Với thiết kế bền vững theo đúng tôn chỉ: đơn giản và hiệu quả (thân bút sáu mép, được làm hoàn toàn bằng nhựa trong suốt, đầu bút mỏng được làm bằng thép không gỉ), bút bi BIC vẫn đứng vững sau hơn bảy thập kỷ. Từ đó đến giờ, thiết kế BIC Cristal không đổi, có chăng thì là những cải tiến về ngòi bút và thêm những màu mực mới.


Như ba ví dụ phân tích ở trên, việc tiếp tục duy trì và bám sát vào giá trị mà thương hiệu truyền tải vẫn mang lại hiệu quả tốt cả về mặt kinh doanh dù không chạy theo trào lưu giảm giá, khuyến mãi.


2. Thu hẹp trọng tâm để tạo sự khác biệt cho thương hiệu

Nhằm mở rộng tệp khách hàng và mở ra cơ hội mới, nhiều thương hiệu dần cho ra mắt nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, thay vì mở rộng ồ ạt, việc tập trung vào một hoặc một vài sản phẩm chủ đạo và phát triển nó có thể mang lại cho thương hiệu lợi thế cạnh tranh tốt hơn.


Quá nhiều mẫu mã, khiến khách hàng khó phân biệt và lựa chọn. Việc có nhiều lựa chọn thay thế đã làm giảm lòng trung thành của người tiêu dùng với thương hiệu. Nghiên cứu được công bố trên Forbes cho thấy chỉ có 37% Gen Z trung thành với thương hiệu (là những người đã mua sản phẩm từ cùng một thương hiệu ngay từ khi bắt đầu hành trình mua sắm).


Fiat ngừng sản xuất ô tô màu xám "quốc dân"

Theo thống kê của SMMT, khoảng 25,7% số xe đăng ký tại Anh có màu xám, và màu sắc này năm năm liên tiếp đứng đầu trong bảng xếp hạng màu xe được bán nhiều nhất tại Anh.


Olivier Francois, CEO kiêm CMO của Fiat cho biết: “Fiat quyết định ngừng sản xuất những chiếc xe màu xám. Đây là một thách thức và mang tính đột phá với Fiat, nhưng quyết định này của chúng tôi nhằm mục đích củng cố hơn nữa vai trò của Fiat với tư cách là thương hiệu của niềm vui, màu sắc và sự lạc quan."

Fiat tuyên bố ngừng sản xuất xe ô tô màu xám


Bước đi táo bạo của Fita có thể gây phản tác dụng. Tuy nhiên, quyết định loại bỏ những chiếc Fiat màu xám có thể giúp Fiat gây được tiếng vang với những khách hàng đang tìm kiếm một lựa chọn khẳng định chất riêng hơn.


Ế hàng vì… ra quá nhiều mẫu điện thoại

Từng là "ông trùm" thống trị tại Ấn Độ - thị trường điện thoại di động lớn thứ hai thế giới, Xiaomi đang dần suy yếu với doanh số thảm hại ngay tại thị trường trọng điểm này. Một trong những nguyên nhân chính là bởi... Xiaomi ra mắt quá nhiều mẫu mã, khiến khách hàng khó hiểu và "khó chọn".

Xiaomi “ế” hàng ở Ấn Độ vì… ra quá nhiều mẫu điện thoại. Ảnh: Telecom Talk


Trung bình với mỗi khoảng giá, có tới 6-7 mẫu điện thoại, việc này không chỉ khiến các nhà bán lẻ không biết nên tập trung đẩy mạnh sản phẩm nào, mà còn làm cho khách hàng cảm thấy rối rắm với quá nhiều lựa chọn nên đã chuyển sang mua Vivo hoặc Samsung.


Kết quả là, Xiaomi đánh rơi vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh tại Ấn Độ sau 5 năm vào tay Samsung và Vivo.


Hướng đi nào cho thương hiệu?

Những ví dụ ở trên không phải lời kêu gọi cho việc thương hiệu nên “thu mình” lại. Nhưng bằng cách tập trung vào chất lượng sản phẩm, giữ vững giá trị thương hiệu và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, đồng thời biết nên đóng “cánh cửa” nào sẽ giúp thương hiệu tiếp tục tiến về phía trước và duy trì sự phát triển lâu dài.

Nguồn bài viết: Rubyk Agency