UX Localization - Bản địa hoá trải nghiệm người tiêu dùng, là quá trình điều chỉnh giao diện và nội dung trên website/app sao cho phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của một khu vực cụ thể. Mục tiêu của UX Localization là tạo ra trải nghiệm người dùng liền mạch và tự nhiên cho người dùng ở mọi thị trường.


Bản địa hoá trải nghiệm người tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp phải dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, văn hoá và hành vi người tiêu dùng của một quốc gia, một vùng cụ thể. Các doanh nghiệp có thể chọn những hình thức sau để thực hiện quá trình Bản địa hoá: hình ảnh, văn bản, audio, video,... 


Những lợi ích khi các thương hiệu sử dụng UX Localization 


UX Localization là một bước đi thông minh giúp cho các thương hiệu dễ dàng tiếp cận người dùng ở mọi địa phương. Từ đó có thể tăng doanh thu bán hàng thậm chí chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.  


Trang web của một công ty du lịch có trụ sở tại Hà Lan - TravelBird, hoạt động tại 17 quốc gia ở Châu Âu. Ở bước thanh toán đầu tiên, tuỳ thuộc vào tên miền ở mỗi quốc gia mà người dùng truy cập thì giao diện sẽ hiển thị khác nhau. Trang giao diện TravelBird tại Đức, bên trái màn hình thường có những huy hiệu để chứng minh độ tin cậy, bởi vì người Đức thường tin tưởng hơn khi dịch vụ, sản phẩm có sự minh chứng rõ ràng. 


Trang web hiển thị của TravelBird khu vực Hà Lan và Đức


Theo Nimdzi Insights, UX Localization giúp các công ty tăng doanh số bán hàng tại địa phương từ 100-400%, 70% khách hàng có dự định chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm bản địa hóa qua các kênh trực tuyến và bản địa hóa sản phẩm sang 10 ngôn ngữ địa phương khác nhau giúp công ty tiếp cận tới 90% khách hàng trực tuyến trên toàn cầu. 


Netflix là một ví dụ điển hình về sự thành công của việc áp dụng UX Localization tại nhiều thị trường khác nhau, bao gồm Việt Nam. Netflix có giao diện, phụ đề và lồng tiếng Việt cho nhiều chương trình và phim ảnh, giúp thu hút lượng người dùng khổng lồ tại Việt Nam. 



Đặc biệt là những phụ đề của Netflix đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng, trong các bộ phim của mình, Netflix đều cố tình cài cắm những văn hoá Việt Nam khi người dùng bật phụ đề tiếng Việt. 

Người dùng ở địa phương sẽ cảm thấy gần gũi, thoải mái hơn khi sử dụng một sản phẩm mà họ hoàn toàn hiểu được nội dung của nó và từ đó tin tưởng vào những dịch vụ mà thương hiệu mang lại. Bên cạnh đó, khi trải nghiệm của người dùng được bản địa hoá thì họ sẽ có xu hướng giới thiệu cho bạn bè, gia đình. Ngoài ra, các công ty sử dụng UX Localization sẽ có cơ hội tăng mức độ cạnh tranh với các ứng dụng khác và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng. 


Coca-Cola cũng sử dụng hình thức UX Localization khi website của thương hiệu có sẵn 40 ngôn ngữ của đa dạng các quốc gia, đồng thời thiết kế giao diện của thương hiệu sẽ hiển thị những chiến dịch khác nhau theo từng vùng. Cách tiếp cận này phản ánh cam kết của công ty trong việc hiểu và đánh giá cao sự đa dạng văn hóa cũng như cung cấp trải nghiệm phù hợp hơn cho người tiêu dùng toàn cầu.


Giao diện của website Coca-Cola tại Hàn Quốc và Việt Nam


Những thách thức của thương hiệu khi Bản địa hoá trải nghiệm người tiêu dùng 


Doanh nghiệp có thể gặp phải một số thách thức khi thực hiện UX Localization bao gồm những rủi ro về mặt văn hoá, khó khăn trong quá trình dịch thuật và tốn nhiều thời gian để nghiên cứu, đảm bảo thành phẩm của thương hiệu phù hợp với văn hoá địa phương. 


Mozilla Firefox đã thấu hiểu cách người dùng tương tác với thông tin khi trang đích của mỗi quốc gia đều được thiết kế khác nhau. Tại Trung Quốc, trang đích của Mozilla Firefox được thiết kế với nhiều thông tin còn tại Việt Nam, trang web được tinh giảm và ít thông tin hơn. Theo ông Bram Pitoyo - Chiến lược gia của Mozilla Firefox: “Việc gõ tiếng Trung mất nhiều thời gian và việc tìm từ chính xác cũng là một điều không dễ dàng. Tìm kiếm rất khó, vì vậy hãy tối ưu hóa trình duyệt.


Trang đích của Mozilla Firefox tại Việt Nam và Trung Quốc


Ngoài những thách thức kể trên thì việc Bản địa hoá nội dung nhưng vẫn giữ được bản sắc của thương hiệu cũng là một vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, có những câu khi ở tiếng Anh thì rất hay những khi dịch sang tiếng Việt thì khá “kì cục", đòi hỏi nhân sự phải thật khéo léo khi dịch thuật. 



Sự khác biệt giữa dịch thuật và Bản địa hoá


Dịch thuật và bản địa hóa đều là những dịch vụ quan trọng để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, UX Localization sẽ là quá trình gồm nhiều bước và đôi khi tốn nhiều thời gian hơn dịch thuật. 


Dịch thuật là quá trình chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và cần phải đảm bảo tính chính xác của ngữ cảnh và ý nghĩa của văn bản gốc. Bên cạnh đó, người dịch văn bản đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ và phải luôn bám sát ngữ cảnh. 


UX Localization sẽ là quá trình tinh chỉnh những nội dung phù hợp với văn hoá của từng vùng, sao cho người dùng có thể hiểu ngay thông điệp ngay khi vừa đọc và họ cảm thấy gần gũi. Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện UX Localization cần có vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, thị hiếu và thói quen mua sắm của người dùng địa phương.  



UX Localization là một khoản đầu tư thông minh dành cho các doanh nghiệp có mong muốn thành công trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp có thể xem xét các mặt lợi lẫn những thách thức, từ đó thương hiệu có thể thực hiện Bản địa hoá trải nghiệm của người tiêu dùng địa phương một cách hiệu quả. 

Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!