Uy Lê: “Muốn mài idea cho bén, nhân sự cần phải ‘hiểu mình trước khi hiểu người’”

Là “đầu tàu” của Saigon Tếu - nhóm các bạn trẻ Việt với niềm đam mê lan tỏa tiếng cười trong cộng đồng với hình thức Hài độc thoại, Uy Lê dường như không thể hiện bản thân là một người từng có kinh nghiệm trong ngành Quảng cáo. Đối với công chúng, anh dường như quen thuộc với vai trò là một diễn viên hài độc thoại, một người truyền cảm hứng.


Thế nhưng, điều bất ngờ là Uy Lê từng có kinh nghiệm 5 năm trong ngành Quảng cáo, đảm nhận công việc ở cả các đơn vị brand và agency. Anh từng giữ chức vụ Art Director và Brand Manager tại các công ty lớn. Với những trải nghiệm thực tế trong ngành suốt quãng thời gian dài, anh đã quyết định cùng Advertising VietnamOnMic thực hiện series talkshow “Debrief Chính Mình”. Mỗi tập thuộc talkshow sẽ là một chủ đề khác nhau, xoay quanh những tình huống như việc mải mê chạy theo những giải thưởng trong ngành, sức khỏe tâm lý không ổn định dẫn đến burnout, từ chối nhận task khi quá tải,... Đây là những tình huống hầu như ai cũng có thể gặp và trải qua trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp. Song, chưa hẳn ai cũng đã tìm ra hướng giải quyết phù hợp.


Nhằm hiểu rõ hơn về series talkshow lần này, hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ từ anh qua bài viết sau!




Q: Được biết, anh từng có kinh nghiệm làm việc tại cả agency và brand. Quá trình làm việc của anh tại các doanh nghiệp này diễn ra như thế nào? 


A: Trước đây, mình có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại agency và 3 năm tại brand. Ngành học của mình là Thiết kế Đồ hoạ. Do đó, ở thời điểm mới đi làm, mình chỉ nghĩ bản thân sẽ làm những công việc liên quan đến thiết kế. Phải đến khi mình làm ở agency rồi, mình mới nhận ra rằng bản thân thiên về cách làm việc logic hơn là bay bổng, tưởng tượng. Mình nhận ra thế mạnh của mình nằm ở những công việc đòi hỏi khả năng planning, logic hơn. Đó là lý do mình chuyển sang làm việc tại brand với chuyên môn thiên về marketing.


Thời điểm làm việc ở các brand, mình phải quan tâm tới nhiều yếu tố khác nhau. Nếu sáng tạo sai một câu văn hay đưa sai một bức ảnh, doanh thu của thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Lúc đó, áp lực mà mình phải chịu rất cao. Brand gặp áp lực thì agency cũng khổ cực không kém. Mình đã trải nghiệm ở cả hai môi trường nên mình hiểu được là ai cũng có cái lý của riêng mình, nhưng điều quan trọng hơn hết chính là giải pháp cuối cùng phải là một giải pháp dung hòa được tất cả những góc nhìn của agency và brand. Sức lực và thời gian của chúng ta có hạn nên chỉ có thể làm tốt hết sức có thể. Chúng ta không thể nào trông đợi là campaign nào của mình cũng thắng được.


Bản thân mình rất trân trọng thời gian được làm việc ở agency và client, điều này giúp mình nhìn ra được nhiều điều bất cập. Đơn cử như trong tập “Văn hoá feedback” có sự góp mặt của anh Tăng Gia Hải Lam, anh ấy nói rằng nếu đã gọi là “văn hoá” thì phải là một điều gì đó hay và đẹp. Thế nhưng việc truyền tải những feedback nặng nề, làm tổn thương lẫn nhau như thế thì đâu có gì hay mà tôn vinh. Vì thế, anh Hải Lam cho rằng chúng ta không nên bình thường hóa những điều này.


Q: Trong quá trình làm việc, anh thường phải đối mặt với những khó khăn nào (burn out, giao tiếp với sếp và client,...)? Đâu là lý do khiến anh quyết định trở thành host của talkshow “Debrief Chính Mình” cùng OnMic?


A: Bản thân mình đương nhiên cũng từng gặp phải nhiều khó khăn trong quãng thời gian làm ngành. Áp lực, khó khăn đến từ rất nhiều lý do như:

  • Áp lực sáng tạo do làm việc trong môi trường không ngừng dịch chuyển như agency.
  • Không giỏi giao tiếp, hơi bị động, luôn cảm thấy lo sợ trong công việc.
  • Làm ở agency khiến mình gặp phải áp lực đồng trang lứa.



Lúc trò chuyện cùng team OnMic, mình được biết đây là một show về ngành Truyền thông - Quảng cáo nhưng sẽ không nói về cách làm, kỹ thuật,... trong ngành. Thay vào đó, Host và khách hàng sẽ cùng trò chuyện về tâm lý. Bản thân mình rất thích tìm hiểu về lĩnh vực này. 


Ngoài ra, mình cũng nhận thấy rằng những người làm công việc này rất cố gắng hoàn thành công việc và vai trò chuyên môn, thế nhưng họ lại bỏ quên việc chăm sóc bản thân mình. Mọi người thường nói làm ngành Truyền thông - Quảng cáo thì phải am hiểu khách hàng. Đúng là nhân sự sẽ phải nghiên cứu báo cáo, insight khách hàng,... rất nhiều nhưng điều đó vô hình trung lại khiến họ không có thời gian để tìm hiểu chính mình. Mình tin rằng bất kỳ nhân sự nào trong ngành Truyền thông - Quảng cáo nên hiểu rõ tâm lý cá nhân trước rồi họ sẽ dễ thấu cảm với người khác hơn.


Thông thường, khi các nhân sự agency muốn nhắm đến tệp khách hàng 20 - 30 tuổi, họ nghĩ người dùng sẽ thích thế này, thế kia. Thế nhưng theo mình, tất cả những điều đó chỉ là phỏng đoán và không có sự thấu cảm. Nếu nhân sự hiểu rõ bản thân mình và có insight về một vấn đề nào đó, biết đâu những người dùng khác cũng có suy nghĩ giống mình thì sao? Như vậy nhân sự sẽ dễ nhắm mục tiêu đến đối tượng đó hơn. 


Với mình, việc hiểu chính mình sẽ tạo điều kiện cho nhân sự giỏi tìm insight hơn, bởi “hiểu mình trước thì mới hiểu người được”. Do đó, khi các thính giả đang làm việc trong ngành lắng nghe talkshow, hy vọng chương trình có thể giúp họ giải mã, cởi bỏ được một vấn đề nào đó, từ đó họ có thể yêu nghề một cách đúng đắn hơn. 



Q: Những chủ đề của talkshow liệu có phải đến từ trải nghiệm của bản thân anh trong quá trình làm ngành? Đấy có phải là những gì mà anh trăn trở, mong chờ được giải mã và bàn luận sâu hơn?


A: Những chủ đề trong “Debrief chính mình” đến từ cả hai phía là khách mời và cá nhân mình. Mình sẽ khai thác những câu chuyện của cá nhân mình hoặc sẽ dành thời gian đi nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề mà người trong ngành thường gặp. Thời gian làm việc trong ngành của mình chưa đủ nhiều, do đó những nhân vật làm việc lâu năm hơn mình sẽ có góc nhìn đa dạng hơn. 


Trước khi thực hiện bất kỳ tập nào, mình đều chủ động trò chuyện, trao đổi với khách mời trước. Có thể ban đầu mình tính làm chủ đề này nhưng sau khi nói chuyện với nhân vật, mình và họ lại nảy sinh được một chủ đề khác hay hơn, thú vị hơn thì team sẽ chuyển sang khai thác chủ đề đó. 


Do đó, mình mong là “Debrief Chính Mình” sẽ ngày càng có nhiều chủ đề hấp dẫn để chạm được đến nhiều người hơn. Có thể ban đầu, thính giả sẽ nghĩ rằng các chủ đề chỉ gắn liền với các bạn mới vào nghề. Tuy nhiên khi mình và các khách mời trò chuyện, đôi khi các vấn đề sẽ rơi vào cấp bậc quản lý, thậm chí đề cập đến những người chuyển ngành. 


Đơn cử như ở tập 1, anh Sói Ăn Chay đã bàn luận về quá trình giao và nhận task trong môi trường agency, trong đó newbie và Junior có những khó khăn khi nhận task, song anh cũng chia sẻ cái khó của người giao task - tức cấp độ quản lý. 


Q: Trong những tập talkshow vừa qua, những chia sẻ của khách mời đã giúp anh “vỡ lẽ” ra được những gì? Đâu là chia sẻ đáng nhớ nhất với anh?


A: Đa phần các anh chị khách mời đều là những người có thâm niên trong ngành, do đó mình thích nhất là được nghe cảm xúc của họ. Thật ra, mình nghĩ rằng các anh chị sẽ được mời đến tham gia rất nhiều talkshow khác nhau, thế nhưng họ chỉ được nói về chuyên môn của mình ở đó, khó có thể đề cập nhiều đến cảm xúc. Song khi tham dự Debrief Chính Mình, mọi người cùng ngồi lại để giãi bày những góc khuất, tâm tư cảm xúc đằng sau những danh hiệu và thành tựu to lớn đó. Nhờ đó, thính giả sẽ cảm nhận được những cảm xúc và suy nghĩ bên trong họ.



Trước khi talkshow diễn ra, mình đều nói rõ với khách mời rằng talkshow này không chú trọng việc đúng hay sai. Các anh chị không nhất thiết phải đưa ra một đúc kết, kinh nghiệm hay kiến thức nền chính xác để các bạn noi theo. Tiêu chí của “Debrief Chính Mình” là chia sẻ và lắng nghe những cảm xúc của khách mời. Dù các khách mời có 20, 30 năm kinh nghiệm đi nữa, đôi khi họ cũng có những trăn trở, khó khăn, áp lực như các nhân sự trẻ. Như vậy mình sẽ thấy được sự đồng cảm, giúp mình đỡ hứng chịu áp lực và cô đơn hơn.  


Từ những điều nghe được trong show, các thính giả có thể đưa nó vào môi trường làm việc. Tại công ty, đôi khi mình sẽ thấy những vị sếp, Senior rất khó khăn trong công việc nhưng biết đâu họ cũng có những áp lực và cảm xúc của riêng mình. 


Q: Nếu được quay trở lại khoảng thời gian trước khi làm ngành, anh ước mình được biết điều gì sớm hơn? Anh có điều gì muốn nhắn nhủ với các nhân sự mới vào ngành hay không?


A: Mình ước gì mình biết được giá trị của bản thân sớm hơn. Từ “giá trị” này mang cả hai nghĩa là ước gì mình biết “mình chưa là gì trong công ty, chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm”, nhưng đồng thời cũng biết giá trị, điểm mạnh của mình nằm ở đâu. Mình nghĩ đây là một yếu tố quan trọng vì ngày xưa mình đã nghĩ bản thân là một… nhân vật quan trọng và to lớn trong công ty lắm. Khi vừa ra trường, mình biết cái này cái kia thì đã nghĩ mình giỏi lắm rồi. Thế nhưng khi nhận những feedback gai góc, mình lại nghĩ mình quá nhỏ bé, không đủ giỏi, không là gì cả,... 


Dù công việc trong ngành đòi hỏi phải có sự support và teamwork, thế nhưng không ai có nghĩa vụ phải làm việc với mình cả. Khi cần tìm sự support của người khác, mình không nên xem đó là việc của họ. 


Khi ở vai trò của một người Senior và làm việc với các bạn trẻ, mình luôn cố gắng giúp các bạn biết được vị trí, vai trò, giá trị của bạn ở đâu. Mỗi cá nhân đều có một vị trí trong công ty hay tổ chức, quan trọng là bạn cần biết nó nằm ở đâu. Một số bạn đã có nhiều kiến thức từ trên ghế nhà trường, có kinh nghiệm làm việc,... nhưng các bạn lại không tự tin bước lên. Ngược lại, có nhiều bạn đòi hỏi quá nhiều nhưng năng lực lại không tương xứng. Do đó mình nghĩ việc hiểu rõ giá trị của bản thân rất quan trọng và giúp chúng ta hoàn thành công việc của mình tốt hơn. 


Ngoài ra, mọi người nên tập lắng nghe cảm xúc của mình thay vì lắng nghe người khác. Mình nghĩ một nhân sự khi dấn thân vào ngành này thì bản thân đã yêu thích và có khả năng rồi. Thế nhưng trước khi muốn nói hay truyền tải điều gì đó đến công chúng, các bạn cần phải trở thành một người biết lắng nghe. Có như vậy thì bạn mới hiểu được rằng phải nói như thế nào thì người ta mới nghe. 



Đôi khi các bạn tập trung nghe bên ngoài quá nên quên lắng nghe bên trong mình. Ngày xưa có nhiều lúc lúc cảm xúc bên trong mình gào thét rằng “ê ê đừng làm cái đó”, “kèo này không thơm đâu”,... Thế nhưng lúc ấy mình lại mặc kệ và nghĩ là do mình yếu kém, mình nghĩ sai thôi. Thế nhưng 1 năm sau, mình mới hiểu là cảm xúc của mình đang báo động cho mình thấy một “red flag”. Vì thế, nếu các bạn từng thấy cảm thấy bồn chồn, do dự trước một điều gì đó trong công việc thì nên dừng lại một nhịp để nghe xem cảm xúc mình nói gì rồi sau đó hãy quyết định.


Tạm kết


Từ những chia sẻ của Host Uy Lê, độc giả đã phần nào có thêm góc nhìn về môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông. Để lắng nghe thêm những thông tin hữu ích về môi trường làm việc trong ngành, gỡ rối những vấn đề tâm lý,... hãy bấm theo dõi Host Uy Lê trên ứng dụng OnMic để nhận được thông báo sớm nhất.

Uy Lê: “Muốn mài idea cho bén, nhân sự cần phải ‘hiểu mình trước khi hiểu người’”

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

26 Thg 06 2023

Lưu

Cùng chuyên mục