Sói Ăn Chay: "Nhân sự cấp cao sẽ mãi mắc kẹt trong những task nhỏ nếu không biết cách trao quyền cho cấp dưới"

Đã trở thành một nhân sự trong ngành Quảng cáo - Truyền thông, ắt hẳn ai cũng đôi lần cảm thấy mệt mỏi bởi khối lượng công việc đồ sộ. Task này chưa xong thì task khác đã đến khiến nhân sự khó có thể quán xuyến được tất thảy, cũng như bảo đảm được chất lượng công việc. Vậy làm thế nào để một nhân sự Junior mới vào ngành có thể vừa hoàn thành được nhiều task, vừa có thể cảm nhận được niềm vui và sự mới lạ trong công việc? Ở chiều ngược lại, liệu công việc của “người giao task” có nhẹ nhàng và đơn giản như mọi người thường nghĩ?


Buổi talkshow diễn ra trên ứng dụng OnMic về chủ đề này đã có sự tham gia của anh Huỳnh Vĩnh Sơn (Sói Ăn Chay). Bên cạnh vai trò Copywriter cùng 14 năm kinh nghiệm trong ngành, anh cũng đi dạy và viết nhiều quyển sách “gối đầu” liên quan đến lĩnh vực Quảng cáo - Truyền thông như “Ý tưởng này là của chúng mình”, “90 - 20 - 30: 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ” và “Ê có khi nào?”. Với vai trò khách mời trong tập đầu tiên của chuỗi talkshow Debrief chính mình, anh đã có những góc nhìn và chia sẻ thực tế về vấn đề giao và nhận task trong môi trường Quảng cáo - Truyền thông.



Q: Câu chuyện nhận task và giao task luôn là một vấn đề mà hầu hết các nhân sự agency nào cũng có thể gặp phải. Liệu đây có phải là một việc dễ dàng với anh?


A: Thuở đầu vào ngành, mình cũng từng cảm thấy mệt mỏi về việc phải nhận quá nhiều task. Lúc ấy, mình ước mình sớm trở thành Manager để có thể giao task và chỉ dẫn người khác. Đối với mình, công việc như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.


Sau đó, mình đã được thăng tiến lên Senior và trở thành Leader của một dự án. Bất chợt mình nhận ra rằng, thì ra công việc của một người quản lý không hề đơn giản như mình từng nghĩ. Khi nhận được một dự án, mình phải phân tích và phân chia công việc cho mọi người. Đấy thực sự là một công việc rất khó khăn. Ở vị trí Leader hay Manager, mình thường phải bỏ công sức gấp đôi các nhân sự khác để đảm bảo dự án diễn ra đúng tiến độ và đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng. Trong suốt ba năm đó, mình đối mặt với nhiều khó khăn khi giao task sai cho nhiều người và khiến họ cảm thấy mệt mỏi.


Q: Với những task đầu tiên, nhân sự sẽ có nhiều nguồn cảm hứng và năng lượng để hoàn thành công việc. Thế nhưng dần dà, công việc của họ ngày một nhiều, có khi phải chạy 2 - 3 dự án cùng một lúc. Điều này dần làm mất đi niềm vui trong công việc của những người làm agency. Làm thế nào để nhân sự có thể cân bằng được niềm vui trong công việc?


A: Câu hỏi này khiến mình nhớ lại về khoảng thời gian khi mới “chân ướt chân ráo” vào ngành. Lúc đó, công ty của mình có một khách hàng lớn là Unilever. Nhãn hàng Sunlight muốn làm một quảng cáo radio (radio ads) khoảng 45 giây - 1 phút và họ muốn brief agency sáng tạo một đoạn nhạc. Khi ấy, mọi người trong team nghĩ rằng đây chỉ là một task nhỏ nên họ muốn “bạn Sơn Junior” làm. Thế nhưng, với mình, đây vừa là một task lớn và quan trọng, đồng thời cũng là task được cấp trên chỉ định. Vậy nên đó là lý do mình nhận task. 


Yêu cầu của khách hàng lúc ấy không phải là thực hiện một TVC hoành tráng, công phu mà đơn thuần đó chỉ là một radio ads. Do đó, task này không cần visual (thiết kế) mà chỉ chú trọng vào những câu copywriting, vì thế mình chỉ có thể làm một mình. Ban đầu mình rất vui khi được giao task, thế nhưng mình chợt nhận ra bản thân chỉ mới là Junior và mình chưa thực sự tự tin là có thể làm được task này. 


Thế nhưng sau đó, mình cũng bắt tay vào công việc. Việc đầu tiên mình làm là lắng nghe một bài rap Việt khá nổi tiếng của Suboi và Wowy lúc bấy giờ. Mình cứ nghe đi nghe lại, ngẫm về lời nhạc rồi lồng ghép những yêu cầu trong brief của khách hàng vào. Quá trình này tiêu tốn của mình khoảng ba giờ đồng hồ. Đến cuối ngày làm việc hôm ấy, mình đã sáng tác được một đoạn. Qua ngày hôm sau, mình lại bắt tay vào thực hiện một option khác. Trong tuần đó, team nội bộ đã có một cuộc họp ngắn với khách hàng. Kết quả là họ thích option đầu tiên mà mình viết và quyết định phát sóng quảng cáo ấy trên radio. Đấy là một trong những task đầu tiên khiến mình cảm thấy hứng thú với công việc của ngành Quảng cáo.


Q: Trong quá trình làm việc, anh đã bao giờ nhận những task nào có vẻ hơi “vô lý” chưa? 


A: Ở năm thứ 2 trong quá trình làm việc, mình được giao thực hiện một task cho website của Ajinomoto. Lúc đó, trang web đã có sẵn nội dung của phần “Terms & Conditions” (Điều khoản và Điều kiện) bằng tiếng Anh và mình được yêu cầu dịch sang tiếng Việt. Lúc đó, mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành nên chưa hiểu hết quy trình làm việc. Song, mình thực sự nghĩ là task này có phần… vô lý. Thậm chí, mình còn đến hỏi Account xem yêu cầu của khách hàng có phải thực sự là như thế không và liệu mình có bị nhầm lẫn gì hay không.


Mình nói với Account rằng phần Terms & Conditions trên trang web có rất nhiều thuật ngữ liên quan đến Luật, nhưng mình thì chỉ là một Copywriter chuyên viết nội dung để giao tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, cuối cùng thì mình vẫn phải làm công việc này bằng cách mở file Word, copy phần Terms & Conditions bên trái, sau đó dịch lại bằng tiếng Việt ở cột bên phải. Lúc đó, chúng ta đã có Google Dịch nhưng công cụ vẫn còn nhiều sai sót nên có nhiều chỗ được dịch không chính xác. Mình cũng tham khảo những phần Terms & Conditions của những trang web khác để hoàn tất công việc.


Thế nhưng sau này khi nhìn lại, bản thân mình cảm thấy phần công việc này không thỏa đáng và công ty có nhiều phương án xử lý khác. Với những task như thế, công ty phải trích một phần doanh thu để chi trả cho những bộ phận outsource, đơn cử như ở Việt Nam có nhiều công ty chuyên dịch thuật những tài liệu của các thương hiệu. 


Q: Cảm ơn câu chuyện thực tế từ anh. Trên thực tế, “say no” là một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với những bạn Junior mới bắt đầu vào ngành. Với trường hợp nhân sự nhận được một task hay một công việc nào đó nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, liệu họ có được phép từ chối hay không? Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?


A: Với câu hỏi này, mình sẽ trả lời dựa trên câu chuyện và quan điểm riêng của cá nhân mình. Mình sinh năm 1987 và là Gen Y đời cuối. Lúc mình còn là một thanh thiếu niên, Việt Nam lúc bấy giờ đang rộ lên xu hướng đọc sách self-help, đơn cử như Đắc Nhân Tâm. Đa phần những quyển sách ấy đều dấy lên một quan điểm “Bạn phải học cách ‘say no!’” và cá nhân mình cảm thấy nội dung của những quyển sách này rất hay. Thế nhưng, khi mới vào ngành, mình cảm không thấy lý do mình phải "say no" khi được giao task bởi đối với mình, task nào cũng hấp dẫn và bản thân mình còn phải học hỏi nhiều điều. Dù task khó đến mấy, mình cũng thấy đó là một cơ hội học hỏi về tư duy, kỹ năng, vốn sống, trí tưởng tượng, thậm chí là mối quan hệ. Một trong những điều mà mình nhớ nhất ở thời gian làm Junior chính là mình có thể học hỏi được ở mọi nơi.


Lúc đó, thỉnh thoảng mỗi lần đến chỗ máy photocopy để in tài liệu cho công ty, mình lại thấy nhiều đồng nghiệp in dư tài liệu hoặc in nhưng quên lấy. Thế là mình lấy những tài liệu đó về xem. Mình học hỏi cách các team khác email cho khách hàng như thế nào, những anh chị Copywriter khác sẽ viết kịch bản ra sao,... Với mình, kể cả những thứ được xem như “rác” ở công ty cũng là một tài nguyên học hỏi có giá trị. Thế nhưng, càng lên những vị trí cao hơn, mình lại càng cảm thấy dường như công việc đang có ít cơ hội mới cho mình học hỏi.


Với bản thân mình, trước đây là một Junior, dù có muốn “say no” đi nữa thì mình cũng cảm thấy bản thân vẫn còn thiếu sót và cần phải học hỏi thêm nhiều điều. Do đó, lời khuyên của mình cho các bạn trẻ mới “dấn thân” vào ngành là khi được giao những task mới, hãy xem mình sẽ học hỏi được những gì từ nó. Đối với những task mình đã quen thuộc, hãy đánh giá xem liệu “mình đã làm nhanh hơn và chính xác hơn chưa?”, “mình còn bị feedback nhiều như trước hay không?”. Các bạn có thể thử thách bản thân như thế để công việc luôn mới và thú vị. 




Q: Quả thật những task nào giúp mình có cơ hội học hỏi thì mình nên nắm bắt. Vậy thì những task nào nhân sự nên “say no”?


A: Câu hỏi của Host đã khiến mình nhớ lại một câu chuyện vào thời gian mình còn là một Junior. Lúc ấy, mình làm việc với một Account Manager và được giao một task vào thứ 6, tuy nhiên deadline lại rơi vào chiều chủ nhật. Khi nhận task, mình đã nỗ lực làm việc suốt ngày thứ 7, sau đó gửi cho cô ấy vào 3 - 4 giờ chiều ngày chủ nhật. 


Khoảng nửa tiếng sau, cô ấy gửi lại một email mở đầu bằng câu: “Sơn, em đã làm không đúng với những gì chị đã brief em.” Sau khi đọc lại những feedback của cô ấy, mình chợt nhận ra rằng mình đã làm đúng theo yêu cầu và năng lực của một nhân sự Junior, thế nhưng một số điểm mình làm chưa được hoàn hảo. Lúc ấy, mình chợt có cảm giác hối hận vì đã nhận task này. Nếu được quay trở lại, mình sẽ báo cáo task này với Line Manager của mình, đó có thể là Senior Copywriter, Art Director hoặc Creative Director. 


Thỉnh thoảng trong môi trường làm việc, các nhân sự vẫn có thể hỗ trợ đồng nghiệp của mình ở một mức độ nào đó. Thế nhưng khi mình thấy mình đã cố gắng hỗ trợ nhiều đến mức khiến cho bản thân bị thiệt thòi mà họ không tỏ ra trân trọng, sau này với những deadline quá đáng thì mình sẽ từ chối ngay và bảo họ liên hệ với Line Manager của mình. Dù mình vẫn phải giữ hoà khí trong công việc nhưng với những trường hợp này, bản thân nhân sự cần trắng đen rõ ràng và học cách “say no” khi cần.


Còn nhớ trong một lần tham gia lớp học về Tâm lý, cô giáo mình từng hỏi cả lớp rằng liệu mọi người có biết sự khác nhau giữa sự cầu toàn và cầu tiến là gì không. Mỗi một người trong lớp đều bày tỏ quan điểm nhưng chưa có câu trả lời nào thật sự rõ ràng. Cô giáo đúc kết rằng khi nhân sự có thể hoàn thành một task ở mức 6 điểm, nhưng sau đó cố gắng trau dồi để đạt được mức điểm và kết quả tốt hơn. Đó chính là sự cầu tiến. Tuy nhiên, đối với người cầu toàn, một khi họ không thể đạt được 10 điểm thì mọi công sức hay nỗ lực trong quá trình làm việc chỉ là 0 điểm. 



Q: Trong ngành Truyền thông, nhân sự không thường thể hiện sự cầu toàn với đồng nghiệp mà lại hay cầu toàn với chính mình. Đôi khi nhân sự gặp những task mất nhiều thời gian vì bản thân muốn làm công việc đó tốt nhất có thể. Anh Sơn đã bao giờ gặp phải tình huống này chưa và anh vượt qua nó như thế nào?


A: Sau khi mình được giao cho công việc lead một vài team và trở thành người quản lý dự án, mình phải để ý xem tiến độ của mọi người trong team. Thậm chí với những dự án cần phải vẽ storyboard, mình phải outsource một đơn vị bên ngoài để thực hiện công việc visualizer. Lúc này, mình phải quản lý cả đơn vị này nữa.


Ở vai trò một nhân sự Creative, mình rất cầu toàn trong việc lên ý tưởng, thậm chí mình thường phải mất đến 5 ngày để làm công việc này và 1 ngày để thống nhất lại mọi thứ. Đến ngày thứ 7, mình mới gửi brief cho Visualizer. Thế nhưng điều này vô tình khiến các bạn Visualizer có rất ít thời gian để thực hiện yêu cầu của mình. 


Một thời gian sau, một Visualizer có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành đã chia sẻ riêng với mình rằng: “Sơn ơi, khi làm việc với nhau, mình cũng nên nghĩ cho nhau nữa. Khi em gửi brief cho anh thì em đã yêu cầu mọi thứ rất rõ ràng rồi. Thế nhưng với thời gian hạn chế như thế, đôi khi bọn anh phải cày cả đêm mới hoàn thành xong công việc. Thế là những ngày sau đó, bọn anh có thể đổ bệnh và không thể làm một việc nào khác được. Phương án tốt nhất là em có thể viết vài câu đơn giản, không cần phải quá chỉn chu để anh biết rằng anh cần vẽ cái gì. Như thế, bọn anh sẽ có đến ba ngày để chú tâm vẽ chi tiết, cẩn thận hơn cho em. Còn nếu em chỉ chăm chăm làm phần việc của mình rồi sau đó mới gửi qua thì team anh rất mệt mỏi và sức khỏe cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.”


Có thể thấy, một trong những bài học hữu ích nhất của mình trong quá trình sự nghiệp lại đến từ một đối tác bên ngoài. Sự việc đó khiến mình vỡ lẽ ra rất nhiều thứ. Đôi khi những chi tiết mình bắt team phải sửa lại trong thời gian gấp rút có thể chẳng được khách hàng chú ý đến, thế nhưng điều này lại tiêu hao nguồn nhân lực rất lớn. Những trường hợp này khiến mình phải ngẫm lại về khả năng quản lý dự án của bản thân. Từ đó, mình tiết chế lại sự cầu toàn cá nhân để công việc được diễn ra hiệu quả hơn.


Vậy nên, những phương pháp làm việc hiệu quả với mình chưa chắc đã hiệu quả với người khác. Nếu mình làm việc độc lập thì mọi thứ chỉ phụ thuộc vào mình. Thế nhưng khi nhân sự cần phải phối hợp cùng các đơn vị và đồng nghiệp khác, bản thân nhân sự cần phải xem xét cẩn thận hơn. Thậm chí, nhân sự còn phải trò chuyện với các bên để hiểu rõ insight cũng như quy trình làm việc của họ để mình ưu hóa công việc.


Q: Khi nhân sự là một Junior, có thể họ vẫn chưa nắm rõ quy trình làm việc cũng như chưa thật sự vững vàng về kiến thức chuyên môn. Vậy khi nhân sự đã có đủ kinh nghiệm và kỹ năng và đạt đến vị trí Senior, liệu họ có giải quyết công việc nhanh hơn hay không?


A: Mình và cả những bạn Senior làm việc với mình đều có cùng suy nghĩ như thế. Lúc mình mới làm năm thứ 3 trong ngành, mình có dịp trò chuyện cùng một bác Creative Director trong công ty. Bác bảo rằng mình đang ở trong một độ tuổi rất đẹp bởi mình chỉ đang lo phần việc của bản thân mà thôi. Đến khi mình lên được vị trí Leader, phần việc cá nhân đó chỉ là một yếu tố nhỏ. Điều quan trọng hơn là mình phải hướng dẫn những nhân sự khác làm được công việc của mình. Sau đó, mình mới có thể thoát khỏi những phần việc này và lên được vị trí cao hơn. Nếu không làm được, mình sẽ mãi mắc kẹt trong những việc nhỏ này. 


Trên thực tế, khoảnh khắc nghe được lời chia sẻ của bác Creative Director, mình chưa hiểu gì cả. Thậm chí, mình không tin những gì mà bác nói. Vậy mà chỉ ba năm sau, mình mới ngộ nhận ra nhiều điều. Lúc ấy mình chỉ nghĩ, mình làm task này mất 3 tiếng bởi vì mình là Junior. Khi mình lên được vị trí Middle, mình đã làm phần việc quá nhiều lần rồi nên thời gian rút gọn lại chỉ còn 1 tiếng. Thế là mình nghĩ, nếu mình lên Senior, phải chăng mình chỉ mất 30 phút để làm thôi. Thế nhưng mọi thứ trong thực tế không hề hoàn hảo như mình đã nghĩ!


Trở thành một Senior đồng nghĩa với việc mình đã xử lý cùng một loại công việc qua rất nhiều lần. Đó là lý do mà mình dần cảm thấy “ngán ngẩm”. Tương tự, khi nhân sự đã tự gọt giũa và nâng cao kỹ năng của bản thân sau một thời gian dài làm việc, những công việc quen thuộc đó bỗng chốc trở thành phần việc mà họ không muốn tiếp tục làm nữa. 


Vì thế, cách phân bổ công việc hiệu quả nhất chính là Senior sẽ giao những phần việc nhỏ cho những bạn Junior. Còn Senior sẽ bắt tay vào thực hiện những task thử thách hơn phù hợp với khả năng của họ, giúp họ có một trạng thái “thăng hoa”, làm việc hiệu quả hơn. Đó là những gì mà mình rút ra được sau khi đọc quyển sách “Flow: Dòng chảy”



Đây cũng là một trong những lý do mà mình thích việc training. Nếu mình training các bạn cấp dưới tốt, mình có thể chứng kiến các bạn dần làm được những việc khó hơn. Sau đó, bản thân mình sẽ tập trung vào việc quản lý, thực hiện các chiến lược cũng như trau dồi những kỹ năng chuyên sâu hơn.


Q: Sau Junior và Senior, nhân sự sẽ thoát khỏi vai trò của một người nhận task và trở thành người giao task. Vậy bản thân nhân sự nên làm thế nào để có thể trao quyền cho cấp dưới một cách hiệu quả? 


A: Như đã chia sẻ ở phần đầu, hai năm trước đây mình phải vật lộn rất nhiều trong công việc giao task. Mình đã nghĩ quá đơn giản rằng mình chỉ cần giao việc 1 cho bạn A, việc 2 cho bạn B,..., sau đó chỉ cần khoanh tay chờ kết quả là được. Thế nhưng mọi việc có thể không diễn ra như ý mình mong muốn. Đơn cử như ở job trước, bạn A và B làm rất tốt phần định hướng. Vậy nhưng khi qua job khác, bạn ấy lại không viết hay, không làm đúng ý mình hay mất đi chất lượng và hiệu suất công việc vốn có.  


Sau này mình nhận ra rằng, mình cần dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện 1-1 với từng thành viên làm việc cùng mình. Mỗi khi kết thúc một dự án, mình sẽ trao đổi với các bạn rằng “vì sao em làm tốt job này”, “em có từng làm việc với brand tương tự chưa?”,... Mục tiêu của những buổi trò chuyện này là giúp mình hiểu được thế mạnh, điểm yếu, sở thích của từng người.


Ví dụ, bạn A có một niềm yêu thích đặc biệt với các thương hiệu gần gũi với đời sống người dân lao động. Lúc này, khi được giao task phù hợp với chuyên môn và sở thích, bạn ấy sẽ mang về kết quả hơn cả sự mong đợi. Tuy nhiên, khi mình giao cho bạn một công việc liên quan đến lĩnh vực Bất động sản - một lĩnh vực vốn xa lạ với bạn, bạn sẽ cảm thấy job này khô khan và mất đi cảm hứng làm việc. Những suy nghĩ này khiến năng suất của bạn giảm đi đáng kể. 


Trước đây, mình sẽ quyết định việc nhận dự án dựa trên sở thích của mình. Nhưng rồi mình nhận ra rằng việc đầu tư thời gian vào quá trình thấu hiểu của thành viên trong team, cùng nhau debrief trước khi đưa ra quyết định nhận một dự án giúp quá trình giao task của bản thân mình trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Suy cho cùng, một người leader nên giao "đúng người, đúng việc". Mỗi nhân sự Creative đều có một background và kiến thức, kinh nghiệm khác nhau. Họ chỉ có thể phát huy hết khả năng của mình khi được giao đúng công việc. 



Q: Trên thực tế, ngành Quảng cáo - Truyền thông có nhiều điều hay ho, song cũng tồn tại nhiều mặt chưa tích cực. Với các bạn trẻ sắp vào ngành, các bạn nên chuẩn bị cho mình một tư tưởng như thế nào khi bước vào môi trường làm việc sáng tạo, đòi hỏi sự teamwork và cầu toàn?


A: mình nghĩ rằng vào khoảnh khắc rời khỏi ghế nhà trường và tiến vào thị trường lao động, các bạn sẽ ngạc nhiên trước những điều mới mẻ về ngành và về cả chính mình. Và mình mong rằng các bạn sẽ cảm thấy trân quý những điều đó. Sau này dù bạn có tiếp tục làm ngành hay không, bạn sẽ cảm thấy những khoảnh khắc bỡ ngỡ đó vô cùng quý giá. Mỗi lần mình nhìn lại quyển sổ ghi lại những idea, tâm sự ngô nghê đầu tiên của mình, mình đều thấy bản thân trưởng thành sau khi trải qua nhiều điều.


Ngành nào cũng có mặt trái, kể cả một ngành nghề sáng tạo như Quảng cáo cũng có những góc khuất. Trước khi bước chân vào ngành, các bạn trẻ nên ngẫm lại lý do vì sao mình muốn làm công việc này. Sau khi mình nghe các bạn chia sẻ, đa phần các bạn bị “vỡ mộng” vì những giá trị mà ngành Quảng cáo mang đến cho bạn không được như mong đợi.


Một số bạn chỉ vừa va chạm với ngành được vài tháng hay nửa năm đều cho rằng ngành này nhàm chán, toxic, cổ suý tiêu dùng,... Các bạn tự hỏi rằng vì sao chúng ta lại phải luôn khuyến khích người dùng chi tiền nhiều hơn. Thật ra, ngành nào cũng có mặt trái cả. Với cá nhân mình, một trong những giá trị mà mình nhận thấy được khi làm việc trong ngành Quảng cáo chính là sự kết nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Người dùng chỉ thích một thương hiệu nói chuyện duyên dáng, có khả năng kể những câu chuyện thú vị. Khi người dùng và thương hiệu thật sự kết nối với nhau, họ có thể mua được những sản phẩm ưng ý, đồng thời thương hiệu đó cũng có thể phát triển và nuôi sống được biết bao con người phía sau. 


Một số thương hiệu có những sản phẩm rất tốt nhưng họ lại không thể truyền thông, diễn đạt hết những lợi ích đến người tiêu dùng. Do đó, họ mất kết nối với người dùng, khiến thương hiệu không thể phát triển và thậm chí là lâm vào “bờ vực” phá sản. Điều này cũng tương tự như việc nếu một nhân sự tài năng nhưng lại không thể hiện được điều đó trong CV và portfolio, họ có thể vừa mất đi cơ hội việc làm và nhà tuyển dụng cũng vụt mất một nhân sự giỏi. 


Đôi khi các bạn đến với ngành chỉ vì thấy nó vui. Bạn có thể cảm thấy vui trong nửa năm đầu, thế nhưng nếu gặp nhiều vấn đề không suôn sẻ như người sếp mới có tư tưởng làm việc khác biệt với sếp cũ hay rớt pitching, công việc của bạn có thể trở nên “bớt vui” hơn. Vậy chẳng lẽ bạn phải rời ngành à? Do đó, bạn nên suy nghĩ kỹ xem lý do vì sao bạn muốn vào ngành này.


Tạm kết


Có thể thấy, chỉ cần nhân sự debrief được chính mình thì công việc có khó nhằn đến mấy cũng sẽ giải quyết được. Thông qua bài viết được tổng hợp từ những chia sẻ của anh Huỳnh Vĩnh Sơn (Sói Ăn Chay), hy vọng các marketer đã có thêm những thông tin hữu ích về quá trình nhận và giao task trong môi trường làm việc. Nhìn chung, nhân sự cần mạnh dạn “say no” đối với những công việc nằm ngoài workload và khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, cấp trên cũng cần tìm hiểu ưu và nhược điểm của từng thành viên để giao “đúng người đúng việc”, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc của đội ngũ. 


Đón xem nhiều buổi chia sẻ thú về về ngành Quảng cáo - Truyền thông bằng cách bấm theo dõi Host Uy Lê trên ứng dụng OnMic để nhận được thông báo sớm nhất.


Sói Ăn Chay: "Nhân sự cấp cao sẽ mãi mắc kẹt trong những task nhỏ nếu không biết cách trao quyền cho cấp dưới"

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

25 Thg 05 2023

Lưu

Cùng chuyên mục