Theo Statista, thị trường trí tuệ nhân tạo được dự đoán đạt 107,5 tỷ USD vào năm 2028, tăng mạnh 578% từ 15,84 tỷ USD năm 2021, đã chứng minh khả năng phát triển vượt bậc của các công cụ A.I trong việc hỗ trợ công việc và đời sống con người. Từ sáng tạo nội dung, sản xuất hình ảnh, viết kịch bản,... các công cụ trí tuệ nhân tạo được đồn đoán rằng có thể “thay thế” các nhà sáng tạo trong tương lai. 


Nhằm làm rõ mức độ ảnh hưởng của A.I đến các marketer và nhà sáng tạo nội dung, HubSpot đã thực hiện cuộc khảo sát mang tên “State of AI” với sự tham gia của 1.350 chuyên gia. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!


1. Tìm nguồn cảm hứng


Kết quả khảo sát của HubSpot cho thấy, 33% marketer đang sử dụng A.I để tìm nguồn cảm hứng và sáng tạo ý tưởng cho các nội dung marketing. Trong đó, các công cụ như Kive.ai có thể giúp người dùng tạo moodboard. Theo đó, moodboard là các bảng tâm trạng được dán chi chít những mẫu sticky note, hình ảnh, tranh vẽ, sketch tay, bài viết, số liệu,... có mối liên kết với nhau giúp các nhà thiết kế hình dung ý tưởng và concept.


Một số ví dụ về moodboard


Thời gian gần đây, nhà làm phim kiêm nhiếp ảnh gia Mateo Toro đã bắt đầu sử dụng Kive.ai để thiết kể moodboard nhằm phát triển các dự án phim của mình. Trong một video đăng tải trên TikTok, ông Toro chia sẻ rằng trước đây nếu muốn làm một moodboard, nhà làm phim sẽ phải chụp màn hình (screenshot) từng ảnh một hoặc mất nhiều thời gian, công sức tìm ảnh mẫu (reference) trên Internet, sau đó chú thích từng ảnh thật chi tiết để có thể tạo lập thành một moodboard hoàn chỉnh. Thế nhưng sau khi tìm ra Kive.ai, ông nói rằng đây là một phần mềm tuyệt vời có thể giúp các nhà làm phim tiết kiệm vô số thời gian. 


Theo hướng dẫn từ video của Toro, người dùng chỉ cần sao chép đường link của video mà họ muốn làm reference, sau đó nhấn vào phần “Extract from video” (tạm dịch: trích xuất từ video), chọn Frame và dán đường link vào. Tiếp đó, Kive.ai sẽ hiển thị hàng loạt khung ảnh từ video người dùng mong muốn và các ảnh có nội dung tương tự để người dùng tham khảo. Từ đó, các nhà làm phim chỉ cần mất khoảng một giờ đồng hồ để xem qua tất cả các ảnh và lên ý tưởng cho dự án. 


2. Lên ý tưởng và sản xuất nội dung


Bên cạnh việc hỗ trợ làm moodboard, các nền tảng A.I cũng có thể giúp người dùng lên ý tưởng cho bài blog. HubSpot đã xây dựng được một trợ lý A.I có thể tạo danh sách các ý tưởng về chủ đề blog và phát triển những bản phác thảo (outline) xoay quanh các khái niệm cụ thể, thậm chí có thể tạo ra các email marketing hiệu quả cho marketer. 



Khảo sát của HubSpot cho thấy 28% các nhà tiếp thị đang sử dụng A.I để viết bài đăng blog và các email cho khách hàng. Cô Bethany Anderson - một nhân viên đang làm việc tại Milton, Florida cho biết ChatGPT có thể bắt chước phong cách viết của cô ấy, do đó đôi khi cô sẽ tận dụng công cụ để viết thông cáo báo chí, bài đăng trên mạng xã hội và nội dung blog hỗ trợ SEO. Anderson cho biết công cụ này rất tiện dụng vì có thể hỗ trợ công việc viết lách, từ đó giúp cô có thêm nhiều thời gian để xử lý các đầu việc khác.


Cô Anderson cũng nói thêm rằng vài tháng trước, có một tuần cô có quá nhiều deadline với vô vàn các đầu việc như lịch lên bài của các nền tảng xã hội, bài blog,... cần phải được hoàn thành nhưng cô lại có quá ít thời gian. Bất đắc dĩ, cô phải bỏ qua những hoài nghi về ChatGPT và quyết định thử nó. Kết quả mang lại vượt ngoài mong đợi khi các công việc hàng ngày của cô có thể hoàn thành chỉ trong vài giờ với sự hỗ trợ từ A.I. Với bản thân cô, thời gian quý hơn cả tiền bạc, do đó việc sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo giúp cô có thêm rất nhiều thời gian để phát triển bản thân cũng như tập trung vào các công việc khác. 


Không chỉ Anderson, 75% nhà tiếp thị cho biết các công cụ A.I có thể giúp họ tạo ra được nhiều nội dung hơn so với trước đây, 77% đồng ý rằng A.I có khả năng tạo nội dung hiệu quả hơn. 


3. Thử nghiệm các yếu tố của landing page


Landing page (trang đích) là một trang web đơn lẻ để cung cấp thông tin về một sản phẩm, dịch vụ hoặc bộ sưu tập cụ thể nào đó. Đơn cử như Gucci có trang web Spring Summer để quảng bá cho bộ sưu tập Gucci Hallucination được ra mắt vào mùa xuân hè năm 2018. Trang web này có các hình ảnh minh họa (illustration) miêu tả các họa tiết và trang phụ từ bộ sưu tập, mang đến trải nghiệm độc đáo và mới lạ cho người dùng. Chiến dịch đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng thực tế ảo đang phổ biến vào thời điểm đó. Sau khi mua hàng tại 52 cửa hiệu, khách hàng có cơ hội sử dụng những thiết bị VR (Virtual reality - thực tế ảo) để bước vào không gian kỹ thuật số của tác phẩm. Trang đích này được cho là công cụ giúp Gucci lan toả chiến dịch, từ đó đạt mức tăng trưởng giá trị truyền thông lên đến 115%, thu về hơn 61 triệu USD vào năm 2017. Sau đó, thương hiệu cũng chứng kiến doanh thu tăng 44,5%. 



Một số hình ảnh về Gucci Hallucination


Thế nhưng không phải thương hiệu nào cũng có một trang landing page hoàn hảo và mang lại chuyển đổi tốt như thế. Một trang đích cần nhiều thành phần kết hợp lại như tiêu đề chính, ảnh minh hoạ, CTA,... Thế nhưng người dùng của thương hiệu đến từ nhiều quốc gia khác nhau, sử dụng nhiều loại thiết bị khác biệt, thậm chí họ cũng có những sở thích, đặc điểm khác biệt hoàn toàn. Do đó, đôi khi những hình ảnh/thông điệp của thương hiệu chỉ phù hợp với một vài nhóm đối tượng nhỏ chứ không thể có hiệu quả với tất cả người dùng. 


Để tối ưu landing page của thương hiệu, marketer có thể sử dụng Smart Traffic - một công cụ chuyển đổi A.I giúp định vị từng khách truy cập đến trang đích. Tại đây, công cụ trí tuệ nhân tạo sẽ biết được chính xác địa điểm, múi giờ hay những thiết bị mà người dùng đang sử dụng, sau đó điều hướng họ đến những landing page phù hợp. 




Sở hữu nhiều khả năng vượt trội nhưng A.I không hoàn hảo


Dù có nhiều khả năng các chuyên gia HubSpot cho rằng A.I không bao giờ có thể thay thế Content Creator hay Editor. Trước hết, các công cụ A.I chỉ là một sản phẩm công nghệ hoạt động dựa vào những lời nhắc nội dung và mô hình ngôn ngữ tự nhiên. Do đó, trí tuệ nhân tạo sẽ không có ý thức về đạo đức hay hiểu biết về bối cảnh lịch sử như con người. Vì thế, nội dung do A.I tạo ra có thể chứa thành kiến (bias). Để ngăn chặn điều này, nhiều mô hình ngôn ngữ và ứng dụng có bộ lọc nội dung tích hợp cho việc tạo văn bản và hình ảnh. Chúng có thể ngăn các từ hay thuật ngữ nhất định để không tạo ra các nội dung sai trái. Tuy nhiên, máy móc không thể hoàn hảo 100%, do đó người dùng cần phán đoán và phân tích các nội dung mà A.I cung cấp trước khi sử dụng.


A.I vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, do đó đôi khi những công cụ này sẽ có một số hạn chế khi sử dụng. Đơn cử như khi người dùng muốn có một số liệu nào đó, A.I không thể tự tiến hành khảo sát hay phân tích dữ liệu chi tiết. Những công cụ máy học này chỉ có thể đưa ra những nội dung đơn giản, do đó người dùng cần tự nghiên cứu để đào sâu vấn đề.


Bên cạnh đó, các thông tin mà A.I đưa ra không hẳn là đúng hoàn toàn. Khi HubSpot hỏi A.I về album mới nhất của Taylor Swift, nó cung cấp câu trả lời là “Folklore”. Trên thực tế, album này đã được Taylor ra mắt vào ngày 25/11/2020 và album mới nhất của cô là “Midnights”, vừa được tung ra vào tháng 10/2022. Tình huống này cũng từng xảy ra với ChatGPT. Khi người dùng yêu cầu ChatGPT liệt kê khảo sát/nghiên cứu về một chủ đề nào đó, đôi khi các bài báo, dữ liệu mà công cụ này đưa ra không có thật hoặc đã bị xoá đi trên các nền tảng. Vì thế, người dùng không thể tìm được thông tin gốc hoặc bị cung cấp những thông tin sai lệch. 


Có thể nói, các công cụ trí tuệ nhân tạo chỉ là những chiếc máy được tích hợp dữ liệu có sẵn trên Internet. Do đó, đôi khi những câu trả lời và kết quả trả về từ những công cụ này sẽ không thể đảm bảo về mặt chất lượng. Đó là lý do vì sao vai trò của con người rất quan trọng. Để tránh việc sử dụng những thông tin không chính xác, marketer cần dành thời gian xác thực lại thông tin trước khi sử dụng.


Theo HubSpot

Kim Ngọc