Với hơn 2,8 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, Facebook là một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới, mang đến nhiều cơ hội giúp các marketer tiếp cận khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, những thay đổi liên tục trong thuật toán của Facebook và xu hướng thay đổi trong hành vi người dùng khiến việc giữ kết nối với khách hàng trên nền tảng này trở nên khó khăn hơn. Dựa trên khảo sát Social Trends 2023, Hubspot đã chỉ ra 8 xu hướng quan trọng nhất của Facebook trong năm nay. Việc nắm bắt những xu hướng này giúp các marketer xây dựng chiến lược, tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.


1. Nội dung video ngắn Facebook Reels


Reels - tính năng cho phép người dùng sáng tạo video ngắn đã được đón nhận nồng nhiệt kể từ khi ra mắt trên Instagram. Sau gần một năm tích hợp vào Facebook, Reels đã thể hiện sức hút của mình trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất toàn cầu. Số lượt xem Facebook Reels đã tăng gấp đôi trong năm qua, và số lượt chia sẻ cũng tăng gấp đôi trong 6 tháng tính đến ngày 01/02/2023. 


Mặc dù trên thực tế, Facebook đang chịu sự thất thoát về doanh thu do Reels đã làm giảm thời gian sử dụng của người dùng trên trang chủ News Feed. Tuy nhiên, trong các cuộc họp công bố kết quả kinh doanh, Facebook cho biết Reels vẫn là một trong những định dạng chiến lược của nền tảng này. 


Facebook Reels hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nền tảng mạng xã hội lớn nhất toàn cầu


Để tăng doanh thu từ Reels, Facebook sẽ cung cấp cho các marketer nhiều cơ hội mới để tiếp thị thông qua nội dung video ngắn trên nền tảng của mình, chẳng hạn như chèn quảng cáo giữa Reels của các content creator, hợp tác sản xuất Reels cùng các nhà sáng tạo nội dung,... Để nắm bắt xu hướng quan trọng này, các marketer cần:


  • Xem Reels như một phần của chiến lược tiếp thị trên Facebook, chứ không chỉ là tính năng được tích hợp từ Instagram.
  • Dành một phần ngân sách để thử nghiệm quảng cáo trên Reels và tạo các nội dung video ngắn có trả phí của thương hiệu.
  • Theo dõi và cập nhật về các cơ hội quảng cáo mới trên Reels.


2. Tính năng Facebook Shop thay thế cho Livestream Shopping


Do thương mại trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội (live social commerce) không mang lại kết quả tốt tại thị trường Bắc Mỹ như kỳ vọng, Facebook đã dừng tính năng Live Shopping (cho phép người xem mua hàng trực tiếp từ livestream) vào tháng 10/2022 để tập trung phát triển Reels. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế của các doanh nghiệp đã tích lũy được khách hàng thông qua Facebook, nền tảng vẫn cung cấp tính năng bán hàng trực tiếp với Facebook Shop.


Facebook Shop là cách để Meta duy trì social commerce (thương mại xã hội) trên nền tảng của mình


eMarketer - một cơ quan dữ liệu có thẩm quyền thuộc Insider Intelligence dự đoán rằng, số lượng người mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm, và Facebook được cho là sẽ tiếp tục dẫn đầu xu hướng thương mại xã hội (social commerce) tại Mỹ ít nhất cho đến năm 2025. Do đó, các doanh nghiệp nên ưu tiên thiết lập và tối ưu hóa Facebook Shop để tận dụng xu hướng này.


Tuy không còn Live Shopping, các thương hiệu vẫn có thể phát sóng trực tiếp và bán hàng trên Facebook. Để thay thế cho những tính năng thương mại được tích hợp vào Live Shopping trước đây, doanh nghiệp có thể cung cấp cho người xem các liên kết đến trang web bán hàng bên ngoài trong suốt quá trình livestream. 


Với mục tiêu tận dụng xu hướng Facebook Shop, các marketer cần:

  • Kiểm tra và đánh giá Facebook Shop của thương hiệu nhằm đảm bảo nó đã được thiết lập để tối đa hóa doanh số bán hàng.
  • Xem xét các báo cáo bán hàng của Live Shopping để xác định những sản phẩm được yêu thích bởi người dùng Facebook, sau đó tìm cách để quảng bá những sản phẩm đó trong Reels, quảng cáo hoặc Facebook Live.


3. Meta Verified - xác minh danh tính cho toàn bộ người dùng


Tích xanh Facebook là một biểu tượng thường được hiển thị bên cạnh tên tài khoản của các nhân vật nổi tiếng, trang chính thức của nhãn hàng, tổ chức, cơ quan chính phủ... Biểu tượng tích xanh giúp người dùng dễ dàng nhận ra các trang và tài khoản đáng tin cậy đã được Facebook xác minh.


Trước đây, để có biểu tượng tích xanh, các tài khoản cá nhân/fanpage phải đạt đủ nhiều điều kiện như: có tối thiểu 10.000 lượt theo dõi, đăng bài và tương tác thường xuyên trên Facebook, không vi phạm chính sách cộng đồng… Tuy nhiên hiện nay, tất cả đối tượng người dùng trưởng thành đã có thể sở hữu tích xanh trên Facebook và Instagram với giá từ 11.99 đến 14.99 USD (tương đương 351 nghìn VND) mỗi tháng, miễn họ là người sinh sống tại một trong các quốc gia áp dụng tính năng này (bao gồm Úc, New Zealand và Mỹ). Meta Verified hiện chỉ dành cho các tài khoản cá nhân, chưa được áp dụng đối với thương hiệu. Tuy nhiên, Meta cho biết họ sẽ mở rộng tính năng này cho các doanh nghiệp trong tương lai.


Biểu tượng tích xanh đại diện cho tài khoản chính chủ, được xác minh bởi đội ngũ Facebook


Mặc dù các thương hiệu chưa thể đăng ký sử dụng Meta Verified, họ vẫn có thể tận dụng lợi ích từ nó. Tính năng này sẽ khiến việc hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn. Biểu tượng tích xanh giúp doanh nghiệp tìm và nhận biết được đâu là tài khoản chính chủ của các Influencer, tránh bị tài khoản mạo danh lừa đảo. 


Bên cạnh đó, Meta Verified cũng cho phép xác minh tài khoản của các nhân vật chủ chốt trong công ty như nhà sáng lập hoặc người phát ngôn chính của doanh nghiệp. Tính năng này sẽ giúp tài khoản được hỗ trợ trực tiếp và bảo vệ danh tính, chống giả mạo. Do đó, việc đăng ký Meta Verified cho những nhân sự quan trọng của doanh nghiệp có thể bảo vệ công ty trước những rủi ro trên mạng xã hội.


4. Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy sáng tạo và khám phá nội dung


Facebook đã đầu tư một khoản ngân sách “khủng” cho trí tuệ nhân tạo trong suốt nhiều năm qua. Vào tháng 02/2023, Mark Zuckerberg đã thông báo về những sản phẩm mới của Meta, tập trung vào công nghệ A.I để đẩy nhanh tiến độ phát triển của công ty trong lĩnh vực này. Ông đề cập đến các dự án như: công cụ sáng tạo và biểu đạt (bao gồm các tính năng chỉnh sửa hình ảnh, video, âm thanh, văn bản, sticker, emoji, hiệu ứng, bộ lọc, ảnh nền, phông chữ…), hình ảnh (bao gồm định dạng quảng cáo), trải nghiệm video và đa phương tiện.


Trong năm 2023, người dùng và các nhà tiếp thị trên Facebook sẽ tiếp tục học hỏi và thích ứng với cách sử dụng các công cụ sáng tạo nội dung được trang bị trí tuệ nhân tạo. Tuy A.I vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế nhà văn, nhiếp ảnh gia hay nhà thiết kế, nhưng nó sẽ giúp công việc của họ trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.


Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất và hiển thị nội dung phù hợp với người dùng. Giám đốc Facebook, Tom Alison, cho biết: "Trong vài năm qua, đã có một sự thay đổi khi nhiều người dùng tìm đến Facebook để giải trí hoặc tìm hiểu về những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đầu tư vào hệ thống khám phá nội dung được hỗ trợ bởi công nghệ A.I. Chúng tôi sử dụng trí tuệ nhân tạo để đề xuất tất cả các loại nội dung như Reels, hình ảnh, văn bản, các hội nhóm Facebook, video…"


Để bắt kịp xu hướng A.I trên nền tảng Facebook, các thương hiệu cần:

  • Bắt đầu thử nghiệm với các công cụ sáng tạo nội dung tích hợp A.I trên Facebook.
  • Tìm hiểu về các thuật toán Facebook và SEO để đảm bảo thương hiệu đang cung cấp đủ thông tin cần thiết cho các công cụ đề xuất nội dung của A.I, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận đến khách hàng mục tiêu thông qua trình tìm kiếm của Facebook.


5. A.I hỗ trợ xác định đối tượng mục tiêu cho chiến dịch quảng cáo


Kể từ khi iOS 14.5 ra đời, các thay đổi về quyền riêng tư và minh bạch trong bản cập nhật hệ điều hành này của Apple đã khiến việc định hướng quảng cáo trên Facebook bằng cookie trở nên khó khăn hơn. Vì thế, Facebook đã sử dụng công nghệ A.I để xác định đối tượng khách hàng tiềm năng cho các nội dung tiếp thị. Thực tế, CEO của Facebook - ông Mark Zuckerberg cho biết A.I là “trụ cột” chính trong kinh doanh quảng cáo của nền tảng này.


Với các chiến dịch mua sắm Advantage+ (chương trình được hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên viên Facebook nhằm tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo của thương hiệu), Facebook cho phép các nhà tiếp thị chọn đối tượng khách hàng mục tiêu bằng cách sử dụng công nghệ A.I. Ngoài ra, các quảng cáo Advantage+ còn sử dụng A.I để đề xuất những sản phẩm phù hợp nhất của thương hiệu cho những người có nhiều khả năng mua hàng, ngay cả khi họ chưa từng tương tác với doanh nghiệp.


Facebook đã tận dụng công nghệ A.I một cách triệt để trong việc xác định đối tượng khách hàng tiềm năng cho các chiến dịch tiếp thị của thương hiệu


6. Các nhà sáng tạo nội dung đang tìm kiếm cơ hội phát triển mới


So với Instagram hoặc TikTok, Facebook không phải là một môi trường phát triển nổi bật dành cho các nhà tạo nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nền tảng này gần đây đã có những động thái để cải thiện trải nghiệm sáng tạo trên nền tảng của mình. Vào tháng 10/2022, Facebook đã mở chế độ chuyên nghiệp (professional mode) cho hồ sơ của tất cả người dùng. Chế độ này bao gồm các công cụ sản xuất nội dung và những cơ hội để content creator tạo ra lợi nhuận trên Facebook, bao gồm:


  • Reels Play (chỉ dành cho nhà tạo nội dung tại Mỹ) để kiếm tiền từ Reels.
  • Chương trình Stars cho phép người xem mua Stars (có thể chuyển đổi thành tiền mặt) để ủng hộ các video và livestream của content creator yêu thích.
  • Áp dụng in-stream ads (quảng cáo xuất hiện trong nội dung video trên các nền tảng mạng xã hội, mang lại lợi nhuận dựa trên số lượng người xem).
  • Tính năng đăng ký theo dõi.


Với chế độ chuyên nghiệp của Facebook, các content creator sẽ được hỗ trợ để sáng tạo nội dung và kiếm tiền từ nền tảng này


Báo cáo Social Trends 2023 của Hootsuite đã dự đoán rằng, năm nay là thời điểm tốt để các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung. Bởi lẽ, các thương hiệu lớn đang cắt bỏ ngân sách tiếp thị dành cho Influencer, khiến mức độ cạnh tranh trong việc tìm kiếm những nhà sáng tạo nội dung tiềm năng giảm xuống. Facebook sẽ trở thành một nền tảng hữu hiệu để các thương hiệu nhỏ làm việc với Influencer. Tuy các nhà sáng tạo nội dung sử dụng nền tảng Facebook (thay vì Instagram hoặc TikTok) sở hữu lượng người theo dõi ít hơn, nhưng họ sẽ chấp nhận một mức chi phí hợp tác vừa phải, giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách tiếp thị.


Nhằm tận dụng cơ hội tiếp thị thông qua Influencer trên nền tảng Facebook, các marketer cần:

  • Nghiên cứu các nhà sáng tạo nội dung tiềm năng để hợp tác, quan sát và lắng nghe các thông tin trên mạng xã hội để tìm kiếm những influencer liên quan đến lĩnh vực của thương hiệu.
  • Liên hệ với các đối tác sáng tạo tiềm năng.


7. Chatbot sẽ đảm nhận công việc chăm sóc khách hàng trực tuyến


Theo Mark Zuckerberg, Meta hiện đang phát triển một chatbot A.I có khả năng tương tác và giao tiếp. Theo khảo sát Social Trends 2023 của Hootsuite, chỉ 26% doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội làm kênh chăm sóc khách hàng, thông qua sự hỗ trợ của chatbot. Do đó, đây là một cơ hội lớn cho các thương hiệu thể hiện sự cải tiến và vượt lên xu hướng.


Trước đó, chatbot của Facebook đã có thể giải đáp những yêu cầu cơ bản nhất của khách hàng. Tuy nhiên, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo đang đưa khả năng của chúng lên một tầm cao mới, cho phép giải quyết các cuộc trò chuyện chăm sóc khách hàng phức tạp hơn, từ đó giảm tải công việc cho đội ngũ chăm sóc khách hàng. Với chatbot A.I, khách hàng sẽ không phải chờ đến giờ hành chính để được hỗ trợ giải đáp những thắc mắc cơ bản như vị trí đơn hàng, cách giải quyết các vấn đề dịch vụ thông thường,...


Để tận dụng xu hướng chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo, các marketer cần:

  • Tìm hiểu về lợi ích của chatbot A.I nói chung và chatbot Facebook nói riêng.
  • Nếu doanh nghiệp chưa sử dụng Messenger của Facebook cho dịch vụ chăm sóc khách hàng, hãy đặt mục tiêu triển khai trong năm nay.
  • Khảo sát các công cụ chatbot A.I đã được tích hợp với Facebook, chẳng hạn như Heyday - một phần mềm chatbot tích hợp với các nền tảng mạng xã hội, giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng thông qua tính năng trò chuyện tự động. 


8. A.I hỗ trợ đề xuất các hội nhóm và cộng đồng trên Facebook 


Hiện nay, hệ thống đề xuất nội dung tích hợp trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu giới thiệu cho người dùng các hội nhóm và cộng đồng trên Facebook. Những đề xuất này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như trang chủ, thông báo, video hoặc sự kiện... Các hội nhóm sẽ được đề xuất dựa trên thông tin địa lý, nhân khẩu học và sở thích của người dùng trên Facebook.


Trí tuệ nhân tạo sẽ tự động đề xuất những nhóm, cộng đồng Facebook phù hợp với sở thích của người dùng


Các doanh nghiệp có thể nắm bắt xu hướng này bằng cách tạo lập hoặc tham gia những hội nhóm Facebook, nhằm tương tác với những người dùng liên quan đến thương hiệu. Các nhóm này không phải là nơi để tập trung vào việc bán hàng, mà là một phương tiện quan trọng để xây dựng cộng đồng và lòng trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Các marketer cần cung cấp nguồn tài nguyên hữu ích và cơ hội để người dùng tương tác với những nhân vật, nội dung liên quan đến thương hiệu.


Để tận dụng cơ hội từ các hội nhóm Facebook, các marketer cần:

  • Tham gia các hội nhóm liên quan trong lĩnh vực của thương hiệu và tìm cơ hội để đóng góp nội dung một cách hữu ích mà không tập trung vào việc bán hàng.
  • Xem xét tạo nhóm Facebook riêng của thương hiệu để kết nối với những khách hàng trung thành.


Theo Hootsuite

Phương Anh