Trước sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ và thay đổi trong nền kinh tế, việc hiểu và thích nghi với những xu hướng mới là điều hết sức quan trọng để thành công trong mùa lễ hội cuối năm 2023 – 2024. Vì vậy, hãy cùng anh Khiêm Quách – Associate Media Director của PMAX khám phá những ngành hàng tiềm năng trong thời gian tới và các xu hướng trên nền tảng digital cho mùa lễ hội năm nay.


Ngành hàng tiềm năng trong mùa lễ hội 2023 – 2024?


Mặc dù người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm thận trọng trong tình hình kinh tế biến động của năm 2023, những sản phẩm thuộc ngành hàng thiết yếu sẽ không có dấu hiệu giảm. Bởi vì đây là những sản phẩm cần thiết cho người tiêu dùng và họ bắt buộc phải mua để chuẩn bị cho dịp lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm.


Ngoài ra, những ngành hàng có xu hướng phát triển mạnh trong mùa lễ hội là ngành hàng gia dụng, làm đẹp và thời trang. Vì tâm lý chung của người tiêu dùng sẽ muốn sắm sửa đồ mới vào dịp Tết, đồ dùng gia dụng, mỹ phẩm và áo quần mới sẽ luôn xuất hiện đầu tiên trong danh sách mua sắm dịp này, nên nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng trong ngành hàng này sẽ có khuynh hướng tăng mạnh vào mùa lễ hội cuối năm nay.

Thống kê nhu cầu mua sắm và tiêu thụ của ngành hàng FMCG trên kênh online năm 2022. - Nguồn: Kantar


Xu hướng Marketing trên nền tảng Digital là gì?


Hình thức mua sắm trực tuyến trong năm nay sẽ có nhiều điểm khác biệt so với năm trước. Nếu năm trước mức doanh thu tăng trưởng đáng kể trên các sàn thương mại điện tử, năm nay – với sự xuất hiện của TikTok Shop – sẽ tạo nên một bước đột phá lớn trong việc tiếp cận và nâng cao mức doanh thu của các thương hiệu. Đây là một trong những giải pháp gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu và doanh thu cuối năm hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thống kê sự tăng trưởng của nhu cầu mua sắm online theo từng năm - Nguồn: Kantar


Không những thế, các thương hiệu phát triển theo hướng Social Commerce và Livestream sẽ có khuynh hướng tăng trưởng doanh thu khá mạnh mẽ thông qua việc tiếp cận – trao đổi – mua sắm với khách hàng bằng tin nhắn. Lúc này, người tiêu dùng sẽ có rất nhiều lựa chọn mua sắm trực tuyến, thay vì năm trước chỉ có Shopee, Lazada, Tiki, v.v… Khi hình thức bán hàng thông qua livestream kết hợp với influencer trở nên phổ biến, người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng muốn trải nghiệm các sản phẩm mới, đi theo xu hướng mới dựa trên những gì được lan tỏa bởi influencer. Ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế sẽ khiến người tiêu dùng sẵn sàng tìm kiếm những sản phẩm với giá rẻ hơn và độc – lạ hơn để thử nghiệm.

Những nguồn động lực tác động đến niềm tin của người tiêu dùng - Nguồn: MMA


Ngoài ra, thời điểm hiện tại đang tiềm ẩn cơ hội chưa được khai thác nhiều, chính là tiếp cận người tiêu dùng qua tin nhắn (Business Messaging). Trước đây, doanh nghiệp sẽ thu leads (thông tin của người tiêu dùng) bằng cách dẫn họ về website. Tuy nhiên, việc bị quấy rối thông qua các cuộc gọi sau khi điền thông tin đã khiến nhiều người tiêu dùng e ngại trước cách tiếp cận này. Họ sẵn sàng từ chối một thương hiệu nếu thương hiệu đấy yêu cầu họ nhập thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, email, v.v…). Lúc này, Business Messaging nổi lên như một giải pháp đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng: vừa giúp doanh nghiệp hiểu về người tiêu dùng thông qua tin nhắn, trao đổi thường xuyên; vừa giúp người tiêu dùng thoải mái và an toàn hơn khi thông tin được bảo mật tốt hơn.

Thống kê các lĩnh vực ứng dụng Business Messaging - Nguồn: Meta


Có nên đẩy mạnh đầu tư vào các chiến dịch Digital Marketing cho mùa lễ hội năm nay?


Hiện tại doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn cơ hội. Từ giai đoạn đầu năm đến giờ, tình hình kinh tế đã gây suy giảm doanh thu của doanh nghiệp khá nhiều. Nếu vào năm trước, các doanh nghiệp đã tận dụng giai đoạn này để khởi động và đẩy mạnh các chiến dịch marketing, đến năm nay, nhiều doanh nghiệp hiện đang hạn chế việc truyền thông cho sản phẩm/dịch vụ để duy trì nguồn tài chính ở mức an toàn. Điều này đang phản ánh hai tình trạng chính của doanh nghiệp:


Nguồn tài chính đang ở mức giới hạn để đầu tư cho các hoạt động marketing.

Dù nguồn tài chính dư dả nhưng doanh nghiệp vẫn chưa xác định mức doanh thu có thể đạt được với mức chi phí đầu tư marketing.


Hai nguyên nhân này đã khiến nhiều doanh nghiệp chần chừ khi ra quyết định đầu tư vào hoạt động marketing. Tuy nhiên, cơ hội cũng được sinh ra chính trong thời điểm này: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phòng thủ và hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp nào mạnh tay đầu tư sẽ chiếm thế chủ động và khả năng dẫn đầu thị trường cao hơn. Vì vậy, có thể xem thời kỳ suy thoái kinh tế chính là cơ hội để doanh nghiệp đánh chiếm thị trường và giành lấy mức thị phần cao hơn.


Nếu tiềm lực và nguồn tài chính của doanh nghiệp đang giới hạn, doanh nghiệp có thể lựa chọn chiến lược phòng thủ để hạn chế chi tiêu và bảo toàn nguồn tài chính trong mức an toàn. Doanh nghiệp vẫn có thể triển khai các chiến dịch marketing nhưng sẽ có yêu cầu khắt khe hơn và chọn lọc cẩn thận hơn để tìm ra giải pháp marketing chắc chắn có thể mang đến mức doanh thu đạt yêu cầu.


Đối với doanh nghiệp đang có nguồn tài chính ổn định, đây là “thời điểm vàng” để mạnh tay đầu tư cho các hoạt động quảng bá hình ảnh và giá trị thương hiệu. Vào giai đoạn này, phần lớn doanh nghiệp không phát sinh nhu cầu tăng nhận diện thương hiệu (cầu ít hơn cung), mức chi phí chung cho các hoạt động marketing giảm. Lúc này, doanh nghiệp nào có tiềm lực tài chính mạnh hơn có thể tận dụng sự sụt giảm trong chi phí marketing để phát triển hình ảnh thương hiệu. Chiến lược này đóng vai trò tạo đà cho sự phát triển và tăng trưởng lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai.


Tác giả: Khiêm Quách – Associate Media Director | PMAX