TOPICAL AUTHORITY LÀ GÌ?


Topical Authority là một khái niệm SEO ám chỉ độ tin cậy, sức mạnh và tính thẩm quyền của một website trong một ngành hoặc một lĩnh vực nào đó.


Topical Authority của một website càng cao, các trang web của nó càng dễ lên Top đối với các từ khóa có liên quan.


Lưu ý:

  • Topical Authority khác với các chỉ số Domain Authority (DA) hay Domain Rating (DR), và các chỉ số này thường được sử dụng cùng nhau để phân tích chất lượng của một website.
  • Topical Authority phản ánh mức độ tập trung của website đối với một chủ đề được xác định trước, do đó một website sở hữu nhiều lưu lượng truy cập chưa chắc đã có chỉ số Topical Authority cao.


TOPICAL AUTHORITY CÓ PHẢI YẾU TỐ XẾP HẠNG CỦA GOOGLE KHÔNG?


Không, Topical Authority không phải yếu tố xếp hạng của Google, hoặc ít nhất, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy điều đó.


Trong tài liệu Search Quality Evaluator Guidelines của mình, Google nhiều lần ám chỉ Topical Authority là một trong những tín hiệu của EEAT, tuy nhiên, khi giới thiệu về bộ tiêu chuẩn Double-EAT, Google cũng nói rằng EEAT không được sử dụng trong thuật toán xếp hạng trang.

Bên cạnh đó, Google cũng chưa bao giờ chính thức xác nhận rằng Topical Authority là yếu tố xếp hạng của mình trên bất kỳ kênh thông tin nào.


Mặc dù vậy, nếu bạn muốn cải thiện chất lượng của một website, chắc chắn bạn cần quan tâm đến cách xác định Topical Authority cũng như làm thế nào để ứng dụng chỉ số này.


CÁCH XÁC ĐỊNH TOPICAL AUTHORITY CỦA WEBSITE


Hiện nay, chưa có bất kỳ công thức chuẩn xác nào để tính toán chỉ số Topical Authority, do đó, hai phương pháp hiệu quả nhất để xác định Topical Authority của một website gồm có: 1) Thu thập và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, và 2) Dựa vào lưu lượng truy cập mà website đó nhận được thông qua những từ khóa có liên quan mà nó được xếp hạng.


Theo tôi, phương pháp 2 dễ thực hiện và mang lại tính chính xác cao hơn so với phương pháp 1, do đó, tôi đã áp dụng phương pháp này cho các công việc SEO của mình.


Ví dụ, dưới đây là cách mà tôi sử dụng để đo lường chỉ số Topical Authority của website Hubspot.com:

  • Bước 1: Sử dụng một công cụ phân tích SEO như Ahrefs, SEMRush hay Ubersuggest để lập danh sách tổng hợp các từ khóa mà website đó đang được xếp hạng. Chẳng hạn, theo số liệu của công cụ Ubersuggest, trung bình hàng tháng Hubspot đang nhận được khoảng 1.1 triệu lượt truy cập.
  • Bước 2: Sử dụng bộ lọc để tải danh sách các từ khóa kèm lưu lượng truy cập ước tính theo từng từ khóa.
  • Bước 3: Lọc ra những từ khóa có liên quan đến chủ đề, sau đó tính tổng lưu lượng mà website nhận được thông qua các từ khóa đó. Đối với Hubspot, tôi ước tính được có khoảng gần 86 ngàn lượt truy cập hàng tháng thông qua các từ khóa chứa cụm từ “Marketing“.
  • Bước 4: Tính tỷ lệ % lưu lượng truy cập thông qua các từ khóa này trên tổng số lưu lượng truy cập của website. Trong trường hợp của Hubspot, tỷ lệ % này tương đương khoảng
  • 7.8%, và đây cũng chính là chỉ số Topical Authority của Hubspot đối với chủ đề Marketing.

Lưu ý, phương pháp này có nhược điểm chính là việc số liệu thống kê của các công cụ SEO chỉ mang tính tương đối và có sự sai lệch khá nhiều so với thực tế, bên cạnh đó, có thể có một số từ đồng nghĩa với chủ đề đang được tìm kiếm mà bạn chưa thống kê, VD: “Digital Marketing” và “Tiếp thị trực tuyến” hay “Tiếp thị kỹ thuật số” là những từ đồng nghĩa với nhau.


TOPICAL AUTHORITY DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?


Dưới đây là hai ứng dụng tốt nhất của chỉ số Topical Authority:


1. So Sánh Với Đối Thủ Cạnh Tranh Về Tính Thẩm Quyền, Độ Tin Cậy Và Uy Tín Theo Chủ Đề Nhất Định


Những người làm SEO tin rằng các chỉ số DA hay DR là đại diện cho độ tin cậy và uy tín, nhưng điều đó là chưa đủ đối với Google, và Topical Authority mới thực sự là một trong những điều kiện đủ để khẳng định sức mạnh thẩm quyền của một website đối với chủ đề đang được nói đến.


Bằng cách đánh giá chỉ số Topical Authority và so sánh chúng với các đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ xác định được yếu tố thẩm quyền của mình đang ở mức cao hay thấp, từ đó có kế hoạch điều chỉnh chiến lược SEO sao cho phù hợp.


2. Tính Chỉ Số Backlink Quality Rating


Một ứng dụng quan trọng nhất của chỉ số Topical Authority chính là dùng để xác định điểm chất lượng backlink của một website (hay còn gọi là chỉ số Backlink Quality Rating).


Nếu bạn chưa từng nghe qua về chỉ số Backlink Quality Rating, thì đây là một khái niệm SEO đề cập đến tính hiệu quả mà backlink từ một webiste bất kỳ có thể mang lại cho bạn trang web của bạn.


Nói cách khác, nếu trang web của bạn nhận được một liên kết từ website có chỉ số Backlink Quality Rating ở mức cao, backlink đó càng có giá trị.


Vậy chỉ số chất lượng backlink và điểm Topical Authority có liên quan gì với nhau?


Topical Authority là một yếu tố có tác động tích cực đến điểm chất lượng backlink, điều này nghĩa là việc cải thiện điểm Topical Authority sẽ giúp làm tăng chỉ số chất lượng backlink.

Nhờ đó, bạn có thể sử dụng chỉ số Backlink Quality Rating để so sánh hai website với nhau, và tìm kiếm giải pháp phù hợp để đặt backlink trên website có chỉ số cao hơn.


LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN CHỈ SỐ TOPICAL AUTHORITY?


Dựa vào cách tính chỉ số Topical Authority nói trên, bạn cũng sẽ dễ dàng hình dung được một trong những phương pháp tốt nhất để cải thiện chỉ số này chính là tăng cường số lượng trang web được xếp hạng cao trên Google có liên quan đến chủ đề mà bạn muốn nhắm đến.


Như vậy, có 4 công việc mà bạn cần làm như sau:

  • Nghiên cứu chủ đề, tìm kiếm mọi khía cạnh có liên quan đến chủ đề mà bạn đang muốn xây dựng tính thẩm quyền.
  • Sắp xếp dữ liệu theo các nhóm chủ đề (topic cluster).
  • Sáng tạo nội dung cho từng chủ đề sao cho phù hợp với mục đích tìm kiếm của khách hàng mục tiêu.
  • Xây dựng liên kết nội bộ và backlink có liên quan đến nội dung mà bạn đang nhắm đến.


TÓM LẠI VỀ TOPICAL AUTHORITY


Như vậy, bạn đã tìm hiểu khá nhiều thông tin quan trọng liên quan đến sức mạnh thẩm quyền theo chủ đề (hay còn gọi là Topical Authority), từ khái niệm, cách đo lường, các ứng dụng và phương pháp nâng cao tính thẩm quyền của một website đối với một chủ đề nào đó.


Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về Topical Authority, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

(Nguồn: Ychoc.com)