Từ câu chuyện màu chủ đạo của các công ty lớn, ta có thể thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn màu sắc đến thành công của thương hiệu. Nhưng “Đâu là cách phối màu chuẩn xác và giúp thương hiệu nổi bật giữa vô số nhãn hàng trên thị trường?”  


Cùng Advertising Vietnam đi tìm câu trả lời thông qua 4 bước chọn màu thương hiệu đơn giản nhưng vô cùng hữu ích dưới đây.


4 bước chọn màu chủ đạo cho thương hiệu


BƯỚC 1: Hiểu ý nghĩa của màu sắc


Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa thú vị. Dưới đây là bản tóm tắt nhanh để cung cấp cho doanh nghiệp ý tưởng sơ bộ:


  • Màu đỏ liên quan đến nguy hiểm, phấn khích và năng lượng. Đây cũng là màu của tình yêu và niềm đam mê.


  • Màu hồng là nữ tính, tình cảm và lãng mạn. Với mỗi sắc thái khác nhau, màu hồng mang đến một ý nghĩa riêng biệt. Ví dụ như màu hồng sáng thể hiện sự trẻ trung và táo bạo.


  • Màu cam cho thấy sự tươi tắn và tràn đầy sức sống. Bên cạnh đó, màu cam cũng mang ý nghĩa sáng tạo, mạo hiểm và có liên quan đến việc tiết kiệm chi phí.


  • Màu vàng là lạc quan, vui tươi và hạnh phúc.


  • Màu xanh lá cây tượng trưng cho thiên nhiên, thường được sử dụng để thể hiện tính bền vững. Ngoài ra, màu xanh cũng cho thấy sự uy tín và giàu có.


Các nhà khoa học thường dựa vào tâm lý học màu sắc để nghiên cứu cách màu sắc ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi

của con người


  • Màu xanh lam là đáng tin cậy.


  • Màu tím là hoàng gia và uy nghiêm, hoặc có thể là tâm linh và bí ẩn.


  • Màu nâu là trung thực, thường được sử dụng cho các sản phẩm hữu cơ lành mạnh.


  • Màu trắng là tinh khiết, truyền tải sự đơn giản, ngây thơ và thường mang lại cảm giác tối giản.


  • Màu đen vừa tinh tế vừa thanh lịch, nhưng trong một số trường hợp cũng thể hiện nỗi buồn.


Trên đây là 10 màu cơ bản nhất mà doanh nghiệp có thể tham khảo để hình dung sơ bộ về hình ảnh thương hiệu của mình. 


BƯỚC 2: Xác định bản chất thương hiệu


Khi chọn màu đỏ rực rỡ cho Virgin Group, tỷ phú Richard Branson đã xác định màu sắc này sẽ khuyến khích khách hàng mạnh dạn và tự tin để sử dụng các sản phẩm của hãng. Vì vậy, doanh nghiệp nên chọn những màu sắc phản chiếu điều thương hiệu muốn thể hiện.


Tỷ phú Richard Branson đã chọn màu đỏ để thể hiện thông điệp mà Virgin Group muốn gửi đến khách hàng


Doanh nghiệp nên trả lời một số câu hỏi cơ bản để hiểu được bản chất thương hiệu:


  • Mục tiêu thương hiệu là gì? Doanh nghiệp muốn khách hàng hạnh phúc, cảm thấy giàu có hay muốn cung cấp họ nhiều thông tin?


  • Cảm giác thương hiệu muốn mang đến cho khách hàng là gì? Doanh nghiệp muốn khách hàng của mình cảm thấy tích cực, tự tin hay thông minh?


  • Đặc điểm của thương hiệu là gì? Vui vẻ, nghiêm túc hay truyền cảm hứng?


Khi trả lời được ba câu hỏi trên, doanh nghiệp sẽ hiểu bản chất thương hiệu, qua đó rút ngắn khoảng cách với khách hàng bằng bảng màu phù hợp. Giả sử, một doanh nghiệp bán sản phẩm hữu cơ với mong muốn tôn vinh cái đẹp thì có thể phối màu vàng với màu nâu để truyền tải thông điệp của thương hiệu.


Bảng phân tích bản chất thương hiệu của hãng bia Guinness


BƯỚC 3: Xem xét màu sắc thương hiệu của đối thủ cạnh tranh


Màu sắc thương hiệu phải nổi bật hoặc dễ nhận biết để không bị chìm giữa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, vì tính chất sản phẩm giống nhau nên màu sắc của thương hiệu đôi khi bị trùng với các đối thủ trên thị trường. Ví dụ như kem chống nắng thường có màu vàng hoặc các công ty công nghệ thường có màu xanh. 


Để tránh trường hợp trên, doanh nghiệp nên nghĩ về một điều khác biệt mà thương hiệu hay sản phẩm mang lại. Chẳng hạn kem chống nắng có thể bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời nhưng nếu nó được sản xuất bền vững, doanh nghiệp có thể chọn màu xanh lá cây thay cho màu vàng. Doanh nghiệp nên tạo một bảng tổng hợp màu của các đối thủ cạnh tranh để xác định màu sắc nổi bật nhất.


Các loại kem chống nắng trên thị trường hiện nay có nhiều hình dáng và màu sắc đa dạng để khác biệt với đối thủ cạnh tranh


BƯỚC 4: Tạo bảng màu thương hiệu


Cuối cùng là dùng màu sắc để vẽ nên câu chuyện của doanh nghiệp. Điều kiện cần lúc này là hiểu về các loại màu, xem xét ngữ cảnh và chọn màu phù hợp. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về màu sắc.


Thông tin cơ bản về màu sắc


Color Hue 

Là các biến thể của các màu cơ bản là đỏ, vàng và xanh lam. Đây là ba màu có thể tạo ra bất kỳ màu nào khác, tùy thuộc vào cách chúng được pha trộn.


Color Shade 

Là thêm màu đen vào một màu bất kỳ để tạo bóng.


Color Tint

Là phiên bản màu trắng của Color Shade, thay vì thêm màu đen, ta thêm màu trắng để làm cho màu gốc sáng hơn.


Color Tone 

Là thay đổi giao diện của một màu sắc bằng cách thêm cả màu đen và trắng.


Mã màu


Ba mã màu thường được sử dụng trong thiết kế


Có ba mã màu doanh nghiệp cần biết để đảm bảo màu sắc thương hiệu có thể được sao chép chính xác ở bất kỳ phiên bản nào. Doanh nghiệp không cần hiểu hoàn toàn các mã này nhưng cần biết nên dùng mã màu nào cho từng trường hợp khác nhau.


  • CMYK và PMS: CMYK là viết tắt của Cyan, Magenta, Yellow và Key (đen) trong khi PMS là viết tắt của Pantone Matching System. Chúng được sử dụng khi in ấn phẩm.


  • RGB và HEX: RGB là viết tắt của Red, Green, Blue trong khi HEX là viết tắt của Hexadecimal Numeral System. Chúng chủ yếu được sử dụng cho những ấn phẩm trong trang web, email,...


Bảng màu thương hiệu

Hầu hết các nhãn hiệu đều có nhiều hơn một màu. Doanh nghiệp nên kết hợp nhiều màu sắc hài hòa để tạo bảng màu thương hiệu. 


Bảng màu thương hiệu của Microsoft


Màu thương hiệu sẽ xuất hiện ở đâu?


Sau khi hoàn thành nghiên cứu, tìm ra màu sắc của thương hiệu và tạo ra một bảng màu phù hợp, giờ là lúc đưa chúng vào hoạt động. Dưới đây là một số nơi mà màu sắc thương hiệu có thể xuất hiện:


  • Logo
  • Trang web và email
  • Truyền thông xã hội
  • Quảng cáo
  • Trong cửa hàng
  • Văn phòng phẩm
  • Đồng phục nhân viên
  • Sự kiện


Hãng bia Heineken luôn xuất hiện với màu xanh nguyên bản

trong các ấn phẩm truyền thông


Hãy đảm bảo rằng các màu đã chọn sẽ mang lại hiệu ứng mong muốn và hoạt động theo nhiều cách khác nhau trên tất cả các mặt trận tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp.


Tạo nguyên tắc thương hiệu


Nguyên tắc thương hiệu là một cuốn sách ghi chú các quy tắc về cách thương hiệu xuất hiện tại các cửa hàng hoặc bất kỳ nơi nào. Những ghi chú này sẽ mang lại tính nhất quán, duy trì một bản sắc thương hiệu mạnh và giúp khách hàng dễ nhận biết thương hiệu.


Phần quan trọng nhất của các nguyên tắc thương hiệu lưu giữ hồ sơ về màu sắc thương hiệu ở tất cả các định dạng như mã màu CMYK và PMS đối với bản in và mã màu RGB và HEX cho ấn phẩm kỹ thuật số.


Một số phần bổ sung doanh nghiệp có thể đưa vào nguyên tắc thương hiệu bao gồm:

  • Tổng quan về thương hiệu: Lịch sử, sứ mệnh và bản chất của thương hiệu.
  • Thông điệp doanh nghiệp muốn truyền đạt.
  • Thông tin về logo: Kích thước hoặc vị trí của logo trên sản phẩm.
  • Bảng màu: PMS, CMYK, RGB và HEX.
  • Kiểu chữ hoặc phông chữ: dùng trong email, in ấn hoặc các trang web.
  • Các kiểu hình ảnh: Những bức ảnh có thể sử dụng cho các ấn phẩm, các mặt trận truyền thông.
  • Các phong cách thiết kế có thể sử dụng.


Hướng dẫn về thiết kế logo của Facebook


Bộ nguyên tắc thương hiệu đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp lưu lại toàn bộ thông tin cần thiết, giúp tiết kiệm thời gian khi thiết kế và đảm bảo tính nhất quán trong mọi ấn phẩm truyền thông.


Kết lại


Trên đây là 4 bước chọn màu và một số lưu ý về màu sắc thương hiệu cho các doanh nghiệp. Mong rằng doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để tạo một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn và thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.


Theo Canva

Linh Hà | Advertising Vietnam