Menu là chìa khóa quyết định đến sự thành công của việc kinh doanh nhà hàng. Một menu được thiết kế đẹp mắt, thu hút và ấn tượng không những thể hiện được phong cách ăn uống của nhà hàng, mà còn giúp tăng khả năng gọi món, thúc đẩy phát triển thương hiệu của nhà hàng.


Đặc biệt, những yếu tố tâm lý được sử dụng trong thực đơn góp phần quan trọng trong việc ra quyết định của thực khách. Cùng khám phá 10 chiến thuật tâm lý trong thiết kế Menu nhà hàng dưới đây: 

  

1. Ấn tượng đầu tiên


Đa số thực khách khi đọc menu nhà hàng, họ thường có xu hướng lướt qua thay vì ngồi nghiền ngẫm cả menu. Khoảng thời gian đó chỉ kéo dài trong vòng 109 giây, tuy ngắn ngủi nhưng lại có tác động vô cùng lớn.



Bên cạnh việc thiết kế menu với các mục rõ ràng, tiêu đề món ăn dễ tìm và hình ảnh minh họa trực quan, chúng ta cũng cần cân nhắc xem mục nào, món nào sẽ được để nơi mọi người nhìn thấy đầu tiên trong 109 giây. Thông thường, với các thực đơn được sắp xếp theo chiều dọc, khách hàng sẽ bị thu hút bởi món đầu tiên và món cuối cùng. Điều này giải thích lí do tại sao các món ăn nằm ở vị trí này thường sẽ bán chạy nhất.


2. Điểm hấp dẫn thị giác


Con mắt của khách hàng có xu hướng tập trung vào các điểm nhất định trên menu. Nơi có khả năng nhận được sự chú ý đầu tiên là góc trên bên phải của menu, được gọi là “điểm hấp dẫn”. 



Do đó, nhiều nhà hàng thường đặt những món ăn mà họ muốn bán nhất, thường là món đắt tiền ở vị trí này. Có thể làm nổi bật bằng hình ảnh hay tạo điểm nhấn với chữ (kiểu chữ lớn, đậm) để thu hút ánh nhìn về phía điểm hấp dẫn. 


3. Nam châm hút mắt


“Nam châm hút mắt” là bất cứ thứ gì thu hút mắt nhìn. Trong thiết kế menu nhà hàng, nam châm hút mắt là làm nổi bật những món ăn mà nhà hàng muốn. Các điểm nam châm hút mắt có thể là hình ảnh chụp món ăn, đồ họa, hình minh họa, khung, đổ bóng, đường viền,... Các yếu tố này không những thu hút sự chú ý đến các mục nhất định trong menu, mà còn giúp điều hướng di chuyển của mắt.



Tuy nhiên, việc nhồi nhét quá nhiều nam châm hút mắt sẽ khiến menu trở nên rối rắm và không có điểm nhấn. Chúng ta nên có sự tính toán để giới hạn các mục được đánh dấu. Chẳng hạn, trong thực đơn tráng miệng chỉ có một món được đánh dấu để làm nổi bật nhất, hay chỉ đánh dấu tên đầu mục các nhóm như: món khai vị, món tráng miệng,...


4. Màu sắc và cảm xúc


Màu sắc có thể ảnh hướng tới sự ngon miệng và kích thích cảm giác thèm ăn của con người, tiêu biểu có thể kể đến là màu đỏ và màu xanh lam. Chính vì vậy, trong thiết kế nhà hàng, màu sắc cũng có thể giúp chúng ta tác động đến cảm xúc của khách hàng.



Màu đỏ làm tăng huyết áp, nhịp tim và kích thích cảm giác thèm ăn, khiến chúng ta cảm thấy đói hơn. Do đó, chúng ta có thể sử dụng màu đỏ để tạo điểm nhấn với các món chính. Còn với món phụ, món tráng miệng, chúng ta có thể làm nổi bật bằng màu xanh lam. Màu xanh lam không những kích thích cảm giác thèm ăn, mà còn mang lại cảm giác hạnh phúc, vô tư, không lo nghĩ. 


5. Tối giản hình ảnh


Chắc hẳn khi nhắc tới những cuốn menu nhà hàng, mọi người thường nghĩ ngay đến thực đơn với nhiều hình ảnh bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, họa tiết sinh động,... Thế nhưng, thời gian gần đây, xu hướng thiết kế menu tối giản lại được ưa chuộng hơn cả. Sự đơn giản nhưng không đơn điệu khiến những mẫu menu nhà hàng trở nên sang trọng, tinh tế và phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn. 



Thay vì sử dụng quá nhiều hình ảnh, chúng ta có thể giới hạn ảnh ở một vài danh mục. Sử dụng ít hình ảnh nhưng sử dụng hình ảnh chất lượng, làm cho một món ăn trong thực đơn hấp dẫn nhất có thể. Ngoài ra, có thể thay thế hình ảnh bằng những hình vẽ minh họa đơn giản tùy theo phong cách thiết kế giống như cách các nhà hàng cao cấp thường làm. 


Ví dụ: Với menu của nhà hàng kinh doanh pizza, có thể sử dụng hình vẽ nhỏ minh họa miếng pizza cho mỗi danh mục. 


6. Từ ngữ mô tả


Một món ăn ngon sẽ quyết định việc khách hàng có tiếp tục ghé lại hay không, còn một nội dung, thông tin hấp dẫn sẽ là căn cứ để khách hàng đưa ra quyết định gọi món. 



Những món ăn được mô tả, diễn đạt bằng những từ ngữ gợi cảm giác hấp dẫn, ngon miệng sẽ thu hút vị giác của thực khách mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như giữa “thăn hải sản Ý mọng nước” và “thăn hải sản”, bạn thấy cách mô tả nào khiến chúng ta cảm thấy ngon hơn và có khả năng thuyết phục khách hàng cao hơn? Chắc chắn là cách đầu tiên phải không.


Một số từ mô tả món ăn thông qua cảm quan thường được các nhà hàng sử dụng trong menu như “mềm”, “mọng nước”, thuật ngữ văn hóa/địa lý như “Hà Nội”, “Sài Gòn”, “Mỹ” và “Ý” và các thuật ngữ hoài cổ như “gia truyền”, “truyền thống”,... Hay những từ ngữ mô tả thành phần, quy trình có thể kể đến như “giòn”, “om bia”, “ủ khô 28 ngày”,...


7. Gợi kỉ niệm về gia đình, truyền thống


Chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ gì với những món ăn kỉ niệm về gia đình, truyền thống như: cơm mẹ nấu, phở gia truyền, cơm sườn Bà Ngoại, Bún Mắm Nêm “Bếp Huế”, Trâu gác bếp Điện Biên,... Đây chính là sức mạnh gợi lên sự hoài niệm trong những cuốn menu. Điều này gợi đến cho thực khách về những kỉ niệm đẹp trong quá khứ. Hoặc nó có thể liên quan đến việc nhân cách hóa một món ăn có liên quan đến đầu bếp, chủ nhà hàng hoặc nguồn gốc của công thức nấu ăn.



Điều này khiến cho cuốn menu trở nên thân thiết và gần gũi với thực khách hơn bao giờ hết. Không những khiến khách hàng vừa cảm thấy khách hàng hài lòng khi dùng bữa, mà còn tạo thiện cảm, khiến họ cảm thấy yêu thích nhà hàng hơn. Còn gì hoài niệm hơn khi xa nhà, xa quê, nhưng vẫn có cảm giác thân thiện, gần gũi và ấm cúng. Đây là một trong những cách tác động vào cảm xúc của khách hàng vô cùng hiệu quả khi thiết kế menu.


8. Không sử dụng ký hiệu tiền tệ


Định giá là một trong những giai đoạn khó nhất khi thiết kế menu. Bởi, việc tạo ra một thực đơn phù hợp, đảm bảo được sự cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận và không làm khách hàng sợ hãi là một điều không hề dễ dàng. Do đó, nhiều nhà hàng đã loại bỏ khí hiệu tiền tệ ra khỏi menu. Bởi, “nỗi đau” liên quan đến việc tiêu tiền có thể khiến khách hàng chọn món trong thực đơn chỉ dựa trên giá cả thay vì dựa trên thành phần, chất lượng hoặc miêu tả hấp dẫn của món ăn. 



Theo đó, việc bỏ đi các ký hiệu tiền tệ trong menu sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy đang được giảm giá. Chẳng hạn, với mệnh giá 95.000 VNĐ, chúng ta có thể để trong menu là 95. Ngoài ra, một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khách sạn cũng chỉ ra rằng mọi người chi tiêu nhiều hơn rất nhiều tại các nhà hàng có thực đơn loại bỏ ký hiệu tiền tệ ra khỏi menu. 


9. “Chôn giá” hoặc “Chim mồi”


Việc đặt giá của món ăn theo một cột trên menu có thể khiến khách hàng tập trung vào giá cả thay vì chất lượng món ăn. Điều này có thể khiến họ chọn món rẻ nhất trong cột đó. Nhiều nhà hàng đã “chôn giá” bằng cách để giá cá ở sau phần mô tả mỗi món ăn. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng còn sử dụng thủ thuật “chim mồi” để đánh lạc hướng khách hàng khỏi giá cả. 



Theo đó, mồi nhử là một món trong thực đơn có vẻ đắt đỏ, nhưng không nhất thiết là vì nhà hàng muốn nó bán chạy, mà là để làm cho các món khác (có lẽ đắt đỏ, món nhà hàng muốn bán) trông hợp lý hơn. Ví dụ, một phần cơm lẻ có giá 40.000 vnđ, nhưng một phần combo vừa có cơm vừa có nước lại chỉ có giá 35.000đ, nếu nhìn vào thì khách hàng sẽ chọn ngay phần combo. Có thể thấy phần cơm 40.000đ chỉ là mồi để khách hàng chọn phần combo. 


10. Sử dụng những con số thân thiện


Khi đọc menu, những con số cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng. Những con số tròn trĩnh chẳng hạn như 100.000đ, 200.000 trên món ăn có thể khiến thực khách cảm thấy ngột ngạt. Trong khi đó, mệnh giá kết thúc bằng 9.000, chẳng hạn như 59.000, 99.000đ hay 199.000đ cảm giác sẽ thân thiện và hấp dẫn hơn. Dù chỉ thấp hơn 1.000 đồng nhưng điều này lại đánh lừa được thị giác của thực khách, khiến họ cảm thấy hài lòng hơn.



Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency