Trong thời điểm hiện tại, các marketer đang cố gắng thay đổi cách tiếp cận để tăng độ nhận diện và thông tin đến khách hàng về chương trình khuyến mãi, sản phẩm mới của thương hiệu. Bên cạnh các chiến dịch quảng bá qua Facebook, Instagram được marketer ứng dụng thường xuyên, Email Marketing - phương pháp đơn giản hơn với tỷ lệ chuyển đổi lên đến 55% (theo nghiên cứu từ Tidio) lại không được đầu tư nhiều.


Email Marketing vẫn đang là xu hướng tiếp thị có tỷ lệ thành công cao trong tiếp cận lẫn chuyển đổi cho thương hiệu. Tuy nhiên trong một ngày, khách hàng có thể nhận được hàng trăm email khác nhau. Vậy làm thế nào để khách hàng cảm thấy hấp dẫn và “phải” mở email của thương hiệu để xem nội dung bên trong? Dưới đây là 12 xu hướng Email Marketing quan trọng trong năm 2024 mà marketer cần nắm bắt và áp dụng trong năm tới. 


Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư


Theo trang web HubSpot, 86% người tiêu dùng đăng ký thông tin tại các điểm bán cho rằng thương hiệu cần bảo vệ quyền riêng tư của họ tốt hơn. Bằng việc tiết lộ các thông tin riêng tư như tài khoản email cá nhân, khách hàng có thể nhận nhiều về nhiều email quảng cáo “rác” từ nhiều công ty khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều khách hàng có thể bị rò rỉ thông tin riêng tư.  


Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư rất quan trọng đối với người dùng. Theo tác giả Erica Santiago (tác giả nhiều bài báo trên HubSpot), các thương hiệu nên hạn chế sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng trong chiến dịch email của mình như gửi quá nhiều Email Marketing trong cùng một thời điểm. 


Điều này cải thiện quyền riêng tư của dữ liệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng và đảm bảo các email gửi đi được tương tác nhiều hơn. Email quảng cáo hoặc thông báo của thương hiệu đều phải tuân thủ theo Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR).



Các thương hiệu nên chọn lọc email gửi đi và hạn chế tình trạng tiết lộ thông tin khách hàng để tránh trường hợp khách hàng gặp nhiều email “rác”


Tỷ lệ mở (open rate) chưa hẳn là thước đo đáng tin cậy


Trong một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện với Glimpse, các marketer đã đề cập đến các tỷ lệ mà họ theo dõi khi gửi và báo cáo tình trạng Email Marketing. Trong đó, marketer cho rằng tỷ lệ mở email (open rate) đóng vai trò quan trọng.


Mặc dù trước đây, tỷ lệ mở email là một trong những thước đo quan trọng nhất đánh giá hiệu quả của hình thức marketing này. Tuy nhiên, với sự ra đời của Apple Mail Privacy Protection (MPP - Tính năng bảo vệ quyền riêng tư trong email của Apple), các marketer sẽ gặp nhiều khó khăn khi đo lường hoạt động quảng cáo qua email.


Cụ thể, MPP ngăn người gửi sử dụng pixel ẩn như các điều khoản cookie để thu thập thông tin về người dùng. MPP cũng không cho phép các thương hiệu biết khi nào người nhận mở email. Đồng thời, tính năng này cũng có thể ẩn địa chỉ IP của họ để không hiển thị liên kết với hoạt động trực tuyến khác (hoạt động bên thứ 3 của Google) hoặc xác định vị trí của người nhận.


Tính năng MPP của Apple đã làm giảm đi hiệu quả của việc đánh giá tỷ lệ mở email


Bản cập nhật của Apple dường như đã “cấm” các marketer biết thời điểm, địa điểm email của họ được mở cũng như thiết bị mà người dùng sử dụng để mở email. Do đó, tỷ lệ open rate không còn là thước đo đáng tin cậy nữa. Các marketer có thể đo lường hiệu quả của Email Marketing bằng các thước đo khác như: 


  • Tỷ lệ nhấp (Click rate) - Tỷ lệ người nhận nhấp vào liên kết trong email
  • Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate) - Tỷ lệ người nhận thực hiện hành động như mua hàng, đăng ký form,... 
  • Tốc độ tăng trưởng (List growth) - Tốc độ tăng trưởng người đăng ký email mới và tỷ lệ những khách hàng bấm khiếu nại/ spam email 
  • ROI (Return on investment) - Doanh thu được tạo ra so với chi phí quảng cáo qua email


Tập trung cho content ngách


Bên cạnh các nội dung quảng cáo thường được triển khai trong email như thông báo ngày khai trương, chương trình khuyến mãi,... các marketer cần xem xét đến các phân khúc ngách trong sản phẩm hoặc đối tượng khách hàng cụ thể để tạo nội dung khác biệt hơn. Ví dụ: nếu là một thương hiệu quần áo, các marketer có thể gửi bản tin tập trung vào các xu hướng thời trang mới nhất, đồng thời giới thiệu những sản phẩm phù hợp với những xu hướng đó thay vì chỉ đơn thuần gửi email quảng cáo sản phẩm.


Sử dụng các email mang nội dung “ngách” để tạo sự khác biệt


GIFs


GIFs - một dạng ảnh động không có âm thanh - thường được sử dụng để thể hiện cảm xúc thay cho trong tin nhắn, bình luận và các hoạt động khác trên Social Media. GIFs là một cách hoàn hảo để email của thương hiệu trở nên nổi bật và để lại ấn tượng với người nhận. Việc sử dụng ảnh GIFs để nhấn mạnh các ưu đãi và sự kiện đặc biệt hoặc minh họa cho các câu chuyện của thương hiệu khiến chúng trông có sức hút hơn.


Ảnh GIF cũng chính là phương tiện “show” hình ảnh sản phẩm một cách trực quan hơn


Xu hướng Gamification 


Gamification là một trong những xu hướng mới nổi trong những năm gần đây và được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thương hiệu lôi kéo người đăng ký email bằng cách cung cấp trải nghiệm được chơi trong chính email của mình. 


Đơn cử như thương hiệu quần áo Gwynnie Bee đã tạo tính năng chơi game chọn thẻ cào trong email của họ. Điều này giúp marketer vừa có thể tăng tương tác qua email, khơi gợi sự hứng thú với email quảng cáo, đồng thời giúp khách hàng thu thập mã thẻ cho lần mua hàng tiếp theo.




Ứng dụng Gamification trong Email Marketing, Gwynnie Bee đã tạo ra trải nghiệm thú vị cho người dùng khi chơi game 


Với hệ thống điểm mà khách hàng có, marketer có thể giúp họ đổi lấy phần thưởng hoặc tận hưởng các đặc quyền riêng. Điều này gia tăng tỷ lệ tương tác lẫn tỷ lệ giữ chân khách hàng đọc email đến cuối cùng.


Sáng tạo challenge


TikTok, Facebook,... là các nền tảng nổi bật với hiện tượng “Challenge” (điển hình như Dance Challenge, Video Challenge). “Challenge” là một trong những hiện tượng dễ gây viral đối với khách hàng trên các nền tảng xã hội. Ứng dụng “Challenge” vào trong Email Marketing sẽ giúp cho chiếc email của thương hiệu trở nên sáng tạo, thú vị và hấp dẫn người đọc. 


Canva đã từng thực hiện chiến dịch thách thức người dùng tạo bảng tâm trạng (moodboard) bằng các công cụ thiết kế của nền tảng. Nếu người dùng tạo một bảng tâm trạng và chia sẻ nó trên Canva, họ sẽ có cơ hội giành được gói đăng ký Canva Pro miễn phí trong 1 năm và phần thưởng voucher trị giá $50 (khoảng 1.100.000 VNĐ) cho tính năng Canva Print! Bên cạnh đó, nền tảng cũng yêu cầu người dùng chia sẻ các tác phẩm của họ trên Instagram và X (trước đây là Twitter) cùng với hashtag #CanvaDesignChallenge. Hiện tại, hastag #CanvaDesignChallenge đã đạt hơn 190.000 lượt post trên Instagram và đạt được lượng tương tác trung bình hơn 2k like cho mỗi bài post.


Từ quan điểm của các chuyên gia trên HubSpot, việc Canva cho người dùng cơ hội sáng tạo và trải nghiệm trên ứng dụng để đổi lấy giải thưởng là một chiến lược hiệu quả vì nó đã gián tiếp giới thiệu các công cụ và tính năng khác nhau của Canva, đồng thời khuyến khích khách hàng trải nghiệm thử.




Thử thách từ Canva tạo cơ hội để người dùng được trải nghiệm dùng thử các tính năng có sẵn đồng thời tăng độ nhận diện thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội khác


Sáng tạo challenge là một xu hướng linh hoạt mà thương hiệu có thể ứng dụng cho nhiều hoạt động khác nhau. Để tạo challenge tốt, các marketer có thể nghĩ đến một thử thách giúp người dùng giải trí, thúc đẩy họ chia sẻ và thể hiện những tính năng tốt của sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu trên mạng xã hội.


Trò chuyện thay vì “tra hỏi” khi gửi email khảo sát


Các email khảo sát khách hàng thường trở thành những email mang tính chất nghiêm trọng. Theo HubSpot, người dùng có thể cảm thấy như bị “tra khảo” hơn là cuộc trò chuyện thông thường khi họ tham gia trả lời câu hỏi. Mặc khác, một số khách hàng thường không muốn tiết lộ cảm xúc của mình, trong khi thương hiệu lại đang cố gắng tìm hiểu một cách chi tiết. Điều này có thể khiến khách hàng không cảm thấy hấp dẫn và rời bỏ email từ những giây đầu tiên. 


Khi gửi khảo sát phản hồi, HubSpot khuyên các marketer cần tránh hỏi người tiêu dùng thích sản phẩm hoặc dịch vụ như thế nào. Thay vào đó, hãy cho họ biết phản hồi và ý kiến ​​của họ có giá trị trong việc định hình hướng đi cho doanh nghiệp của mình ra sao. 


Phản hồi của người tiêu dùng rất quan trọng để đảm bảo thương hiệu đáp ứng nhu cầu của họ, vì vậy hãy cho họ biết ý kiến ​​đóng góp của họ có giá trị


Sử dụng biểu tượng cảm xúc


Email sử dụng biểu tượng cảm xúc (đặc biệt trong tiêu đề) thông thường sẽ thu hút người đọc. Theo nghiên cứu từ HubSpot, 53%khách hàng chọn mở các email có biểu tượng cảm xúc trong dòng chủ đề. Từ nghiên cứu trên, HubSpot khẳng định nếu khách hàng lướt qua hàng trăm dòng chủ đề email, tất cả chúng đều sẽ bị lãng quên sau một thời gian. Tuy nhiên, những thứ nổi bật như biểu tượng cảm xúc thường đọng lại sâu trong tâm trí khách hàng.


Biểu tượng cảm xúc có thể minh họa và nhấn mạnh thông điệp của chiến dịch 


Sử dụng “con số” làm điểm mạnh 


Theo các chuyên gia, việc sử dụng các con số trong tiêu đề hoặc trong các dòng đầu của nội dung Email khiến người đọc chú ý đến email của thương hiệu nhiều hơn. Một số cách viết tiêu đề sử dụng con số mà marketer có thể tận dụng như:

  • Viết con số dưới dạng tỷ lệ. Ví dụ: “Sale off 50%”
  • Viết con số đi kèm với thông tin tổng hợp. Ví dụ “Top 12 bộ sưu tập mùa đông không thể bỏ qua”


Đưa các con số liên quan đến giảm giá, quà tặng có thể giúp khách hàng tăng tỷ lệ nhấp email 


Cá nhân hóa 


Cá nhân hóa không còn là một xu hướng mà trở thành những việc cần “phải” làm trong Email Marketing. Một lưu ý quan trọng là các thương hiệu đang đưa việc cá nhân hóa email lên tầm cao hơn bằng cách cung cấp trải nghiệm riêng cho người dùng. Để tận dụng xu hướng này, hãy sử dụng thông tin về người tiêu dùng của mình để cung cấp các lời mời, tin tức có liên quan và các sản phẩm hoặc dịch vụ độc quyền được cá nhân hóa.


Các thương hiệu như Spotify đang đưa việc cá nhân hóa email lên một tầm cao mới với các ưu đãi, tin tức và phần thưởng riêng cho từng người dùng. Theo đó, Spotify đã nghiên cứu lịch sử nghe nhạc của người dùng để đề xuất các buổi hòa nhạc có liên quan trong khu vực của họ. Khi ca sĩ Remi Wolf hợp tác với Spotify để phát hành EP độc quyền, Spotify đã gửi email cho những thính giả thường xuyên nghe nhạc của Remi trên nền tảng về thông điệp mà Remi gửi đến họ.


Các thương hiệu nên tập trung tối ưu trải nghiệm cá nhân hóa cho người tiêu dùng


Tính độc quyền


Giống với trải nghiệm “độc quyền” từ Spotify nêu trên, nhiều thương hiệu đã cung cấp các ưu đãi độc quyền mà chỉ những người đăng ký Email Marketing của thương hiệu mới có thể truy cập.


Gần đây, Amazon Prime đã gửi email về buổi chiếu game show “007: Road to a Million” đến người đăng ký email. Ngay từ dòng tiêu đề của email "Bạn được mời tham gia buổi chiếu độc quyền", thương hiệu đã tạo cảm giác được trân trọng và trở nên đặc biệt cho người dùng. 


Những email có nội dung mang tính “độc quyền” dành riêng cho những người đăng ký giúp họ trải nghiệm cảm giác “là duy nhất


Tạo hiệu ứng FOMO

Những nội dung độc quyền mà thương hiệu cung cấp qua Email Marketing có thể tạo ra nỗi sợ bỏ lỡ (Fear Of Missing Out - FOMO) cho khách hàng. Không ai muốn bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm tiền, mua các sản phẩm độc quyền hoặc có được trải nghiệm “có 1-0-2”.



Hiệu ứng FOMO trong Email Marketing giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi cao hơn 


Để tăng độ nhận diện thương hiệu và giữ “loyalty” (lòng trung thành) của khách hàng, các marketer đừng nên bỏ qua Email Marketing. Đây là một trong những công cụ quảng bá hiệu quả cho thương hiệu. Việc ứng dụng 12 xu hướng trên có thể giúp marketer có nhiều hướng đi khác nhau để tiếp cận người tiêu dùng hơn thay vì chỉ đóng khung vào các mẫu email quảng cáo có sẵn.


Huyền Trang