Graphic Design (thiết kế đồ họa) là nghệ thuật phối hợp các yếu tố từ hình ảnh, kiểu chữ đến các thành phần khác nhau nhằm truyền tải đến người xem một thông điệp, ý nghĩa nào đó. Thiết kế đồ họa xuất hiện khắp nơi từ cuộc sống thường ngày đến những hoạt động marketing của một thương hiệu. 


Trên thị trường cạnh tranh khốc liệt với các xu hướng không ngừng xuất hiện, thương hiệu cũng cần liên tục cập nhật các trend thiết kế để thu hút sự chú ý của khách hàng. Khám phá ngay 12 xu hướng được dự báo bởi Exploding Topics - doanh nghiệp chuyên nghiên cứu dữ liệu và dự đoán xu hướng, đồng thời là đối tác của các “gã khổng lồ” như Apple, Google, Amazon, Netflix, Samsung,… qua bài viết sau!


1. Hand-Drawn Illustrations


Khảo sát gần đây của Stackla cho thấy, 88% người tiêu dùng đồng ý rằng tính xác thực là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc họ yêu thích và ủng hộ một thương hiệu nào đó. Bên cạnh đó, báo cáo của Adobe Trust Report cho thấy 72% người tiêu dùng thừa nhận rằng niềm tin của họ dành cho các thương hiệu sẽ sụt giảm nếu không đảm bảo tính cá nhân hóa trong hoạt động marketing. Điều này khiến việc sử dụng hình ảnh minh họa vẽ thủ công (Hand-Drawn Illustrations) trở thành một xu hướng nổi bật trong năm tới.


Sử dụng hình ảnh minh họa vẽ thủ công (Hand-Drawn Illustrations) được dự đoán trở thành một xu hướng nổi bật trong năm tới


Những ấn phẩm độc nhất, thể hiện dấu ấn riêng của thương hiệu được thiết kế thủ công mang đến cho người xem trải nghiệm thưởng thức mới mẻ vì không trùng lặp với bất cứ thương hiệu nào trước đó. Phong cách Illustration gần gũi và chân thực khiến thương hiệu trở nên nổi bật so với đối thủ cạnh tranh bởi người tiêu dùng luôn yêu thích tác phẩm thủ công hơn ảnh chụp có sẵn. 


Starbucks sử dụng hình minh họa vẽ tay cho chiến dịch hưởng ứng tháng Tự Hào năm 2022 trên các nền tảng mạng xã hội 


2. Surrealism


Nghệ thuật Surrealism (Siêu thực) được xem là một trường phái có phần bí ẩn và độc đáo trong hội họa. Dưới góc nhìn sáng tạo của các họa sĩ trường phái siêu thực, họ có thể tự do thể hiện tư duy của mình mà không bị bó buộc bởi logic, luân lý hay thẩm mỹ chính thống. Đặc điểm chung của phong cách Surrealism là sử dụng màu sắc rực rỡ, các yếu tố trong hình ảnh tuy được sắp xếp ngẫu nhiên nhưng rất có chiều sâu và có thể hàm chứa thông điệp ý nghĩa. Đó là sự pha trộn một cách nghệ thuật giữa thực tế và ý nghĩ của họa sĩ, từ đó tạo ra những thiết kế bất ngờ. 


Nền tảng Shutterstock đã nhận định rằng: “Những hình ảnh theo phong cách Siêu thực có thể trông thật lập dị hoặc có thể tràn đầy năng lượng, sang trọng hay hiện đại tùy thuộc vào cách các nhà thiết kế khai thác và thể hiện.” 


Nico Ito là một trong những nhà thiết kế đang tích cực thúc đẩy xu hướng này. Nico Ito từng chia sẻ rằng: “Tôi tạo nên thế giới mà tôi tưởng tượng. Tôi yêu thích những chi tiết xuất hiện trong những bức vẽ cũng như quá trình tạo ra chúng”. Những ấn phẩm của bà hoàn toàn khác biệt bởi những hình ảnh có phần huyền ảo và “phi logic”. Phong cách đặc biệt này thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu lớn, trong đó có NikeGucci.


Nico Ito đã thiết kế bản vẽ minh họa phiên bản giày Nike’2022 Air Max Day theo phong cách Siêu thực


Để đánh dấu sự ra mắt của túi xách Gucci Bamboo 1947, thương hiệu Gucci danh giá đã kết hợp cùng Nico Ito để tạo nên một thiết kế túi quai tre đặc biệt theo phong cách chủ nghĩa Siêu thực độc đáo này.


Thiết kế túi xách Gucci Bamboo 1947 được Nico Ito thể hiện theo phong cách Siêu thực


3. Minimalism


Chủ nghĩa tối giản - Minimalism là một cách vô cùng hiệu quả để “telling a lot by saying a little” - lời ít ý nhiều. Phong cách này giảm thiểu các chi tiết thừa thãi, và chỉ giữ lại những yếu tố quan trọng để thiết kế tối giản nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Không chỉ xuất hiện phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực từ nghệ thuật, nội thất đến công nghệ, Minimalism được ưa chuộng đến mức gần như trở thành một triết lý và lối sống của nhiều người dân. Tinh thần của phong cách thể hiện trọn vẹn qua triết lý: Less is More.


Với các thương hiệu, ứng dụng xu hướng Minimalism sẽ giúp họ tập trung lột tả thông điệp cần truyền tải qua những đường nét gãy gọn, nội dung rõ ràng và sử dụng ít màu sắc nhất có thể. Như vậy, khách hàng sẽ bị thu hút và chú ý ngay lập tức vào nội dung thương hiệu muốn truyền đạt.  


Vào năm 2020, thương hiệu McDonald's đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo mang đậm phong cách tối giản. Không sử dụng hình ảnh logo biểu tượng hay không gian nhà hàng, thương hiệu tập trung hoàn toàn vào kiểu chữ để minh hoạ các thành phần mà McDonald's sử dụng để tạo nên các món ăn nổi tiếng. Theo ông Pete Heyes - Giám đốc Sáng tạo tại Leo Burnett, cách tiếp cận trực quan này vừa chứng minh mức độ nhận diện của McDonald's, vừa mang đến một phong cách hình ảnh mới lạ hơn cho người dùng, khiến họ tập trung tối đa vào thông điệp.. 


McDonald's đã hợp tác với agency Leo Burnett London và Creative Director David Schwen để thực hiện ý tưởng thú vị này 


4. Maximalism


Trong khi chủ nghĩa Tối giản hướng đến sự đơn giản ngắn gọn nhưng vẫn tinh tế, Maximalism (Chủ nghĩa Tối đa) lại phá vỡ những chuẩn mực sẵn có để gây ấn tượng với người xem bằng sự kết hợp táo bạo giữa màu sắc và hoa văn. Thông thường, một tác phẩm theo xu hướng Maximalism thường có nhiều tầng lớp, bố cục thiếu cân bằng và không có không gian trống trong ấn phẩm. Đặc biệt, phong cách này được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc, thời trang và những ngành đề cao sự độc đáo, sáng tạo trong thiết kế. 


Lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, một sản phẩm được đề cử giải thưởng âm nhạc danh tiếng nhất thế giới Grammy 2024 với giải “Best box set or special limited edition package” do tác giả Duy Đào thực hiện cho album “Gieo” của ban nhạc Ngọt


Tuy vậy, vì luôn hướng đến sự độc đáo cũng như phá cách trong thiết kế, Maximalism cũng gặp phải khó khăn vì rất “kén” người xem, khiến tác phẩm theo xu hướng này khó có thể được đánh giá chính xác giá trị, tính thẩm mỹ, thậm chí nhận về nhiều ý kiến trái chiều. 


Gen Z - nhóm người tiêu dùng tiềm năng của đông đảo thương hiệu trên thị trường hiện nay thường có cá tính mạnh, mong muốn trở nên nổi bật thường bị thu hút bởi các thiết kế theo phong cách cầu kỳ này. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng: Hành vi mua sắm của phần lớn thế hệ Z bị ảnh hưởng bởi sở thích và niềm vui, hoạt động cá nhân hóa hoặc tính độc đáo và sáng tạo đến từ các thương hiệu. Vì thế, xu hướng Maximalism sẽ giúp thương hiệu thu hút tệp khách hàng trẻ tuổi tốt hơn. 


Những thiết kế cầu kỳ về cả màu sắc, hình vẽ và cấu trúc sẽ tạo ấn tượng mạnh đối với khách hàng. Đơn cử như thiết kế mà Happy Socks - thương hiệu tất và phụ kiện đến từ Thụy Điển đã tạo ra. Thành lập từ năm 2008, đúng như tên gọi, Happy Socks luôn mang đến những sản phẩm chất lượng được thiết kế cầu kỳ nhằm đem đến niềm vui cho mỗi khách hàng. Hãng đã liên tục tung ra những bộ sưu tập kết hợp với hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng như Snoop Dogg, KOMODO, Adidas, Paris Saint-germain, André, Disney,... Happy Socks nổi tiếng với thiết kế tất có hoa văn đẹp mắt và màu sắc đa dạng.


Thiết kế tất chân của thương hiệu Happy Socks thu hút khách hàng với sự đa dạng từ màu sắc, hình vẽ đến họa tiết


5. Data Visualization


Thương hiệu tạo ra hình ảnh với mục tiêu hấp dẫn và thuyết phục người tiêu dùng dành thời gian tìm hiểu thông điệp được nhắn gửi. Nhưng với khoảng thời gian chú ý trung bình của một người chỉ vỏn vẹn 8 giây (theo chia sẻ của Cross River Therapy), ấn phẩm phải truyền tải thông điệp của thương hiệu một cách nhanh chóng nhất có thể. Bên cạnh đó, có một sự thật đáng kinh ngạc rằng bộ não con người xử lý hình ảnh nhanh hơn tới 60.000 lần so với văn bản. 


Khi đó, xu hướng Data Visualization (tạm dịch: Trực quan hóa dữ liệu) sẽ trở thành chìa khóa giúp thương hiệu giao tiếp với người xem dễ dàng hơn, khiến những con số không còn nhàm chán, phức tạp hay khó hiểu. Những biểu đồ trực quan, hình minh họa hấp dẫn hay phong cách thiết kế sáng tạo cũng sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng và thể hiện rõ ràng thông điệp muốn truyền tải hơn. Thị trường cạnh tranh khốc liệt, thương hiệu nào cũng mong muốn tạo ấn tượng tốt nhất với khách hàng. Vì thế, việc giao tiếp hiệu quả với người mua hàng là vô cùng quan trọng. Thương hiệu nếu chỉ sử dụng những con số khô cứng thôi là chưa đủ. Việc trình bày hình ảnh một cách trực quan, dễ hiểu thậm chí cũng quan trọng như chính số liệu thương hiệu muốn chia sẻ. 


Chẳng hạn như Spotify đã tạo ra tính năng “Spotify Wrapped” tóm tắt thói quen và “gu” nghe nhạc của người dùng thông qua dữ liệu đã thu thập được. Thương hiệu đã biến chuỗi thông tin khách hàng thành câu chuyện ý nghĩa khiến người xem dễ dàng hiểu và cảm thấy hứng thú về chính hành vi của mình trong một năm nghe nhạc. 


Tính năng “Spotify Wrapped” giúp tóm tắt thói quen và “gu” nghe nhạc của người dùng trong suốt một năm thông qua dữ liệu đã thu thập được


6. Candy-Colored Pastels


Pastel là từ được dùng để chỉ những gam màu phấn nhạt của tất cả màu sắc hiện có. Thông thường, Pastel được chia làm hai nhóm màu chính: mát dịu và ấm áp. Gam mát dịu bao gồm hồng, tím, lavender, xanh dương baby, xanh mint. Trong khi đó, các màu coral, vàng sáng, đào, xanh bơ lại được xếp vào gam ấm áp.


Những tone màu pastel ngọt ngào thường đem đến cảm giác trẻ trung, tươi mới và lạc quan cho người xem. Trước đây, nhóm màu pastel hầu hết chỉ sử dụng trong lĩnh vực thời trang và nội thất. Ngoài ra, những thương hiệu có tệp khách hàng mục tiêu là phái nữ yêu thích sự ngọt ngào, dịu dàng cũng ưu tiên sử dụng tone màu pastel này trong thiết kế. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các tone màu pastel ngày càng trở nên phổ biến với các thương hiệu đa lĩnh vực.


Khi người dùng ngày càng ưu tiên hướng đến những sản phẩm giúp giảm căng thẳng, tạo nên sự thư giãn và thoải mái,những tông màu nhẹ nhàng, ấm áp này sẽ ngày càng được ưa chuộng trong tương lai. 


Những thương hiệu có tệp khách hàng mục tiêu là phái nữ yêu thích sự ngọt ngào, dịu dàng rất ưu tiên sử dụng tone màu pastel trong thiết kế ấn phẩm


7. Natural Patterns And Textures


Trong vô vàn những chủ đề nóng được thảo luận nhiều những năm gần đây, môi trường sống và thiên nhiên trở thành một trong những mối bận tâm hàng đầu của người tiêu dùng trên toàn cầu. Theo khảo sát mới đây của IBM, 57% đáp viên cho biết họ sẵn sàng thay đổi thói quen mua hàng để giảm tác động đến môi trường. Một báo cáo được HubSpot chia sẻ cho thấy, 82% người mua hàng (phần lớn là Gen Z) mong muốn các thương hiệu thực hiện những hoạt động phát triển bền vững và đặt môi trường, cũng như sự an toàn của con người lên hàng đầu. Và một điều gần như hiển nhiên rằng: Khi mối bận tâm về môi trường tự nhiên tăng lên, người tiêu dùng cũng dành sự ủng hộ và đánh giá cao những thương hiệu ưu tiên lấy cảm hứng từ thiên nhiên trong các ấn phẩm truyền thông. 


Từ mong muốn của khách hàng, xu hướng thiết kế hình ảnh với cảm hứng từ thiên nhiên được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Họa tiết cây cối, hoa lá, kết cấu gỗ, bầu trời xanh, côn trùng và các họa tiết động vật là những họa tiết thiên nhiên phổ biến rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang. 


Mỹ phẩm thuần chay Cocoon được tạo nên từ các nguyên liệu thiên nhiên


8. Diversity And Inclusion


Hiện nay, công nghệ phát triển vượt bậc cho phép người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau. Sức hấp dẫn của sự đa dạng tạo nên mong muốn được khám phá và khát khao hội nhập mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khách hàng liên tục sáng tạo nên những cách kết hợp mới để trải nghiệm sự mới mẻ trong mọi lĩnh vực từ thời trang, ăn uống, tiêu dùng đến thiết kế. Đặc biệt, từ khi được các phương tiện truyền thông chú ý, văn hóa và con người châu Phi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà thiết kế trên khắp thế giới. Nguồn cảm hứng dồi dào từ các vật liệu, hoa văn và màu sắc nơi đây được thổi hồn vào đa dạng tác phẩm và đem đến cho người xem ấn tượng mạnh mẽ. 


Ông Ramon Tejada, Trợ lý Giáo sư tại Trường Thiết kế Rhode Island nói rằng tương lai của thiết kế phải "tạo ra nhiều không gian cho những tiếng nói, ý tưởng, suy nghĩ và quan điểm mà chúng ta đã từng bỏ qua trước đó". Và một trong số những điều thường bị phớt lờ chính là những con người thuộc các sắc tộc, giới tính, độ tuổi và khả năng khác nhau trên toàn cầu. Vì vậy, không quá bất ngờ khi một thương hiệu toàn cầu như Unilever đón đầu xu hướng này trong thiết kế của mình.


Trang website của Unilever thể hiện sự đa dạng chủng tộc trong thiết kế 


9. 3D Design Elements


Thiết kế 3D đã không còn quá xa lạ đối với người dùng toàn cầu. Tuy vậy, trong những năm sắp tới, xu hướng này được dự đoán ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Theo Exploding Topics chia sẻ, xu hướng sử dụng hình thiết kế 3D tăng trưởng 20% ​​mỗi năm từ 2020 đến 2026. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định rằng sẽ có sự gia tăng lên tới 35% nguồn nhân lực các nhà thiết kế đồ họa liên quan đến máy tính và lĩnh vực truyền thông điện tử khác trong những năm tới. 


Điều này phần lớn được thúc đẩy bởi các công nghệ mới ra đời giúp việc thiết kế kết cấu 3D phức tạp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với các chương trình như Cinema 4D, bộ công cụ Substance của Adobe hay các ứng dụng khác, các Designer có thể tạo ra hình ảnh 3D nhanh chóng với chất lượng cao hơn. 


Trào lưu thiết kế nhân vật 3D hiện đang vô cùng hot tại Trung Quốc


 10. Vibrant Nostalgia


Xuất hiện vào thập niên 60 - 70 khi tình hình thế giới có nhiều biến động, trào lưu Vibrant Nostalgia đã phá bỏ những rào cản trong nhiều khía cạnh của văn hóa đại chúng. Đây là một bước tiến thú vị trong hội họa và thiết kế có ảnh hưởng tới tận ngày nay. Nostalgia (sự hoài cổ) hiện nay trở thành một gu thẩm mỹ đặc biệt từ phong cách thời trang đến các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, phim ảnh và thiết kế. Giống như những kỷ niệm lung linh, cái đẹp của Nostalgia nằm ở cảm giác đôi khi ấm áp, thân thuộc; đôi khi dữ dội, lạ lẫm, hoàn toàn đi ngược lại với các trào lưu phổ biến hiện đại. 


Bộ sưu tập hình ảnh mang tính cổ điển của Adobe Stock


Để có thể mang lại sự hoài niệm mạnh mẽ, ưu tiên hàng đầu của thương hiệu là khơi gợi cảm xúc của người xem theo cách độc đáo bằng cách dũng cảm rũ bỏ những hướng đi an toàn hay khuôn mẫu phổ biến. Nostalgia đòi hỏi thương hiệu táo bạo trong việc dùng màu, kết hợp typography, dám sử dụng những đường cong ngoằn ngoèo, mờ ảo,...và các kiểu hiệu ứng hỗ trợ khác nhau. 


Thương hiệu dầu gội dược liệu Nguyên Xuân đã sử dụng chất liệu hoài cổ trong những ấn phẩm truyền thông thuộc chiến dịch “Thanh xuân là đây”


 11. Reference To Traditional Media


Người tiêu dùng hiện nay ngày càng mong muốn tìm kiếm sự chân thật và gần gũi nơi thương hiệu. Ông Bryan Rivera - một Graphic Designer nhiều năm kinh nghiệm từng chia sẻ: “Cảm giác không hoàn hảo mang lại cá tính riêng biệt cho thiết kế. Sự thô sơ của bố cục, màu sắc và kiểu chữ tạo ấn tượng mạnh mẽ với tôi và tôi thích cảm giác chân thật đó". Những hoạt tiết được lấy cảm hứng từ chất liệu thủ công truyền thống (Traditional Media) như giấy và màu nước có thể tạo nên cảm giác gần gũi, dễ chịu cho người xem mà không phong cách nào có thể. 


Những hoạt tiết được lấy cảm hứng từ chất liệu thủ công truyền thống có thể tạo nên cảm giác gần gũi và dễ chịu cho người xem


Những hoạt tiết trông như hoàn toàn được tạo ra từ bàn tay con người sẽ mang lại sự kết nối mà khách hàng mong muốn - minh chứng bởi số liệu 64% người tiêu dùng được khảo sát muốn các thương hiệu tạo ra sự kết nối được agency Sprout Social chia sẻ. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy việc thương hiệu đầu tư vào mối quan hệ với người tiêu dùng sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu kinh doanh và củng cố lòng trung thành khách hàng. Khi họ cảm thấy kết nối với thương hiệu, hơn một nửa số người tiêu dùng (57%) thừa nhận sẽ tăng chi tiêu cho sản phẩm, dịch vụ và có tới 76% sẽ mua hàng.


Bởi những lợi ích trên, thị trường từ 2-3 năm tới sẽ chứng kiến ​sự gia tăng mạnh mẽ của phong cách DIY - Do it Yourself thủ công với ảnh ghép, giấy rách, điểm nhấn sợi, thớ gỗ, nét vẽ trong các ấn phẩm truyền thông. 


Bên cạnh đó, những phần mềm được sử dụng để tạo ra các ấn phẩm mang đậm chất liệu thủ công như Adobe Fresco và Procreate cũng ngày càng phổ biến báo hiệu sự phát triển của xu hướng này trong tương lai. Cả hai phần mềm đều được biết đến như những công cụ cọ đa phương tiện mô phỏng kết cấu của bút chì, bút mực, màu nước, than, dầu và phấn màu. Khi mức độ phổ biến của các phần mềm tương tự tăng lên, xu hướng ưa chuộng chất liệu thủ công trong thiết kế cũng theo đó mà phát triển. 


 12. Geometric Shapes


Hình học luôn là thứ gần gũi nhất với cuộc sống chúng ta. Ngay từ bé, khi bắt đầu học hỏi về thế giới xung quanh, con người đã được làm quen với hình học từ cơ bản nhất như tròn, vuông, tam giác. Những thứ quen thuộc như hình học giúp mọi thông điệp trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận, tuy có phần đơn giản nhưng lại đáng tin cậy hơn. Các thương hiệu đã và đang ứng dụng xu hướng này để thể hiện qua giao diện website, tạo ấn phẩm đồ họa, quảng cáo, truyền thông và nhiều hơn thế. 


Trang web của Google Pixel có thiết kế dạng hình vẽ hình học đơn giản


Những thương hiệu đầu tiên đi theo xu hướng này có thể kể đến Walmart, Free Assembly và công ty trang sức Swarovski. Trong năm 2023, những thiết kế đồ họa lấy cảm hứng từ bố cục hình học với đường nét đơn giản, bảng màu tươi sáng cực kỳ phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực nội thất.


Vào tháng 2/2021, Swarovski công bố chuyển từ bao bì hộp hình vuông sang hộp hình bát giác có tông màu pastel


Minh Anh