I. Brand Awareness (nhận thức thương hiệu) là gì?


Nhận thức về thương hiệu là mức độ quen thuộc của khách hàng với thương hiệu. Nó cũng đánh giá khả năng khách hàng mục tiêu (tiềm năng) có thể nhận dạng chính xác sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể của doanh nghiệp với vô vàn sản phẩm khác trên thị trường.


Đối với doanh nghiệp nhỏ, mức độ nhận biết thương hiệu của họ có thể không đạt đến trạng thái đồng nghĩa (eponym status), ví dụ: yêu cầu Lavie thay vì nước lọc. Nhưng có những hình thái đơn giản hơn cũng được coi là nhận thức thương hiệu thành công, chẳng hạn như:


  • Người tiêu dùng có hiểu biết về những gì doanh nghiệp của bạn được biết đến. (Ví dụ như bạn là một nhà hàng chuyên về đồ Thái, nổi tiếng với món tomyum…)
  • Người dùng mạng xã hội biết quảng cáo của bạn rất hài hước khi họ nhìn thấy nội dung của bạn trên bảng tin (newsfeed) của họ.
  • Khách hàng lựa chọn sản phẩm từ thương hiệu của bạn thay vì những thương hiệu khác, ngay cả khi có những lựa chọn rẻ hơn.
  • Người dùng công cụ tìm kiếm nhập tên doanh nghiệp của bạn hoặc các cụm từ có thương hiệu khác khi tìm kiếm một sản phẩm / dịch vụ nào đó.


Khi người tiêu dùng có nhận thức về thương hiệu của bạn, họ thường tìm hiểu thêm về doanh nghiệp vì họ biết doanh nghiệp của bạn tồn tại thay vì tìm kiếm một cách chung chung trên các công cụ như Google hay Bing.


II. Cách xây dựng Brand Awareness (nhận thức thương hiệu)


Tất nhiên với một ngân sách khổng lồ, bạn có thể dễ dàng “bao phủ” toàn bộ những thang máy chung cư hay những tấm billboard ở địa điểm đẹp để gia tăng mức độ nhận diện. Nhưng tất nhiên không nhiều đơn vị có khả năng chi trả cho những hình thức quảng cáo đắt đỏ đó. Bởi vậy có một vài cách đơn giản (mà miễn phí) hơn mà bạn có thể tận dụng:


  • Hashtag cho instagram, facebook hay X (Twitter)
  • Tham gia tài trợ cho các hoạt động / sự kiện
  • Đăng bài thường xuyên trên mạng xã hội với brand voice (tiếng nói thương hiệu) 
  • Chạy quảng cáo hiển thị (GDN) trên Google


Sử dụng hình ảnh bắt mắt, quảng cáo ở đúng nơi và phát triển tiếng nói riêng biệt (brand voice) trong nội dung của mình sẽ giúp bạn xây dựng nhận thức về thương hiệu. 


“Điều quan trọng là những hoạt động này phải được thực hiện một cách nhất quán để bạn có thể củng cố hình ảnh của mình trong mắt khán giả sau mỗi lần gặp gỡ.”


Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả chiến lược của mình, hãy tiến hành đo lường nhận thức về thương hiệu, qua đó đánh giá và thực hiện các điều chỉnh cần thiết trong quá trình triển khai.


III. 18 Phương pháp trong việc củng cố Brand Awareness


1.Các chương trình giới thiệu


Các chương trình giới thiệu hiểu đơn giản là những hoạt động nhận quà bất kỳ khi chia sẻ thông tin hoặc truyền bá về sản phẩm / dịch vụ của bạn. 

Ví dụ như Dropbox sẽ cho khách hàng của họ một tài khoản lưu trữ đám mây (tương tự Google Drive). Tuy nhiên với mỗi người bạn mà họ giới thiệu, hãng sẽ tặng thêm cho bạn 500MB dung lượng (lên tới tối đa 16gb). 



Nhờ chương trình này, Dropbox đã có chiến dịch launching vô cùng thành công, tạo ra vô số lời truyền miệng và mang lại lượng đăng ký khổng lồ, tiết kiệm cho hãng rất nhiều ngân sách quảng cáo.


2.Nội dung ấn tượng cho người xem


Một cách tuyệt vời khác để thương hiệu của bạn được biết đến trên web là cung cấp nội dung có giá trị cao cùng hình ảnh đẹp mắt để khuyến khích người dùng chia sẻ trên các blog khác. Bằng cách này, nội dung của bạn sẽ dễ dàng lan toả và tạo ấn tượng với những khách hàng mới đang thực sự có nhu cầu.


Điểm yếu của phương pháp này là nội dung thường phải có chất lượng cao và thực sự khác biệt, nếu không chúng sẽ rất nhanh bị lãng quên và hầu như không mang lại kết quả.


3.Infographics

Infographics là một cách thú vị và đầy sáng tạo để khiến người đọc “tận hưởng” những dữ liệu và số liệu thống kê vốn cực kỳ khô khan. 

Một bản infographics chất lượng thường được chia sẻ rộng rãi, khiến chúng trở thành công cụ tuyệt vời để xây dựng nhận thức cho thương hiệu.


4.Các dịch vụ miễn phí có credit

Rất nhiều sản phẩm / dịch vụ chất lượng thường cung cấp một phiên bản miễn phí để người dùng có thể trải nghiệm cùng tuỳ chọn nâng cấp lên phiên bản trả phí. Trong đó phiên bản miễn phí sẽ bị hạn chế khá nhiều tính năng, tiêu biểu trong đó là sản phẩm mà ứng dụng tạo ra mặc định sẽ có logo của bạn. Nếu như muốn xoá phần logo này, họ buộc phải nâng cấp lên phiên bản trả phí.


Rất nhiều người dùng sẽ cảm thấy thoải mái về phiên bản miễn phí này. “Chỉ là một chiếc logo thôi mà.” Điều này vô tình sẽ giúp quảng bá thương hiệu của bạn một cách hoàn toàn miễn phí tới những người dùng khác. 


Bên cạnh đó, với những khách hàng cảm thấy “phiền phức”, họ sẽ trả tiền để sử dụng phiên bản trả phí. Qua đó phương pháp này không những mang tới cơ hội được quảng bá miễn phí, nó cũng góp phần nâng cao doanh thu cho thương hiệu.


5.Xây dựng quan hệ với các đối tác địa phương

Một chiến lược xây dựng thương hiệu tuyệt vời khác là tham gia vào các mối quan hệ đối tác địa phương. Điều này cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp có định hướng phát triển tại một địa điểm cố định (Local oriented-businesses nhưng nó cũng có thể áp dụng cho các doanh nghiệp khác. 


Sự “hợp tác” ở đây có thể là đồng tổ chức các buổi hội thảo hoặc lễ giới thiệu, tài trợ cho các đội thể thao địa phương hay quyên góp cho các sự kiện từ thiện… Việc đưa thương hiệu của bạn đến với các lễ hội và sự kiện sẽ mang doanh nghiệp của bạn trở nên gần gũi hơn trong mắt người dân địa phương, qua đó dần tạo ra nhận thức về thương hiệu.


6.Phủ hình ảnh thương hiệu

Chắc hẳn bạn không còn lạ với những tấm quảng cáo được dán trên xe bus. Đây chỉ là một trong những hình thức quảng bá thương hiệu OOH (Out-of-home) mà bạn có thể tận dụng để phủ hình ảnh thương hiệu tới những địa điểm cụ thể. 


Bên cạnh đó bạn cũng có thể sử dụng những phương pháp khác như phát đồ lưu niệm có in logo và màu sắc thương hiệu (Bóng bay, áo mưa, mũ bảo hiểm, balo…) hoặc sử dụng linh vật phát quà tại các tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn…


Nguồn: Duolingo Fanpage

Thông qua cách này, bạn có thể tiếp xúc và gây ấn tượng với khách hàng một cách trực tiếp, đồng thời lan toả hình ảnh thương hiệu tới với nhiều khách hàng hơn trong một thời gian ngắn.


7.Quà tặng miễn phí

Một số nhãn hàng thường tặng quà lưu niệm miễn phí cho nhân viên hoặc tặng kèm miễn phí như một ưu đãi cho khách hàng (Ví dụ mua laptop tặng balo, mua xe máy tặng mũ bảo hiểm…). Lúc này khách hàng sẽ giúp bạn lan toả hình ảnh thương hiệu tới với nhiều người hơn với một chi phí rẻ hơn rất nhiều so với quảng cáo.


8.Tổ chức cuộc thi trên các nền tảng mạng xã hội

Tổ chức các cuộc thi nhỏ (minigame) hay tặng quà (giveaway) cũng là một cách rất hay để lan toả thương hiệu tới khách hàng mục tiêu. Rất nhiều người sẵn sàng tham gia các cuộc thi, nhất là những cuộc thi có vẻ dễ trúng thưởng cùng điều kiện tham gia đơn giản (chẳng hạn như để lại một con số may mắn + tag 2 người bạn hay để lại một bình luận thú vị kèm một hình ảnh bản thân cùng sản phẩm của thương hiệu).


Người dự thi sẽ chia sẻ liên kết với bạn bè và gia đình để nhận được nhiều phiếu bầu hơn, qua đó giúp bạn lan toả và xây dựng nhận thức về thương hiệu của bạn.


9.Tập trung hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội quan trọng


Trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng nhiều, việc tập trung vào tất cả với đội ngũ nhân lực mỏng sẽ là một cách làm không khôn ngoan. Bạn nên xác định xem khách hàng mục tiêu của mình là ai nhằm tìm ra mạng xã hội phù hợp nhất với doanh nghiệp, từ đó dồn tài nguyên của mình vào những nơi quan trọng nhất.


Ví dụ như người dùng facebook có độ tuổi đa dạng hơn là Instagram (Chủ yếu là millennials và GenZ). Hoặc nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn chủ yếu liên quan tới hình ảnh (Thời trang, trang sức,…) thì Instagram hoặc Tiktok mới là nơi bạn nên tập trung phát triển nhận thức thương hiệu.


10.Đăng tải lên LinkedIn

Linkedln là một mạng xã hội vô cùng giá trị, nhất là với những doanh nghiệp B2B hay freelancer. Gần đây, LinkedIn bắt đầu cho phép tất cả người dùng xuất bản bài đăng ngay trên LinkedIn thông qua công cụ xuất bản. 


Nếu bài đăng của bạn nhận được đủ sự chú ý, nó có thể xuất hiện trong luồng thông tin trên trang chủ LinkedIn của rất nhiều người dùng. Việc thiết lập blog của công ty và chia sẻ về những giá trị công ty vừa giúp ích cho việc lan toả nhận diện thương hiệu, vừa giúp bạn tìm kiếm nhân sự tài năng cũng như đối tác tiềm năng - một cách hoàn toàn miễn phí.


11.Sử dụng phương pháp Storytelling

Kể chuyện thương hiệu (Brand storytelling) khác với tiếp thị nội dung (content marketing). Content Marketing là một kênh giúp kể câu chuyện thương hiệu của bạn. Trong khi đó, Brand Storytelling là công cụ và kỹ thuật cần thiết giúp truyền tải giá trị, tầm nhìn thương hiệu và tạo cảm xúc cho người xem.


Nguồn: NIKE


Một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn là vũ khí hiệu quả giúp thu hút và chiếm trọn trái tim của nhiều khách hàng. Thực tế chứng minh các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Disney, Nike… sở hữu cho mình những câu chuyện “đắt giá” và đã trở thành ví dụ điển hình để nhiều nhãn hàng khác phải học tập.


12.Tạo nhận diện thương hiệu độc đáo

Thương hiệu phổ biến nhờ xu hướng sẽ đến rồi đi nhưng một thương hiệu có bản sắc riêng sẽ tồn tại trong tâm trí khách hàng mãi mãi. Việc tạo ra một thương hiệu có tích cách độc đáo cùng giọng nói thương hiệu thú vị có thể khiến thương hiệu của bạn trở nên cực kỳ đáng nhớ.


Một số ví dụ điển hình về những thương hiệu đưa sự hài hước vào trong nội dung có thể kể tới Durex, Duolingo hay thậm chí là Diêm Thống Nhất. Những nội dung này không chỉ để lại ấn tượng với khán giả mà còn trở thành hiện tượng lan truyền, được chia sẻ trên web và thúc đẩy doanh số bán hàng.


13.Podcasts

Podcasts là một ngành không mới nhưng đang là một trong những công cụ truyền thông số phát triển bậc nhất hậu kỷ nguyên Covid. Việc bắt đầu xuất bản những podcast về lĩnh vực của thương hiệu (Podcast Industry) kết hợp cùng những người nổi tiếng trong ngành là một cách thú vị để tiếp cận với những thính giả hay khách hàng tiềm năng mới. 


Một số ngành, ví dụ như Marketing đã có sẵn một lượng lớn nhà sáng tạo nội dung thì việc hợp tác với họ để bắt đầu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tự mình phát triển một kênh mới. Trong khi đó với những ngành “đặc thù” hơn, ví dụ như tiêu dùng, bạn chỉ cần một cái tên dễ nhớ và quen thuộc để quảng bá cho kênh của mình.


14.Quảng cáo PPC

Với việc SEO ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, các vị trí tự nhiên trên Google bị thu hẹp, PPC là một giải pháp thông minh để đưa thương hiệu của bạn được tìm thấy trên Google. 


Với một bảng từ khóa được nhắm mục tiêu chi tiết, bạn hoàn toàn có thể xuất hiện trước những tìm kiếm có liên quan từ khách hàng tiềm năng. Ngay cả khi người dùng không nhấp vào quảng cáo của bạn, việc tên thương hiệu được nhìn thấy ở đầu kết quả tìm kiếm sẽ tạo ra ấn tượng nhất định, qua đó dần xây dựng nhận thức về thương hiệu đối với họ.


15.Chiến dịch remarketing

Tiếp thị lại là một chiến lược chuyên nghiệp để nâng cao nhận thức về thương hiệu. Tại sao lại thế? bởi phương pháp này liên quan đến việc hiển thị quảng cáo cho người dùng đã từng truy cập vào trang web của bạn nhưng đã rời đi trước khi phát sinh chuyển đổi. 


Quảng cáo tiếp thị lại được đặt trên khắp các trang web mà khách hàng của bạn truy cập. Họ sẽ sớm nhìn thấy doanh nghiệp của bạn ở khắp mọi nơi – trên các blog yêu thích của họ, khi mua sắm trực tuyến, v.v. Điều này tạo ấn tượng rằng thương hiệu của bạn lớn hơn nhiều (và có ngân sách quảng cáo lớn hơn nhiều) so với thực tế. 


Đặc điểm này biến remarketing trở thành một cách tuyệt vời để tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như gia tăng mức độ nhận diện cho thương hiệu của bạn.


16.Đầu tư quảng cáo xã hội mất phí

Chắc hẳn bạn cũng đã nhận ra rằng việc tiếp thị tự nhiên (Organic Marketing) đang ngày càng trở nên khó khăn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bắt đầu tập trung nhiều hơn vào quảng cáo trả tiền. 


Mức giá quảng cáo cho các chiến dịch tiếp cận (không phải chuyển đổi) trên facebook cũng như X (Twitter) tương đối rẻ và giúp thương hiệu của bạn dễ dàng được hiển thị ngay lập tức trước khách hàng mục tiêu. Cho dù người dùng có chuyển đổi ngay lập tức hay không thì sự quen thuộc qua số lần hiển thị dày đặc đều có giá trị trong việc lan toả nhận diện thương hiệu. 


17.Gây tranh cãi

Mặc dù chiến lược này không dành cho tất cả thương hiệu, nhưng một cách để khiến thương hiệu của bạn được chú ý là gây tranh cãi. 


Việc đưa ra một quan điểm không theo “lẽ thường tình” về một chủ đề nóng hổi của ngành sẽ giúp thương hiệu thu hút khá nhiều sự chú ý. Sự chú ý tốt hay xấu phụ thuộc vào chủ đề và cách tiếp cận của bạn. Tất nhiên đây có thể là con dao hai lưỡi nếu bạn đi quá xa, do đó hãy sử dụng phương pháp này một cách thận trọng.


18.Influencers Marketing

Trở thành đối tác của những người có sức ảnh hưởng lớn luôn là một cách tuyệt vời để gia tăng nhận diện thương hiệu tới một nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể. 


Có một insight thường được các nhãn hàng khai thác đó chính là khách hàng có xu hướng tin vào các đề xuất từ bên thứ ba hơn là từ chính thương hiệu. Do đó, khi bạn hợp tác cùng những người có ảnh hưởng, thương hiệu không chỉ hưởng lợi nhờ lượng “fan” khủng của họ mà còn có khả năng gia tăng sự tin tưởng của họ tới với sản phẩm / dịch vụ của mình. Từ đó có cơ hội tiếp cận tới với cả người thân / bạn bè của chính những fan của người có ảnh hưởng đó. Điều này giúp tiếp thị người có sức ảnh hưởng trở thành một trong những phương pháp dẫn đầu xu hướng, về cả nhận diện thương hiệu lẫn thúc đẩy doanh số.



Thực hiện Bởi: ORI MARKETING AGENCY