Sau một thời gian dài bão hòa, các chương trình truyền hình đang dần tạo được tiếng vang trở lại và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các khán giả Việt. Trước sức nóng đó, các nhãn hàng cũng đã nhanh chóng tận dụng sức ảnh hưởng của các gameshow thông qua việc trở thành nhà tài trợ đồng hành. 


Các màn tài trợ nổi bật trong thời gian gần đây


Milo x Chiến binh tí hon


“Chiến binh tí hon” là chương trình truyền hình thực tế thể thao được sản xuất bởi nhà sản xuất Đông Tây Promotion với thông điệp “Cùng thể thao rèn ý chí”. Chương trình có sự tham gia của 24 em nhỏ và 8 nghệ sĩ với vai trò đội trưởng: Hari Won, Khả Như, Puka, Gin Tuấn Kiệt, Ngọc Phước, Chí Thiện, Lâm Vỹ Dạ và Lê Lộc.


Thông qua việc tự tạo ra một “Thế vận hội Olympic”, chương trình đã mang đến cơ hội cho các đội trưởng và trẻ em được trải nghiệm cuộc sống tập thể, rèn luyện thi đấu các bộ môn thể thao khác nhau. Từ đó, các em được nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần tự lập và rèn luyện ý chí nỗ lực bền bỉ. Bên cạnh đó, hoạt động đội nhóm cũng giúp các em biết quan tâm, chăm sóc mọi người xung quanh, tăng cường kết nối và học được cách tin tưởng đồng đội khi thi đấu. 


Có thể thấy, “Chiến binh tí hon” là một chương trình truyền hình rất “matching” với Milo - từ đối tượng mục tiêu cho đến thông điệp truyền thông năm 2023 của hãng là “Có chí thì nên” với mục tiêu cùng phụ huynh rèn ý chí cho con qua thể thao. 


“Chiến binh tí hon” với những khoảnh khắc vô tư, hồn nhiên của các em nhỏ đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả (Ảnh: Fanpage Chiến Binh Tí Hon - Dong Tay Promotion)


Hình ảnh các bé vui cười hay bật khóc trước thử thách là những khoảnh khắc vô cùng tự nhiên, gần gũi, dễ chạm đến cảm xúc của người xem. Thay vì truyền tải thông điệp thông qua quảng cáo đơn thuần, các em nhỏ tham gia chương trình, đồng thời cũng là đối tượng mục tiêu của Milo, đã thay nhãn hàng thể hiện điều đó. Thông qua các hoạt động, nhãn hàng tiếp cận khán giả một cách thân thiện và dễ chịu. Các thử thách của trẻ cũng góp phần giúp truyền tải thông điệp về ý chí một cách thuyết phục hơn.


Thông điệp của nhãn hàng được lồng ghép qua slogan của đội thi Mèo Ngầu, giải thưởng cá nhân “Chiến binh ý chí” và những khoảnh khắc các bé vượt qua thử thách (Ảnh: YouTube Đông Tây Promotion Official)


Vinamilk Sure Prevent Gold x Có hẹn cùng thanh xuân


Sau thành công của chiến dịch Vu Lan 2023 khi thành công lọt vào bảng xếp hạng BSI Top 10 Campaign tháng 08/2023 của Buzzmetrics, Vinamilk Sure Prevent Gold tiếp tục tài trợ cho chương trình truyền hình thực tế “Có hẹn cùng thanh xuân”. Chương trình được VTV tổ chức sản xuất với sự tham gia của nhà báo Lại Văn Sâm, nhà ngoại giao Lại Ngọc Đoàn, NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hồng Đào và nghệ sĩ Thanh Thủy. Tập đầu tiên của chương trình đã được phát sóng vào tối ngày 22/10 vừa qua. 


Các nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ được trải nghiệm những thử thách mới lạ mà họ chưa từng thực hiện trước đây cùng với những người bạn thời thanh xuân của mình. Thông qua các trò chơi, người tham gia như được trở lại tuổi trẻ của mình - không sợ hãi, không âu lo, sẵn sàng đương đầu thử thách mới.


Sản phẩm Vinamilk Sure Prevent Gold được lồng ghép vào nội dung chương trình trong các tình huống khá tiệm cận với thực tế. Ví dụ như nhà báo Lại Văn Sâm sử dụng sữa để bổ sung dinh dưỡng trước khi bay đường dài, hay nghệ sĩ Thanh Thuỷ để sẵn sữa trong túi để phòng hờ đói bụng khi hoạt động ngoài trời,… Với mục tiêu chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện, Vinamilk Sure Prevent Gold không chỉ chứng minh sản phẩm của hãng có thể hỗ trợ thể chất, bổ sung dinh dưỡng mà bên cạnh đó, thương hiệu còn góp phần mang đến những nội dung thú vị phục vụ người dùng. 


So với Milo trong “Chiến binh tí hon”, tần suất xuất hiện của Vinamilk Sure Prevent Gold thấp hơn nhưng thông điệp vẫn được đề cập trực diện 


Herbalife x Sinh viên thế hệ mới 2023


Cũng như “Có hẹn cùng thanh xuân”, “Sinh viên thế hệ mới 2023” là một chương trình hoàn toàn mới của VTV. Tại đây, các nhóm sinh viên đại diện cho trường Đại học của mình tham gia chương trình bằng cách xây dựng các dự án hướng đến cộng đồng. Chương trình có sự kết hợp của 2 thể loại là “show trình diễn” - nơi các đội thể hiện tài năng để giới thiệu ý nghĩa của dự án và “truyền hình thực tế” - khi các đội bắt tay triển khai dự án của mình.


Ảnh: Fanpage Đồng hành Sinh viên Thế hệ mới


Herbalife là một doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội. Nhãn hàng đã đồng hành cùng nhiều sự kiện thể thao, dự án hướng đến sức khỏe cộng đồng và từng nhận giải thưởng Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp 2022 thông qua những nỗ lực của mình. Mục tiêu và định hướng đóng góp cho cộng đồng là điểm giao giữa nhãn hàng Herbalife và “Sinh viên thế hệ mới 2023”. Ông Vũ Văn Thắng - Tổng Giám Đốc Herbalife Việt Nam và Campuchia cho biết: “Chương trình hợp tác này phù hợp với cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đồng hành cùng các dự án giúp nâng cao sức khỏe thể chất và trí tuệ.” 


Tại sao các thương hiệu lại lựa chọn tài trợ cho các chương trình truyền hình?


1. Xây dựng độ nhận diện thương hiệu


Đầu tiên, việc hiển thị logo hoặc banner quảng cáo của nhãn hàng xuyên suốt nội dung chương trình là một cách hiệu quả để thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu. Xuất hiện bằng nhiều phương thức khác nhau xen lẫn trong suốt thời lượng chương trình, nhãn hàng đã gợi nhắc liên tục với khán giả, giúp họ cảm thấy quen thuộc với hình ảnh, thông điệp và từ đó ghi nhớ tên tuổi thương hiệu. 


Tần suất xuất hiện khá cao của Milo trong chương trình Chiến binh tí hon 

(Ảnh: YouTube Đông Tây Promotion Official)


Không những thế, chiến lược này cũng giúp thông điệp của thương hiệu trở nên gần gũi hơn với người dùng. Thời lượng và không gian của gameshow tạo cơ hội để các thương hiệu đa ngành hàng kể chuyện và trình bày thông điệp rõ ràng, chi tiết hơn - điều mà các TVC và hoạt động truyền thông khác có thể chưa chạm được đến với khán giả.


Trước đó, Pepsi và Lay's ghi dấu ấn thành công qua Rap Việt với thông điệp “Sảng Khoái Tột Đỉnh, Bung Hết Chất Mình” và “Lay's giòn bùng vị, rap hay bùng nổ” (Ảnh: Rap Việt - Vie Channel)


2. Tạo kết nối với khách hàng thông qua giá trị chung


Ngoài ra, nội dung chương trình còn góp phần chứng minh nhãn hàng và người tiêu dùng đang có những điểm giao nhau về mối quan tâm, mục tiêu,… Qua đó, các thương hiệu tạo cho khách hàng cảm giác rằng thương hiệu đại diện cho những giá trị quan trọng đối với họ. Khi thương hiệu và khách hàng có các giá trị chung, mối quan hệ giữa đôi bên sẽ có khả năng kéo dài, vượt lên trên một giao dịch bình thường. Điều này giúp thương hiệu duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài với khách hàng.


Trong quá trình tài trợ, thương hiệu có thể thu thập thêm dữ liệu, thông tin về sở thích, thói quen của người dùng mục tiêu thông qua các hoạt động tương tác của họ: bình luận, chia sẻ quan điểm hay lượt xem các tập phát sóng,... Từ đó, thương hiệu có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nhu cầu của người dùng, lưu trữ nguồn dữ liệu để tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn, tăng cơ hội bán hàng và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.


Bên cạnh đó, chương trình truyền hình thường thu hút đa dạng đối tượng. Như vậy, nhãn hàng không chỉ có cơ hội tiếp cận gần hơn với đối tượng mục tiêu mà còn có thể tạo ấn tượng với các tệp khách hàng tiềm năng khác.


3. Tăng tần suất tiếp xúc với người xem thông qua phát sóng đa kênh


Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, cách thức các chương trình truyền hình tiếp cận với khán giả cũng dần thay đổi. Không chỉ được phát trên sóng truyền hình, các chương trình mà còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội cũng như ứng dụng độc quyền của đơn vị sản xuất. Điều này giúp người dùng có thể xem ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Bên cạnh đó, với mục tiêu truyền thông cho chương trình, nội dung các video còn được cắt thành các đoạn ngắn và đăng tải trên các kênh mạng xã hội để thu hút người xem.


Mặt khác, nhờ vào việc có thể chủ động trong việc đón xem các chương trình, nhiều khán giả cũng có xu hướng “cày đi cày lại” để thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân hoặc giải trí “tạm” trong lúc chưa tìm ra chương trình khác phù hợp với sở thích. Nhờ vào đó, thông điệp của thương hiệu được hiển thị nhiều lần và tiếp xúc với người xem trong một thời gian dài.


Các thương hiệu cần lưu ý gì khi lựa chọn tài trợ chương trình truyền hình?


Mức độ phù hợp giữa thương hiệu và chương trình


Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất khi một nhãn hàng cân nhắc tài trợ cho một chương trình truyền hình. Mức độ phù hợp giữa thương hiệu và chương trình cao giúp nhãn hàng tiếp cận đúng tệp khán giả, hỗ trợ thực hiện mục tiêu truyền thông và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với người xem.


Song nếu nội dung không phù hợp với giá trị hoặc hình ảnh của nhãn hàng, việc tài trợ có thể khiến người dùng nhầm lẫn thông điệp, khiến nhãn hàng có nguy cơ mất đi mức độ nhận diện hoặc lãng phí nguồn lực, ngân sách mà không mang lại hiệu quả về mặt truyền thông. 


Tần suất và cách thức xuất hiện thương hiệu


Nhãn hàng cần có chiến lược rõ ràng trong việc xác định vị trí, thời lượng, và cách thức quảng cáo được lồng ghép trong nội dung chương trình. Điều này đảm bảo rằng quảng cáo được trình bày một cách hợp lý để thu hút sự chú ý của khán giả. Bên cạnh đó, việc xuất hiện với tần suất phù hợp giúp khán giả không lãng quên thương hiệu nhưng cũng không bị “làm phiền” và đánh mất thiện cảm với nhãn hàng. 


Ngoài ra, việc cân nhắc đánh giá hiệu suất tài trợ nên được nhãn hàng thực hiện trước và cả trong quá trình phát sóng chương trình để có thể tiến hành thay đổi chiến lược trong trường hợp cần thiết nhằm tối ưu hóa kết quả.


Hà Duyên


Cập nhật những thông tin mới nhất về thương hiệu bằng cách đăng ký Newsletter!