Từ một trò đùa nhỏ của hai nhà sáng lập vào năm 1998, đến nay, Google Doodle - các tác phẩm kỷ niệm và tôn vinh những ngày lễ, nhân vật, vấn đề trên thế giới trên trang chủ của công cụ tìm kiếm đã trở thành một liên doanh chủ chốt làm nên tên tuổi của Google trong suốt 25 năm qua.


Chú trọng vào tính nhất quán là một trong những nguyên tắc cơ bản khi xây dựng hệ thống thương hiệu (brand system) của bất kì một doanh nghiệp nào, đảm bảo người dùng nhận ra thương hiệu một cách nhanh chóng. Chính vì thế mà việc tạo ra sự thay đổi trong logo Google được xem như một nước đi khá táo bạo của thương hiệu vào thời điểm đó.


Chia sẻ với TIME, ông Dennis Hwang - Nhà thiết kế chính của Doodle cho biết: “Trong những năm đầu, đây là một điều gây ra tranh cãi. Nếu bạn đọc bất kỳ loại sách chuyên môn nào về marketing hoặc branding, đa phần lý thuyết đều nhấn mạnh về sự nhất quán của thương hiệu, dù là bất kể lý do gì. Nhưng Larry và Sergey (hai nhà đồng sáng lập của Google) đã nói rằng: ‘Tại sao lại không? Chúng ta nên thoải mái và vui vẻ hơn với vấn đề này”.


Kết quả, chiến lược của Google đã thành công chứng minh rằng tính nhất quán không phải lúc nào cũng là nguyên tắc tối quan trọng trong xây dựng thương hiệu. Việc linh hoạt “biến hóa” logo thành nhiều phiên bản khác nhau thông qua Doodle không chỉ giúp thương hiệu trở nên sống động và thú vị hơn trong mắt người dùng mà còn giúp “gã khổng lồ” tìm kiếm củng cố định vị thương hiệu như một cổng thông tin tức thời, liên tục được đổi mới và phù hợp với chuyển động nhanh chóng của thời đại.




Vậy đâu là những yếu tố làm nên sự sức hút của Google Doodle? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!


Mang lại giá trị và trải nghiệm thú vị cho người dùng


Không đơn thuần được sử dụng để đổi mới hình ảnh thương hiệu, mục tiêu cốt lõi của Google Doodle là tạo ra giá trị, kiến thức và trải nghiệm toàn diện cho người dùng trong quá trình tìm kiếm thông tin. Doodle sử dụng nhiều đồ vật, hình vẽ và tranh vẽ độc đáo để kích thích sự tò mò của người dùng, truyền cảm hứng và thúc đẩy họ tìm kiếm thông tin cũng như chia sẻ những kiến thức xoay quanh các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho đất nước nói riêng và nhân loại nói chung. 


Đơn cử như ngày 28/02/2019, Google thay đổi biểu tượng bằng hình ảnh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân sinh nhật lần thứ 80 của ông. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Google Doodle vinh danh một người Việt trên trang chủ tìm kiếm tiếng Việt. Trong thông cáo, “ông lớn” tìm kiếm cho biết: “Với một di sản để lại cho làng âm nhạc Việt Nam gồm hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng tích cực đón nhận và yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong làng nhạc Việt, và là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhạc của Trịnh Công Sơn giàu triết lý và sâu sắc, với dấu ấn rất riêng trong tư tưởng và ca từ, thể hiện tình yêu to lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hoà bình cùng những bản tình ca nồng nàn, sâu lắng”.



Ngoài ra, khi tương tác với Doodle của cố nhạc sĩ, người dùng cũng được cung cấp thêm nhiều thông tin xoay quanh đến cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của ông tại thị trường Việt Nam lẫn quốc tế. Không chỉ làm cho các khán giả thuộc Gen X, Millennials bồi hồi xúc động, sự kiện này cũng khiến cho nhiều người trẻ cảm thấy thích thú, tò mò và tạo động lực để họ tìm hiểu thêm về nền văn hoá nghệ thuật nước nhà.


Bên cạnh việc cung cấp thông tin, nền tảng cũng chú trọng tạo ra trải nghiệm tương tác thú vị cho người dùng. Tuỳ từng chủ đề và sự kiện mà Google theo đó sẽ có cách hiển thị Doodle độc đáo mang màu sắc rất riêng. Đôi khi là những bức vẽ nguệch ngoạc gợi nhiều liên tưởng, những bức ảnh tĩnh được thiết kế chỉn chu, những tấm ảnh động (gif) có câu chuyện cụ thể hay thậm chí là những mini game kích thích tương tác và giữ chân người dùng.


Đầu năm nay, nhằm tôn vinh món trà sữa trân châu nổi tiếng thế giới, Google đã thay ảnh đại diện trên trang chủ bằng một Doodle đặc biệt dưới dạng mini game, cho phép người dùng "nhập vai" một nhân viên pha chế tự tay làm món trà sữa trân châu theo yêu cầu của khách hàng. "Bạn thích vị trái cây độc đáo hay vị sữa ngọt ngào? Còn nhiều sự kết hợp vô tận khác! Trò chơi tương tác Doodle hôm nay nói về món trà sữa trân châu (bubble tea, hay còn được gọi là boba tea, pearl milk tea). Trà sữa trân châu đã trở nên phổ biến trên toàn cầu đến mức nó được công nhận là một biểu tượng cảm xúc mới vào ngày này năm 2020", Google Doodle viết trong phần giới thiệu.



Theo đó, người chơi chỉ cần nhấn và giữ chuột để thêm các nguyên liệu cần thiết như sữa, trà, topping,... Mỗi khi hoàn thành xuất sắc một bước trong công đoạn pha chế, người chơi sẽ được thưởng 1 sao. Nếu hoàn thành cả 3 bước pha chế, người chơi sẽ được thưởng 3 sao. Để chiến thắng trò chơi này, người dùng Google cần phục vụ đồ uống cho 5 khách hàng và sau đó có thể chia sẻ thành tích mình đạt được với bạn bè. Có thể nói, cách sáng tạo đánh trúng insight giới trẻ của Doodle đã góp phần thúc đẩy tương tác, đồng thời tạo ra trải nghiệm thú vị và gia tăng cảm xúc tích cực của người dùng trên nền tảng.



Tận dụng chủ đề mang tính thời điểm


Được mệnh danh là "cuốn lịch sáng tạo", yếu tố chính làm nên sức hút của Google Doodle nằm ở cách nền tảng này cập nhật những sự kiện và kiến thức thú vị trên người dùng. Nguồn cảm hứng của Google Doodle không dừng lại ở các sự kiện lớn trên thế giới mà còn được tối ưu hoá theo lịch sử và văn hoá của từng quốc gia nhằm thu hút sự chú ý của người dân bản địa. Tại Việt Nam, Google Doodle thường xuyên thay đổi hình ảnh trang chủ nhằm tôn vinh những niềm tự hào của dân tộc, từ ẩm thực, sự kiện văn hoá, lễ kỷ niệm cho đến các nhân vật có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước.

Doodle dịp Lễ Quốc Khánh 2023

Doodle tôn vinh phở Việt Nam ngày 12/12

Doodle nhân ngày tôn vinh nghệ thuật Cải lương

Kỷ niệm 77 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh


Năm 2020, để kỷ niệm 9 năm kể từ ngày "banh mi" chính thức được đưa vào từ điển Oxford, "gã khổng lồ" tìm kiếm đã công bố Doodle Bánh Mì với hình ảnh động của ổ bánh mì Việt và quầy bánh mì truyền thống trên trang chủ Google của 10 quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Singapore, Úc, Pháp, Thuỵ Sĩ,... Qua đó, Google không chỉ chếm trọn cảm tình của người dân bản địa mà còn góp phần quảng bá món ăn truyền thống cũng như nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới.


"Ổ bánh mì Việt Nam được sinh ra từ một cuộc giao thoa văn hóa Pháp - Việt. Một ổ baguette dài với thịt nguội và bơ hoặc phômai đã được thay đổi, thêm thắt, chuyển hóa thành ổ bánh mì nhỏ hơn, và thêm các nguyên liệu mang đầy đủ tâm hồn Việt: rau thơm, hành, ngò, patê, thịt heo hoặc gà, chút nước xốt từ thịt, rắc muối, tiêu và cả ớt miếng, mang đủ các vị", Google giới thiệu về món bánh mì trứ danh của dân tộc.


Tạo "đất" sáng tạo cho người dùng để thúc đẩy UGC


Năm 2013, Google công bố đã có hơn 4.000 bản vẽ doodle và đến thời điểm hiện tại, dù không công bố chính xác số lượng nhưng ắt hẳn ai cũng biết rằng con số đó đã tăng lên gấp nhiều lần. Bên cạnh Dennis Hwang là người tiên phong trong nhóm sáng tạo Doodle, Google còn cho phép các nghệ sĩ và người dùng thông thường đóng góp vào các tác phẩm sáng tạo trên trang chủ.


Năm 2022, Google tổ chức cuộc thi vẽ tranh "Doodle for Google" dành cho lứa tuổi từ mẫu giáo đến hết lớp 12 trên toàn cầu thoả sức sáng tạo và đóng góp những tác phẩm Doodle độc đáo cho trang chủ công cụ tìm kiếm. Cuộc thi được diễn ra trong suốt 3 tháng (từ tháng 03/2022 - tháng 06/2022) với chủ đề đầy ý nghĩa "Tôi tự chăm sóc bản thân mình bằng..." vào thời điểm sức khoẻ tinh thần trở thành một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.


Doodle for Google 2022 national voting is now open - 9to5Google


Kết quả, tác phẩm được vinh danh giải nhất trong cuộc thi năm đó mang tên "Not Alone" (tạm dịch: Tôi không cô đơn) đến từ nữ sinh trung học Sophie Araque-Liu. Doodle thể hiện hình ảnh người con ôm chặt lấy mẹ của mình, thay thế cho chữ "O" trong Google mang đến cảm giác vẹn tròn và đong đầy đã chạm đến cảm xúc của nhiều người xem. Mô tả về tác phẩm đầy tính nhân văn này, Sophie viết: "Tôi tự chăm sóc bản thân bằng cách chấp nhận sự chăm sóc của người khác dành cho tôi. Thông thường, tôi phải vật lộn để gánh vác mọi thứ một mình và quên rằng tôi có rất nhiều người ở phía sau, như mẹ tôi. Họ là những người luôn sẵn sàng quan tâm và mong muốn giúp đỡ tôi. Mở lòng mình hơn và để những người khác hỗ trợ không chỉ giúp tôi giảm bớt căng thẳng mà còn cho phép tôi thực hiện những việc mà nếu chỉ có một mình, tôi sẽ không bao giờ làm được."


Doodle for Google 2022 - US Winner


Qua đó, tác giả mong muốn mọi người hãy nhớ rằng phía sau họ luôn có những người thân quen sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ và tương trợ họ bất kể khi nào họ cần. "Bạn đáng giá, và bạn luôn xứng đáng với một điều gì đó, như tất cả những người khác" - cô nói.


Thảo Vy