Nửa cuối năm với hàng loạt các ngày lễ như Trung Thu, Black Friday, Cyber Monday, Halloween hay Giáng sinh được xem là “thời cơ vàng” để các thương hiệu đẩy mạnh hoạt động mua bán và kích thích chi tiêu của khách hàng. 


Người tiêu dùng ngày nay hiện diện ở khắp mọi nền tảng và liên tục có sự thay đổi trong hành vi và nơi chốn mua sắm, từ cửa hàng vật lý, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội cho đến các cửa hàng ảo trên nền tảng kỹ thuật số. Vì thế, việc tiếp cận người tiêu dùng trên đúng kênh, vào đúng thời điểm và truyền tải đúng thông điệp sẽ là “chìa khoá” để các thương hiệu thành công bứt phá và gia tăng doanh số vào mùa lễ hội năm nay. 


Vừa qua, Google đã phát hành báo cáo “Holiday Shopping Insight: How to multiply your peak days this season” cung cấp thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong mùa lễ hội, giúp thương hiệu triển khai chiến lược marketing thu hút khách hàng một cách hiệu quả. Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng người mua hàng sẽ có những suy nghĩ và hành vi khác nhau trong suốt mùa lễ hội, bao gồm 4 chữ D: Deliberate (Thận trọng), Deal-Seeking (Tìm kiếm ưu đãi), Determined (Quyết định mua hàng) và Devoted (Trung thành). 


Cùng tìm hiểu chi tiết về 4 hành vi mua sắm qua bài viết sau!


Deliberate (Thận trọng)


Tháng 10 và đầu tháng 11 được xem là khoảng thời gian "thận trọng" bởi khách hàng thường dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và tìm kiếm sản phẩm cho mùa lễ hội. Họ có xu hướng lập danh sách quà tặng, tìm kiếm, đánh giá sản phẩm, nghiên cứu giá cả, tình trạng còn hàng và khuyến mãi từ rất sớm để dàn trải chi tiêu trong nửa cuối năm. Ngoài ra, nhóm người mua sắm theo tư duy thận trọng còn tích cực hoạt động trên mạng xã hội. Báo cáo của Google cho thấy, trung bình, các khách hàng này tiếp xúc với thương hiệu qua 10 điểm chạm để tìm kiếm thông tin và đánh giá các đơn hàng của người khác được truyền cảm hứng bởi Influencer trước khi đưa ra quyết định mua hàng cho bản thân mình. 


Đầu tháng 10 - đầu tháng 11 là khoảng thời gian người tiêu dùng dành nhiều thời gian để nghiên cứu và cân nhắc về ý định mua hàng


Trong giai đoạn này, thương hiệu cần xây dựng chiến lược tiếp cận khách hàng từ rất sớm. Các hoạt động phổ biến của nhóm người mua sắm theo tư duy thận trọng trong đầu mùa lễ hội bao gồm: tìm kiếm ý tưởng quà tặng và tìm đến các Influencer trên YouTube để tham khảo và lấy cảm hứng từ các bài review. Nắm bắt được điều này, các thương hiệu có thể tận dụng các nền tảng video để đẩy mạnh nội dung truyền thông về ý tưởng quà tặng nhằm thu hút khách hàng.


Deal-Seeking (Tìm kiếm ưu đãi)


Tháng 11 với các sự kiện lớn như Lễ Tạ ơn, Black Friday và Cyber Monday là thời điểm người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển thái độ, từ việc thận trọng trong nghiên cứu sản phẩm sang tư duy tìm kiếm ưu đãi khi mua hàng. Tuy nhiên, với đối tượng khách hàng này, giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Thay vào đó, họ còn cân nhắc đến các yếu tố khác như chất lượng và giá trị sản phẩm đã được nghiên cứu ở giai đoạn trước đó, nhằm đảm bảo rằng số tiền bỏ ra xứng đáng với giá trị mà họ nhận được.


Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm khuyến mãi nhiều nhất trong tháng Black Friday


Để tận dụng tối đa tư duy tìm kiếm ưu đãi của khách hàng trong mùa lễ hội, thương hiệu cần đầu tư vào các chương trình marketing đi kèm ưu đãi, giảm giá vào tuần trước Black Friday (thứ 6 đầu tiên sau Lễ Tạ Ơn, thường rơi vào tuần thứ 3 hoặc thứ 4 của tháng 11) và Cyber Monday (thứ 2 đầu tiên sau Lễ Tạ Ơn, thường rơi vào tuần cuối tháng 11) để thúc đẩy doanh số hiệu quả. 


Determined (Quyết định mua hàng)


Đến tháng 12, quyết định mua hàng của người tiêu dùng sẽ được thúc đẩy diễn ra nhanh chóng và quyết liệt hơn. Đây là thời điểm họ có ý định mua sắm cao nhất và sẵn sàng chi tiền để mua quà cho người thân, bạn bè vào dịp lễ Giáng sinh và năm mới.


Giáng sinh và năm mới là thời điểm người tiêu dùng có xu hướng "chốt đơn" nhanh nhất


Nghiên cứu Google/Ipsos Holiday Shopping cũng cho biết sau Black Friday và Cyber Monday là khoảng thời gian người tiêu dùng có sự gia tăng đáng kể trong các hoạt động trực tuyến. Vì thế, đẩy mạnh chiến lược đa kênh để tiếp cận những người mua hàng hoạt động năng nổ trên môi trường kỹ thuật số, đồng thời khuyến khích những người bỏ lỡ khuyến mãi đến mua sắm tại cửa hàng là lời khuyên giúp các thương hiệu gia tăng doanh số trong khoảng thời gian cao điểm của mùa lễ hội.


Devoted (Trung thành)


Đây là khoảng thời gian mùa mua sắm cao điểm đang dần kết thúc, được diễn ra từ sau Giáng sinh đến đầu tháng 1. Mặc dù vậy, những người mua sắm trung thành và tận tâm vẫn sẽ không ngừng tìm kiếm và mua hàng trong thời gian này. Nói cách khác, họ là những khách hàng trung thành với hoạt động mua sắm thay vì chỉ mua sắm theo mùa.


Theo đó, báo cáo của Google cũng chỉ ra rằng những người này có xu hướng mua quà tự thưởng cho bản thân sau kỳ nghỉ lễ. Điều này mở ra những cơ hội mới để thương hiệu kết nối với khách hàng trung thành và tạo đà cho năm mới. Nhóm khách hàng này cũng có nhiều khả năng cân nhắc và tham gia chương trình khách hàng thân thiết khi mua sắm. 


Giữ chân khách hàng qua ứng dụng thành viên là cách để thương hiệu gia tăng lòng trung thành


Đây sẽ là “thời cơ vàng” cho các thương hiệu đang muốn xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng vững chắc thông qua các ứng dụng thành viên. Theo data.ai, trong năm 2022, hai tuần kể từ ngày 25/12 là thời gian có lượt tải xuống ứng dụng lớn nhất trên các cửa hàng iOS và Google Play. Vì thế, việc khuyến khích người tiêu dùng tải ứng dụng của thương hiệu không chỉ tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch mà còn gia tăng cơ hội quay lại sau mua của khách hàng, với 87% nhà bán lẻ đồng ý rằng người dùng ứng dụng của họ trung thành và mang lại giá trị lâu dài cao hơn cho thương hiệu so với những người không sử dụng ứng dụng.


Ngoc Anh Huynh