Âm nhạc có khả năng kích hoạt cảm xúc người nghe, khiến họ cười hoặc khóc, hồi sinh sống động những kỷ niệm trong quá khứ. Trong một nghiên cứu công bố năm 2015, Nielsen cho rằng âm nhạc thậm chí có thể khuyến khích khách hàng mua sắm nếu được cài cắm đúng cách trong quảng cáo. 


Cụ thể, Nielsen đã tiến hành khảo sát 600 quảng cáo truyền hình, 500 trong số đó là quảng cáo có sử dụng âm nhạc. Kết quả khảo sát cho thấy rằng những quảng cáo có nhạc thể hiện tốt hơn ở cả 4 chỉ số: sáng tạo, sự đồng cảm, sức mạnh cảm xúc, và khả năng truyền tải thông tin. 


Quảng cáo có sử dụng nhạc thể hiện tốt hơn ở cả 4 chỉ số: sáng tạo, sự đồng cảm, sức mạnh cảm xúc, và khả năng truyền tải thông tin. 


Trong đó, các bài hát pop nổi tiếng giúp thương hiệu và khán giả gắn kết với nhau về mặt cảm xúc. Nếu muốn đẩy mạnh thông tin, thông điệp và lời kêu gọi, thương hiệu có thể sử dụng nhạc nền không lời. “Trong quảng cáo, việc khán giả ghi nhớ thông tin là rất quan trọng. Tuy nhiên, những kết nối về mặt cảm xúc lại là yếu tố trực tiếp tác động đến quyết định mua hàng. Vì vậy, những quảng cáo tốt nhất là những quảng cáo ‘thắng' cả thông tin và cảm xúc”, Nielsen viết trên website chính thức. 


Nhận thấy ảnh hưởng của âm nhạc lên cảm xúc và hành vi của khách hàng, The Drum đã chia sẻ ý kiến của các chuyên gia về cách chọn nhạc đúng trong quảng cáo. 


Không đợi tới phút chót 


Samira Ansari, Giám đốc sáng tạo tại Deutsch New York nói rằng một số nhà quảng cáo xem việc chọn nhạc là bước cuối cùng trong một dự án. “Thỉnh thoảng, chúng tôi quên béng nó cho tới khâu chỉnh sửa cuối cùng. Chúng tôi thậm chí còn không chi nhiều ngân sách cho âm nhạc”. Cô cho rằng, so với những ích lợi mà âm nhạc tạo ra cho thương hiệu (về doanh thu lẫn nhận diện), nó xứng đáng có được sự đầu tư hơn thế. “Âm nhạc có thể làm thay đổi cả một bộ phim. Và tôi tin với quảng cáo cũng vậy”, Ansari nói. 


“Âm nhạc có thể làm thay đổi cả một bộ phim. Và tôi tin với quảng cáo cũng vậy”, Ansari (bên phải) nói. 


Định hướng cảm xúc rõ ràng


Khi nói về Music Marketing, công thức phổ biến nhất của các thương hiệu là hợp tác với ca sĩ hoặc sử dụng các bài hát nổi bật nhất trong thời điểm đó. Thế nhưng, cách làm này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Matthew Scott, Giám đốc sáng tạo tại The Badger Agency cho biết: “Khoảnh khắc âm nhạc bùng nổ trong quảng cáo là khi có sự hoà hợp giữa giá trị thương hiệu, thông điệp, concept và cả nhạc sĩ”. Theo ông, các marketer nên biết trước họ muốn khán giả cảm thấy gì sau khi xem quảng cáo, từ đó mới chọn ra được thể loại nhạc, bài hát phù hợp. 


Bài hát "Em là hoa hồng nhỏ" không phải nhạc xu hướng hiện hành, nhưng lại tạo hiệu quả về mặt cảm xúc khi đặt trong bối cảnh phim ngắn về Vu Lan của Ensure Gold.


Chọn 1 trong 1.000 


Nếu nói về sự cảm nhạc, không có ai cho marketer lời khuyên tốt hơn chính những nghệ sĩ, ekip làm ra sản phẩm. Jack Epsteen, Phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc sản xuất GSD & M nói: “Lời khuyên của tôi là marketer nên tạo mối quan hệ với các nhà xuất bản, nhân viên công ty thu âm và người điều phối âm nhạc. Có rất nhiều chuyên gia có thể giúp marketer chọn ra bản nhạc hợp với quảng cáo của họ nhất mà không tốn nhiều thời gian". Ngoài ra, Jack Epsteen nghĩ rằng người làm quảng cáo cần chọn lọc kĩ các bản nhạc khác nhau. “Thử qua 1.000 bản trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu của âm nhạc", Jack Epsteen chia sẻ. 


“Thử qua 1.000 bản trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu của âm nhạc".


Không chọn nhạc theo sở thích cá nhân 


Những đánh giá âm nhạc ở mỗi người sẽ khác nhau tuỳ vào sở thích của họ. Vì vậy, một bản nhạc hay với người làm quảng cáo chưa chắc đã “lọt tai" người tiêu dùng. Matt MacDonald, Giám đốc sáng tạo tại BBDO NY kể lại sai lầm tai hại của mình: “Tôi từng chọn nhạc theo sở thích cá nhân mà không biết rằng nó không hợp để làm bài hát chủ đề cho các dự án quảng cáo. Đó là một bài hát tôi thấy rất thú vị, nên muốn chia sẻ với mọi người để họ cũng có cảm xúc giống tôi. Không may, sau khi phát hành, phản ứng của khán giả lại không như kỳ vọng. Một số bình luận để lại rằng “Âm nhạc gì thế này?”. 


Không nên chọn nhạc chủ quan, uỷ thác nội dung âm nhạc cho người không phải chuyên gia.


“Vì vậy, lời khuyên của tôi là đừng bao giờ uỷ thác nội dung âm nhạc cho chính mình, trừ khi bạn là chuyên gia. Nên tin tưởng những người có kiến thức hơn về lĩnh vực này để tiết kiệm thời gian và tránh rủi ro", ông Matt MacDonald nói. 


Nguồn The Drum

Hằng Trần/Advertising Vietnam